CHỈ THỊ
Về đẩy mạnh triển khai thực hiện công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Bình Dương
______________________
Trong những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp, ổn định, có hiệu quả. Các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng để triển khai đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới tỉnh nhà, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế của địa phương. Tuy nhiên, trong tình hình khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới lan rộng đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế nước ta nói chung và của tỉnh Bình Dương nói riêng, sự tác động này có nhiều diễn biến phức tạp và còn kéo dài, mặc dù Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp nhằm bình ổn nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, chống lạm phát, giải quyết việc làm, tiền lương…Mặt khác, sự gia tăng của các loại tội phạm và tình hình vi phạm pháp luật vẫn còn cao, một số nơi chưa thật sự chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện chưa đồng bộ, một số cán bộ công chức, viên chức chưa thật sự nhận thức cao nên khi tham gia tập huấn pháp luật còn xem nhẹ, thiếu tập trung, làm việc riêng, bỏ về nửa chừng hoặc chưa tích cực tham dự…
Nhằm quán triệt sâu sắc tinh thần nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách Tư pháp đến 2020, Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở xã phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010; Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/3/2008 của Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012; Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg ngày 24/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tuyên tuyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ năm 2009 đến 2012; Quyết định số 270/QĐ-TTg ngày 27/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước” thuộc Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ từ năm 2008 đến năm 2012; Quyết định số 249/2006/QĐ-UBND ngày 24/11/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Phê duyệt 04 Kế hoạch chi tiết thực hiện các Đề án thuộc Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2006 đến năm 2010 và Quyết định số 1782/QĐ-UBND ngày 09/6/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai “Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/3/2008 của Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012”.
Để đáp ứng yêu cầu công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh (kể cả các doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý) và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện tốt một số mặt công tác sau đây:
1. Tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức quán triệt, triển khai các biện pháp đẩy mạnh thực hiện sâu rộng Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân (viết tắt là Chỉ thị 32); Thông báo kết luận số 74-TB/TW ngày 11/5/2007của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW và Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW.
Trong đó, thủ trưởng các Sở, ngành, đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của Sở, ngành, địa phương mình và triển khai cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị và nhân dân bảo đảm 100% cán bộ, công chức, viên chức phải học tập, nghiên cứu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Đồng thời, gắn việc nghiên cứu, học tập và chấp hành đúng các quy định của pháp luật là nhiệm vụ công tác trọng tâm, thường xuyên để đánh giá cán bộ công chức, bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, yêu cầu cải cách hành chính trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
2. Xây dựng Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương phải cụ thể, khả thi, có trọng tâm trọng điểm, bám sát nhiệm vụ của ngành, địa phương; ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ có khả năng giải quyết ngay những yêu cầu bức xúc trong thực tiễn - nhất là các nội dung liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, các loại biểu mẫu, thuế, đất đai, nhà ở, đầu tư, hải quan, tài chính…các thủ tục liên quan đến cải cách hành chính phải tạo thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp và mọi thành phần kinh tế trong xã hội.
3. Tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ từng Kế hoạch chi tiết thực hiện các Đề án thuộc Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2006 đến năm 2010 và Kế hoạch Phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến 2012 trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 1782/QĐ-UBND ngày 09/6/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh (thuộc đề án 212 và Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp có trách nhiệm đôn đốc, phối hợp với thành viên cùng cấp tổ chức triển khai thực hiện:
a) Tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp thực hiện theo đúng tiến độ của từng Đề án đã đặt ra; tổ chức sơ kết các khu phố, ấp, tổ dân cư, các xã, phường, thị trấn làm thí điểm về thực hiện công tác phổ biến, giáo dục và chấp hành pháp luật theo 04 Đề án của Chương trình 212 để đánh giá, rút kinh nghiệm, khắc phục các hạn chế và tiếp tục nhân rộng các mô hình có hiệu quả; chú trọng rà soát đội ngũ cán bộ công chức, viên chức chưa đủ tiêu chuẩn nhằm đào tạo, tạo nguồn để hoàn thành đề án đến năm 2012 (100% cán bộ chuyên trách có trình độ Đại học, riêng cán bộ Tư pháp phải đạt trình độ Đại học Luật). Tiếp tục duy trì tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ tham gia làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật mỗi năm ít nhất từ một đến hai lần; biên soạn đề cương, tài liệu tuyên truyền có nội dung phù hợp cho từng đối tượng cụ thể.
