CHỈ THỊ
Về việc tăng cường các biện pháp phối hợp nhằm dẩy mạnh và nâng cao
hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Bình Định trong tình hình hiện nay
|
Thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam; Chỉ thị số 06/2001/CT-TTg ngày 09/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam; Chỉ thị số 09/2001/CT-UB ngày 14/6/2001 và Chỉ thị số 27/2003/CT-UB ngày 07/10/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về việc tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia. Trong thời gian qua các cấp Hội Luật gia trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc xây dựng về tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, phát huy được trí tuệ của các hội viên Hội Luật gia trong công tác xây dựng pháp luật; nhất là tích cực tham gia vào hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tư vấn pháp luật; hòa giải ở cơ sở nhằm đưa pháp luật vào đời sống; bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa; phục vụ đắc lực cho công tác phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Bình Định, góp phần tích cực cho công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Tuy nhiên, chất lượng tổ chức và hiệu quả hoạt động của các cấp Hội chưa cao, còn lúng túng về nội dung sinh hoạt và phương thức hoạt động; chưa phát huy hiệu quả trong một số lĩnh vực; việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân chưa sâu rộng. Nguyên nhân là do lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và cấp ủy Đảng, chính quyền cấp huyện nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò chức năng và nhiệm vụ của Hội Luật gia trong tình hình hiện nay. Do đó chưa có sự quan tâm phối hợp, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu quả chất lượng, năng lực hoạt động của Hội. Đối với Hội Luật gia các cấp chưa chủ động và chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong hệ thống bộ máy nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Định. Một số hội viên của Hội Luật gia chưa thực sự nhiệt tình, gắn bó và tâm huyết với công tác của Hội.
Để phát huy vai trò và khả năng của các cấp Hội Luật gia trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh và phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn hiện nay; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế thuộc tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với Hội Luật gia tỉnh thực hiện tốt các nội dung
1. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 06/2001/CT-TTg ngày 09/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 66/2001/TT-BTCCBCP ngày 24/10/2001 của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (Nay là Bộ Nội vụ) Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 06/2001/CT-TTg ngày 09/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc Thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam. Qua đó phối hợp với các cấp Hội Luật gia tiến hành kiện toàn, củng cố và ổn định về tổ chức theo hướng dẫn của Thông tư số 66/2001/TT-BTCCBCP để các cấp Hội Luật gia thực sự là một tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp của những người hoạt động trong lĩnh vực pháp luật. Đồng thời phát huy được tiềm năng, trí tuệ của các luật gia trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
2. Hội Luật gia phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan xây dựng Quy chế phối hợp phù hợp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nội dung và thẩm quyền đã được pháp luật quy định. Thông qua đó, xác định rõ cơ chế phối hợp, nguyên tắc phối hợp, trách nhiệm phối hợp. Thường xuyên và tăng cường thực hiện công tác kiểm tra việc thực hiện Quy chế phối hợp. Hàng năm cần tiến hành đánh giá kết quả thực hiện. Thông qua kết quả đánh giá phát huy những ưu điểm, những yếu kém cần khắc phục trong việc thực hiện Quy chế. Đề ra những giải pháp phù hợp theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao năng lực hoạt động, đem lại hiệu quả thiết thực, tạo được sự đồng thuận của các ngành, các cấp và nhất là tạo được sự tin tưởng của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với vai trò, tính chất và vị trí các cấp Hội Luật gia trong hệ thống chính trị. Tránh việc phối hợp chỉ mang tính hình thức.
3. Để phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, nhằm hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật lao động, giảm thiểu những rủi ro và thiệt hại cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Trong thời gian đầu các ngành, các cấp phối hợp với Hội Luật gia chú trọng và tập trung hướng hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý, phát triển tổ chức Hội vào các đối tượng là các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế do Ủy ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý, các cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn của tỉnh.
Giám đốc các doanh nghiệp chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội Luật gia và tạo điều kiện thuận lợi cho Hội thực hiện hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tư vấn pháp lý; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động và doanh nghiệp theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nội dung, thẩm quyền và lĩnh vực đã được pháp luật quy định thông qua cơ chế hợp đồng thỏa thuận giữa các doanh nghiệp với Hội Luật gia theo quy định của pháp luật dân sự. Giám đốc Sở Công thương chủ động phối hợp với Hội Luật gia tỉnh xây dựng cơ chế phối hợp và tổ chức triển khai thực hiện nội dung này.
4. Về kinh phí, cơ sở vật chất và trang thiết bị, phương tiện làm việc.
Thủ trưởng các sở, ban và cơ quan chức năng có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Quy Nhơn quan tâm tạo điều kiện bảo đảm về kinh phí hoạt động thường xuyên, cơ sở vật chất và trang thiết bị, phương tiện làm việc, phụ cấp cho Thường trực BCH Hội Luật gia cùng cấp phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và hiệu quả hoạt động theo đúng quy định của Luật Ngân sách và các chế độ hiện hành của Nhà nước. Trên cơ sở kinh phí thường xuyên hàng năm được Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Quy Nhơn cấp, Ban chấp hành huyện hội, thành hội phân công người trực và quyết định mức phụ cấp cho từng chức danh được phân công.
Giao Giám đốc Sở Tài chính phối hợp với Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh nghiên cứu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ kinh phí hàng năm cho Hội Luật gia tỉnh để thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý cho các đối tượng theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006; mức phụ cấp cho cán bộ thường trực của các cấp Hội phù hợp theo tình hình thực tế hiện nay.
5. Giám đốc các Sở, ban, ngành, các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế thuộc tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Quy Nhơn phối hợp với Hội Luật gia tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này. Giám đốc Sở Tư pháp chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp tình hình và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả tổ chức thực hiện Chỉ thị này.
Chỉ thị có hiệu lực thi hành sau l0 ngày kể từ ngày ký./.