Sign In

                                                                         

 

CHỈ THỊ

Về việc triển khai và tổ chức thực hiện Nghị định số 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh

 

 

Ngày 23 tháng 7 năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm (sau đây gọi là Nghị định số 83/2010/NĐ-CP), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09 tháng 9 năm 2010. Để triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 83/2010/NĐ-CP trên phạm vi toàn tỉnh, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân trong quá trình đăng ký, tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành trong tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong phạm vi trách nhiệm của mình phải tuân thủ và thực hiện nghiêm túc Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm, đặc biệt là trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm.

2. Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở ban, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 83/2010/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.

- Phối hợp với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp), Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Ngân hàng nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm nâng cao sự hiểu biết, kiến thức pháp lý của người dân, doanh nghiệp về ý nghĩa, lợi ích của đăng ký giao dịch bảo đảm và các quy định hiện hành về trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan có liên quan xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy chế phối hợp, trao đổi và cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm giữa các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, các tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan khi thực hiện giao dịch theo đúng quy định của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân tỉnh phương án tổ chức cán bộ có đủ năng lực và tiêu chuẩn giúp UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm tại Sở Tư pháp theo quy định khoản 5 Điều 46 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường trong việc hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị định số 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

3. Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ cho các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiện toàn tổ chức, bộ máy, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất để Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh và các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và các cơ quan có liên quan trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và các tài sản khác theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 83/2010/NĐ-CP.

- Thực hiện quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

4. Hàng năm, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo việc tổ chức triển khai, thi hành Nghị định số 83/2010/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch bảo đảm trên địa bàn quản lý. Tiến hành kiện toàn các tổ chức bộ máy và trang bị cơ sở vật chất, phương tiện làm việc phù hợp theo chức năng, nhiệm vụ để phục vụ cho các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện.

6. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh, cấp huyện, các tổ chức hành nghề công chứng, các cơ quan Thi hành án dân sự phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi  để trao đổi, cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp và Bộ tài nguyên và Môi trường.

7. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bình Định có trách nhiệm tuyên truyền, giới thiệu những nội dung cơ bản của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP và Chỉ thị này đến các cơ quan nhà nước, tổ chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh biết để thực hiện và kiểm tra, giám sát.

8. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện Chỉ thị này và tổng hợp tình hình báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng thời giúp Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo tình hình thi hành Nghị định số 83/2010/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh về Bộ Tư pháp theo quy định.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành và các cơ quan có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phản ảnh về Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chỉ đạo.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lê Hữu Lộc