• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/05/2006
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 84/2006/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Dương, ngày 19 tháng 4 năm 2006

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long

giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020

_________________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;

Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM:

1. Quy hoạch thủy lợi phải phù hợp với quy định phát triển kinh tế - xã hội đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, làm cơ sở thực hiện có hiệu quả quy hoạch chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, đáp ứng yêu cầu và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của cả vùng.

2. Quy hoạch phát triển thủy lợi nhằm bảo vệ, phát triển tài nguyên nước ở thượng lưu và vùng lân cận, kết hợp hài hòa giữa giải pháp công trình và phi công trình, đồng thời hạn chấ các tác hại do nước gây ra, nhất là lũ lụt và xâm mặn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển thủy lợi với quy hoạch giao thông, quy hoạch dân cư và các quy hoạch khác trên địa bàn; gắn quy hoạch thủy lợi với kiểm soát lũ, thau chua, xổ phèn, bảo đảm thực hiện thống nhất, đồng bộ và có hiệu quả.

3. Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu và toàn diện, phát huy các lợi thế, thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp của vùng, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững, bảo đảm tính thống nhất toàn vùng, phù hợp với đặc thù từng khu vực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác, giải quyết nước sinh hoạt và nâng cao đời sống nhân dân.

Mỗi công trình, hệ thống công trình thủy lợi đề xuất đầu tư xây dựng phải đáp ứng các tiêu chí về kinh tế, kỹ thuật, xã hội và môi trường.

4. Huy động mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước (Trung ương và địa phương), các nguồn vốn hợp pháp khác trong nước và ngoài nước, đồng thời huy động sự đóng góp của người dân để đầu tư hệ thống thủy lợi của vùng.

5. Tận dụng có hiệu quả các lợi ích do các nguồn thiên nhiên mang lại, như nước lũ mang phù sa, nguồn lợi thủy hải sản và vệ sinh đồng ruộng, nước mặn với rừng ngập mặn, sinh thái vùng ven biển và nuôi trồng thủy sản…

Các phương án, giải pháp quy hoạch phát triển thủy lợi của vùng cần tiếp tục cập nhật, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với nhu cầu và tình hình mới nảy sinh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

a) Nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch để tạo ra hệ thống thủy lợi hợp lý, phục vụ thiết thực cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn, giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội, dân sinh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững;

b) Căn cứ nội dung quy hoạch này, các ngành, các cấp xây dựng và điều chỉnh, bổ sung quy hoạch của ngành, địa phương cho phù hợp với định hướng phát triển chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và toàn lưu vực sông Mê Công nói chung;

c) Đề xuất các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư thủy lợi và kế hoạch thực hiện hàng năm giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020;

d) Kiến nghị, xử lý các vấn đề tồn tại, tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy hoạch, trong đó có việc bổ sung quy hoạch lũ phục vụ ổn định dân cư và phát triển giao thông vùng ngập lũ cho phù hợp.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Phát triển nông nghiệp hài hòa dựa trên cơ sở dòng chảy mùa kiệt sông Mê Công và xâm nhập mặn, với việc:

- Hoàn chỉnh hệ thống đê bao ngăn mặn ven biển và dọc sông nhằm phục vụ hiệu quả cho phát triển nông nghiệp, dân sinh và thủy sản, đồng thời có các biện pháp thích hợp khi mặn lên cao;

- Xây dựng hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt, tăng cường khả năng cấp nước ngọt từ các sông và sử dụng hiệu quả nước mưa cho các vùng sản xuất nông nghiệp ven biển nhằm ổn định và mở rộng diện tích ngọt hóa.

