• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 10/11/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 30/12/2012
CHÍNH PHỦ
Số: 132/2005/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Dương, ngày 20 tháng 10 năm 2005

NGHỊ ĐỊNH

Về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước

đối với công ty nhà nước

 

CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

 

NGHỊ ĐỊNH:

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước, bao gồm công ty nhà nước độc lập và tổng công ty nhà nước, quy định tại Luật Doanh nghiệp nhà nước.

Điều 2. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước

1. Nhà nước là chủ sở hữu đối với công ty nhà nước. Chính phủ thống nhất quản lý và tổ chức thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước. Chính phủ trực tiếp thực hiện, hoặc ủy quyền cho Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ); phân cấp cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh); giao cho Hội đồng quản trị tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập có Hội đồng quản trị (sau đây gọi tắt là Hội đồng quản trị) thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu.

2. Thủ tướng Chính phủ trực tiếp thực hiện hoặc uỷ quyền cho các Bộ liên quan thực hiện một số quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với tổng công ty nhà nước và công ty nhà nước độc lập đặc biệt quan trọng do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

3. Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu đối với công ty nhà nước do Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập; thực hiện một số quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với tổng công ty nhà nước và công ty nhà nước độc lập đặc biệt quan trọng do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ.

4. Bộ Tài chính và các Bộ chức năng thực hiện một số quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty nhà nước theo lĩnh vực được phân công.

5. Hội đồng quản trị là đại diện trực tiếp chủ sở hữu nhà nước tại công ty nhà nước có Hội đồng quản trị và đại diện chủ sở hữu đối với công ty do mình đầu tư toàn bộ vốn điều lệ.

Chương II

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CHỦ SỞ HỮU NHÀ NƯỚC

ĐỐI VỚI CÔNG TY NHÀ NƯỚC

Điều 3. Các quyền của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước

1. Quyết định thành lập mới, cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu công ty nhà nước.

2. Quyết định mục tiêu, chiến lược, kế hoạch dài hạn và ngành, nghề kinh doanh của công ty nhà nước.

3. Phê duyệt Điều lệ, phê duyệt sửa đổi và bổ sung Điều lệ của công ty nhà nước.

4. Quyết định đầu tư vốn để hình thành vốn điều lệ và điều chỉnh vốn điều lệ của công ty nhà nước.

5. Quyết định việc đầu tư, góp vốn đầu tư, liên doanh, liên kết theo thẩm quyền; phê duyệt chủ trương vay, cho vay, thuê, cho thuê của công ty nhà nước.

6. Quy định chế độ tài chính đối với công ty nhà nước, phân phối thu nhập, trích lập và sử dụng các quỹ của công ty nhà nước.

7. Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, các thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc công ty nhà nước.

8. Quy định chế độ tiền lương, phụ cấp lương, tiền thưởng trong công ty nhà nước; quyết định mức lương, phụ cấp lương đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc công ty nhà nước.

9. Quy định chế độ đặt hàng, đấu thầu hoặc giao nhiệm vụ, mức giá bán, mức bù chênh lệch để thực hiện sản xuất, cung ứng các sản phẩm và dịch vụ công ích.

10. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, thực hiện các quyết định của chủ sở hữu và đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty nhà nước.

Điều 4. Nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước

1. Đầu tư đủ vốn điều lệ cho công ty nhà nước.

2. Thực hiện đúng các quy định tại Điều lệ công ty nhà nước liên quan đến chủ sở hữu.

3. Chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty nhà nước trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật khi quyết định dự án đầu tư; phê duyệt chủ trương mua, bán, vay, cho vay, thuê và cho thuê theo thẩm quyền.

5. Đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh, tự chịu trách nhiệm theo pháp luật của công ty nhà nước; không can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của công ty.

6. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Chương III

PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP THỰC HIỆN QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ

CỦA CHỦ SỞ HỮU NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TY NHÀ NƯỚC

Mục 1

QUYỀN CỦA CHỦ SỞ HỮU NHÀ NƯỚC

ĐỐI VỚI CÔNG TY NHÀ NƯỚC

Điều 5. Quyết định thành lập mới, tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu công ty nhà nước

1. Chính phủ ban hành quy định về thành lập mới; ngành, lĩnh vực, địa bàn được xem xét thành lập mới; tổ chức lại; giải thể; chuyển đổi sở hữu công ty nhà nước.

2. Thủ tướng Chính phủ:

a) Phê duyệt đề án thành lập mới công ty nhà nước theo quy định tại Nghị định số 180/2004/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thành lập mới, tổ chức lại và giải thể công ty nhà nước.

b) Phê duyệt phương án tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu công ty nhà nước trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế quốc dân theo đề nghị của Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đối với các công ty nhà nước độc lập và tổng công ty nhà nước do Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, công ty nhà nước độc lập do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; theo đề nghị của Hội đồng quản trị đối với tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, sau khi có ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ quản lý ngành.

c) Quyết định thành lập mới các tổng công ty nhà nước đặc biệt quan trọng và các công ty nhà nước độc lập đặc biệt quan trọng theo đề nghị của Bộ quản lý ngành.

d) Quyết định việc tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu các tổng công ty nhà nước đặc biệt quan trọng do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của Hội đồng quản trị.

đ) Quyết định việc tổ chức lại, giải thể các công ty nhà nước quan trọng trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh.

3. Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Quyết định thành lập mới các công ty nhà nước (ngoài các công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập) sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thành lập mới.

b) Xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phương án tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu các tổng công ty nhà nước do mình quyết định thành lập theo đề nghị của Hội đồng quản trị tổng công ty.

c) Xây dựng phương án tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu các công ty nhà nước độc lập do mình quyết định thành lập và các công ty nhà nước độc lập do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

d) Quyết định việc tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu các công ty nhà nước (ngoài các công ty nói tại các điểm d và đ khoản 2 Điều này) theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.

4. Hội đồng quản trị tổng công ty nhà nước:

a) Xây dựng phương án thành lập mới, tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu trong tổng công ty trình người quyết định thành lập tổng công ty; triển khai thực hiện theo phương án đã được phê duyệt.

b) Tiếp nhận doanh nghiệp tự nguyện tham gia làm thành viên của tổng công ty sau khi có sự chấp thuận của người quyết định thành lập tổng công ty.

Điều 6. Quyết định mục tiêu, chiến lược, kế hoạch dài hạn và ngành, nghề kinh doanh của công ty nhà nước

1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mục tiêu, chiến lược, kế hoạch dài hạn và ngành, nghề kinh doanh của công ty nhà nước có Hội đồng quản trị do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của Hội đồng quản trị và một số công ty nhà nước đặc biệt quan trọng khác theo đề nghị của Bộ quản lý ngành, sau khi có ý kiến của Bộ quản lý ngành (trường hợp do Hội đồng quản trị đề nghị) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Danh mục các công ty nhà nước nói trên do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Phê duyệt mục tiêu, chiến lược, kế hoạch dài hạn và ngành, nghề kinh doanh của công ty nhà nước có Hội đồng quản trị do mình quyết định thành lập theo đề nghị của Hội đồng quản trị.

b) Quyết định mục tiêu, chiến lược, kế hoạch dài hạn và ngành, nghề kinh doanh của công ty nhà nước độc lập không có Hội đồng quản trị do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và của công ty nhà nước độc lập không có Hội đồng quản trị do mình quyết định thành lập.

3. Hội đồng quản trị quyết định mục tiêu, chiến lược, kế hoạch dài hạn và ngành, nghề kinh doanh của công ty sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt và của doanh nghiệp do công ty sở hữu toàn bộ vốn điều lệ.

