ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
__________
|
|
CỘNG Hòa XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
______________________
|
Số: 12/2016/QĐ-UBND
|
|
Thủ Dầu Một, ngày 02 tháng 6 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy định khu vực bảo vệ, khu vực
cấm tập trung đông người; cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh
trên địa bàn tỉnh Bình Dương
______________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng;
Căn cứ Nghị định số 37/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 của Chính phủ quy định các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan;
Căn cứ Quyết định số 160/2004/QĐ-TTg ngày 06/9/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc xác định địa điểm cấm, khu vực cấm;
Căn cứ Thông tư số 09/2005/TT-BCA ngày 05/9/2005 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng;
Căn cứ Thông tư số 33/2015/TT-BCA ngày 20/7/2015 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước;
Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 16/TTr-CAT-PV11(PC64) ngày 27/4/2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định khu vực bảo vệ, khu vực cấm tập trung đông người; cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 221/2006/QĐ-UBND ngày 18/9/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định khu vực bảo vệ, khu vực cấm tập trung đông người; cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Trần Thanh Liêm
|
ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
__________
|
|
CỘNG Hòa XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
______________________
|
QUY ĐỊNH
Khu vực bảo vệ, khu vực cấm tập trung đông người,
cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND ngày 02/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
_______________________
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định khu vực bảo vệ; khu vực cấm tập trung đông người; cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh và tổ chức thực hiện việc đặt các biển báo trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước hoạt động trên địa bàn tỉnh.
2. Cá nhân, tổ chức nước ngoài cư trú và hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. “Khu vực bảo vệ” là khu vực có giới hạn nhất định, do yêu cầu về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng hoặc khu vực đang xảy ra thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm cần bảo vệ nghiêm ngặt.
2. “Khu vực cấm tập trung đông người” là khu vực mà cơ quan có thẩm quyền không cho phép tập trung từ 05 người trở lên hoặc tập trung dưới 05 người nhưng có một số hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 5 Quy định này.
3. “Nơi công cộng” là khu vực, địa điểm phục vụ chung cho mọi người như vỉa hè, lòng đường, quảng trường, cơ sở kinh tế, văn hoá, nơi sinh hoạt cộng đồng; khu vực trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội hoặc những nơi công cộng khác.
4. Khu vực cấm, địa điểm cấm thuộc phạm vi bí mật nhà nước là những nơi có nhiều hoạt động liên quan đến bí mật nhà nước; lưu giữ nhiều thông tin, hiện vật hoặc tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước cần được bảo vệ chặt chẽ, kiểm soát người qua lại nhằm duy trì trật tự, an ninh và phòng, chống các hành vi xâm nhập, phá hoại, thu thập bí mật nhà nước trong khu vực, địa điểm đó.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Khu vực bảo vệ
1. Trụ sở các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh, gồm: Trung tâm Hành chính tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.
2. Các khu vực khác do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định, gồm:
a) Khu vực đang xảy ra thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm;
b) Khu vực đang xảy ra những vụ việc nghiêm trọng liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội;
c) Khu vực đang diễn ra các nghi lễ, hội nghị, hội thảo, cuộc họp quan trọng do các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức có yêu cầu cần bảo vệ.
Điều 5. Khu vực cấm tập trung đông người
Khu vực cấm tập trung đông người trên địa bàn tỉnh gồm:
1. Cấp tỉnh:
- Khu vực trụ sở Trung tâm Hành chính tỉnh bao gồm toàn bộ hành lang hai bên vỉa hè, lòng đường xung quanh trụ sở Trung tâm hành chính tỉnh thuộc các tuyến đường Lê Lợi, Lê Lai, Lý Thái Tổ và Nguyễn Huệ.
- Một số trụ sở của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội quan trọng hoặc xét thấy cần thiết.
2. Cấp huyện:
Căn cứ vào tình hình cụ thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quy định cụ thể khu vực cấm tập trung đông người trên địa bàn theo quy định tại Điểm đ Khoản 6 Điều 12 Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng.
