Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn cấp giấy phép hoạt động của công trình

 khí tượng thuỷ văn chuyên dùng

_______________________

 

Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn ngày 02 tháng 12 năm 1994;

Căn cứ Nghị định 24/CP ngày 19 tháng 03 năm 1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn;

Căn cứ Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động của công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện việc cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung,  thu hồi giấy phép hoạt động của công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng.

2. Đối tượng áp dụng

a) Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thuỷ văn, các tổ chức, cá nhân có các hoạt động xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn phục vụ cho các nhu cầu chuyên ngành.

b) Các công trình khí tượng thuỷ văn cơ bản thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý và các công trình khí tượng thuỷ văn phục vụ quốc phòng, an ninh không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

II. QUY ĐỊNH VIỆC CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CÔNG TRÌNH KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN CHUYÊN DÙNG

1. Các trường hợp không phải xin cấp giấy phép

a) Các công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng có thời gian hoạt động dưới mười hai (12) tháng;

b) Các công trình đo mưa;

c) Các công trình đo một hoặc vài yếu tố khí tượng thuỷ văn phục vụ cho công tác điều tra, khảo sát địa chất, xây dựng thuỷ điện, vận hành hồ chứa nước, bến cảng, vận tải đường thuỷ.

2. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động của công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng

Công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng của các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có quyết định thành lập tổ chức (hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề) của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó có nội dung hoạt động liên quan đến lĩnh vực khí tượng thuỷ văn;

b) Người đứng đầu tổ chức hoặc người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật phải có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của từng hạng công trình khí tượng thuỷ văn và có ít nhất một (01) năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn;

c) Thiết bị, máy móc công trình phải phù hợp, đáp ứng yêu cầu đối với quy mô của công trình và an toàn lao động theo quy định hiện hành;

d) Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc hợp đồng thuê đất có công chứng.

3. Thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, thu hồi giấy phép hoạt động của công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, thu hồi giấy phép hoạt động của công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng thuộc quyền quản lý của các Bộ, ngành, tổ chức kinh tế và tổ chức đoàn thể ở Trung ương;

b) Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, thu hồi giấy phép hoạt động của các công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng thuộc quyền quản lý của các Sở, ban, ngành, tổ chức kinh tế, tổ chức đoàn thể ở địa phương và các cá nhân;

c) Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản uỷ quyền cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, thu hồi giấy phép hoạt động của công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng thuộc quyền quản lý của các Bộ, ngành, tổ chức kinh tế và tổ chức đoàn thể ở Trung ương.

4. Cơ quan thụ lý hồ sơ cấp phép

a) Vụ Khí tượng Thuỷ văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thụ lý hồ sơ cấp phép đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thụ lý hồ sơ cấp phép đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

5. Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, thu hồi giấy phép hoạt động của công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng

a) Xem xét cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, thu hồi giấy phép hoạt động của công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng;

b) Thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân biết lý do trong trường hợp từ chối cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép;

c) Thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất hoạt động của các công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng.

6. Quyền và nghĩa vụ của chủ giấy phép

a) Chủ giấy phép có các quyền sau đây:

- Hoạt động hành nghề theo các nội dung ghi trong giấy phép;

- Được Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp quy định trong giấy phép;

- Đề nghị cơ quan cấp phép gia hạn, điều chỉnh nội dung, cấp lại giấy phép theo quy định;

- Khiếu nại, khởi kiện các hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong hoạt động của công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng theo quy định của pháp luật.

b) Chủ giấy phép có các nghĩa vụ sau đây:

- Chịu trách nhiệm về nội dung hồ sơ đề nghị cấp, điều chỉnh nội dung, gia hạn giấy phép hoạt động của công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng;

- Chịu trách nhiệm về các hoạt động của công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng theo đúng nội dung ghi trong giấy phép và các quy định có liên quan của pháp luật về khí tượng thuỷ văn;

- Quản lý, lưu trữ, sử dụng tư liệu khí tượng thuỷ văn khai thác được từ công trình của mình theo các quy định của Nghị định 24/CP ngày 19 tháng 3 năm 1997 của Chính phủ và các quy định hiện hành khác có liên quan;

- Nộp phí thẩm định hồ sơ và lệ phí cấp phép; bồi thường thiệt hại do mình gây ra trong quá trình hoạt động theo quy định của pháp luật;

- Trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, báo cáo cơ quan thụ lý hồ sơ cấp phép về kết quả hoạt động của công trình theo Mẫu số 9 kèm theo Thông tư này.

7. Thời hạn giấy phép

Thời hạn giấy phép hoạt động của công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng là mười (10) năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn là năm (05) năm.

