Sign In

QUYẾT ĐỊNH

V/v ban hành quy định về “Quản lý Nhà nước và định hướng nội dung
quy ước khu phố, ấp của tỉnh Bình Dương”

______________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21-6-1994.

- Căn cứ Chỉ thị số 24/1998/CT.TTg ngày 19-6-1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư.

- Căn cứ Nghị quyết của HĐND tỉnh khóa V tại kỳ họp lần thứ 6, từ ngày 4-2 đến 6-2-1999.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Nay ban hành Quy định về “quản lý Nhà nước và định hướng nội dung Quy ước khu phố, ấp của tỉnh Bình Dương” (có văn bản kèm theo).

Điều 2: Chánh văn phòng HĐND-UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành, thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

  

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã ký)

 

Nguyễn Quốc Thái

QUY ĐỊNH

Về việc “Quản lý Nhà nước và định hướng nội dung Quy ước
khu phố, ấp của tỉnh Bình Dương”

(Ban hành kèm theo Quyết định số 21/1999/QĐ-UB

ngày 5 tháng 3 năm 1999 của UBND tỉnh)

___________________

I- ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG QUY ƯỚC KHU PHỐ, ẤP:

1. Giữ gìn và phát huy thuần phong, mỹ tục:

- Tôn trọng, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc, truyền thống văn hóa đặc sắc, truyền thống cách mạng tốt đẹp của địa phương. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hóa, đạo đức truyền thống với văn hóa mới, đạo đức cách mạng phù hợp với tình hình hiện nay. Kiên quyết xóa bỏ những tập quán, phong tục lạc hậu, bài trừ mê tín dự đoan, các tệ nạn xã hội có trong địa bàn.

- Duy trì và phát triển các hình thức hoạt động văn hóa lành mạnh nhằm giáo dục mọi người, nhất là lớp trẻ, tạo điều kiện cho mọi người được hưởng thụ về văn hóa một cách lành mạnh, tiến bộ, hạn chế tối đa ảnh hưởng của những sản phẩm phi văn hóa, lối sống xa lạ với đạo đức, văn hóa dân tộc.

- Đề cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, thể hiện tình làng nghĩa xóm tốt đẹp trong cộng đồng dân cư: tôn trọng, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ khó khăn, hoạn nạn, giúp đỡ động viên nhau cùng tiến bộ và phát triển trong xu thế đổi mới chung của khu phố, ấp.

2. Bảo vệ tài sản công cộng, tài sản công dân, tài nguyên, môi trường sống:

- Đề ra những biện pháp thiết thực và hữu hiệu để mọi người trong khu phố, ấp cùng với các cơ quan, đơn vị trú đóng trên địa bàn góp phần bảo vệ và phát huy kết quả hoạt động, năng suất, hiệu quả của các loại tài sản chung (bao gồm các cơ sở vật chất, thiết bị các loại…) thực hiện chủ trương xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm trong việc giữ gìn và góp phần phát huy tác dụng đối với các tài sản công cộng.

- Đề cao tư tưởng mình vì mọi người, góp phần bảo vệ tài sản của công, đấu tranh, giáo dục và có biện pháp xử lý tích cực đối với những phần tử có hành vi xâm hại đến lợi ích công cộng, tài sản công dân.

- Tích cực bảo vệ môi trường sống, môi trường tự nhiên như rừng, sông hồ, đê điều, đập nước, cầu cống, kênh mương, giữ gìn và góp phần tôn tạo các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa, lịch sử, các nơi thờ tự như đình làng, đền chùa, miếu mạo. Có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ và phát huy giá trị vật chất, giá trị văn hóa tinh thần của các công trình kể trên.

- Xây dựng và phát triển hệ thống đình làng, ngõ xóm, thực hiện tốt công tác làm đường giao thông nông thôn, theo điều kiện thực tế và khả năng của từng khu phố, ấp. Tăng cường bảo vệ và trồng cây xanh để làm đẹp khu phố, ấp và bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm nguồn nước ở địa phương.

3. Thực hiện việc ưới, việc tang và lễ hội:

- Tiếp tục triển khai và tổ chức thực hiện sâu rộng trong nhân dân trong từng khu phố, ấp các chỉ thị số 27/CT.TW ngày 12-1-1998 của Bộ Chính trị, chỉ thị số 14/1998/CT-TTg ngày 28-3-1998 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ thị số 01/CT.TU ngày 14-2-1998 của Ban Thường vụ tỉnh ủy, Thông tư số 04/1998/TT.BVHTT ngày 11-7-1998 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

- Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh tại các văn bản kể trên, các địa phương vận dụng vào điều kiện và tình hình thực tiễn của mình để cụ thể hóa thành những quy ước đảm bảo phù hợp, có tính khả thi để mọi người cùng tham gia thực hiện một cách tự giác, tích cực, góp phần bài trừ những phong tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh lành mạnh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

4. Thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa:

- Quy ước khu phố, ấp được xây dựng trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn giữa các nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” do UBMTTQ phát động và nội dung hoạt động của Ban chỉ đạo cuộc vận động xây dựng cuộc sống mới với nội dung phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đặc biệt nhấn mạnh các nội dung đối với gia đình văn hóa mới, phải là gia đình hòa thuận, hạnh phúc gia đình tiến bộ, thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình; gia đình có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái với xóm giềng; gia đình chấp hành tốt pháp luật và thực hiện hoàn thành nghĩa vụ công dân…

- Đề ra một cách cụ thể về tiêu chuẩn gia đình văn hóa, các quy tắc đạo đức mới, có biện giải quyết tốt mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.