Đối với vùng chuyển đổi sản xuất, cùng với việc trữ ngọt, cần tạo điều kiện thuận lợi để lấy nước mặn vào đồng và luân chuyển nước cho sản xuất thủy sản an toàn và bền vững;

- Bố trí thời vụ hợp lý để tiết kiệm nước tưới trong mùa kiệt, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước ngọt trong mùa khô;

- Đẩy nhanh xây dựng các công trình kiểm soát lũ để tạo điều kiện cho chuyển dịch thời vụ và phát triển thủy sản.

b) Phát triển kiểm soát lũ theo hướng “chung sống với lũ” và hạn chế tác động đối với dòng chảy kiệt, với việc:

- Nâng cao khả năng kiểm soát lũ cho nông nghiệp, khu dân cư và kết cấu hạ tầng, trên cơ sở xem xét tác động của lũ thượng nguồn và ảnh hưởng của kiểm soát lũ đến nguồn lợi và phát triển thủy sản;

- Có giải pháp hài hòa trong kiểm soát lũ đầu vụ (chủ yếu bằng hệ thống bờ bao) để vừa đảm bảo giảm thiệt hại cho lúa Hè – Thu, ổn định và nâng cao năng suất nông nghiệp, vừa lấy được nhiều phù sa, thức ăn và nguồn giống thủy sản đầu mùa lũ vào đồng, giảm đến mức thấp nhất tác động đến môi trường sinh thái và không gây cản trở đến dòng chảy lũ chính vụ.

Chuyển đổi cơ cấu và lịch thời vụ để thích nghi với vùng kiểm soát lũ theo thời gian, tạo điều kiện phát triển ngành thủy sản;

- Giảm đến mức thấp nhất tác động của công trình kiểm soát lũ đến phân bố dòng chảy kiệt (trong hệ thống sông kênh) nhằm tăng khả năng giữ ẩm trong đất, ổn định mực nước ngầm, hạn chế xâm nhập mặn.

Đánh giá những tác động môi trường đến các hệ sinh thái vùng ngập lũ, nhất là giống và các loài thủy hải sản, trong đó có các vùng đất ướt nhạy cảm. Xem xét đánh giá và có biện pháp xử lý tác động qua lại của kiểm soát lũ đến quá trình biến đổi lòng sông, sạt lở, nhất là trên sông Tiền và sông Hậu.

c) Tiếp tục cải tạo ổn định phát triển nông nghiệp trên đất phèn; giải quyết tốt nhu cầu về giống và kỹ thuật canh tác ngành nông nghiệp; hoàn thiện các biện pháp tưới, tiêu, thau chua, rửa phèn để sản xuất phát triển ổn định đối với vùng đất phèn đang sử dụng cho sản xuất nông nghiệp; tiếp tục đầu tư nghiên cứu để cải tạo vùng đất phèn nặng cho các mục đích sử dụng khác nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng vùng đất phèn.

d) Ổn định phát triển nông nghiệp trên đất mặn và nâng cao hiệu quả chuyển dịch cơ cấu sản xuất vùng ven biển với việc:

- Giải quyết tốt nguồn nước ngọt ở vùng đất ven biển để cải tạo đất mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản và cải thiện đời sống nhân dân trong vùng;

- Giải quyết hài hòa giữa sản xuất nông nghiệp và thủy sản bằng việc đầu tư các công trình thủy lợi, đồng thời thúc đẩy nhanh hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ cho đa dạng hóa sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp và thủy sản.

III. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHÍNH

1. Nhiệm vụ chủ yếu

a) Phối hợp với các ngành, các địa phương rà soát và xác định quy hoạch phát triển của từng ngành, từng địa phương, trong đó tập trung vào các ngành kinh tế quan trọng như nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, giao thông và dân cư đến năm 2010 và định hướng đến 2020;

b) Xây dựng quy hoạch thủy lợi, trong đó có quản lý thiên tai và phát triển nguồn nước ở đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở phù hợp với chiến lược phát triển của các ngành, các cấp;

c) Trên cơ sở chiến lược phát triển thủy lợi, tiến hành giải quyết các vấn đề then chốt như kiểm soát lũ, kiểm soát mặn, lưới, tiêu úng, tiêu chua, cải tạo đất và phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nhằm đáp ứng mục tiêu của phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long.

2. Những giải pháp chính

a) Vùng Tả sông Tiền

Vùng Tả sông Tiền bao gồm 3 vùng là Bắc kênh Nguyễn Văn Tiếp, Nam kênh Nguyễn Văn Tiếp và kẹp giữa 2 sông Vàm Cỏ. Nguồn cấp nước chính cho vùng này là từ sông Tiền, một phần từ sông Vàm Cỏ Đông (với sự bổ sung của hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng) và một phần nhỏ từ mưa. Hướng tiêu chính vùng này ra hạ lưu sông Tiền và sang hệ thống sông Vàm Cỏ.

