Sign In

CHỈ THỊ CỦA CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN

Về việc thực hiện công tác xây dựng cơ sở vật chất trường học

_______________________

Những năm gần đây, việc phân cấp quản lý về công tác xây dựng cơ bản thuộc ngành Giáo dục- Đào tạo đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất trường học, đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục ngày càng cao của các huyện, thị xã và của cả tỉnh nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều địa phương, đơn vị chưa thực sự thể hiện tính chủ động, còn lúng túng hoặc thiếu sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ lẫn nhau trong việc thực hiện các thủ tục theo quy định hiện hành về trình tự đầu tư, xây dựng cơ bản.

Để tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác xây dựng cơ sở vật chất trường học và khắc phục những hạn chế nêu trên trong thời gian tới, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu :

1/ Trong quá trình lập dự án đầu tư cần đảm bảo nguyên tắc đồng bộ, phù hợp với điều lệ từng loại hình trường và những qui định của ngành Giáo dục và Đào tạo (nhất là đối với những trường chuẩn quốc gia): các khối học tập, khối hiệu bộ, nhà công vụ, sân vườn, cổng hàng rào, điện, nước, nhà vệ sinh, hệ thống trang thiết bị và các công trình khác. . . Đồng thời phải thống nhất với ngành Giáo dục và Đào tạo khi thẩm định dự án đầu tư (như đã thực hiện).

2/ Nhằm tăng cường sự phối hợp trong quá trình lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán, hồ sơ mời thầu, các chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án và đơn vị tư vấn cần tham khảo, thống nhất với ngành Giáo dục và Đào tạo về qui cách, dây chuyền sử dụng, chủng loại vật tư, trang thiết bị chủ yếu phù hợp với yêu cầu chuyên môn, vệ sinh trường học theo qui định.

3/ Đối với các công trình, hạng mục công trình xây dựng mới (kể cả thiết kế mẫu điển hình xây dựng phòng học cấp IV tại quyết định số 4534/QĐ-UB ngày 30/12/1997 và quyết định số 798/QĐ-UB ngày 21/3/1998 của UBND tỉnh Bình Dương), tu sửa cải tạo thuộc vốn đầu tư và các nguồn vốn mua sắm khác, từ nay, không trang bị bàn ghế học sinh loại 04 chỗ ngồi, bảng đen bằng ván ép, mà thay bằng bàn ghế học sinh loại 02 chỗ ngồi, có điều chỉnh cơ động theo từng đối tượng học sinh, phù hợp với tiêu chuẩn vệ sinh trường học; về bảng đen sử dụng loại bảng chống loá - từ  tính ố khung nhôm, chất lượng cao, qui cách 1,25m x 3,6m. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thiết kế mẫu bàn ghế học sinh loại 02 chỗ ngồi, có điều chỉnh cơ động, để thay thế mẫu bàn ghế học sinh loại 4 chỗ ngồi hiện hành.

4/ Về thiết bị phòng học ngoại ngữ, không trang bị phòng Lab cho các trường vì không phát huy được hiệu quả sử dụng, mà thay thế bằng phòng nghe nhìn, căn cứ cấu hình phòng Lab năm 2001 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó không trang bị 48 cabin Lab học sinh và bàn điều khiển của giáo viên mà thay thế bằng 24 bộ bàn ghế học sinh loại 02 chỗ ngồi và 01 bộ bàn ghế giáo viên như phòng học, các thiết bị khác giữ  nguyên theo cấu hình của Bộ để dùng làm phương tiện nghe nhìn như: Ti vi, đầu máy video, VCD, máy đèn chiếu overhead, hệ thống âm thanh, đàn organ, máy lạnh….

Riêng phòng Lab theo cấu hình “Multimedia kèm theo hệ thống hight class”, sử dụng toàn bộ máy vi tính gồm máy cho giáo viên và cho học sinh (01 máy chủ cho giáo viên và 48 máy nối mạng cho học sinh/phòng) kèm theo thiết bị nghe nhìn ngoại vi, trước mắt chỉ trang bị cho các trường chuẩn quốc gia thuộc bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông.

5/ Hằng năm Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp kế hoạch mua sắm, thay thế cho từng đơn vị trường học cụ thể về bàn ghế học sinh loại 04 chỗ ngồi, bảng đen đã hư hỏng không còn sử dụng được bằng loại bàn ghế học sinh 02 chỗ ngồi, bảng đen loại chống loá ố từ tính ố khung nhôm, chất lượng cao, qui cách 1,25m x 3,6m, báo cáo UBND tỉnh. Đồng thời thực hiện việc mua sắm thay thế theo đúng chế độ và phân cấp quản lý tài chính hiện hành.

6/ Trước khi tiến hành thi công xây dựng cơ sở vật chất trường học, các chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án phải sao gởi cho đơn vị sử dụng toàn bộ hồ sơ liên quan đến công trình (dự án, thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán, hồ sơ mời thầu, kết quả đấu thầu, hoặc chỉ định thầu, . . .) đồng thời cần phối hợp tốt với đơn vị sử dụng trong suốt quá trình  thi công.

7/ Khi bàn giao toàn bộ công trình, các Chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án phải bàn giao cả hồ sơ hoàn thành công trình, những tài liệu về các vấn đề có liên quan đến công trình được bàn giao (hồ sơ hoàn công), tài liệu hướng dẫn sử dụng, vận hành, chế độ duy tu bảo dưỡng công trình cho đơn vị sử dụng.

8/ Sau khi có thông tri xét duyệt quyết toán vốn đầu tư công trình hoàn thành do UBND tỉnh Bình Dương ký duyệt; các Chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án sao gởi cho Sở Giáo dục và Đào tạo, đơn vị sử dụng, làm cơ sở theo dõi, ghi tăng giá trị tài sản theo chế độ qui định.

9/ Định kỳ hàng tháng, quý, năm các chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án phải gửi báo cáo tình hình thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất thuộc ngành Giáo dục- Đào tạo cho Sở Giáo dục và Đào tạo.

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này, nếu có gì khó khăn, vướng mắc, các ngành, các đơn vị phải báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, để kịp thời giải quyết.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Hồ Minh Phương