5. Bảo vệ trật tự, trị an trên địa bàn:

Quy ước khu phố, ấp phải đề ra được các nội dung trọng tâm sau đây:

- Chủ hộ và các thành viên trong gia đình tuổi từ 15 trở lên phải chấp hành tốt các quy định về hộ tịch, hộ khẩu, tạm trú tạm vắng.

- Không được tàng trữ vũ khí, chất nổ; phải tích cực phòng cháy chữa cháy.

- Hưởng ứng và tham gia phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ, PCCC, chăm lo tốt công tác ngày quân đội chăm lo cho các gia đình chính sách, gương mẫu chấp hành pháp luật của nhà nước và không gây rối trật tự công cộng; không giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ gia đình cà giữa các hộ trong khu phố, ấp bằng bạo lực.

- Chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông, không thả súc vật ra đường vào các khu vực sản xuất, kinh doanh của nhân dân, không xây cất nhà cửa, hàng quán vi phạm lộ giới và hành lang đường bộ, đường sắt, đường sông (nếu có).

Đồng thời quy định thêm những nội dung đặc thù khác (nếu có) đối với địa phương mình, trên cơ sở đảm bảo tuân thủ pháp luật hiện hành.

II- CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN  QUY CHẾ KHU PHỐ, ẤP:

1. Sở Tư pháp, Sở Văn hóa – Thông tin căn cứ chỉ đạo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa – Thông tin và định hướng nội dung Quy ước khu phố, ấp của tỉnh, để giúp UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với việc xây dựng và thực hiện Quy ước khu phố, ấp, bảo đảm tính dân chủ, công khai, tuân thủ pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương.

2. Đề nghị UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể nhân dân (Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân…) phối hợp với Sở Tư pháp và Sở Văn hóa – Thông tin vân động, tuyên truyền, giáo dục để mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng và thực hiện Quy ước khu phố, ấp.

3. UBND các huyện, thị xã có nhiệm vụ phê duyệt các văn bản quy ước do UBND các xã, phường, thị trấn trình và chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện quy ước trong phạm vi địa bàn huyện, đảm bảo nội dung quy ước phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, đúng định  hướng của tỉnh, phù hợp với các quy tắc xây dựng nếp sống văn hóa mới, duy trì và phát triển phong tục tập quán tốt đẹp ở cơ sở.

4. UBND các xã phường, thị trấn có trách nhiệm chỉ đạo, hỗ trợ các khu phố, ấp xây dựng quy ước có nội dung phong phú, thiết thực, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà ước, phù hợp với tình hình thực tế và những đặc thù cơ bản của từng khu phố, ấp; trình UBND cấp huyện, thị xã phê duyệt; đồng thời thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện hương ước trên địa bàn, kịp thời chỉ đạo, uốn nắn những sai trái khi cần thiết.

5. Các cơ quan thông tin, báo chí phải đẩy mạnh việc tuyên truyền về vai trò, tác dụng của việc xây dựng và thực hiện Quy ước khu phố, ấp, các mô hình mẫu về nếp sống văn hóa, gắn với việc tăng cường quản lý Nhà nước bằng pháp luật, phát huy dân chủ ở cơ sở; kịp thời nêu gương những điển hình tiên tiến; phát hiện và đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, sai trái hoặc lợi dụng quy ước để duy trì các hủ tục, tập quán lạc hậu.

6. Mọi tầng lớp nhân dân trong từng khu phố, ấp cần phát huy tinh thần  trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng và thực hiện Quy ước khu phố, ấp nơi mình cư trú, để đảm bảo chất lượng nội dung của quy ước vừa mang tính dân chủ một cách toàn diện, đúng quy định của pháp luật hiện hành vừa mang tính khả thi, góp phần duy trì và phát triển những nét văn hóa tốt đẹp ở cơ sở, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội – an nình quốc phòng trên địa bàn theo xu thế đổi mới hiện nay.

7. Giám đốc các sở, ban ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị, xã, phường, thị trấn và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, nhằm đảm bảo việc xây dựng và tổ chức thực hiện Quy ước khu phố, ấp theo đúng định hướng của tỉnh và quy định của Trung ương.

8. Trong quá trình triển khai việc xây dựng và tổ chức thực hiện Quy ước khu phố, ấp, các ngành, các cấp phải đảm bảo thực hiện tốt công tác thông tin, báo cáo, kiến nghị giải quyết những khó khăn, vướng mắc (nếu có). Đồng thời, làm tốt công tác thi đua – khen thưởng, biểu dương kịp thời những đơn vị, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và xử lý tích cực đối với những biểu hiện sai trái, thiếu tinh thần trách nhiệm.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Quốc Thái