Điều 7. Phê duyệt Điều lệ, phê duyệt sửa đổi và bổ sung Điều lệ của công ty nhà nước

1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ, phê duyệt sửa đổi và bổ sung Điều lệ công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của Hội đồng quản trị và ý kiến của Bộ quản lý ngành, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tuỳ trường hợp cụ thể, Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền cho Bộ quản lý ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt sửa đổi và bổ sung Điều lệ công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

2. Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Điều lệ, phê duyệt sửa đổi và bổ sung Điều lệ công ty nhà nước do mình quyết định thành lập và công ty nhà nước không có Hội đồng quản trị do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

3. Hội đồng quản trị phê duyệt Điều lệ, phê duyệt sửa đổi và bổ sung Điều lệ của công ty thành viên do Tổng công ty nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ.

Điều 8. Quyết định đầu tư vốn để hình thành vốn điều lệ và điều chỉnh vốn điều lệ của công ty nhà nước

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư vốn để hình thành vốn điều lệ và điều chỉnh vốn điều lệ trong quá trình hoạt động đối với công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của Hội đồng quản trị, Bộ quản lý ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sau khi có ý kiến của Bộ quản lý ngành (nếu người đề nghị là Hội đồng quản trị, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh), Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ Tài chính thực hiện việc đầu tư đủ vốn điều lệ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2. Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xác định mức vốn điều lệ của công ty nhà nước do mình quyết định thành lập.

Bộ Tài chính thực hiện việc đầu tư đủ vốn điều lệ cho công ty nhà nước do Bộ quản lý ngành quyết định thành lập theo đề nghị của Bộ quản lý ngành.

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc đầu tư đủ vốn điều lệ cho công ty nhà nước do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.

3. Hội đồng quản trị tổng công ty quyết định sử dụng, đầu tư và điều chỉnh vốn, các nguồn lực khác do tổng công ty đầu tư đối với các công ty thành viên, nhưng phải đảm bảo yêu cầu mức vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp hoặc mức vốn pháp định đối với các ngành, nghề theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Quyết định việc đầu tư, góp vốn đầu tư, liên doanh, liên kết theo phân cấp; phê duyệt chủ trương vay, cho vay, thuê, cho thuê

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định các dự án đầu tư của công ty nhà nước, các dự án đầu tư ra ngoài công ty nhà nước thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật về đầu tư.

2. Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Quyết định các dự án đầu tư của công ty nhà nước theo quy định tại khoản 4 Điều 66 của Luật Doanh nghiệp nhà nước và theo quy định của pháp luật về đầu tư.

b) Phê duyệt đề án góp vốn của công ty nhà nước do mình quyết định thành lập để thành lập mới các công ty cổ phần nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước hai thành viên trở lên ngoài ngành, lĩnh vực, địa bàn quy định tại Điều 6 Luật Doanh nghiệp nhà nước.

c) Quyết định các dự án của công ty nhà nước góp vốn, mua cổ phần của công ty khác, góp vốn liên doanh với chủ đầu tư nước ngoài, dự án đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại khoản 5 Điều 66 của Luật Doanh nghiệp nhà nước.

d) Quyết định chủ trương bán tài sản, việc vay, cho vay, thuê, cho thuê của công ty nhà nước theo quy định tại khoản 6 Điều 66 của Luật Doanh nghiệp nhà nước.

đ) Phê duyệt phương án công ty nhà nước mua công ty thuộc thành phần kinh tế khác.

