Sign In

CHỈ THỊ

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật

________________________

Công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính Phủ “Về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật” đã được triển khai thực hiện trên toàn tỉnh và đạt những kết quả nhất định, góp phần tích cực trong việc đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, từng bước nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của địa phương.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Văn bản quy phạm pháp luật sau khi ban hành chưa được kiểm tra đầy đủ; nhiều văn bản sai sót chưa được xử lý kịp thời; còn xảy ra tình trạng ghi số, ký hiệu của quyết định cá biệt, chỉ thị cá biệt vào thể thức của văn bản quy phạm pháp luật và ngược lại... nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do một số cơ quan, đơn vị, cá nhân chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; việc gửi văn bản quy phạm pháp luật đến cơ quan có thẩm quyền kiểm tra chưa được thực hiện nghiêm; đội ngũ làm công tác kiểm tra văn bản chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và không đồng đều về trình độ chuyên môn.

Để tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện một số công tác sau:

1. Sắp xếp, bố trí đủ công chức có năng lực, trình độ để làm công tác soạn thảo văn bản, công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền được giao; trong năm 2006 tổ chức củng cố đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản ở cấp tỉnh và từng bước xây dựng đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản ở cấp huyện.

2. Các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra phải thường xuyên, chủ động tổ chức hoặc phối hợp tổ chức thực hiện tốt công tác tự kiểm tra và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền quy định tại Nghị định 135/2003/NĐ-CP của Chính phủ.

Các cơ quan, đơn vị có liên quan phải kịp thời cung cấp thông tin, tư liệu, tài liệu cần thiết và phối hợp với Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp cấp xã trong việc thực hiện kiểm tra văn bản.

3. Cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản phải gửi văn bản quy phạm pháp luật đến cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản trong thời hạn chậm nhất là 03 (ba) ngày, kể từ ngày ký ban hành theo quy định:

- Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp huyện gởi đến Sở Tư pháp;

- Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp xã gửi đến Phòng Tư pháp.

4. Các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền phải kiên quyết xử lý và xử lý kịp thời, đúng quy định pháp luật đối với các văn bản có nội dung trái pháp luật đã được phát hiện; kịp thời kiến nghị, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc thay thế những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục hậu quả do việc ban hành và thực hiện văn bản trái pháp luật gây ra.

Trong thời gian 30 ngày (ba mươi) ngày, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản, cơ quan ban hành văn bản đó phải tổ chức tự kiểm tra xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật và thông báo lại kết quả xử lý cho cơ quan kiểm tra văn bản.

5. Sáu tháng, hàng năm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp dưới phải báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp về tình hình soạn thảo, ban hành và kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Chỉ thị này. Bản báo cáo phải gửi đồng thời cho cơ quan Tư pháp cấp trên để tổng hợp.

6. Sở Tư pháp có trách nhiệm:

- Giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện “Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 32/2005/CT-TTg ngày 10/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ Về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật” (Ban hành kèm theo Quyết định số 58/2006/QĐ-UBND ngày 03/3/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh) đảm bảo tiến độ và nội dung, yêu cầu của bản Kế hoạch;

- Tích cực giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh trong công tác tự kiểm tra và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh trong công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền để kịp thời phát hiện, xử lý hoặc đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh xử lý những văn bản sai trái theo quy định của pháp luật; theo dõi tình hình thực hiện “Thông báo kết quả kiểm tra”, tình hình thực hiện các “Quyết định” của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về xử lý văn bản trái pháp luật;

- Tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các Sở, Ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã về việc thực hiện công tác rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật ở đơn vị, địa phương đó; tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình ban hành văn bản ở địa phương khi cần thiết;

- Chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các Sở, Ngành, tổ chức có liên quan xây dựng đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản cấp tỉnh; tổ chức quản lý và phát huy hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản;

- Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về kiểm tra văn bản, về xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ việc kiểm tra văn bản cho đội ngũ cán bộ, công chức và cộng tác viên làm công tác kiểm tra văn bản;

- Phối hợp các cơ quan Báo Bình Dương, Đài phát thanh Truyền hình tỉnh triển khai tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các quy định về công tác văn bản; vận động cán bộ, nhân dân tham gia công tác giám sát, phát hiện và thông tin kịp thời những nội dung sai sót trong văn bản quy phạm pháp luật của ngành, địa phương.

7. Trách nhiệm của Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các Sở, Ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện kịp thời xem xét hồ sơ kiến nghị xử lý văn bản trái pháp luật thuộc thẩm quyền xử lý của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định;

- Tổng hợp kịp thời thông tin từ các cơ quan, đơn vị địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng và cá nhân về những nội dung trong văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân không phù hợp với quy định hiện hành của cơ quan nhà nước cấp trên, không phù hợp với thực tế địa phương để báo cáo, kiến nghị với Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân.

8. Kinh phí hỗ trợ công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được bố trí trong ngân sách hàng năm của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân. Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức kiểm tra việc sử dụng kinh phí đảm bảo cho việc kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật của địa phương theo đúng quy định pháp luật; trang bị các điều kiện vật chất cần thiết cho công tác kiểm tra văn bản, trong đó có kinh phí để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

Yêu cầu Thủ trưởng các Ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phải phản ánh, báo cáo kịp thời để Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Hoàng Sơn