8. Gia hạn giấy phép

Việc gia hạn giấy phép hoạt động của công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng căn cứ vào điều kiện quy định tại khoản 2 mục II Thông tư này và các điều kiện sau đây:

a) Trong quá trình hoạt động, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại điểm b khoản 6 mục II Thông tư này; không vi phạm quy định của giấy phép và các quy định của pháp luật về khí tượng thuỷ văn;

b) Tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị gia hạn, giấy phép đã được cấp còn hiệu lực ít nhất ba mươi (30) ngày;

c) Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép nộp sau thời điểm quy định tại điểm b khoản này không được chấp thuận. Tổ chức, cá nhân đã được cấp phép phải nộp đơn đề nghị cấp giấy phép mới.

9. Điều chỉnh nội dung giấy phép

Việc điều chỉnh nội dung giấy phép được xem xét trong trường hợp tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép đề nghị thay đổi quy mô công trình, hoặc cơ quan cấp giấy phép quyết định thay đổi quy mô công trình do tổ chức, cá nhân không còn đáp ứng điều kiện hoạt động của công trình theo giấy phép đã cấp.

10. Đình chỉ hiệu lực của giấy phép

a) Giấy phép bị đình chỉ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

- Chủ công trình vi phạm nội dung quy định của giấy phép;

- Chủ công trình tự ý chuyển nhượng giấy phép.

b) Thời gian đình chỉ hiệu lực của giấy phép do cơ quan cấp giấy phép quy định. Trong thời gian giấy phép bị đình chỉ hiệu lực, chủ giấy phép không có các quyền và nghĩa vụ liên quan đến giấy phép.

11. Thu hồi giấy phép

Việc thu hồi giấy phép được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Tổ chức là chủ công trình bị giải thể hoặc bị Toà án tuyên bố phá sản;

b) Giấy phép được cấp nhưng không sử dụng trong thời gian mười hai (12) tháng liên tục mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép;

c) Chủ công trình vi phạm quyết định đình chỉ hiệu lực của giấy phép;

d) Giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền.

12. Trả lại giấy phép

a) Trường hợp không còn nhu cầu sử dụng giấy phép, chủ công trình có quyền trả lại giấy phép và có văn bản giải trình lý do cho cơ quan cấp giấy phép;

b) Chủ công trình đã trả lại giấy phép chỉ được xem xét cấp giấy phép mới sau một (01) năm, kể từ ngày trả lại giấy phép.

13. Chấm dứt hiệu lực của giấy phép

a) Giấy phép bị chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

- Giấy phép bị thu hồi;

- Giấy phép đã hết hạn, mà không được gia hạn;

- Giấy phép đã được trả lại.

b) Khi giấy phép bị chấm dứt hiệu lực thì các quyền và nghĩa vụ liên quan đến giấy phép cũng chấm dứt.

III. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP, GIA HẠN, ĐIỀU CHỈNH NỘI DUNG, CẤP LẠI GIẤY PHÉP

1. Tổ chức, cá nhân đứng tên hồ sơ đề nghị cấp giấy phép

a) Trường hợp chưa có công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng, thì chủ đầu tư đứng tên hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và nộp cho cơ quan thụ lý hồ sơ trong giai đoạn thực hiện đầu tư;

b) Trường hợp công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng đang hoạt động, nhưng chưa có giấy phép, thì tổ chức, cá nhân quản lý công trình đứng tên hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.

2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động của công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng theo Mẫu số 1 kèm theo Thông tư này;

b) Báo cáo chi tiết về mục đích, yêu cầu của việc xây dựng và quy mô công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng;

c) Bản sao có công chứng các văn bằng, chứng chỉ chuyên môn của người phụ trách kỹ thuật hoặc cá nhân;

d) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc hợp đồng thuê đất của công trình có công chứng;

đ) Hồ sơ của công trình.

- Đối với công trình khí tượng:

+ Sơ hoạ địa hình (hoặc mô tả chi tiết) khu vực xung quanh công trình trong phạm vi bán kính 500 mét;

+ Sơ đồ bố trí mặt bằng công trình (vườn quan trắc, nhà làm việc);

+ Độ cao thiết bị đo khí áp (nếu có);

+ Mô tả ảnh hưởng của các vật che chắn công trình.

- Đối với công trình thuỷ văn:

+ Sơ hoạ đoạn sông (hồ, kênh, rạch) đặt công trình;

+ Sơ đồ bố trí mặt bằng (công trình đo đạc, nhà làm việc);

+ Cao độ sử dụng (quốc gia, hoặc giả định).