3. Hội đồng quản trị:

a) Quyết định hoặc ủy quyền cho Tổng giám đốc quyết định các dự án đầu tư, góp vốn, mua cổ phần của công ty khác, bán tài sản của công ty, các hợp đồng vay, cho vay, thuê, cho thuê và các hợp đồng kinh tế khác theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 30 của Luật Doanh nghiệp nhà nước và theo quy định của pháp luật về đầu tư.

b) Quyết định sử dụng vốn của tổng công ty để đầu tư thành lập đơn vị thành viên do tổng công ty sở hữu toàn bộ vốn điều lệ nhưng không vượt quá mức vốn đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng quản trị và sau khi có sự chấp thuận của người quyết định thành lập tổng công ty.

c) Phê duyệt đề án góp vốn của công ty thành viên do mình nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ để thành lập mới các công ty cổ phần nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước hai thành viên trở lên ngoài ngành, lĩnh vực, địa bàn quy định tại Điều 6 Luật Doanh nghiệp nhà nước.

d) Quyết định hoặc ủy quyền cho Tổng giám đốc quyết định các dự án góp vốn liên doanh với chủ đầu tư nước ngoài, dự án đầu tư ra nước ngoài của công ty thành viên do mình nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ.

Điều 10. Quy định chế độ tài chính đối với công ty nhà nước, phân phối thu nhập, trích lập và sử dụng các quỹ của công ty nhà nước

1. Chính phủ quy định chế độ tài chính đối với công ty nhà nước, phân phối thu nhập, trích lập và sử dụng các quỹ của công ty nhà nước, chế độ báo cáo và công khai tài chính của công ty nhà nước, báo cáo tài chính hợp nhất của tổng công ty và cơ chế kiểm tra thực hiện.

2. Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện các chế độ tài chính, chế độ báo cáo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Hội đồng quản trị công ty nhà nước quy định quy chế quản lý tài chính áp dụng trong công ty; thông qua báo cáo tài chính hàng năm của công ty; phê duyệt phương án sử dụng lợi nhuận sau thuế hoặc xử lý các khoản lỗ trong quá trình kinh doanh của công ty.

Điều 11. Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc công ty nhà nước

1. Thủ tướng Chính phủ:

a) Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị của công ty nhà nước có Hội đồng quản trị do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của Bộ quản lý ngành và thẩm định của Bộ Nội vụ.

b) Chấp thuận để Hội đồng quản trị quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký hợp đồng, khen thưởng, kỷ luật Tổng giám đốc của công ty nhà nước có Hội đồng quản trị do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

c) Chấp thuận để Bộ trưởng Bộ quản lý ngành bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật Tổng giám đốc (Giám đốc) công ty nhà nước không có Hội đồng quản trị do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

2. Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị của công ty nhà nước có Hội đồng quản trị do mình quyết định thành lập.

b) Chấp thuận để Hội đồng quản trị quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký hợp đồng, khen thưởng, kỷ luật Tổng giám đốc hoặc Giám đốc đối với công ty nhà nước có Hội đồng quản trị do mình quyết định thành lập.

c) Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký hợp đồng, khen thưởng, kỷ luật Giám đốc, Phó giám đốc, kế toán trưởng c?a công ty nhà nước độc lập không có Hội đồng quản trị do mình quyết định thành lập và của công ty nhà nước độc lập không có Hội đồng quản trị do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

3. Hội đồng quản trị:

a) Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký hợp đồng, khen thưởng, kỷ luật Tổng giám đốc công ty nhà nước sau khi được người quyết định thành lập công ty chấp thuận.

b) Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký hợp đồng, khen thưởng, kỷ luật Phó tổng giám đốc, kế toán trưởng công ty nhà nước theo đề nghị của Tổng giám đốc.

c) Chấp thuận để Tổng giám đốc công ty nhà nước quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký hợp đồng, khen thưởng, kỷ luật đối với giám đốc, kế toán trưởng các công ty thành viên và các đơn vị sự nghiệp do công ty sở hữu toàn bộ vốn điều lệ và đối với các chức danh quản lý chủ chốt khác được quy định tại Điều lệ công ty.

d) Quyết định cử người đại diện phần vốn góp của công ty ở doanh nghiệp khác theo đề nghị của Tổng giám đốc.

4. Bộ Nội vụ hướng dẫn trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, kế toán trưởng và các chức danh quản lý chủ chốt khác trong công ty nhà nước.

