Sign In

CHỈ THỊ

Về việc chấn chỉnh lề lối làm việc

Thời gian qua, thực hiện Quy chế làm việc của Uỷ ban nhân dân tỉnh, nhìn chung các Sở, ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã đã có nhiều chuyển biến tích cực trong lề lối làm việc và công tác chỉ đạo điều hành, hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên bên cạnh cũng còn những hạn chế nhất định trong việc chấp hành Quy chế làm việc của Uỷ ban nhân dân tỉnh, cụ thể: Một số Sở, ngành chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác tham mưu, đề xuất đối với Uỷ ban nhân dân tỉnh; mối quan hệ phối hợp giữa các Sở, ngành, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã chưa đồng bộ; chế độ thông tin báo cáo chưa kịp thời. Vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các Sở, ngành, chưa chủ động phát huy chức năng, nhiệm vụ trong giải quyết, xử lý công việc thuộc phạm vi quyền hạn của ngành mình. Chất lượng tham mưu, đề xuất chưa cao, đôi lúc còn chung chung, từ đó đã gây không ít khó khăn trong công tác lãnh đạo của Tỉnh Uỷ và chỉ đạo điều hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Để tiếp tục thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Uỷ ban nhân dân tỉnh, khắc phục những hạn chế trong lề lối làm việc, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã triển khai thực hiện ngay một số nội dung sau đây:

1. Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã phải quán triệt đầy đủ Quy chế làm việc của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Từng Sở, ngành phải thực hiện tốt quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở, ngành mình quản lý. Trên cơ sở đó chủ động giải quyết và xử lý công việc đúng thẩm quyền theo quy định. Tăng cường thực hiện quy chế phối hợp giữa Sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã trong giải quyết công việc có liên quan đến nhiều ngành, địa phương.

2. Nâng cao chất lượng tham mưu đề xuất những nội dung thuộc phạm vi, quyền hạn và nhiệm vụ của từng Sở, ngành quản lý cho Uỷ ban nhân dân tỉnh. Nội dung tham mưu đề xuất phải rõ ràng, chính xác thể hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm đối với lĩnh vực được phân công theo dõi và đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Văn bản của các Sở, ngành, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã trước khi trình Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết phải được ngành chức năng tham mưu, đề xuất. Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm thẩm định và chuyển trả văn bản không đảm bảo trình tự thủ tục theo đúng quy chế.

3. Lãnh đạo Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh sắp xếp, bố trí các cuộc họp của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh cho hợp lý, hạn chế tối đa các cuộc họp không đúng quy chế. Chủ tịch và Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ chủ trì các cuộc họp thông qua các nội dụng chuyên đề theo chương trình công tác và kế hoạch được bố trí hoặc các cuộc họp thật sự cần thiết khác có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực cần có sự tập trung chỉ đạo điều hành của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh. Nội dung chương trình họp phải được chuẩn bị trước, có tham mưu đề xuất của Sở, ngành đối với những vấn đề liên quan đến ngành mình quản lý và lãnh đạo Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh thẩm định trước để bố trí họp.

4. Thực hiện nghiêm túc kỷ cương, kỷ luật hành chính trong việc tham dự các cuộc họp do Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh triệu tập. Các Sở, ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã cử người đi dự họp phải đúng thành phần (Giám đốc hoặc Phó Giám đốc, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã) và đến dự họp đúng thời gian quy định. Trường hợp vắng hoặc cử người khác thay thế phải được sự chấp thuận của người chủ trì cuộc họp. Người dự họp phải nghiên cứu trước nội dung, tham gia ý kiến và chịu trách nhiệm về nội dung đóng góp tại cuộc họp.

5. Đảm bảo chế độ thông tin báo cáo theo định kỳ và theo sự phân công của Uỷ ban nhân dân tỉnh về thời gian, chất lượng của thông tin báo cáo nhằm đảm bảo phục vụ công tác chỉ đạo điều hành được kịp thời, chính xác của Uỷ ban nhân dân tỉnh và của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh. Trường hợp chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, các Sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã không triển khai thực hiện hoặc thực hiện trễ so với thời gian quy định thì phải báo cáo rõ nguyên nhân và Thủ trưởng các Sở, ngành của tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.

6. Giao Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm theo dõi giúp Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý đối với các trường hợp không chấp hành Quy chế trong lề lối làm việc làm ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Đồng thời có trách nhiệm thống kê báo cáo định kỳ hàng quý lên Bí thư Tỉnh Uỷ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.

7. Đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các Đoàn thể phối hợp giám sát việc chấp hành của Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã trong việc thúc đẩy cải cách hành chính và thực hiện tốt kỷ cương hành chính theo quy định. Đồng thời phản ảnh kịp thời những trường hợp bất cập, chậm trễ để Tỉnh Uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét xử lý theo quy định.

Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Hoàng Sơn