Sign In

THÔNG TƯ

Quy định việc thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông

____________________________________

Căn cứ Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;

Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/09/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Bộ Công an quy định việc thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc thông báo người có hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa (gọi chung là thông báo vi phạm) đến nơi người đó cư trú, công tác, học tập hoặc thông báo đến cơ quan thông tin đại chúng; trách nhiệm của người có thẩm quyền thông báo vi phạm, người nhận thông báo vi phạm và tổ chức, cá nhân liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương; công dân Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thông báo vi phạm.

Điều 3. Thông báo vi phạm

Người có hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa thuộc các trường hợp nêu tại Điều 4 Thông tư này phải được thông báo bằng văn bản (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này) đến Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú, công tác, học tập để theo dõi, kiểm điểm, giáo dục hoặc được gửi đến các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, giáo dục chung. Thông báo vi phạm phải được gửi ngay sau khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 4. Các trường hợp phải thông báo vi phạm

1. Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa mà theo quy định của pháp luật, ngoài hình thức phạt tiền còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước có thời hạn hoặc không thời hạn quyền sử dụng giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái tàu; bị tước quyền sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện thủy (gọi chung là giấy phép điều khiển phương tiện).

2. Người có hành vi vi phạm điều khiển phương tiện không có giấy phép điều khiển phương tiện hoặc có nhưng giấy phép đó không phù hợp với phương tiện đang điều khiển; sử dụng giấy phép không do cơ quan có thẩm quyền cấp; sửa chữa, tẩy xóa giấy phép điều khiển phương tiện; trốn tránh nghĩa vụ cứu nạn khi có điều kiện; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, vật chứng có liên quan đến vụ tai nạn giao thông; lợi dụng tai nạn giao thông để xâm phạm sức khỏe, tài sản của người bị nạn; cản trở việc kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

3. Ngoài các trường hợp nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều này, căn cứ vào tình hình và yêu cầu cụ thể của công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy, Giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể quyết định thông báo vi phạm đối với các trường hợp vi phạm khác.

Điều 5. Thẩm quyền thông báo vi phạm

1. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông báo vi phạm đối với các trường hợp do mình hoặc cấp dưới ra quyết định xử phạt.

2. Các Trưởng phòng: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cảnh sát đường thủy, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát quản lý tài chính về trật tự xã hội, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động; Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thông báo vi phạm đối với trường hợp do mình hoặc cấp dưới ra quyết định xử phạt.

Điều 6. Trách nhiệm của công an xã, phường, thị trấn nơi nhận thông báo vi phạm

Công an xã, phường, thị trấn khi nhận được thông báo vi phạm có trách nhiệm vào sổ theo dõi (theo mẫu số 02 ban hành kèm theo thông tư này) và chuyển thông báo vi phạm đó đến tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn nơi cư trú của người vi phạm hoặc đến cơ quan, trường học nếu người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên để kiểm điểm, giáo dục; nơi nhận thông báo có trách nhiệm báo lại cho cơ quan đã ra thông báo vi phạm theo phiếu báo (trong biểu mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này); trường hợp người vi phạm không có địa chỉ cư trú, công tác, học tập như ghi trong thông báo vi phạm thì chuyển trả lại thông báo vi phạm đó cho nơi đã thông báo vi phạm.

Điều 7. Kinh phí thực hiện thông báo vi phạm

1. Công an các đơn vị, địa phương sử dụng kinh phí để thực hiện thông báo vi phạm trong khoản tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa của địa phương chi cho công tác tuyên truyền.

2. Các Phòng: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cảnh sát đường thủy có trách nhiệm lập dự trù kinh phí cho việc in các biểu mẫu và kinh phí phục vụ việc thông báo vi phạm, trình Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29 tháng 11 năm 2010 và thay thế Thông tư số 22/2007/TT-BCA(C11) ngày 12/10/2007 của Bộ Công an hướng dẫn việc thông báo đến nơi cư trú hoặc nơi công tác, học tập của người có hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông.

Điều 9. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện Thông tư này.

2. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc thực hiện Thông tư này.

3. Các Trưởng phòng: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cảnh sát đường thủy, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Thông tư này và định kỳ 6 tháng, 1 năm báo cáo kết quả thực hiện với Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy.

4. Tổng cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có vướng mắc nảy sinh, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội) để có hướng dẫn kịp thời./.

Bộ Công an

Bộ trưởng - Đại tướng

(Đã ký)

 

Lê Hồng Anh