CHỈ THỊ
Về việc tăng cường công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý kiến trúc tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương
________________________
Trong những năm qua, quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương diễn ra khá thuận lợi; mức sống, chất lượng sống của dân cư từng bước được cải thiện; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ công cộng đã được các thành phần kinh tế tập trung đầu tư hình thành hệ thống đô thị tỉnh Bình Dương theo hướng văn minh hiện đại. Việc lập quy hoạch xây dựng đô thị - nông thôn đã có chuyển biến tích cực; công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng tại các đô thị cũng từng bước được tăng cường.
Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hoá quá nhanh nên công tác quản lý quy hoạch xây dựng tại các đô thị vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém: một số ngành và địa phương chưa tập trung cho công tác lập quy hoạch xây dựng dẫn đến việc chậm trễ trong việc thoả thuận địa điểm xây dựng, chủ trương đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở, cấp giấy phép xây dựng. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng chưa nghiêm và chưa kịp thời, các chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để ngăn ngừa nên tình trạng xây dựng không phép, sai phép còn phổ biến, công tác quản lý kiến trúc đô thị còn bị buông lỏng.
Để khắc phục những tồn tại và yếu kém nêu trên và thực hiện Chỉ thị số 09/2008/CT-TTg ngày 28/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã:
a) Tổ chức triển khai thực hiện các quy hoạch đã có; tiếp tục rà soát các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt nhưng không còn phù hợp để có kế hoạch điều chỉnh hoặc bổ sung, thay đổi cho phù hợp với định hướng của tỉnh.
Tập trung hoàn ngành các đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Dĩ An, đô thị Thuận An, đô thị Nam Tân Uyên, đô thị Nam Bến Cát, đô thị Bàu Bàng, đô thị Tân Thành trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm 2009; nhanh chóng triển khai quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị-nông thôn TL 1/2000.
b) Bố trí vốn ngân sách cho công tác lập quy hoạch xây dựng đô thị-nông thôn theo kế hoạch hàng năm. Việc lập quy hoạch phải đảm bảo trình tự từ quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng tới thiết kế đô thị theo yêu cầu cụ thể của từng địa phương.
Lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực, uy tín để triển khai thực hiện các quy hoạch xây dựng đô thị - nông thôn. Trường hợp các đơn vị tư vấn không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng mà không có lý do chính đáng thì phải có biện pháp chế tài, xử phạt.
c) Phối hợp với đơn vị tư vấn quy hoạch xây dựng để soạn thảo quy chế quản lý kiến trúc đô thị, quy chế quản lý xây dựng. Trong điều kiện chưa có quy hoạch chi tiết hoặc thiết kế đô thị đáp ứng cho việc xây dựng quy chế quản lý kiến trúc đô thị thì chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan quản lý xây dựng và đơn vị tư vấn quy hoạch soạn thảo và ban hành các tiêu chí đảm bảo trật tự xây dựng và kiến trúc để quản lý phù hợp với định hướng phát triển đô thị (ưu tiên khu vực trung tâm đô thị cũ, mặt tiền các trục giao thông chính ).
d) Thực hiện công bố, công khai các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị đã được phê duyệt, đồng thời tổ chức cắm mốc ở thực địa để người dân biết, thực hiện và giám sát. Thời gian chậm nhất để thực hiện việc công bố công khai là 30 ngày kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng; thời gian chậm nhất là 60 ngày kể từ ngày quy hoạch xây dựng được công bố công khai thì việc cắm mốc phải hoàn thành.
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư triển khai các dự án quy hoạch theo đúng thời gian quy định. Trường hợp dự án không thể triển khai thì trình Uỷ ban nhân dân tỉnh thu hồi.
e) Cải tiến thủ tục hành chính trong công tác cấp giấy phép xây dựng. Công khai các quy định quản lý xây dựng đã được ban hành tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhân dân tham gia thực hiện.
f) Thường xuyên kiểm tra việc xây dựng theo quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng và bảo đảm chất lượng kiến trúc, cảnh quan, môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý xây dựng theo quy chế tại các khu vực thị xã, thị trấn, thị tứ, các khu-cụm công nghiệp tập trung, các khu đô thị mới, khu dân cư, khu nhà ở, khu tái định cư, khu văn hoá - dịch vụ tổng hợp. Xử lý kiên quyết và dứt điểm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng không đúng với quy hoạch, xây dựng không phép hoặc sai giấy phép xây dựng, tự ý điều chỉnh quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng thẩm quyền, không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt.
g) Tăng cường biên chế, nâng cao năng lực của cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng và cán bộ quản lý trật tự xây dựng ở các xã, phường, thị trấn. Phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Xây dựng tổ chức đào tạo cán bộ quản lý đô thị.
h) Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về quản lý xây dựng, nâng cao ý thức cho cộng đồng về chấp hành các quy định pháp luật xây dựng.
2. Sở Xây dựng:
a) Chủ trì phối hợp với đơn vị có liên quan hoàn chỉnh hồ sơ, trình phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương, quy hoạch chung xây dựng đô thị Thủ dầu Một và các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của tỉnh do Sở Xây dựng quản lý.
b) Hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các địa phương lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng, lập quy chế quản lý kiến trúc đô thị. Hướng dẫn các chủ đầu tư khu đô thị mới, khu dân cư, khu nhà ở lập quy chế quản lý xây dựng.
c) Kịp thời tổ chức tập huấn, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các Nghị định, Thông tư mới của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương có liên quan tới quy hoạch, kiến trúc, đô thị và hạ tầng kỹ thuật.
d) Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương lập và quản lý quy hoạch xây dựng để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước. Thanh tra Xây dựng phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, khu nhà ở, khu đô thị mới, khu tái định cư, khu dịch vụ - giải trí - thương mại tổng hợp đúng theo quy hoạch và dự án đã được duyệt; kiểm tra việc cấp giấy phép xây dựng phải bảo đảm tiêu chuẩn xây dựng, phù hợp quy hoạch được duyệt và đảm bảo các quy định quản lý Nhà nước hiện hành.
e) Phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch xây dựng và Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, thanh tra xây dựng.
f) Chủ trì triển khai dự án thành lập Trung tâm dữ liệu thông tin về quy hoạch trên cơ sở xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS). Thiết lập mô hình theo đồ án quy hoạch xây dựng để nâng cao hiệu quả công tác cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng.
3. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh lại việc lắp đặt các biển quảng cáo dọc theo các tuyến đường giao thông và các giao lộ đảm bảo không vi phạm hành lang bảo vệ đường bộ và tầm nhìn giao lộ, đảm bảo mỹ quan và an toàn công trình.
4. Báo Bình Dương, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh giám sát, phát hiện, đưa tin kiến nghị xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng tại các đô thị, góp phần tuyên truyền giáo dục nếp sống văn minh đô thị cho người dân.
Công tác lập - quản lý quy hoạch, quản lý kiến trúc và trật tự xây dựng tại các đô thị trên địa bàn có ý nghĩa quan trọng đảm bảo chất lượng tăng trưởng kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Dương. Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã; Giám đốc các sở ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, các chủ đầu tư hạ tầng và nhân dân nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này.
Giám đốc Sở Xây dựng có trách nhiệm theo dõi, định kỳ 6 tháng báo cáo kết quả thực hiện về Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.