Sign In

QUYẾT ĐỊNH 

Về việc ban hành Quy chế quản lý kinh doanh xăng, dầu

____________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 44/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 08 năm 2001 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31 tháng 07 năm 1998;

Căn cứ Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 03 năm 1999 của Chính phủ về hàng hoá cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện, hàng hóa, dịch vụ thương mại hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện;

Để xây dựng hệ thống cung ứng xăng, dầu phát triển ổn định, từng bước phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, bảo đảm an toàn năng lượng quốc gia, bảo đảm cân đối xăng, dầu cho nhu cầu của nền kinh tế quốc dân và tiêu dùng xã hội;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý kinh doanh xăng, dầu.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2004. Bộ trưởng các Bộ: Thương mại, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và Giao thông vận tải chịu trách nhiệm ban hành các văn bản liên quan nêu tại Quy chế quản lý kinh doanh xăng, dầu kèm theo Quyết định này, bảo đảm thực hiện đồng bộ khi Quyết định này có hiệu lực thi hành. Các quy định trái với những quy định trong Quy chế kèm theo Quyết định này đều được bãi bỏ.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUY CHẾ

Quản lý kinh doanh xăng, dầu

(Ban hành kèm theo Quyết định số 187/2003/QĐ-TTg ngày 15/09/2003 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Xăng, dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Thương nhân kinh doanh nhập khẩu (kể cả nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, pha chế xăng, dầu), kinh doanh xăng, dầu trên thị trường nội địa (kể cả thương nhân làm đại lý bán lẻ xăng, dầu) phải tuân thủ các điều kiện, quy định tại Quy chế này và các quy định hiện hành khác về kinh doanh xăng, dầu.

Điều 2. Doanh nghiệp được kinh doanh nhập khẩu xăng, dầu phải đáp ứng các điều kiện, quy định nêu tại Điều 5 Quy chế này và phải có Giấy phép kinh doanh do Bộ Thương mại cấp.

Điều 3. Việc phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật để kinh doanh nhập khẩu và kinh doanh xăng, dầu trên thị trường nội địa (cảng tiếp nhận xăng, dầu nhập khẩu, kho tiếp nhận đầu mối, kho trung chuyển, kho phân phối xăng, dầu, cửa hàng xăng, dầu) phải tuân thủ quy hoạch do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Quy hoạch phát triển hệ thống kho tiếp nhận đầu mối, kho trung chuyển, kho phân phối xăng, dầu trên phạm vi cả nước đến năm 2010 thực hiện theo Quyết định số 93/2002/QĐ-TTg ngày 16 tháng 07 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ.

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng tiếp nhận xăng, dầu nhập khẩu đến năm 2010 thực hiện theo Quyết định số 202/1999/QĐ-TTg ngày 12 tháng 10 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập quy hoạch và phê duyệt phát triển hệ thống cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn đến năm 2010.

Điều 4. Doanh nghiệp nhập khẩu xăng, dầu chuyên dụng cho nhu cầu sử dụng của mình, không kinh doanh trên thị trường nội địa, thực hiện theo quy định riêng của Bộ trưởng Bộ Thương mại.

Chương II

ĐIỀU KIỆN KINH DOANH XĂNG, DẦU

Điều 5. Điều kiện kinh doanh nhập khẩu xăng, dầu.

1. Doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu xăng, dầu phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Có cầu cảng chuyên dùng để có thể tiếp nhận xăng, dầu nhập khẩu thuộc sở hữu của doanh nghiệp, kể cả đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh liên kết, góp vốn xây dựng hoặc thuê sử dụng từ 05 năm trở lên.

b) Có kho tiếp nhận xăng, dầu nhập khẩu để có thể tiếp nhận trực tiếp xăng, dầu từ tầu vào kho, bảo đảm các quy định phòng cháy, chữa cháy và vệ sinh môi trường thuộc sở hữu của doanh nghiệp, kể cả đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh liên kết, góp vốn xây dựng hoặc thuê sử dụng từ 05 năm trở lên.

c) Có vốn thuộc sở hữu doanh nghiệp (không bao gồm giá trị tài sản) bảo đảm hoạt động kinh doanh nhập khẩu xăng, dầu bằng mức xăng, dầu dự trữ lưu thông bắt buộc quy định tại mục d, khoản 2 Điều này.

2. Trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu xăng, dầu phải tuân thủ các quy định sau đây:

a) Phải thiết lập hệ thống phân phối, bao gồm kho, trạm, cửa hàng bán lẻ hoặc đại lý bán lẻ và phải đăng ký hệ thống phân phối này với Bộ Thương mại. Cửa hàng bán lẻ và đại lý bán lẻ phải có biển hiệu của doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu xăng, dầu.

b) Phải quy định đúng giá, chất lượng xăng, dầu bán ra; chấp hành các quy định về bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng xăng, dầu và yêu cầu các cơ sở phân phối, các cửa hàng bán lẻ, đại lý bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình thực hiện; quy định chế độ kiểm tra chất lượng, kiểm định các dụng cụ đo lường; kiểm tra và liên đới chịu trách nhiệm về việc thực hiện các quy định về giá và chất lượng xăng, dầu bán ra của các cơ sở phân phối, các cửa hàng bán lẻ, các đại lý bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình.

c) Doanh nghiệp nhập khẩu xăng, dầu phải bảo đảm cung ứng đủ xăng, dầu cho thị trường nội địa theo đúng tiến độ và cơ cấu theo hạn mức nhập khẩu tối thiểu được giao.

d) Doanh nghiệp nhập khẩu xăng, dầu phải thường xuyên bảo đảm lượng xăng, dầu dự trữ lưu thông bằng 15 ngày cung ứng tính theo hạn mức nhập khẩu tối thiểu được giao (cả về số lượng và cơ cấu).

đ) Không được chuyển tải, sang mạn xăng, dầu trên biển; trừ trường hợp cung ứng cho tầu biển và chuyển tải từ các tầu lớn mà các cảng Việt Nam không có khả năng tiếp nhận do Cơ quan Cảng vụ quyết định.

e) Thực hiện đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn môi trường biển.

Bộ Thương mại phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải quy định điều kiện về an toàn môi trường biển đối với hoạt động của doanh nghiệp cung ứng dầu cho tàu biển.

3. Bộ Thương mại là cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu xăng, dầu cho các doanh nghiệp hội đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này; kiểm tra việc tuân thủ các quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Hồ sơ để cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu xăng, dầu gồm có :

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu xăng, dầu (theo mẫu tại Phụ lục I đính kèm Quy chế này).

b) Bản kê cơ sở vật chất kinh doanh xăng, dầu (theo mẫu tại Phụ lục II đính kèm Quy chế này).

c) Quyết định công bố cảng của Bộ Giao thông vận tải đối với cầu cảng chuyên dùng của doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận cảng xăng, dầu nằm trong hệ thống cảng quốc tế có thể tiếp nhận tầu xăng, dầu từ nước ngoài.

d) Xác nhận của Sở Tài chính - Vật giá về vốn và tình hình tài chính của doanh nghiệp.

5. Chỉ những doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu xăng, dầu mới được nhập khẩu nguyên liệu (dầu thô, condensate, xăng có chỉ số octan cao và các chế phẩm pha xăng...) cho các đơn vị được phép sản xuất, pha chế xăng, dầu.

Bộ Thương mại phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quy chế quản lý nhập khẩu nguyên liệu và sản xuất, pha chế xăng, dầu.

Điều 6. Kinh doanh xăng, dầu nội địa.

1. Thương nhân là doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đáp ứng các quy định tại Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 03 năm 1999 của Chính phủ về hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện, hàng hóa, dịch vụ thương mại hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, được kinh doanh xăng, dầu trên thị trường nội địa và chỉ được kinh doanh dưới hình thức đại lý.

2. Quy chế đại lý kinh doanh xăng, dầu do Bộ Thương mại ban hành và kiểm soát việc thực hiện Quy chế này.

3. Cửa hàng bán lẻ xăng, dầu, đại lý bán lẻ xăng, dầu phải niêm yết giá bán các loại xăng, dầu theo đúng hợp đồng đại lý và bán đúng giá niêm yết.

Nghiêm cấm các hành vi đầu cơ găm hàng, bán không đúng giá niêm yết, bán thiếu số lượng, bán không đúng tiêu chuẩn chất lượng quy định cho từng loại sản phẩm xăng, dầu và các hành vi gian dối khác.

Doanh nghiệp nhập khẩu xăng, dầu có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện các quy định nêu trên và các cam kết được thoả thuận trong hợp đồng đại lý với các đại lý của mình.

4. Doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu, kể cả các cửa hàng đại lý bán lẻ phải thực hiện chế độ ghi chép sổ sách chứng từ trong tất cả các khâu của quá trình lưu thông xăng, dầu theo quy định của Bộ Tài chính.

Chương III

ĐIỀU HÀNH NHẬP KHẨU XĂNG, DẦU

Điều 7. Hàng năm, căn cứ cân đối cung cầu cho nền kinh tế quốc dân, Bộ Thương mại chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định nhu cầu định hướng về nhập khẩu xăng, dầu cho cả nước (theo cơ cấu sản phẩm) của năm tiếp theo và công bố để các doanh nghiệp nhập khẩu xăng, dầu biết, chủ động trong kinh doanh. Nhu cầu đặc biệt cho quốc phòng được xác định riêng.

