CHỈ THỊ
Về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
và dự toán ngân sách địa phương năm 2007
Thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 12/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2007. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ tỉnh Bình Định về phương hướng nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2006 – 2010 với mục tiêu tăng dần GDP/người của tỉnh đến năm 2010 đạt trên 900 USD; tạo mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh phù hợp với Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ đến năm 2010 và Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ngày 13/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, UBND các huyện, thành phố quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ tỉnh Bình Định và kế hoạch 05 năm 2006 – 2010, tiếp tục đổi mới trên tất cả các mặt, từ tư duy chỉ đạo cải cách kinh tế đến nội dung, phương pháp xây dựng kế hoạch; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế; trước mắt cần tập trung, triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách địa phương năm 2007 với những yêu cầu và nội dung chủ yếu sau:
A. MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH NĂM 2007
I. Mục tiêu và nhiệm vụ:
Năm 2007 là năm thứ hai triển khai thực hiện phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2006 - 2010, là năm có tầm quan trọng, tạo đà cho việc hoàn thành các mục tiêu của 05 năm 2006 - 2010 và hội nhập kinh tế quốc tế đạt hiệu quả.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện tốt các mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) trên 13%. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; phấn đấu đạt giá trị gia tăng ngành công nghiệp và xây dựng tăng trên 23% (giá trị sản xuất tăng trên 24%), giá trị gia tăng ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trên 6% (giá trị sản xuất tăng trên 5,5%). Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để giảm chi phí và nâng cao chất lượng hoạt động của các ngành dịch vụ; nâng cao chất lượng hoạt động nội thương, đặc biệt chú trọng phát triển mạng lưới phân phối trong điều kiện hội nhập; tổ chức lại thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh; phấn đấu tăng giá trị gia tăng ngành dịch vụ lên 14%; kim ngạch xuất khẩu trên 300 triệu USD. Tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững trong năm 2007 và tiếp tục tăng trưởng nhanh trong những năm tiếp theo. Tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
2. Huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội. Thu hút mạnh hơn vốn đầu tư của khu vực dân doanh, vốn đầu tư ngoài tỉnh và vốn đầu tư nước ngoài. Nâng cao hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Gắn việc triển khai thực hiện Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với việc chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư và xây dựng. Tổ chức lại một số Ban quản lý dự án; từng bước chấm dứt tình trạng khép kín trong đầu tư và xây dựng; tăng cường công tác giám sát, thanh tra nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tham ô, lãng phí, bảo đảm chất lượng của công trình.
3. Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa các lĩnh vực xã hội, tạo điều kiện khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực này.
Đổi mới quản lý nhà nước, mở rộng quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao; tạo chuyển biến rõ nét về phát triển giáo dục và đào tạo; từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo. Thực hiện các chính sách tạo việc làm, phát triển hệ thống dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với cơ cấu hợp lý; kiểm soát tốc độ tăng dân số.
Giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc, đặc biệt là tình trạng tội phạm, ma túy, tai nạn giao thông.
4. Giảm ô nhiễm môi trường, khắc phục và cải thiện chất lượng môi trường, giải quyết cơ bản tình trạng suy thoái môi trường ở khu vực các nhà máy, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đông dân cư.
Nâng cao năng lực phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, ứng cứu kịp thời và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Sử dụng hợp lý, có hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, môi trường ở các lưu vực sông, bảo đảm giữ cân bằng sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và giữ gìn đa dạng sinh học. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức về môi trường; coi gìn giữ và bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội.
5. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao đạo đức và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức và cải cách tài chính công. Thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí; củng cố lòng tin của nhân dân, doanh nghiệp đối với bộ máy quản lý nhà nước.
6. Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là các khu vực miền núi giáp ranh, hải đảo; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý xã hội tạo môi trường chính trị ổn định cho phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
II. Nhiệm vụ về dự toán ngân sách địa phương năm 2007:
Các Sở, Ban, các địa phương, các doanh nghiệp nhà nước xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2007 phải theo đúng Luật Ngân sách nhà nước và Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan, trong đó chú ý một số nội dung sau:
1. Dự toán thu ngân sách địa phương năm 2007 phải được tính đúng chính sách, chế độ theo hướng tích cực, bảo đảm khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường; đồng thời thực hiện các giải pháp hiệu quả, hợp lý trong việc tăng cường quản lý thu, chống thất thu, trốn lậu thuế, chống buôn lậu và gian lận thương mại, hạn chế nợ đọng thuế.
