Sign In

CHỈ THỊ

Về việc tập trung chỉ đạo phòng trừ rầy nâu,

bảo vệ lúa đông xuân 2005-2006

 

 

Hiện nay trên địa bàn tỉnh ta đã có hàng ngàn ha lúa vụ đông xuân xuất hiện rầy nâu gây hại, trong đó khoảng trên 360 ha có mật độ rầy cao, cá biệt đã có diện tích mật độ rầy trên 10.000 con/m2 gây cháy chòm cục bộ, tập trung ở các giống lúa mẫn cảm với rầy nâu (lúa lai, Khang dân, Uải 32, DV 108). Thời gian đến, thời tiết diễn biến còn phức tạp, mật độ rầy non và trứng rầy còn rất cao có khả năng sẽ bùng phát dịch rầy nâu trên diện rộng, gây thiệt hại cho diện tích lúa đại trà. Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các công việc sau đây:

1- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thành lập ngay Ban chỉ đạo phòng chống rầy nâu của cấp mình; chỉ đạo, hướng dẫn thành lập Ban chỉ đạo của cấp xã, phường…; phân công cán bộ trực tiếp xuống địa bàn cơ sở để phối hợp chỉ đạo thực hiện ngay biện pháp phòng trừ rầy nâu, bao vây, khống chế không để rầy nâu phát triển lây lan ra diện rộng. Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bình Định thường xuyên thông báo và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ rầy nâu để hộ nông dân theo dõi phát hiện rầy nâu và áp dụng biện pháp phòng trừ có hiệu quả.

 2- Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các Trạm BVTV huyện, thành phố kiểm tra ngay toàn bộ diện tích lúa đông xuân để phát hiện sớm và kịp thời khi rầy nâu mới xuất hiện ở tuổi nhỏ và mật độ thấp. Triển khai ngay biện pháp phòng trừ hiệu quả trên diện tích đang bị rầy nâu phá hại với phương châm kiên quyết, kịp thời và triệt để. Xác định các ổ rầy có mật độ cao để tập trung tiêu diệt không để rầy nâu bùng phát thành dịch. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để dịch rầy nâu bùng phát ra diện rộng.

3- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp các đơn vị kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, cung ứng kịp thời thuốc đặc trị, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc cho nông dân để trừ rầy nâu đối với các diện tích có mật độ rầy cao; đồng thời hướng dẫn nhân dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để chủ động phòng trừ các loại đối tượng sâu bệnh khác.

4- Hiện nay lúa đông xuân đang trong giai đoạn làm đòng, trỗ; đây là giai đoạn cây lúa rất mẫn cảm với sự sinh trưởng phát triển và gây hại của rầy nâu kết hợp với thời tiết diễn biến còn phức tạp sẽ là điều kiện rất dễ bùng phát thành dịch trên diện rộng, vì vậy yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố cần chủ động tập trung chỉ đạo nhân dân chăm sóc lúa để phát hiện và phòng trừ kịp thời sâu bệnh, đặc biệt là đối tượng rầy nâu, để đảm bảo giành thắng lợi vụ sản xuất vụ đông xuân 2005-2006 cao nhất.

5- Đề nghị các hội, đoàn thể chính trị - xã hội cần chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền các cấp, ngành nông nghiệp tuyên truyền và vận động nông dân và các hội viên của mình thường xuyên thăm đồng và thực hiện ngay các biện pháp phòng trừ rầy nâu khi mới phát hiện, không để lây lan thành dịch.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các sở, ban liên quan có trách nhiệm thực hiện tốt chỉ thị này. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm theo dõi việc thực hiện Chỉ thị và thường xuyên báo cáo tình hình cho UBND tỉnh theo dõi chỉ đạo ./.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Thiện