Tiểu vùng Bắc Nguyễn Văn Tiếp có nhiệm vụ kiểm soát lũ là chính, cùng với cấp nước tưới cho tiểu vùng và giúp tiêu chua, đẩy mặn cho hạ lưu, phục vụ ổn định dân cư, kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng vượt lũ.

Tiểu vùng Nam kênh Nguyễn Văn Tiếp cơ bản được cấp ngọt, ngăn mặn, cần phối hợp tốt với tiểu vùng phía Bắc trong thoát lũ ra sông Tiền và bảo vệ vườn cây ăn trái.

Tiểu vùng kẹp giữa hai sông Vàm Cỏ có nhiệm vụ chính là kiểm soát xâm nhập mặn, tận dụng tối đa nguồn nước ngọt từ sông Tiền sang và trên sông Vàm Cỏ Đông, phối hợp với toàn vùng trong thoát lũ và cải tạo môi trường, đặc biệt là vùng phèn và vùng mặn, song song với chuẩn bị các phương án đối phó khi mặn lên cao, phục vụ nông nghiệp, thủy sản, cấp nước dân sinh, công nghiệp và bảo vệ môi trường.

b) Vùng giữa sông Tiền – sông Hậu

Vùng giữa sông Tiền – sông Hậu được chia thành 4 tiểu vùng là Bắc kênh Vĩnh An, Bắc sông Măng Thít, Nam sông Măng Thít và Bến Tre. Nguồn nước cấp chính cho vùng là từ 2 sông Tiền và Hậu. Hướng tiêu chủ yếu sang sông Hậu và một phần ra sông Tiền.

Tiểu vùng Bắc Vĩnh An thuận lợi về nguồn nước nên nhiệm vụ chính là kiểm soát lũ cho ổn định dân cư và phát triển nông nghiệp.

Tiểu vùng Bắc Măng Thít cũng có nguồn nước ngọt khá dồi dào nên nhiệm vụ chính là nâng cao khả năng cấp nước, tiêu nước và kiểm soát lũ bằng hệ thống kênh ngang, phục vụ ổn định dân cư, phát triển nông nghiệp, trong đó có bảo vệ vườn cây ăn trái.

Tiểu vùng Nam Măng Thít với nhiệm vụ chủ yếu là kiểm soát mặn, cấp ngọt tiêu úng, phục vụ ổn định dân cư, phát triển nông nghiệp và thủy sản.

Tiểu vùng Bến Tre hiện đã có công trình cống – đập Ba Lai, với nhiệm vụ chủ yếu là kiểm soát lũ ở phần phía Bắc tỉnh, kiểm soát mặn, cấp nước ngọt, thoát lũ, tiêu úng nhằm ổn định dân cư, phát triển nông nghiệp (trong đó bảo vệ các vườn cây ăn trái), thủy sản cho phần phía Nam.

c) Vùng Bán đảo Cà Mau

Vùng Bán đảo Cà Mau gồm 6 tiểu vùng là Tây sông Hậu, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Nam Cà Mau và ven biển Bạc Liêu – Vĩnh Châu. Nguồn cấp nước chính cho vùng là từ sông Hậu thông qua các kênh trục và từ mưa. Nước mưa đóng vai trò rất quan trọng ở các tiểu vùng phía Tây, Nam và ven biển. Hướng tiêu chính của vùng là hệ thống sông Cái Lớn – Cái Bé, Ông Đốc, Gành Hào, Mỹ Thanh… và trực tiếp ra biển.

Nhiệm vụ chính của Tiểu vùng Tây sông Hậu là kiểm soát mặn, giữ nước ngọt từ mưa, từng bước cấp nước ngọt từ sông Hậu, ổn định dân cư, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản, đặc biệt bảo vệ vườn Quốc gia U Min Thượng.