Dự toán thu ngân sách địa phương xây dựng với mức phấn đấu tăng tối thiểu 20% so với ước thực hiện năm 2006
2. Dự toán chi ngân sách địa phương được xây dựng căn cứ vào các tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách nhà nước năm 2007 do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Khi xây dựng dự toán và bố trí ngân sách năm 2007, cần chú ý các nội dung sau:
2.1) Tập trung bố trí chi đầu tư phát triển cho các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010, trong đó ưu tiên cho các vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn; chú trọng bố trí vốn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, phát triển nguồn năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn; tiếp tục ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, v.v...
Các Sở, Ban, các địa phương khi bố trí dự toán chi đầu tư phát triển phải bảo đảm thanh toán khoản nợ khối lượng xây dựng cơ bản đã hoàn thành của các công trình; hoàn trả ngân sách nhà nước các khoản đã ứng trước; bảo đảm vốn đối ứng cho các dự án ODA; các công trình, dự án chuyển tiếp (đặc biệt là các dự án, công trình quan trọng, cấp bách, các dự án, công trình xây dựng cơ bản dở dang sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm); bảo đảm đủ vốn cho công tác quy hoạch và chuẩn bị đầu tư. Phần còn lại bố trí cho các dự án, công trình mới thực sự cấp bách và hiệu quả đầu tư cao.
Đảm bảo các tiêu chí bổ sung có mục tiêu để tranh thủ nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương và các khoản bổ sung có mục tiêu khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
2.2) Căn cứ định mức phân bổ ngân sách nhà nước năm 2007, xây dựng dự toán chi phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, văn hóa, y tế, môi trường, khoa học - công nghệ, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, chi quản lý hành chính nhà nước, hoạt động của Đảng, các đoàn thể; bảo đảm bố trí chi ngân sách địa phương cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo năm 2007 (bao gồm cả chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và chi cải cách tiền lương) đạt 20% tổng chi ngân sách địa phương; lĩnh vực văn hóa thông tin đạt 1,5%; lĩnh vực khoa học và công nghệ đạt 2%; hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường trên 1%.
Trong quá trình xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2007, các Sở, Ban, các địa phương phải gắn với việc thực hiện Nghị định 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với tất cả các cơ quan nhà nước; đối với các đơn vị sự nghiệp công lập phải gắn với việc thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
2.3) Về dự toán chi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình 135 (giai đoạn II), dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng; căn cứ danh mục các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006 – 2010 đã được xác định, các Sở, các cơ quan quản lý Chương trình phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể và dự toán cho năm 2007 của các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình 135 (giai đoạn II), dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ quản lý chuyên ngành.
2.4) Tiếp tục bố trí ngân sách và huy động các nguồn tài chính khác theo quy định để thực hiện cải cách tiền lương theo Đề án cải cách chế độ tiền lương.
Sở Tài chính hướng dẫn các Sở, Ban, các cơ quan trực thuộc tỉnh, các địa phương và các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước chủ động thực hiện đầy đủ, đúng quy định các biện pháp tạo nguồn cải cách tiền lương theo hướng: dành một phần nguồn thu được để lại năm 2007 theo chế độ hiện hành để thực hiện; tiết kiệm tối thiểu 10% chi thường xuyên năm 2007 (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương); chuyển các nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm trước chưa sử dụng hết (nếu có) sang năm 2007 để tiếp tục thực hiện; ngân sách địa phương sử dụng tối thiểu 50% tăng thu hàng năm, đồng thời sử dụng nguồn tăng thu các năm trước chưa sử dụng hết chuyển sang (không kể tăng thu tiền sử dụng đất) để thực hiện cải cách tiền lương năm 2007. Sau khi đã sử dụng các nguồn trên mà còn thiếu, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ cho các Sở, Ban, các cơ quan trực thuộc tỉnh và các địa phương, bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.
2.5) Đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thực hiện lập dự toán đầy đủ theo đúng trình tự, quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn, các Nghị định của Chính phủ về quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản, về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Trong đó chú ý lập chi tiết vốn ODA, vốn đối ứng cho từng chương trình, dự án, theo tính chất nguồn vốn chi đầu tư xây dựng cơ bản và chi sự nghiệp, bảo đảm phù hợp với tiến độ thực hiện.
2.6) Trong quá trình lập dự toán ngân sách năm 2007, các Sở, Ban, các địa phương và các đơn vị dự toán các cấp ngân sách chịu trách nhiệm trong việc chủ động, dự kiến đầy đủ các nhu cầu chi thực hiện chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới (nếu có); không để xảy ra tình trạng sau khi dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao, thiếu kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, các chế độ chính sách đã ban hành và các nhiệm vụ mới phát sinh.
