Sign In

THÔNG TƯ LIÊN NGÀNH

 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp

hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều

của Bộ luật Tố tụng hình sự

___________________

Để áp dụng thống nhất các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự được Quốc hội khoá IX thông qua ngày 22-12-1992, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp hướng dẫn một số điểm như sau:

1. Về hiệu lực của luật:

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự được Quốc hội thông qua ngày 22-12-1992, đã được Chủ tịch nước công bố ngày 2-1-1993, cho nên kể từ ngày 2-1-1993, các quy định của Luật này được áp dụng trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử.

2. Về việc dẫn giải người làm chứng:

Khoản 4 Điều 43 được bổ sung một khoản mới như sau: "Người làm chứng đã được cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án triệu tập, nhưng cố ý không đến mà không có lý do chính đáng, thì có thể bị dẫn giải".

Trường hợp người làm chứng "cố ý không đến mà không có lý do chính đáng" là trường hợp người làm chứng được triệu tập theo đúng quy định tại Điều 109, không gặp khó khăn, trở ngại đến mức không thể có mặt theo giấy triệu tập được (như không bị ốm đau, tai nạn hay rủi ro khác) và đã được báo trong giấy triệu tập của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án là nếu cố ý không có mặt theo giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng thì có thể bị dẫn giải, nhưng vẫn cố ý không đến theo giấy triệu tập.

Khi áp dụng quy định nói trên, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án cần chú ý là Bô luật hình sự cũng quy định việc có thể lấy lời khai của người làm chứng tại chỗ ở của người đó (khoản 1 Điều 110), "nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở cơ quan điều tra thì chủ toạ phiên toà công bố những lời khai đó. Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng vắng mặt thì tuỳ trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà hoặc vấn tiến hành xét xử" (Điều 167). Do đó, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án chỉ được ra quyết định dẫn giải người làm chứng khi người làm chứng cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và nếu họ vắng mặt thì trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc phải hoãn phiên toà.

Trong trường hợp Viện kiểm sát hoặc Toà án ra quyết định dẫn giải người làm chứng thì quyết định đó được gửi cho Thủ trưởng cơ quan Công an cung cấp. Cơ quan Công an có trách nhiệm dẫn giải người làm chứng đến đúng thời gian, địa điểm ghi trong quyết định dẫn giải và không được đối xử thô bạo với người làm chứng (như khoá tay hay có lời nói, việc làm xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự... của người làm chứng). Cơ quan Công an có trách nhiệm bảo đảm sự có mặt của người làm chứng bị dẫn giải cho đến khi họ được lấy lời khai xong. Cơ quan ra lệnh dẫn giải người làm chứng có trách nhiệm thanh toán tiền tàu xe, ăn ở (nếu có) cho người làm chứng và bảo đảm các quyền lợi hợp pháp khác của họ.

Việc dẫn giải người làm chứng đến cơ quan điều tra trong quân đội, Viện kiểm sát quân sự, Toà án quân sự do lực lượng cảnh vệ của Quân đội đảm nhiệm.

3. Về việc kê biên tài sản

a) Trước đây, lệnh kê biên tài sản của những người được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 62 (như trưởng công an, Phó trưởng Công an cấp huyện...) phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Nay theo đoạn 2 khoản 1 Điều 121 mới được sửa đổi, thì lệnh kê biên tài sản của những người được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 62 phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành mà không phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát cùng cấp như trước đây.

b) Khi điều tra các tội phạm mà Bộ luật hình sự có quy định hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung là phạt tiền hay có thể phạt tiền, tịch thu hay có thể tịch thu tài sản của người phạm tội, thì cơ quan điều tra cần kê biên tài sản của họ theo đúng quy định tại Điều 121, để Toà án có căn cứ xem xét khi quyết định hình phạt và để bảo đảm cho việc thi hành án.