Tiểu vùng U Minh Hạ với định hướng phát triển theo sinh thái ngọt cần hoàn chỉnh hệ thống đê biển Tây và dọc sông Ông Đốc, hệ thống cống kiểm soát mặn dưới đê, nâng cao kỹ năng giữ và trữ ngọt từ mưa, phục vụ ổn định dân cư, nông nghiệp và bảo vệ rừng tràm, trong đó có Vườn Quốc gia U Minh Hạ.

Tiểu vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp đang trong quá trình chuyển đổi một phần đất được ngọt hóa sang nuôi thủy sản, cần điều chỉnh hệ thống thủy lợi phù hợp, trong đó đặc biệt chú ý đến phân ranh mặn – ngọt phục vụ ổn định nông nghiệp – thủy sản.

Tiểu vùng Nam Cà Mau là vùng sinh thái đa dạng và giàu tiềm năng phát triển thủy sản, với nhiệm vụ chủ yếu là giữ và trữ ngọt ổn định, hình thành hệ thống công trình lấy mặn và tiêu nước phải phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Tiểu vùng ven biển Bạc Liêu – Vĩnh Châu có thế mạnh phát triển thủy sản theo hình thức công nghiệp, nên có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt từ mưa, tiêu và lấy mặn chủ động theo yêu cầu.

d) Vùng Tứ giác Long Xuyên.

Vùng Tứ giác Long Xuyên có nhiệm vụ chủ yếu là kiểm soát lũ, tăng khả năng cung cấp nước ngọt từ sông, tiêu úng, tiêu chua và kiểm soát mặn ven biển nhằm phục vụ ổn định dân cư, phát triển nông nghiệp, thủy sản, cơ sở hạ tầng. Vùng này đã được đầu tư phát triển hệ thống kiểm soát lũ khá hoàn chỉnh.

Tiếp tục đầu tư phát triển thủy lợi phục vụ thủy sản, hoàn chỉnh hệ thống kiểm soát lũ, tăng khả năng cấp nước ngọt từ sông Hậu và nội đồng, thau chua, rửa phèn và kiểm soát mặn.

IV. ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH DÀI HẠN KHI CÓ CÁC TÁC ĐỘNG Ở THƯỢNG LƯU

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban sông Mê Công, các tổ chức quốc tế và các nước trong lưu vực thường xuyên nghiên cứu, theo dõi chặt chẽ tình hình nguồn nước cả về số lượng và chất lượng để kịp thời đề xuất các giải pháp xử lý chủ động và thích hợp trước các tình huống bất lợi, vì quyền lợi quốc gia và quyền lợi chung của các nước trong lưu vực.

Để chủ động đối phó tình trạng khan hiếm nước ngọt vào mùa khô, chú trọng thực hiện các giải pháp sau:

1. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, bố trí thời vụ thích hợp, sử dụng nước tiết kiệm, đặc biệt trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm.

2. Nạo vét các kênh rạch, bố trí các cống đầu kênh và cuối kênh chính để điều tiết, trữ nước khi cần thiết.

3. Nghiên cứu xây dựng các hồ điều tiết lũ, trữ nước cho mùa khô để bổ sung nước phục vụ tưới, cấp nước cho sinh hoạt, du lịch…

Sau 2010, nghiên cứu khả năng làm các công trình quy mô lớn vùng cửa sông, đảm bảo chủ động nguồn nước ngọt cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Điều 2. Trình tự thực hiện quy hoạch và nguồn vốn đầu tư

1. Căn cứ nội dung quy hoạch này và căn cứ khả năng cân đối ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long và các Bộ, ngành liên quan cần sắp xếp thứ tự ưu tiên, bảo đảm đầu tư đồng bộ và có hiệu quả, cụ thể cần thực hiện Quy hoạch theo trình tự ưu tiên sau:

a) Các công trình dở dang và đảm bảo đồng bộ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng phát triển hiệu quả;

b) Các công trình cấp bách và các công trình có hiệu quả cao nhằm phục vụ các chương trình trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội của vùng;

c) Các công trình bảo vệ dân cư vùng ngập lũ, các công trình đường giao thông huyết mạch kết hợp giữa giao thông và thủy lợi;

d) Các công trình bảo vệ vùng cây ăn trái;

đ) Các công trình phân ranh mặn – ngọt và phục vụ nuôi trồng thủy sản nước lộ;

e) Các công trình thoát lũ, đê biển và đê cửa sông;

g) Các công trình thoát lũ tràn biên giới vào vùng Đồng Tháp Mười và vùng Tứ giác Long Xuyên;

h) Các kênh trục tưới, tiêu và cải tạo đất và các công trình còn lại và hoàn thiện phần nội đồng.