3. Về xây dựng dự toán ngân sách địa phương các cấp.
Năm 2007 là năm đầu tiên của thời kỳ ổn định ngân sách mới theo quy đinh của Luật Ngân sách nhà nước; dự toán ngân sách địa phương năm 2007 được xây dựng theo hướng đảm bảo sự phát triển ngân sách địa phương, tăng khả năng tự cân đối, giảm số bổ sung từ ngân sách cấp trên hoặc tăng tỷ lệ phần trăm (%) điều tiết số nộp về ngân sách cấp trên so với thời kỳ ổn định trước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Dự toán ngân sách địa phương các cấp năm 2007 phải xây dựng trên cơ sở bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của ngân sách nhà nước năm 2007, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn, đồng thời lưu ý một số nhiệm vụ sau:
3.1) Xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: căn cứ mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010 đã được Đại hội Đảng các cấp thông qua, khả năng thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2006, dự báo tăng trưởng kinh tế và nguồn thu năm 2007 đối với từng ngành, từng lĩnh vực, các cơ sở kinh tế trên địa bàn và những nguồn thu mới phát sinh trên địa bàn địa phương để tính đúng, tính đủ nguồn thu đối với từng lĩnh vực, từng nguồn thu theo chế độ. Dự toán thu ngân sách địa phương tăng tối thiểu 20% so với ước thực hiện năm 2006.
3.2) Xây dựng dự toán chi ngân sách địa phương: căn cứ tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách năm 2007, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương năm 2007, lập dự toán chi ngân sách địa phương cụ thể đối với từng lĩnh vực chi theo quy định.
Căn cứ dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương được tính trên cơ sở tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách năm 2007, xác định nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp; xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia đối với các nguồn phân chia giữa ngân sách tỉnh và ngân sách địa phương, số bổ sung từ ngân sách tỉnh cho ngân sách địa phương năm 2007 (nếu có) và được ổn định trong thời kỳ ngân sách mới.
3.3) Đối với nguồn thu tiền sử dụng đất, các địa phương bố trí dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản tương ứng để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và các dự án di dân, tái định cư, chuẩn bị mặt bằng xây dựng.
3.4) Các địa phương chủ động tính toán nguồn cải cách tiền lương theo quy định tại điểm 2.4) khoản 2 Mục II Chỉ thị này và hướng dẫn của Sở Tài chính.
3.5) Xây dựng dự toán huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển phải thực hiện theo đúng quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ. Đồng thời, chủ động bố trí ngân sách địa phương để trả các khoản đã vay, đã huy động (cả gốc và lãi) đến hạn trả theo quy định của pháp luật.
3.6) Trong xây dựng dự toán chi ngân sách địa phương, thực hiện bố trí chi ngân sách cụ thể đối với từng lĩnh vực chi theo thứ tự ưu tiên bố trí như quy định tại khoản 2 Mục II Chỉ thị này và theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trong đó đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản phải xác định số nợ khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành, các khoản vốn đã ứng trước, v.v... để chủ động bố trí dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách địa phương năm 2007 thanh toán dứt điểm; xây dựng dự toán chi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (phần địa phương thực hiện) trên cơ sở xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của từng chương trình mục tiêu quốc gia năm 2007 thực hiện ở địa phương.
3.7) Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương, tình hình thực hiện dự toán đối với các khoản được bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách địa phương năm 2007, căn cứ các chính sách và chế độ hiện hành, xây dựng dự toán chi thực hiện các dự án, nhiệm vụ quan trọng để đề nghị bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên theo quy định tại tiết (b) khoản 2 Điều 29 Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước.
4. Cùng với việc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2007, các Sở, Ban, các cơ quan trực thuộc tỉnh, các địa phương và các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước tiến hành phân tích, đánh giá cụ thể kết quả, hiệu quả chi tiêu ngân sách năm 2006; tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quyết toán và kiểm tra phê duyệt quyết toán ngân sách năm 2005 theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước; tiến hành xử lý, giải quyết những tồn tại, sai phạm đã được cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện và kiến nghị.
5. Trong quá trình xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2007, các Sở, Ban, các cơ quan trực thuộc tỉnh, các địa phương, các đơn vị quán triệt Kế hoạch hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng ban hành kèm theo Quyết định số 31/2006/QĐ-UBND ngày 20/3/2006 của UBND tỉnh; bảo đảm việc xây dựng dự toán ngân sách, bố trí, sử dụng ngân sách thực sự tiết kiệm và có hiệu quả; thực hiện cắt giảm ngân sách năm 2007 đối với phần chi vượt chế độ chính sách trong năm 2006.