4. Về việc bắt giam người bị kết án tại phiên toà phúc thẩm.

Điều 215a được bổ sung một quy định mới như sau: "Đối với bị cáo không bị tạm giam, nhưng bị phạt tù thì Toà án quyết định bắt giam ngay, trừ các trường hợp quy định tại Điều 231 của Bộ luật này". Do đó, từ nay về sau, đối với bị cáo không bị tạm giam và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 231, thì trong bản án phúc thẩm, Hội đồng xét xử phải quyết định bắt giam bị cáo ngay sau khi tuyên án. Khi tuyên án xong, Toà án cấp phúc thẩm phải giao ngay bản trích lục bản án phúc thẩm cho cơ quan Công an và người bị kết án để thi hành. Đồng thời, sau khi kết thúc phiên toà án đã xử sơ thẩm vụ án đó biết là người bị kết án đã bị bắt giam, Toà án cấp sơ thẩm ra ngay quyết định thi hành án theo quy định tại Điều 226.

Để thực hiện quy định trên đây, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án để chuẩn bị cho việc xét xử phúc thẩm, đối với bị cáo đang được tại ngoại, nếu thấy có đủ căn cứ để kết án phạt tù và bị cáo không thuộc trường hợp có thể được hưởng án treo, cũng không thuộc trường hợp có thể được hoãn thi hành hình phạt tù theo quy định tại Điều 231, thì Toà án cấp phúc thẩm cần trao đổi trước với cơ quan Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Toà án sẽ mở phiên toà xét xử vụ án để cơ quan Công an chuẩn bị người, phương tiện cần thiết cho việc bắt giam ngay người bị kết án khi có quyết định của Toà án cấp phúc thẩm.

5. Về việc tiếp tục tạm giam bị cáo trong trường hợp Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại, xét xử lại.

Điều 222 mới được bổ sung khoản 4 như sau: "Trong trường hợp huỷ án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại mà thời hạn tạm giam đối với bị cáo đã hết và xét thấy việc tiếp tục tạm giam bị cáo là cần thiết, thì Toà án cấp phúc thẩm ra lệnh tạm giam cho đến khi cơ quan điều tra hoặc Toà án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày huỷ án sơ thẩm, hồ sơ vụ án phải được chuyển cho cơ quan điều tra hoặc Toà án cấp sơ thẩm để giải quyết theo thủ tục chung".

Theo quy định mới bổ sung này, từ nay về sau trong trường hợp Toà án cấp phúc phẩm huỷ án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại mà thời hạn tạm giam bị cáo đã hết, và xét thấy việc tạm giam bị cáo là cần thiết thì trong bản án phúc thẩm Hội đồng xét xử phải quyết định tiếp tục tạm giam bị cáo cho đến khi cơ quan điều ta hoặc Toà án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án. Ngay sau khi kết thúc phiên toà, Toà án cấp phúc thẩm phải gửi ngay bản trích lục bản án phúc thẩm cho cơ quan công an và bị cáo để thi hành.

Cơ quan điều tra hoặc Toà án cấp sơ thẩm khi nhận được hồ sơ vụ án do Toà án cấp phúc thẩm chuyển đến phải xem xét và có quyết định ngay việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo theo thủ tục chung.

6. Về việc tiếp tục tạm giam bị cáo trong trường hợp Toà án cấp giám đốc thẩm huỷ án để điều tra lại, xét xử lại

Điều 256 được bổ sung một đoạn mới vào cuối điều như sau: "Trong trường hợp huỷ bản án hoặc quyết định bị kháng nghị để điều tra lại hoặc để xét xử lại và xét thấy việc tiếp tục tạm giam bị cáo là cần thiết, thì Hội đồng giám đốc thẩm ra lệnh tạm giam cho đến khi Viện kiểm sát hoặc Toà án thụ lý lại vụ án". Do đó, từ nay về sau trong trường hợp Toà án cấp giám đốc thẩm huỷ bản án hoặc quyết định để điều tra lại hay để xét xử lại vụ án mà thấy việc tiếp tục tạm giam bị cáo là cần thiết, thì trong quyết định giám đốc thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm phải quyết định tiếp tục tạm giam bị cáo cho đến khi Viện kiểm sát hoặc Toà án thụ lý lại vụ án. Hội đồng giám đốc thẩm phải gửi ngay bản trích lục quyết định giám đốc thẩm cho Trại giam và cho bị cáo để thi hành.

7. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Bộ Nội vụ

Bộ Tư pháp

Thứ trưởng

Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Phạm Tâm Long

Nguyễn Ngọc Hiến

Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Toà án nhân dân tối cao

Phó Viện trưởng

Phó Chánh án

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Thị Ngọc Khanh

Trịnh Hồng Dương