2. Cơ chế và ước tính vốn đầu tư xây dựng các dự án, công trình thủy lợi của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

a) Trong giai đoạn 2006-2010, tổng mức vốn đầu tư ước tính khoảng 14.000 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương 5.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng công trình đầu mối, kênh tạo nguồn, kênh trục/cấp I (danh mục công trình kèm theo tại Phụ lục I Quyết định này). Ngân sách địa phương 6.000 tỷ đồng (xây dựng công trình quy mô nhỏ, hoàn chỉnh kênh cấp II) và đóng góp từ nhân dân 3.000 tỷ đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn chỉnh hệ thống kênh mương nội đồng.

Trước mặt, giai đoạn 2006-2010, ưu tiên tập trung vốn đầu tư để hoàn thành các dự án đầu tư dở dang và các công trình thật sự cấp bách và phát huy hiệu quả trên địa bàn, sớm đưa vào khai thác, sử dụng theo đúng mục tiêu và tiến độ được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Nguồn vốn đầu tư: vốn ngân s1ch nhà nước hàng năm (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA), đóng góp của người dân vùng hưởng lợi và các nguồn vốn hợp pháp khác.

b) Giai đoạn sau 2010 và định hướng đến năm 2020

- Tiếp tục hoàn thiện các công trình thoát lũ, kiểm soát mặn, các kênh trục phục vụ tưới tiêu còn lại trong giai đoạn trước. Bước đầu triển khai một số công trình quy mô lớn kiểm soát mặn, giữ ngọt ở hạ lưu các sông Cái Lớn – Cái Bé, Hàm Luông, Vàm Cỏ,…

Thực hiện các công trình thủy lợi phục vụ thủy sản khác ở vùng ven biển và các mô hình lúa – thủy sản ở vùng sinh thái ngọt (danh mục công trình dự kiến tại Phụ lục II Quyết định này).

- Đối với các danh mục dự án, công trình dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2011-2015 và đến năm 2020, cần sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và xác định rõ cơ cấu nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, huy động cá nguồn vốn tham gia của người dân vùng hưởng lợi, các tổ chức kinh tế, kể cả nguồn vốn ODA để thực hiện Quy hoạch.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:

- Chỉ đạo quán triệt và thực hiện tốt mục tiêu, nội dung, định hướng phát triển, giải pháp quy hoạch và quản lý quy hoạch thủy lợi và bảo vệ nguồn nước, bảo vệ công trình thủy lợi giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020.

- Hướng dẫn, kiểm tra các địa phương tiến hành thực hiện quy hoạch thủy lợi chi tiết từng vùng, từng địa bàn.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án, công trình theo các mục tiêu như: thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản, vùng lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, thoát lũ, kết hợp giao thông thủy, chống hạn, chống xêm nhập mặn…

- Chỉ đạo xác định cụ thể cơ cấu các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương, địa phương huy động và các nguồn vốn khác kể cả nguồn vốn ODA và đề xuất giải pháp, chính sách để thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi của vùng.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo các cơ quan chức năng quán triệt và thực hiện Quy hoạch theo sự chỉ đạo thống nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phốihợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương liên quan cân đối, bố trí vốn đầu tư hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để thực hiện các nội dung Quy hoạch này. Đồng thời chỉu trách nhiệm theo dõi, giám sát đầu tư, bảo đảm nguồn vốn đầu tư cho các công trình, dự án được thực hiện đúng mục tiêu và có hiệu quả.

4. Các Bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện có hiệu quả nội dung điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến 2020, đồng thời xem xét điều chỉnh quy hoạch của ngành, địa phương phù hợp với nội dung Quy hoạch này.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ tướng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.