b) Các Sở, ngành (Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) được giao chủ trì các đề án theo Quyết định số 1782/QĐ-UBND ngày 9/6/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thuộc tỉnh tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án chi tiết của Bộ, ngành cấp trên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
c) Tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ, công khai các trình tự thủ tục, hướng dẫn cụ thể các quy định pháp luật lên website của ngành, đơn vị, tổ chức mình hoặc thông qua website của tỉnh nhằm cải cách hành chính, tạo sự thuận lợi, đơn giản và minh bạch phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân.
d) Nâng cao vai trò Thường trực hội đồng phối hợp các cấp, phát huy tinh thần trách nhiệm của từng thành viên, tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp, phân công cụ thể nhiệm vụ từng thành viên, có chế độ kiểm tra, báo cáo thường xuyên; rà soát đội ngũ Báo cáo viên, tuyên truyền viên tinh gọn số lượng và nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm củng cố đội ngũ Báo cáo viên cùng cấp đủ sức tham gia Phổ biến pháp luật cho cơ sở. Đồng thời chỉ đạo cấp xã củng cố đội ngũ tuyên truyền viên đủ sức tham gia tuyên truyền pháp luật cho nhân dân.
5. Đối với một số lĩnh vực cụ thể:
a) Công tác trợ giúp pháp lý:
Tiếp tục triển khai sâu rộng Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Luật sư đến cán bộ công chức, viên chức và nhân dân đặc biệt là nhân dân vùng nông thôn, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc, người nghèo và người lao động. Nâng cao chất lượng đội ngũ, trợ giúp viên, chuyên viên, cộng tác viên trợ giúp pháp lý, mở lớp tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng trợ giúp, cử chuyên viên tham gia các khóa đào tạo luật sư, trợ giúp viên, tổ chức hội thảo, tọa đàm… Tiếp tục nhân rộng các mô hình thí điểm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở cơ sở, tổ, điểm trợ giúp pháp lý ở huyện, thị, xây dựng hoàn thiện cơ chế, chế độ, phương thức hoạt động góp phần phong phú, đa dạng kênh thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật.
b) Công tác hòa giải ở cơ sở:
Tổ chức rà soát để kịp thời củng cố, kiện toàn, tổ chức tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ hòa giải cơ sở, giải quyết kịp thời các vi phạm, tranh chấp nhỏ ngay từ cơ sở, giữ gìn sự đoàn kết xóm làng và các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong nhân dân; hạn chế khiếu nại vượt cấp, tranh chấp kéo dài ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
c) Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm và tủ sách pháp luật:
Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Tỉnh Đoàn Thanh niên cần phối hợp tiếp tục nghiên cứu đưa ra nhiều phương thức hoạt động, hoàn thiện mô hình, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ; chính quyền cơ sở cần chủ động tạo điều kiện, quan tâm trang bị cơ sở, vật chất, khen thưởng động viên kịp thời các điển hình tiên tiến, nêu gương người tốt việc tốt, các cá nhân và tập thể có thành tích trong công tác phòng chống tội phạm.
Đối với tủ sách pháp luật, các cấp chính quyền quan tâm cấp kinh phí trang bị sách mới theo quy định, thống kê phân loại các loại sách không còn hiệu lực nhằm phục vụ cho nhu cầu tra cứu của cán bộ công chức, viên chức và nhu cầu tìm hiểu của nhân dân. Riêng đối với các Giỏ sách pháp luật đặt tại các khu nhà trọ tập trung cạnh các khu, cụm công nghiệp cần tăng cường số lượng và chất lượng; biên soạn tờ gấp có nội dung phong phú đa dạng, gần gũi người lao động, chú trọng các hình thức như: câu chuyện pháp luật, ký sự tòa án, tình huống pháp luật…
6. Tổ chức triển khai các văn bản pháp luật mới ban hành, nhất là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Thi hành án dân sự, Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo hiểm y tế… tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày như Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo hiểm xã hội…
7. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước do tỉnh quản lý, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Thủ Dầu Một, thành viên Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh có trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này.
Giao Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và báo cáo theo quy định./.