CHỈ THỊ
Về việc tăng cường công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn
tỉnh Bình Dương
Thời gian qua, tình hình quản lý và kiểm soát chất thải rắn ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng đang là vấn đề hết sức bức xúc.Với tốc độ phát triển công nghiệp, đô thị hoá nhanh như hiện nay làm cho chất thải rắn ngày một gia tăng. Theo thống kê, cứ tổng sản phẩm quốc dân tăng gấp 2 lần thì chất thải rắn tăng trung bình từ 4 đến 5 lần. Hệ thống quản lý, tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn đô thị, chất thải rắn công nghiệp, đặc biệt là chất thải rắn nguy hại còn bất cập như hiện nay đã và đang làm ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan đô thị và sức khỏe cộng đồng và là thách thức không nhỏ cho quá trình phát triển bền vững của tỉnh Bình Dương.
Ngày 09/4/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2007/NĐ-CP về quản lý chất thải rắn đã tạo cơ sở pháp lý cho công tác qui hoạch và quản lý chất thải rắn ở các địa phương. Đồng thời Bộ Tài nguyên Môi trường đã ban hành Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT ngày 26/12/2006 và Quyết định số 23/2006/QĐ-BTNMT ngày 26/12/2006 hướng dẫn về quản lý chất thải nguy hại; Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 13/2007/QĐ-BXD ngày 23/4/2007 về định mức, dự toán thu gom, vận chuyển và xử lý chôn lấp chất thải đô thị. Đây là các văn bản hướng dẫn quan trọng giúp cho công tác quản lý chất thải rắn ngày càng tốt hơn.
Từ thực trạng trên, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường, Giám đốc Sở Xây dựng, Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện ngay các yêu cầu sau đây:
1. Sở Xây dựng:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên – Môi trường và các sở, ngành, các huyện, thị xã lập qui hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh theo qui định tại Nghị định 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 và các văn bản hướng dẫn khác của các Bộ, ngành trình Uỷ ban nhân dân phê duyệt làm cơ sở tổ chức thực hiện. Trước mắt ưu tiên lập đề án kiện toàn hệ thống thu gom, vận chuyển, trung chuyển chất thải đô thị trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét vào cuối quí 3/2007.
- Phối hợp cùng Sở Tài nguyên – Môi trường soạn thảo qui trình về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành.
- Phối hợp cùng Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã căc cứ qui hoạch quản lý chất thải rắn, đề án kiện toàn hệ thống thu gom, vận chuyển chất thải rắn lập các dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị chuyên dụng, các phương tiện khác phục vụ cho công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn. Công tác lập dự án phải hoàn thành trong quí 1/2008 và phân kỳ để đầu tư hoàn chỉnh từ nay đến năm 2010.
- Căn cứ Quyết định số 13/2007/QĐ-BXD ngày 23/4/2007 về định mức, dự toán thu gom, vận chuyển và xử lý chôn lấp chất thải đô thị, phối hợp với Sở Tài chính điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh làm cơ sở để tổ chức thực hiện.
2. Sở Tài nguyên – Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thị xã tổ chức điều tra, khảo sát, thống kê, đánh gía hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, trong năm 2007 và 2008 ưu tiên tập trung vào các địa bàn huyện Thuận An, huyện Dĩ An và các khu, cụm công nghiệp. Việc điều tra phải tiến hành đồng bộ với công tác kiểm soát chất thải, điều tra đến đâu hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký để cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải; đưa chứng từ chất thải nguy hại vào sử dụng trong quá trình chuyển giao, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại giữa chủ nguồn thải và chủ thu gom xử lý.
3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã kiểm tra, thống kê các doanh nghiệp, các cơ sở dịch vụ thu gom rác thải công nghiệp, rác thải đô thị để có biện pháp tổ chức sắp xếp lại phù hợp. Căn cứ vào đề án kiện toàn hệ thống thu gom vận chuyển chất thải đô thị được duyệt, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức lại hệ thống quản lý thu gom, vận chuyển chất thải rắn của địa phương mình, thời gian hoàn thành chậm nhất cuối quí 4/2007.
4. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cấp thoát nước – Môi trường Bình Dương khẩn trương xây dựng, lấp đặt và đưa vào hoạt động nhà máy phân compost đúng theo tiến độ của dự án. Đối với các hố chôn lấp rác phải vận hành đúng theo qui định của Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLTBKHCN-BXD của Bộ Khoa học – Công nghệ và Bộ Xây dựng về bảo vệ môi trường đối với bãi chôn lấp chất thải rắn. Công ty phải đặc biệt chú ý công tác thu gom xử lý nước rỉ rác, tổ chức quan trắc môi trường bãi chôn lấp, đảm bảo không gian cách ly giữa bãi chôn lấp và dân cư xung quanh, nếu hộ dân nào sống trong vùng ảnh hưởng của bãi chôn lấp Công ty phải có chính sách hỗ trợ phù hợp theo qui định.
5. Sở Khoa học Công nghệ phối hợp với Sở Tài nguyên – Môi trường, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cấp thoát nước – Môi trường Bình Dương, chính quyền địa phương tổ chức nghiên cứu thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn để nâng cao nhận thức môi trường cho cộng đồng. Trên cơ sở kết quả thí điểm sẽ tổ chức nhân rộng cho toàn cộng đồng góp phần tái chế, giảm thiểu rác thải và cung cấp rác thải hữu cơ cho nhà máy phân compost hoạt động hiệu quả.
6. Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét bố trí và cấp phát nguồn vốn đầu tư cho công tác lập qui hoạch quản lý chất thải rắn, các dự án đầu tư về quản lý, thu gom, xử lý chôn lấp chất thải rắn và thí điểm phân loại rác tại nguồn.
Trên đây là một số nội dung chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cấp thoát nước – Môi trường Bình Dương, các tổ chức cá nhân liên quan thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Sở Tài nguyên – Môi trường có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, các huyện, thị xã thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị này và định kỳ 6 tháng báo cáo kết quả thực hiện về Uỷ ban nhân dân tỉnh./.