3. Trình tự cấp giấy phép

a) Nộp hồ sơ

- Công trình do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép:

Tổ chức, cá nhân đứng tên hồ sơ đề nghị cấp phép gửi hai (02) bộ hồ sơ tới Vụ Khí tượng Thuỷ văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và sao gửi một (01) bộ hồ sơ đến Sở Tài nguyên và Môi trường nơi đặt công trình.

- Công trình do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương  cấp giấy phép:

Tổ chức, cá nhân đứng tên hồ sơ đề nghị cấp phép gửi hai (02) bộ hồ sơ tới Sở Tài nguyên và Môi trường nơi đặt công trình.

b) Tiếp nhận hồ sơ

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ theo quy định tại khoản 2 mục III Thông tư này trong thời hạn năm (5) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp phép. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản để tổ chức, cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

c) Thẩm định hồ sơ

- Trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan thụ lý hồ sơ cấp phép có trách nhiệm thẩm định và trình cơ quan có thẩm quyền quyết định cấp giấy phép; trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện để cấp phép, phải trả lại hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân biết lý do không cấp giấy phép;

- Nội dung thẩm định hồ sơ bao gồm:

+ Căn cứ pháp lý về đề nghị cấp giấy phép hoạt động của công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng;

+ Báo cáo chi tiết về mục đích, yêu cầu của việc xây dựng và quy mô công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng;

+ Hồ sơ của công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng;

+ Tính hợp lý của việc lựa chọn địa điểm và sơ đồ bố trí công trình.

- Trong trường hợp cần thiết, cơ quan tiếp nhận hồ sơ tổ chức kiểm tra thực địa thì tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép có trách nhiệm cung cấp thông tin có liên quan đến việc kiểm tra theo yêu cầu của cơ quan tiếp nhận hồ sơ;

- Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản sao hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thông báo ý kiến của mình về đề nghị cấp giấy phép đối với các trường hợp do Vụ Khí tượng Thuỷ văn thẩm định.

d) Quyết định cấp phép

Trong thời hạn không quá ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình cấp giấy phép, cơ quan có thẩm quyền quyết định cấp giấy phép hoạt động của công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng (theo Mẫu số 2 hoặc số 3 kèm theo Thông tư này); trường hợp không chấp nhận cấp giấy phép, phải thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do để cơ quan thụ lý hồ sơ trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép.

4. Trình tự gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép hoạt động của công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng

a) Hồ sơ đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép bao gồm:

- Đơn đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép theo Mẫu số 4 kèm theo Thông tư này;

- Báo cáo tình hình hoạt động của công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng kể từ khi được cấp giấy phép;

- Giấy phép hoạt động của công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng.

b) Nộp hồ sơ, trình tự tiếp nhận, thẩm định, trình và quyết định gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép thực hiện như trường hợp đề nghị cấp giấy phép quy định tại khoản 3 mục III Thông tư này; riêng thời hạn thẩm định hồ sơ và trình gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép không quá mười (10) ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

5. Cấp lại giấy phép

a) Giấy phép được cấp lại trong các trường hợp sau đây:

- Bị mất;

- Bị rách nát, hư hỏng không thể sử dụng được.

b) Trình tự, thủ tục cấp lại giấy phép như sau:

- Tổ chức, cá nhân đứng tên hồ sơ gửi đơn đề nghị cấp lại giấy phép (theo Mẫu số 5 kèm theo Thông tư này) và giấy phép bị rách nát, hư hỏng cho cơ quan thụ lý hồ sơ cấp phép;

- Trong thời hạn năm (5) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp lại giấy phép, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra và lập báo cáo trình cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp lại giấy phép. Trường hợp không đủ lý do để cấp lại giấy phép, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân biết lý do;

- Trường hợp tìm lại được giấy phép đã bị mất, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nộp lại cho cơ quan thụ lý hồ sơ cấp giấy phép.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm thực hiện

a) Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Thông tư này tại địa phưong;

b) Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý, tổng hợp và lập báo cáo hàng năm về tình hình cấp giấy phép, thực hiện giấy phép hoạt động của công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng trong phạm vi quản lý hành chính của địa phương và gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường;

c) Vụ Khí tượng Thuỷ văn có trách nhiệm giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, tổng hợp và lập báo cáo hàng năm về tình hình cấp giấy phép, thực hiện giấy phép hoạt động của công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng trong phạm vi cả nước.

2. Hiệu lực thi hành

a) Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 757/1998/TT-TCKTTV ngày 12 tháng 08 năm 1998 của Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn hướng dẫn đăng ký hoạt động của công trình khí tượng thuỷ văn chuyên dùng;

b) Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết./.

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Phạm Khôi Nguyên