Điều 8. Trên cơ sở tổng nhu cầu định hướng về nhập khẩu xăng, dầu, Bộ Thương mại giao hạn mức nhập khẩu tối thiểu cả năm cho từng doanh nghiệp có Giấy phép kinh doanh nhập khẩu xăng, dầu để làm thủ tục nhập khẩu tại cơ quan hải quan.

Điều 9. Căn cứ khả năng khai thác thị trường trong, ngoài nước, doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu xăng, dầu tự quyết định việc nhập khẩu xăng, dầu các loại để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất, nhưng không được nhập khẩu thấp hơn hạn mức tối thiểu được giao (kể cả số lượng và cơ cấu).

Điều 10. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại bảo đảm ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng, dầu theo hạn mức tối thiểu được giao.

Chương IV

CƠ CHẾ QUẢN LÝ GIÁ

Điều 11. Giá bán xăng, dầu của các doanh nghiệp được xác định trên cơ sở giá định hướng, theo các nguyên tắc sau:

1. Giá định hướng bán xăng, dầu cho người sử dụng (với ma dút là giá bán buôn, với các mặt hàng khác là giá bán lẻ - sau đây gọi tắt là giá định hướng) được xác định căn cứ vào giá quốc tế dự báo, giá bán lẻ tại thị trường các nước trong khu vực, cơ chế ổn định thuế nhập khẩu xăng, dầu trong năm kinh doanh, tác động của giá xăng, dầu đến giá của các hàng hoá, các dịch vụ và thu nhập dân cư và bảo đảm cho doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu xăng, dầu đủ bù đắp chi phí hợp lý và có lãi để tích luỹ cho đầu tư phát triển.

2. Vào quý IV hàng năm, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Thương mại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định giá định hướng và mức thuế ổn định cho năm tiếp theo, công bố để làm cơ sở cho các doanh nghiệp xác định giá bán lẻ cụ thể.

3. Doanh nghiệp tự quyết định giá bán trên cơ sở giá định hướng. Mức chênh lệch giữa giá bán của doanh nghiệp và giá định hướng của nhà nước không vượt quá mức quy định sau đây:

- Xăng các loại: + 10%

- Các mặt hàng khác: + 5%

4. Đối với các địa bàn xa cảng tiếp nhận, chi phí kinh doanh cao, giá định hướng được tăng thêm 2%; danh mục các địa phương thuộc địa bàn này do Bộ Thương mại chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải công bố.

Điều 12. Doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu xăng, dầu phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh của mình, nhà nước không bù lỗ.

Điều 13. Để bảo đảm nhu cầu xăng, dầu cho sản xuất, tiêu dùng xã hội và bình ổn thị trường khi giá xăng, dầu thế giới có biến động lớn, Thủ tướng Chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp kinh tế - hành chính để can thiệp vào thị trường xăng, dầu. Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các giải pháp cụ thể

Chương V

TÁI XUẤT XĂNG, DẦU

Điều 14. Chỉ các doanh nghiệp có Giấy phép kinh doanh nhập khẩu xăng, dầu mới được tái xuất xăng, dầu và không phải xin phép Bộ Thương mại khi thực hiện tái xuất xăng, dầu.

Điều 15. Việc hoàn thuế nhập khẩu xăng, dầu tái xuất chỉ được thực hiện sau khi xăng, dầu thực tái xuất và xăng, dầu tái xuất phải được thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi.

Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc hoàn thuế xăng, dầu đã được tái xuất.

Điều 16. Bộ Thương mại ban hành Quy chế tái xuất xăng, dầu, bảo đảm chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Chương VI

XĂNG DẦU DỰ TRỮ QUỐC GIA

Điều 17. Việc quản lý dự trữ và sử dụng xăng, dầu dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định riêng của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 18. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Thương mại và Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập kế hoạch dự trữ quốc gia về xăng, dầu và xây dựng Quy chế quản lý xăng, dầu dự trữ quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chương VII

KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 19. Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc kiểm tra chấp hành các quy định trong Quy chế này và các văn bản có liên quan khác; bảo đảm thị trường xăng, dầu ổn định, ngăn chặn các hiện tượng đầu cơ, nâng giá, bán sai giá, bán không đúng chất lượng được quy định.

Điều 20. Doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu vi phạm các quy định tại Quy chế này, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại và theo quy định của pháp luật.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21. Bộ Thương mại chủ trì cùng Bộ Tài chính tổ chức thực hiện việc điều hành kinh doanh xăng, dầu theo các quy định của Quy chế này và các văn bản liên quan khác; xử lý các vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện Quy chế; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền các Bộ, ngành liên quan./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Vũ Khoan