Điều 12. Quy định chế độ tiền lương, phụ cấp lương, tiền thưởng trong công ty nhà nước; quyết định mức lương, phụ cấp lương đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc công ty nhà nước

1. Chính phủ quy định chế độ tiền lương, phụ cấp lương, tiền thưởng trong công ty nhà nước; quy định chế độ tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp và các quyền lợi khác đối với Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc công ty nhà nước.

2. Người quyết định bổ nhiệm nhân sự quy định tại Điều 11 của Nghị định này quyết định việc xếp lương, nâng lương, phụ cấp lương cho nhân sự đó.

Điều 13. Quy định chế độ đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ thực hiện sản xuất, cung ứng các sản phẩm và dịch vụ công ích

1. Chính phủ quy định danh mục sản phẩm công ích, dịch vụ công ích phục vụ kinh tế - xã hội; công ty nhà nước được thành lập và đăng ký kinh doanh để thực hiện mục tiêu chủ yếu, thường xuyên và ổn định là cung cấp sản phẩm công ích, dịch vụ công ích; công ty nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh.

Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ thực hiện sản xuất, cung ứng sản phẩm công ích, dịch vụ công ích.

2. Bộ quản lý ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý sản phẩm công ích, dịch vụ công ích tổ chức giao nhiệm vụ cho tổng công ty, công ty nhà nước độc lập có đủ điều kiện thực hiện hoặc tổ chức đấu thầu, đặt hàng.

Tổng công ty nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm công ích, dịch vụ công ích, tổ chức giao nhiệm vụ cho các công ty thành viên có đủ điều kiện thực hiện.

Điều 14. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, thực hiện các quyết định của chủ sở hữu và đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty nhà nước

1. Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ kiểm tra, giám sát công ty nhà nước thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao; chế độ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn ở công ty nhà nước; các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty, hoạt động quản lý của Hội đồng quản trị và điều hành của Tổng giám đốc hoặc Giám đốc.

2. Bộ quản lý ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng quy chế thực hiện việc tổ chức kiểm tra, giám sát công ty nhà nước theo thẩm quyền; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động và quản lý, điều hành công ty của Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc hoặc Giám đốc theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; xem xét, đánh giá báo cáo tài chính hàng năm; đánh giá tình hình tài chính, lao động, năng lực sản xuất kinh doanh, hiệu quả hoạt động vào cuối năm tài chính của công ty.

3. Bộ Tài chính tổ chức kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn, việc phân phối thu nhập, trích lập và sử dụng các quỹ của công ty nhà nước.

4. Hội đồng quản trị kiểm tra, giám sát Tổng giám đốc, Giám đốc đơn vị thành viên trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước và Điều lệ công ty.

Mục 2

NGHĨA VỤ CỦA CHỦ SỞ HỮU NHÀ NƯỚC

ĐỐI VỚI CÔNG TY NHÀ NƯỚC

Điều 15. Nghĩa vụ đầu tư đủ vốn điều lệ của chủ sở hữu nhà nước cho công ty nhà nước

1. Bộ quản lý ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xác định đúng, đủ mức vốn điều lệ để đảm bảo hiệu quả hoạt động của công ty nhà nước do mình quyết định thành lập.

2. Bộ Tài chính có trách nhiệm thực hiện việc đầu tư và bổ sung vốn điều lệ cho công ty nhà nước quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 8 Nghị định này và các quy định khác của pháp luật.

3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xác định đúng, đủ mức vốn điều lệ để đảm bảo hiệu quả hoạt động của công ty nhà nước do mình quyết định thành lập.

 

b) Đầu tư đủ vốn để thành lập mới công ty nhà nước do mình quyết định thành lập.

c) Bổ sung đủ vốn điều lệ theo mức vốn điều lệ đã được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xác định đối với công ty nhà nước do mình quyết định thành lập.