Điều 6. Các hành vi bị cấm tại khu vực cấm tập trung đông người
Cấm tập trung quá 05 người tại các khu vực quy định tại Khoản 1 Điều 5; trường hợp tập trung dưới 05 người nhưng có một trong các hành vi quy định tại Khoản 2 Thông tư số 09/2005/TT-BCA ngày 05/9/2005 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng thì bị coi là vi phạm và bị xử lý theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:
1. Thuê, nhận làm thuê hoặc giúp sức cho người khác thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng;
2. Gây cản trở hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, của cán bộ lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và địa phương; gây cản trở hoặc làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông;
3. Gây rối trật tự công cộng hoặc có hành vi khác gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và cuộc sống bình thường của nhân dân, trái với thuần phong mỹ tục, nếp sống văn minh nơi công cộng, gây mất vệ sinh môi trường như sau:
- Lợi dụng mang theo băng rôn, biểu ngữ, cờ Tổ quốc, ảnh lãnh tụ; dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn để đi khiếu nại, tố cáo hoặc dưới mọi hình thức khác không vì mục đích cổ động, mít tinh biểu dương lực lượng do cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức theo quy định của pháp luật;
- Mang theo vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đồ vật, gậy, dao, búa, gạch, đá... hoặc bằng bất cứ hành vi nào khác nhằm đe dọa hành hung người khác gây mất an ninh trật tự.
- Đại tiện, tiểu tiện; gây cháy, nổ; ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, phương tiện giao thông, khu vực bảo vệ gây ô nhiễm, làm nhiễm bẩn môi trường sống.
- Tự ý xê dịch, tháo dỡ, phá hủy hoặc có các hành vi khác gây hư hại đến các loại biển báo, biển hiệu, phương tiện, tài sản của Nhà nước và của nhân dân.
- Mặc áo tang, mang di ảnh người chết, quan tài, cờ tang; mang xoong, nồi, lều bạt, chăn, màn; ngồi lỳ, nằm lỳ, cởi quần áo hoặc có các hành vi khác gây phản cảm;
- Lôi kéo, kích động, xúi giục người khác gây rối an ninh trật tự.
4. Không chấp hành các quy định về khu vực cấm, khu vực bảo vệ và sự hướng dẫn của người có trách nhiệm giải quyết vụ việc có liên quan; cản trở, chống người thi hành công vụ; có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác, xâm phạm tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân hoặc có hành vi quá khích khác như: la hét, chửi bới, đập phá, lăng mạ, đe dọa hành hung người khác…
Điều 7. Cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh
1. Cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh trong các trường hợp sau:
a) Những vụ, việc, tài liệu, số liệu, địa điểm, thời gian, vật, lời nói có nội dung quan trọng thuộc danh mục bí mật Nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
b) Khu vực cấm, địa điểm cấm gồm:
- Khu vực bảo vệ quy định tại Khoản 1 Điều 4 Quy định này;
- Khu vực trụ sở Công an tỉnh, trụ sở Công an các đơn vị thuộc Công an tỉnh và trụ sở Công an cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh;
- Khu vực trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, trụ sở Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện và trụ sở các Khu quân sự, Doanh trại quân đội nhân dân đóng trên địa bàn tỉnh.
c) Khu vực đang xảy ra các vụ việc có ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và những vấn đề khác cần phải giữ bí mật.
2. Trong trường hợp cần thiết, Giám đốc Công an tỉnh cho phép cán bộ, chiến sĩ Công an; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép cá nhân, tổ chức khác được ghi âm, ghi hình, chụp ảnh tại Khu vực cấm, địa điểm cấm thuộc phạm vi bí mật nhà nước quy định tại Khoản 1 Điều này và sử dụng dữ liệu ghi âm, ghi hình, chụp ảnh để phục vụ công tác đấu tranh, điều tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật.
3. Dữ liệu ghi âm, ghi hình, chụp ảnh tại Khu vực cấm, địa điểm cấm quy định tại Khoản 2 Điều này phải được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; nghiêm cấm việc tự ý tán phát, cung cấp dữ liệu, tài liệu cho những người không có trách nhiệm khi chưa được phép của người có thẩm quyền.
Điều 8. Biển báo khu vực bảo vệ; khu vực cấm tập trung đông người; cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh
1. Biển báo “Khu vực bảo vệ”; “Khu vực cấm tập trung đông người”; “Cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh” có kích thước 80cm x 60cm, làm bằng vật liệu bền vững, chữ viết màu đen trên nền biển màu trắng, kiểu chữ in hoa, đứng đậm; viết bằng hai ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Anh; dòng trên viết tiếng Việt, dòng dưới viết tiếng Anh; có ghi khoảng cách giới hạn (Mẫu biển báo được ban hành kèm theo Quyết định này).
2. Đặt biển báo được thực hiện như sau:
a) Biển báo "Khu vực bảo vệ" đặt cố định tại các khu vực quy định tại Khoản 1 Điều 4; đặt tạm thời tại các khu vực quy định tại Khoản 2 Điều 4 Quy định này.
Vị trí đặt biển báo cố định ở chính giữa khu vực bảo vệ, trường hợp khu vực bảo vệ có chiều dài trên 100 mét, thì đặt biển cấm trên vỉa hè, tại hai đầu vào khu vực bảo vệ.
b) Biển báo "Khu vực cấm tập trung đông người" đặt tạm thời tại các khu vực quy định tại Khoản 1 Điều 5 Quy định này.
c) Biển báo "Cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh" đặt tạm thời tại các khu vực quy định tại Khoản 1 Điều 7 Quy định này.
d) Các biển báo được đặt ở vị trí phù hợp, không bị che khuất tầm nhìn và không gây cản trở giao thông.
3. Hiệu lực của biển báo được tính từ vị trí đặt biển và ghi giới hạn cụ thể trên biển tùy thuộc phạm vi khu vực bảo vệ, khu vực cấm tập trung đông người; cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh.
Điều 9. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Khen thưởng
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự công cộng và thực hiện tốt Quy định này thì được xem xét khen thưởng theo quy định của pháp luật.
2. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân vi phạm Quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
1. Công an tỉnh có trách nhiệm
a) Chủ trì, tổ chức các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra tại khu vực bảo vệ; khu vực cấm tập trung đông người; cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh theo đúng quy định;
b) Chủ động xây dựng phương án bảo vệ đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực bảo vệ; khu vực cấm tập trung đông người; cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật;
c) Phối hợp, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị có liên quan đặt biển báo khu vực bảo vệ; khu vực cấm tập trung đông người, cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh tại các địa điểm và vị trí theo đúng quy định.
2. Cơ quan, đơn vị quy định tại Điều 4, Điều 5 Quy định này có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh tổ chức đặt biển báo khu vực bảo vệ; khu vực cấm tập trung đông người; cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh theo quy định tại Điều 8 Quy định này; xây dựng nội quy cụ thể của cơ quan, đơn vị và niêm yết trước cổng trụ sở của cơ quan, đơn vị; có lực lượng bảo vệ chuyên trách đảm bảo việc thực hiện nội quy trong phạm vi do cơ quan, đơn vị quản lý đồng thời giải quyết những hành vi vi phạm chưa đến mức xử lý bằng pháp luật trong phạm vi khu vực bảo vệ; khu vực cấm tập trung đông người; cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh xung quanh trụ sở cơ quan, đơn vị.
3. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp và triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định này; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc, Ủy ban nhân dân cấp xã phổ biến, tuyên truyền đến toàn thể quần chúng nhân dân nắm, thực hiện nghiêm túc Quy định này.
Điều 11. Điều khoản thi hành
1. Quy định này được sửa đổi, bổ sung khi các văn bản có hiệu lực cao hơn quy định khác hoặc không còn phù hợp với tình hình thực tế.
2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan phản ánh về Công an tỉnh để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.