Thủ trưởng các Sở, Ban, các cơ quan trực thuộc tỉnh, các địa phương, các đơn vị phải tập trung chỉ đạo rà soát lại tất cả các khâu trong công tác phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, đặc biệt là vốn đầu tư xây dựng cơ bản và vốn vay viện trợ, nhằm bảo đảm việc phân bổ ngân sách đúng mục tiêu, đúng chế độ, đúng đối tượng; việc quản lý, sử dụng ngân sách phải chặt chẽ, có chế độ báo cáo kiểm tra, kiểm toán, tránh để xảy ra thất thoát, lãng phí.
6. Các Sở, Ban, các cơ quan trực thuộc tỉnh phải lập dự toán chi ngân sách theo đơn vị thực hiện và theo những nhiệm vụ chi quan trọng, gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Các Sở, Ban và địa phương phải chủ động chuẩn bị báo cáo thuyết minh rõ ràng, chi tiết về dự toán thu, chi ngân sách năm 2007 của Sở, Ban và địa phương mình theo quy định.
B. TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
I. Tiến độ xây dựng kế hoạch:
1. Các Sở, Ban, huyện, thành phố, các doanh nghiệp nhà nước khẩn trương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2007, gửi báo cáo về Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính và cơ quan quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia trước ngày 15/7/2006 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, Ngành quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia trước ngày 20/7/2006.
2. Trong tháng 8 năm 2006, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2007; đồng thời dự kiến phương án phân bổ các chỉ tiêu kế hoạch và ngân sách địa phương.
3. Trong tháng 9 năm 2006, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách địa phương năm 2007, để trình Hội đồng Nhân dân tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
4. Trước ngày 05 tháng 12 năm 2006, UBND tỉnh giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2007 cho các Sở, Ban, địa phương trên cơ sở Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2007.
5. Trước ngày 15 tháng 12 năm 2006, các Sở, Ban, UBND các huyện, thành phố phân bổ xong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2007 cho cấp dưới trên cơ sở nhiệm vụ đã được Chủ tịch UBND tỉnh giao.
II. Phân công thực hiện:
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
a) Phối hợp với Sở Tài chính tính toán, xác định các phương án, các cân đối lớn để làm cơ sở xây dựng kế hoạch năm 2007;
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các Sở, Ban, ngành liên quan và các huyện, thành phố xây dựng phương án ổn định ngân sách địa phương (phần vốn đầu tư xây dựng cơ bản) thời kỳ 2007 - 2010;
c) Làm việc với các Sở, Ban, ngành và các địa phương về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đầu tư phát triển và Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2007. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính dự kiến kế hoạch đầu tư phát triển và phương án phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản; cùng Sở Tài chính và các Sở, Ban, ngành quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia, dự kiến kế hoạch và mức vốn cho các chương trình, dự án. Tổng hợp phương án phân bổ dự toán chi Chương trình mục tiêu quốc gia.
2) Sở Tài chính
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Sở, Ban, ngành liên quan và các huyện, thành phố xây dựng phương án ổn định ngân sách địa phương (phần chi thường xuyên) thời kỳ 2007 - 2010;
b) Chủ trì, phối hợp với Cục thuế tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh hướng dẫn các Sở, Ban, địa phương đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách địa phương năm 2006; xây dựng khái toán ngân sách và thông báo số kiểm tra về dự toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2007 cho các Sở, Ban, địa phương.
c) Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế tỉnh và các cơ quan có liên quan xây dựng và tổng hợp dự toán ngân sách địa phương năm 2007; làm việc với các Sở, Ban, các huyện, thành phố về dự toán ngân sách.
3. Các Sở, Ban thuộc tỉnh:
a) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2007 thuộc lĩnh vực mình phụ trách.
b) Các Sở, Ban, cơ quan quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia phối hợp với Sở kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính làm việc với các Sở, Ban, cơ quan liên quan và các địa phương dự kiến nhiệm vụ, mức kinh phí thực hiện Chương trình năm 2007 thuộc lĩnh vực mình phụ trách.
c) Các Sở, Ban thuộc tỉnh tùy theo chức năng của mình, trên cơ sở tính toán các nguồn lực có thể khai thác được, xây dựng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đề xuất các giải pháp, các cơ chế chính sách, chế độ mới hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách hiện hành trình cấp có thẩm quyền ban hành (trước ngày 20/7/2006), thông báo cho Sở kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các cơ quan có liên quan để làm căn cứ xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách.
4) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
Hướng dẫn, tổ chức và chỉ đạo các xã, phường, thị trấn và các phòng, ban ở địa phương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2007 báo cáo các cơ quan tỉnh theo quy định; đồng thời trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Ban, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các tổ chức kinh tế nhà nước địa phương tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này./.