Điều 16. Nghĩa vụ thực hiện đúng và đủ các quy định tại Điều lệ công ty nhà nước liên quan đến chủ sở hữu

1. Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đúng theo thẩm quyền các quy định tại Điều lệ công ty nhà nước.

2. Đối với các vấn đề chưa được quy định tại Điều lệ công ty nhà nước, Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thực hiện theo quy định của pháp luật và sau đó phải yêu cầu công ty sửa đổi, bổ sung Điều lệ trong thời gian sớm nhất để phê duyệt theo đúng quy định.

3. Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm trước pháp luật về những quyết định hoặc phê duyệt sai, không đúng thẩm quyền, làm công ty lâm vào tình trạng lỗ, mất vốn nhà nước, công ty hoạt động không hiệu quả.

Điều 17. Trách nhiệm của chủ sở hữu về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác

1. Chủ sở hữu chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

2. Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng quản trị định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra, đánh giá về các khoản nợ và nghĩa vụ về tài sản của công ty; trường hợp phát hiện khả năng của công ty về thanh toán các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác thấp thì yêu cầu công ty có đề án khắc phục, báo cáo chủ sở hữu phê duyệt.

3. Khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả, Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng quản trị phải chỉ đạo Tổng giám đốc, Giám đốc công ty thông báo tình hình tài chính của công ty cho tất cả chủ nợ biết; yêu cầu Tổng giám đốc, Giám đốc nộp đơn hoặc tự nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định tại Điều 16 của Luật Phá sản ngày 15 tháng 6 năm 2004.

4. Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc không thực hiện đúng các yêu cầu tại các khoản 2 và 3 Điều này.

Điều 18. Trách nhiệm của chủ sở hữu khi quyết định việc đầu tư; bảo lãnh vay; phê duyệt chủ trương mua, bán, vay, cho vay, thuê và cho thuê theo thẩm quyền

1. Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm đúng thẩm quyền, đúng pháp luật khi quyết định các dự án đầu tư, bảo lãnh vay, phê duyệt chủ trương mua, bán, vay, cho vay, thuê, cho thuê, góp vốn đầu tư, liên doanh, liên kết, phê duyệt phương án công ty nhà nước mua công ty thuộc thành phần kinh tế khác; có trách nhiệm giám sát thực hiện các quyết định và phê duyệt của mình.

2. Hội đồng quản trị, Giám đốc công ty nhà nước chịu trách nhiệm đúng thẩm quyền, đúng pháp luật và hiệu quả khi quyết định các dự án đầu tư, bảo lãnh vay, phê duyệt chủ trương mua, bán, vay, cho vay, thuê, cho thuê, góp vốn đầu tư, liên doanh, liên kết, phê duyệt phương án công ty nhà nước mua công ty thuộc thành phần kinh tế khác; có trách nhiệm giám sát thực hiện các quyết định và phê duyệt của mình.

3. Trường hợp không đảm bảo đúng các yêu cầu trên mà không có các biện pháp khắc phục kịp thời, dẫn đến dự án đầu tư và các hoạt động mua, bán vay, cho vay, thuê, cho thuê, góp vốn đầu tư, liên doanh, liên kết kém hiệu quả, không thu hồi được vốn đầu tư, không trả được nợ, gây thiệt hại đến tài sản của công ty, công ty hoạt động thua lỗ, thì Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng quản trị liên đới chịu trách nhiệm.

Điều 19. Nghĩa vụ đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh, tự chịu trách nhiệm của công ty; không can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của công ty

Thủ trưởng cơ quan thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước xây dựng quy chế thực hiện các quyền của chủ sở hữu nhà nước được phân công, phân cấp, uỷ quyền, đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh, tự chịu trách nhiệm của công ty nhà nước trong quá trình hoạt động.

Cơ quan thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước không can thiệp trái pháp luật vào các công việc của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc của công ty nhà nước.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 21. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.