• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 22/06/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 09/01/2009
TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN-BỘ CÔNG AN
Số: 01/2001/TTLT/TCBĐ-BCA
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Dương, ngày 7 tháng 6 năm 2001

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn việc bảo đảm an toàn mạng lưới và an ninh thông tin

trong hoạt động bưu chính, viễn thông

 

Ngày 12/11/1997, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/1997/NĐ-CP về bưu chính và viễn thông. Để thi hành các quy định của Nghị định này, Tổng cục Bưu điện và Bộ Công an thống nhất hướng dẫn một số điểm về bảo đảm an toàn mạng lưới và an ninh thông tin trong hoạt động bưu chính, viễn thông như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Bảo đảm an toàn mạng lưới và an ninh thông tin trong hoạt động bưu chính, viễn thông đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây viết gọn là cơ quan, tổ chức, cá nhân) bao gồm bảo đảm an toàn mạng lưới và an ninh thông tin trong các hoạt động quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh đối với các việc thiết lập mạng lưới bưu chính, viễn thông; cung cấp và sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông; sản xuất và sử dụng thiết bị phát, thu phát vô tuyến điện; thi công lắp đặt công trình bưu chính, viễn thông.

2. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến lĩnh vực bưu chính, viễn thông đều phải chấp hành pháp luật về bưu chính, viễn thông; có trách nhiệm bảo đảm an toàn mạng lưới và an ninh thông tin trong hoạt động bưu chính, viễn thông; chịu sự quản lý, thanh tra, kiểm tra và thực hiện các yêu cầu về bảo đảm an toàn mạng lưới và an ninh thông tin của Tổng cục Bưu điện, Bộ Công an và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

II. BẢO ĐẢM AN TOÀN MẠNG LƯỚI BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG

Việc bảo đảm an toàn mạng lưới bưu chính, viễn thông thực hiện như sau:

1. Tổng cục Bưu điện có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an xem xét, thẩm định danh mục công trình bưu chính, viễn thông trọng điểm do doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đề xuất để trình Chính phủ phê duyệt danh mục công trình bưu chính, viễn thông cần được lực lượng cảnh sát nhân dân canh gác, bảo vệ.

Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức, triển khai lực lượng cảnh sát nhân dân canh gác, bảo vệ các công trình trọng điểm thuộc danh mục Chính phủ đã phê duyệt.

2. Doanh nghiệp bưu chính, viễn thông (sau đây viết tắt là doanh nghiệp) có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an tiến hành:

a. Xây dựng các phương án bảo vệ; phòng, chống cháy, nổ; tuần tra, kiểm tra đột xuất và định kỳ mạng lưới và các công trình bưu chính, viễn thông; các công trình trọng điểm thuộc danh mục đã được Chính phủ phê duyệt;

b. Xây dựng phương án phối hợp hành động khi có tình huống khẩn cấp xảy ra như đột nhập, phá hoại mạng lưới và các công trình bưu chính, viễn thông;

c. Tổ chức lực lượng bảo vệ, trang bị các thiết bị bảo vệ mạng lưới và các công trình bưu chính, viễn thông thuộc quyền quản lý.

3. Các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 mục II của Thông tư này và huấn luyện, hướng dẫn nghiệp vụ cho doanh nghiệp trên cơ sở hợp đồng giữa 2 bên.

4. Chủ mạng viễn thông dùng riêng, chủ mạng nội bộ, đại lý bưu chính, viễn thông và người sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông có trách nhiệm:

a. Bảo vệ an toàn hoạt động mạng lưới, thiết bị đầu cuối thuê bao và mật khẩu truy nhập của mình;

b. Không được lợi dụng hoặc để người khác lợi dụng mạng lưới, thiết bị đầu cuối thuê bao và mật khẩu truy nhập của mình gây nhiễu, gây rối loạn, phá hoại hoạt động mạng lưới và các công trình bưu chính, viễn thông;

c. Phát hiện, thông báo đầy đủ, kịp thời những hoạt động phá hoại mạng lưới và các công trình bưu chính, viễn thông cho doanh nghiệp, các đơn vị thuộc Tổng cục Bưu điện, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an và Uỷ ban nhân dân các cấp.

III. BẢO ĐẢM AN NINH THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG

Việc bảo đảm an ninh thông tin trong hoạt động bưu chính, viễn thông thực hiện như sau:

1. Đối với việc cấp phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng và sử dụng thiết bị phát, thu phát vô tuyến điện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài:

a. Trong thời hạn 10 ngày làm việc và trường hợp đặc biệt thì không quá 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn đề nghị của Bộ Ngoại giao và hồ sơ hợp lệ xin cấp phép của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam được quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và ưu đãi, miễn trừ lãnh sự, Bộ Công an có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời bằng văn bản cho Bộ Ngoại giao và Tổng cục Bưu điện. Trên cơ sở đó, Tổng cục Bưu điện xét cấp phép và thông báo cho Bộ Công an.

b. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn của