QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Về việc ban hành Quy định về thủ tục hải quan đối với
nhập khẩu xăng, dầu và tạm nhập, tái xuất xăng dầu
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001-QH10 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 187/2003/QĐ-TTg ngày15/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý kinh doanh xăng, dầu;
Căn cứ Quyết định số 1752/2003/QĐ-BTM ngày 15/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành Qui chế kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng, dầu;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về thủ tục hải quan đối với nhập khẩu xăng, dầu và tạm nhập tái, xuất xăng, dầu.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Thông tư số 04/2001/TT-TCHQ ngày 21 tháng 6 năm 2001, Thông tư số 08/2001/TT-TCHQ ngày 26 tháng 10 năm 2001 của Tổng cục Hải quan và các quy định, hướng dẫn khác có liên quan.
Điều 3: Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ Tài chính và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUI ĐỊNH VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI
NHẬP KHẨU XĂNG, DẦU VÀ TẠM NHẬP, TÁI XUẤT XĂNG, DẦU
(ban hành kèm theo Quyết định số: 30/2004/QĐ-BTC ngày 6 tháng 4 năm 2004
của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
I. QUI ĐỊNH CHUNG:
1. Xăng, dầu nhập khẩu, tạm nhập và tái xuất theo Qui định này bao gồm: xăng động cơ, diesel, ma zút, dầu hoả, nhiên liệu bay (ZA1, TC1) dưới đây gọi tắt là xăng, dầu.
2. Doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh nhập khẩu xăng, dầu do Bộ Thương mại cấp được nhập khẩu, tạm nhập và tái xuất xăng, dầu và chỉ được tái xuất xăng, dầu do chính doanh nghiệp đã nhập khẩu.
Doanh nghiệp có chức năng cung ứng xăng, dầu hàng không và tàu biển được bán xăng, dầu cho tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam bay trên các tuyến bay quốc tế, tàu bay của các hãng hàng không nước ngoài hạ cánh tại Việt Nam, tàu biển nước ngoài, tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế.
3. Xăng, dầu nhập khẩu, tạm nhập để tái xuất phải làm thủ tục hải quan và nộp thuế theo qui định của pháp luật. Xăng, dầu tái xuất được hoàn thuế theo đúng số lượng, chủng loại đã thực tái xuất.
4. Các trường hợp mua xăng, dầu từ nước ngoài để bán cho các đối tượng sau cũng được coi là tạm nhập tái xuất và phải thực hiện theo qui định này:
Các doanh nghiệp thuộc khu chế xuất và các doanh nghiệp chế xuất nằm trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao;
Tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam bay trên các tuyến bay quốc tế, tàu bay nước ngoài hạ cánh sân bay Việt Nam.
Tầu biển nước ngoài cập cảng Việt Nam, tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế xuất cảnh.
Xăng, dầu bán cho các đối tượng trên đây chỉ được coi là tái xuất nếu số xăng, dầu đó là hàng nhập khẩu của doanh nghiệp được phép nhập khẩu.
5. Không được chuyển tải, sang mạn xăng, dầu trên biển, trừ trường hợp cung ứng cho tàu biển và chuyển tải xăng, dầu nhập khẩu từ các tàu lớn mà cảng Việt Nam không có khả năng tiếp nhận sang tàu nhỏ. Trường hợp này phải được cơ quan cảng vụ quyết định.
6. Thủ tục hải quan thực hiện theo qui định tại Nghị định số 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan, Thông tư số 26/2003/TT-BTC ngày 01/4/2003 của Bộ Tài chính, Quyết định số 56/2003/QĐ-BTC ngày16/04/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Quy định về hồ sơ hải quan, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán và Thông tư số 32/2003/TT-BTC ngày 16/4/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các Điều 29,30 Luật Hải quan, Điều 8 Nghị định số 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra giám sát hải quan.
6.1. Thủ tục hải quan đối với xăng, dầu tái xuất được thực hiện tại Chi cục Hải quan cửa khẩu đã làm thủ tục nhập khẩu chính lô xăng, dầu đó; hoặc tại Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất; hoặc tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu, nơi doanh nghiệp có kho nội địa chứa xăng, dầu tái xuất.
6.2. Xăng, dầu chỉ được phép bơm lên kho hoặc sang phương tiện khác sau khi tờ khai hải quan đã được Hải quan đăng ký.
6.3. Lượng hàng của một tờ khai tái xuất phải xuất hết trong một lần qua một cửa khẩu (trừ xăng, dầu tái xuất cho tàu bay theo hướng dẫn tại mục IV dưới đây).
6.4. Chi cục Hải quan làm thủ tục cho lô hàng xăng, dầu tạm nhập thực hiện thanh khoản tờ khai tạm nhập.
6.5. Xăng dầu đã tạm nhập nhưng không tái xuất hoặc không tái xuất hết, được chuyển vào tiêu thụ nội địa sau khi hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ thuế, tài chính theo luật định, khi hết thời hạn lưu lại tại Việt Nam, Chi cục Hải quan nêu tại điểm 6.4 trên chịu trách nhiệm thanh khoản tờ khai tạm nhập.
7. Trường hợp xăng, dầu nhập khẩu thuộc danh mục phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng nhưng chưa có Giấy xác nhận đạt chất lượng:
7.1. Đối với xăng, dầu nhập khẩu:
7.1.1. Nếu kho của doanh nghiệp có bồn, bể rỗng thì bơm vào bồn bể rỗng đó. Sau khi bơm xong, Hải quan niêm phong bồn, bể. Khi có giấy xác nhận đạt yêu cầu chất lượng thì cơ quan Hải quan mới quyết định thông quan và doanh nghiệp mới được phép mở niêm phong hải quan đưa vào sử dụng.
7.1.2. Nếu doanh nghiệp không có bồn, bể rỗng mà bơm vào bồn, bể đang chứa xăng, dầu cùng loại thì sau khi bơm xong, Hải quan niêm phong bồn bể để chờ kết quả kiểm tra chất lượng. Nếu cơ quan kiểm tra Nhà nước về chất lượng xác nhận xăng, dầu nhập khẩu không đạt yêu cầu về chất lượng nhập khẩu thì toàn bộ xăng, dầu (cả cũ và mới) bị xử lý theo qui định của pháp luật. Doanh nghiệp chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về việc này.
7.2. Đối với xăng, dầu tạm nhập tái xuất:
7.2.1. Nếu xăng, dầu được bơm vào bồn, bể rỗng, giữ nguyên trạng và niêm phong hải quan cho đến khi tái xuất thì không phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng.
7.2.2. Nếu xăng, dầu được bơm chung vào bồn bể chứa xăng, dầu kinh doanh thì phải đảm bảo các điều kiện sau:
Xăng, dầu tạm nhập phải cùng chủng loại với xăng, dầu có sẵn trong bồn, bể chứa.
Phải kiểm tra nhà nước về chất lượng như đối với xăng, dầu nhập khẩu.
Trường hợp sau khi kiểm tra cơ quan kiểm tra Nhà nước xác định xăng, dầu không đạt chất lượng nhập khẩu thì xử lý như điểm 7.1.2 trên đây.
7.3. Đối với xăng, dầu chuyển tải tại địa điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì lô hàng được hoàn thành thủ tục hải quan và thông quan sau khi doanh nghiệp đã nộp Giấy đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng có xác nhận của cơ quan kiểm tra.
8. Xác định khối lượng:
8.1. Xăng, dầu nhập khẩu, tạm nhập và xăng, dầu tái xuất bằng tàu biển, tàu sông (đường sông sang Cămpuchia): Căn cứ vào Chứng thư giám định của tổ chức giám định có chức năng giám định khối lượng xăng, dầu.
8.2. Đối với xăng, dầu tái xuất bằng xe téc, xe bồn qua cửa khẩu đường bộ: Lượng xăng, dầu được xác định căn cứ vào đồng hồ đo tại kho khi bơm xăng, dầu vào téc, bồn xe vận chuyển hoặc chứng thư giám định của tổ chức có chức năng giám định về khối lượng.
Ở những nơi không có tổ chức giám định thì khối lượng xăng, dầu được xác định bằng Barem phương tiện vận chuyển đã được các cơ quan kiểm định cấp giấy chứng nhận.
8.3. Lượng xăng, dầu bán cho doanh nghiệp chế xuất được xác định bằng đồng hồ đo khi bơm từ kho lên phương tiện vận chuyển và khi bơm từ phương tiện vận chuyển vào bồn, bể của doanh nghiệp mua. Nếu bồn, bể của doanh nghiệp mua không có đồng hồ đo thì lượng xăng, dầu được xác định bằng cân, Barem hoặc thiết bị đo lường khác theo qui định của pháp luật.
8.4. Dầu cung ứng cho tàu biển được xác định như sau:
8.4.1. Dầu bơm trực tiếp từ kho xuống tầu biển được xác định bằng đồng hồ đo của kho.
8.4.2. Dầu bơm từ kho xuống phương tiện vận chuyển được xác định bằng đồng hồ đo của kho chứa trên đất liền. Dầu bơm từ phương tiện vận chuyển sang tầu biển nước ngoài được xác định bằng một trong các phương pháp: giám định, Barem, đồng hồ đo tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng tàu, phù hợp thông lệ được áp dụng đối với mặt hàng này.
8.5. Nhiên liệu bay bán cho tàu bay: Căn cứ vào đồng hồ đo lưu lượng của phương tiện tra nạp chuyên dụng cho tàu bay.
8.6. Đồng hồ đo xác định khối lượng: Đồng hồ đo phải được cơ quan tiêu chuẩn đo lường Nhà nước kiểm tra, xác nhận, niêm phong và được kiểm tra định kỳ theo qui định của pháp luật (trừ đồng hồ đo của tàu bay, tàu biển).
9. Xác định chủng loại xăng, dầu tái xuất:
9.1. Các trường hợp không phải giám định:
Tái xuất xăng, dầu từ bồn, bể chứa riêng vẫn còn nguyên niêm phong hải quan khi nhập khẩu.
Tái xuất nhiên liệu bay (ZA1, TC1) cho tàu bay (doanh nghiệp có văn bản xác nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật).
Tái xuất diesel, mazút: Hải quan kiểm tra thực tế hoặc kiểm tra bằng phương tiện kỹ thuật (tỷ trọng kế, thuốc thử hoặc dụng cụ kiểm tra khác theo qui định của pháp luật để xác định được mặt hàng).
9.2. Các trường hợp phải giám định:
Các trường hợp tái xuất khác ngoài các qui định tại điểm 9.1 trên đây.
Trường hợp tái xuất qua đường bộ, nếu tại địa phương không có tổ chức giám định độc lập thì chấp nhận Phiếu hoá nghiệm của doanh nghiệp, doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung Phiếu hoá nghiệm.
Xăng, dầu được lấy ra từ cùng 01 bồn, bể dưới sự giám sát của Hải quan thì việc giám định xác định chủng loại này là xác định cho cả lô hàng tái xuất, không yêu cầu phải xác định riêng lẻ cho từng phương tiện vận chuyển.
10. Đối với các trường hợp có Chứng thư giám định của các tổ chức giám định có chức năng giám định về khối lượng và chủng loại xăng, dầu qui định tại điểm 8, 9 trên đây, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì Chi cục trưởng Hải quan quyết định kiểm tra thực tế xăng, dầu.
11. Xác nhận thực xuất đối với xăng, dầu tái xuất:
Khi hàng đã thực xuất qua cửa khẩu, doanh nghiệp phải nộp bản coppy hoặc bản sao vận tải đơn (B/L) hoặc giấy tờ có giá trị tương đương, thì Hải quan xác nhận thực xuất vào tờ khai xuất khẩu. Xác nhận thực xuất phải ghi rõ tên, số hiệu phương tiện vận chuyển; số, ngày vận tải đơn; ngày giờ thực xuất qua cửa khẩu; tình trạng niêm phong. Thẩm quyền xác nhận thực xuất thực hiện theo qui định tại Quyết định số 56/2003/QĐ-BTC và số 53/2003/QĐ-BTC ngày 16/4/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
12. Chi cục Hải quan làm thủ tục tái xuất, ngay sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan cho phương tiện chuyên chở xăng, dầu tái xuất, phải thông báo bằng văn bản cho Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất biết các nội dung: ngày giờ phương tiện xuất phát; tên, đặc điểm của phương tiện; tuyến phương tiện hoạt động; tên, số lượng, chủng loại xăng, dầu để cùng phối hợp theo dõi, quản lý.
II. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI NHẬP KHẨU, TẠM NHẬP XĂNG, DẦU:
1. Hồ sơ hải quan:
1.1. Chứng từ phải nộp:
Tờ khai hải quan: 02 bản chính;
Hợp đồng mua hàng: 01 bản sao;
Vận tải đơn: 01 bản sao;
Hoá đơn thương mại: 01 bản chính;
Giấy phép kinh doanh nhập khẩu xăng, dầu: 01 bản sao;Chứng thư giám định khối lượng: 01 bản chính.
Giấy Thông báo hoặc Giấy đăng ký kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về chất lượng (đối với loại xăng, dầu thuộc danh mục kiểm tra Nhà nước về chất lượng): 01 bản chính.
1.2. Thời hạn doanh nghiệp nộp các chứng từ cho Hải quan:
Các chứng từ nêu trên phải nộp khi đến làm thủ tục đăng ký tờ khai, trừ các chứng từ sau:
Chứng thư giám định khối lượng: Phải nộp trong thời gian 8 giờ làm việc kể từ khi bơm xong xăng, dầu từ phương tiện vận tải lên kho.
Giấy xác nhận chất lượng: Phải nộp trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày đăng ký tờ khai.
Hoá đơn thương mại: Trường hợp chưa có bản chính, doanh nghiệp phải nộp bản fax (của bản chính) hoặc bản Telex trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, Giám đốc (hoặc người được Giám đốc uỷ quyền) doanh nghiệp ký xác nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của bản fax hoặc bản Telex này. Trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn nộp chậm không quá 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan theo qui định tại khoản 2, Điều 7 Nghị định số 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của Chính phủ.
Khi đăng ký tờ khai nếu vì lý do chưa có hoá đơn thương mại (bản chính), Hải quan tính thuế theo tự khai báo của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp nộp hoá đơn thương mại (bản chính), Hải quan kiểm tra, đối chiếu với khai báo trên tờ khai, nếu có sự thay đổi thì Hải quan điều chỉnh số thuế phải nộp theo đúng qui định của pháp luật, không xử phạt vi phạm.
1.3. Chứng từ xuất trình:
Giấy phép kinh doanh nhập khẩu xăng, dầu (bản chính) do Bộ Thương mại cấp khi có yêu cầu.
2. Trách nhiệm của Hải quan làm thủ tục nhập khẩu:
2.1. Thực hiện các bước làm thủ tục hải quan theo đúng qui định tại Quyết định số 56/2003/QĐ-BTC ngày 14/6/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
2.2. Niêm phong bồn, bể chứa sau khi hoàn thành việc bơm xăng, dầu vào bồn, bể (đối với trường hợp nêu tại điểm 7, mục I).
2.3. Làm thủ tục tái xuất đối với xăng, dầu nhập khẩu không đạt chất lượng khi nhận được Quyết định buộc tái xuất của cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng.
3. Trách nhiệm của chủ hàng:
3.1 Đề nghị tổ chức giám định thực hiện giám định khối lượng, chất lượng, chủng loại xăng, dầu.
3.2 Đảm bảo nguyên trạng niêm phong hải quan đối với bồn, bể chứa xăng, dầu có niêm phong hải quan.
Đối với xăng, dầu thuộc danh mục kiểm tra Nhà nước về chất lượng nhưng chưa có giấy xác nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn nhập khẩu qui định tại điểm 7, mục I, khi có kết luận của cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng thì xử lý như sau:
Trường hợp cơ quan kiểm tra thông báo lô hàng đạt chất lượng nhập khẩu, cơ quan Hải quan đã quyết định thông quan thì chủ hàng được mở niêm phong hải quan để sử dụng.
Trường hợp cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng có Quyết định buộc tái xuất đối với hàng hoá không đạt chất lượng thì doanh nghiệp phải tiếp tục chịu trách nhiệm giữ nguyên trạng niêm phong hải quan để làm thủ tục tái xuất và phải làm thủ tục tái xuất trong thời hạn qui định của pháp luật.
III. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI TÁI XUẤT XĂNG, DẦU:
1. Hồ sơ hải quan:
1.1. Chứng từ phải nộp:
Tờ khai hải quan: 02 bản chính;
Tờ khai hải quan của lô hàng tạm nhập: 01bản sao;
Hợp đồng bán hàng: 01 bản sao;
Đối với trường hợp bán cho tàu biển nước ngoài cập cảng Việt Nam và tàu Việt Nam chạy tuyến quốc tế xuất cảnh, người khai hải quan phải nộp thêm:
Giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp cung ứng tàu biển: 01 bản sao (nộp lần đầu);
Hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp được phép nhập khẩu xăng, dầu và doanh nghiệp cung ứng tàu biển: 01 bản sao (đối với trường hợp doanh nghiệp có chức năng cung ứng tàu biển);
Đơn đặt hàng (order) của Thuyền trưởng hoặc của hãng tàu: 01 bản chính hoặc bản Fax có xác nhận của Giám đốc doanh nghiệp;
Văn bản phê duyệt kế hoạch nhập khẩu xăng, dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh của Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất (đối với trường hợp xăng, dầu bán cho doanh nghiệp Khu chế xuất): 01 bản sao;
Chứng thư giám định về chủng loại (đối với trường hợp qui định tại điểm 9.2 mục I): 01 bản chính.
Chứng thư giám định khối lượng đối với những trường hợp qui định tại điểm 8.1, 8.2, 8.4 mục I: 01 bản chính.
1.2. Chứng từ xuất trình:
Văn bản phê duyệt kế hoạch nhập khẩu xăng, dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh của Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất đối với trường hợp xăng, dầu tái xuất cho doanh nghiệp Khu chế xuất: bản chính để đối chiếu bản sao;
Tờ khai hải quan của lô hàng tạm nhập: Bản chính để đối chiếu bản sao.
2. Trách nhiệm của Hải quan làm thủ tục tái xuất:
2.1. Làm thủ tục hải quan cho lô hàng tái xuất theo đúng qui định tại Quyết định số 56/2003/QĐ-BTC ngày 14/6/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
2.2. Kiểm tra tình trạng bên ngoài của bồn, bể, khoang chứa xăng, dầu của phương tiện vận tải, nếu không có gì nghi vấn và đủ các điều kiện đảm bảo niêm phong hải quan còn nguyên trạng thì cho bơm xăng, dầu vào phương tiện vận tải đó; giám sát việc bơm xăng, dầu vào phương tiện vận tải. Sau khi bơm xong, niêm phong các bồn, bể, khoang chứa của phương tiện vận tải.
Đối với trường hợp xác định khối lượng bằng Barem thì phải kiểm tra tình trạng bên trong bồn trước khi bơm.
Trường hợp hàng tái xuất qua cửa khẩu đường bộ, cửa khẩu đường sông, doanh nghiệp chế xuất, Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tái xuất và Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất phải thực hiện đúng qui định về thủ tục hải quan đối với hàng chuyển cửa khẩu tại Quyết định số 53/2003/QĐ-BTC ngày14/6/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
2.3. Thực hiện trừ lùi số xăng, dầu tái xuất vào tờ khai hải quan và văn bản phê duyệt kế hoạch nhập khẩu xăng, dầu phục vụ sản xuất của Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất.
3. Trách nhiệm của Hải quan cửa khẩu xuất và Hải quan Khu chế xuất:
3.1. Trường hợp tái xuất qua cửa khẩu đường bộ, đường sông:
3.1.1. Tiếp nhận hồ sơ hải quan do Chi cục Hải quan làm thủ tục tái xuất chuyển đến.
3.1.2. Kiểm tra các niêm phong của khoang chứa, bồn, bể. Trường hợp còn nguyên niêm phong thì thực hiện giám sát việc xuất hàng, đảm bảo toàn bộ lô hàng phải thực xuất qua biên giới.
3.1.3. Nếu phát hiện niêm phong không còn nguyên vẹn, niêm phong giả, hoặc có dấu hiệu vi phạm về sự thay đổi khối lượng, chủng loại xăng, dầu thì Hải quan cửa khẩu xuất yêu cầu chủ hàng trưng cầu giám định khối lượng và chủng loại. Nếu kết quả giám định đúng với bộ hồ sơ thì lập biên bản xác nhận, niêm phong, làm thủ tục xuất qua cửa khẩu. Nếu kết quả giám định xác định có thay đổi về khối lượng, chủng loại thì lập biên bản vi phạm và xử lý theo qui định của pháp luật.
3.1.4. Thực hiện việc luân chuyển hồ sơ lô hàng cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tái xuất theo đúng qui định về hàng chuyển cửa khẩu.
3.1.5. Khi phương tiện chuyên chở xăng, dầu tái xuất quay về, Hải quan cửa khẩu phải kiểm tra phương tiện vận tải nhập cảnh theo qui định nhằm phát hiện hàng nhập lậu hoặc xăng, dầu không tái xuất hết quay lại tiêu thụ trong nước.
3.2. Trường hợp xăng, dầu tái xuất cho doanh nghiệp khu chế xuất:
3.2.1 Hải quan quản lý doanh nghiệp chế xuất phải thực hiện các nhiệm vụ nêu tại điểm 3.1.1 và 3.1.3 trên đây.
3.2.2. Giám sát việc bơm xăng, dầu vào kho, bồn, bể của doanh nghiệp chế xuất, kiểm tra xác định khối lượng qua đồng hồ đo, tổng lượng, phát hiện sai phạm thì xử lý theo qui định pháp luật.
3.2.3. Lưu 01 tờ khai tái xuất (bản sao), thực hiện việc trừ lùi chỉ tiêu nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất.
3.3- Dầu bán cho tàu biển theo hình thức cung ứng tàu biển: Hải quan cửa khẩu làm thủ tục hải quan khi doanh nghiệp nộp tờ khai cho hải quan và giám sát cho đến khi dầu được giao toàn bộ cho tàu biển.
4. Trách nhiệm của chủ hàng:
4.1. Đề nghị tổ chức giám định thực hiện giám định khối lượng, chất lượng và chủng loại, xăng, dầu tái xuất đối với những trường hợp phải giám định.
4.2. Đảm bảo giữ nguyên trạng hàng hoá nguyên niêm phong hải quan và hồ sơ hải quan trong quá trình vận chuyển tới cửa khẩu xuất, doanh nghiệp chế xuất.
IV. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI TÁI XUẤT XĂNG, DẦU CHO TÀU BAY:
1. Doanh nghiệp được áp dụng hình thức đăng ký tờ khai một lần để xuất khẩu nhiều lần: doanh nghiệp khai 1 tờ khai cho tất cả các hãng Hàng không nước ngoài, 1 tờ khai cho các hãng Hàng không Việt Nam. Thời hạn hiệu lực của tờ khai theo qui định của pháp luật.
2. Khi giao hàng cho tàu bay, doanh nghiệp phải nộp hoặc xuất trình cho Hải quan:
Xuất trình tờ khai hải quan đã đăng ký.
Nộp hoá đơn bán hàng (hoặc phiếu xuất kho): 01 bản chính
Nộp đơn đặt hàng của Cơ trưởng hoặc của hãng hàng không: 01 bản chính;
Bản định mức khối lượng xăng, dầu bay chặng nội địa: 01 bản chính (đối với trường hợp tàu bay xuất cảnh có bay chặng nội địa);
3. Sau khi giao hàng từng chuyến xong, Hải quan phải xác nhận vào hoá đơn, đơn đặt hàng, thực hiện các nhiệm vụ khác qui định đối với đăng ký tờ khai một lần.
4- Trường hợp bán cho tàu bay Việt Nam xuất cảnh: Hãng Hàng không phải xây dựng định mức xăng, dầu sử dụng bay chặng trong nước và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về định mức này. Căn cứ định mức, Hải quan xác nhận lượng xăng, dầu thực tái xuất tính từ sân bay mà tàu bay xuất cảnh.
5- Thanh khoản tờ khai: Hải quan và doanh nghiệp tiến hành thanh khoản tờ khai bằng cách cộng dồn lượng xăng, dầu thực xuất trong các hoá đơn và Phiếu theo dõi, ghi kết quả thực xuất vào tờ khai và ô xác nhận thực xuất.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này. Trong quá trình thực hiện nếu phát hiện có sơ hở, vướng mắc yêu cầu báo cáo Bộ Tài chính (qua Tổng cục Hải quan) để có chỉ đạo kịp thời.
2. Mọi hành vi vi phạm Quyết định này đều bị xử lý theo qui định của pháp luật hiện hành./.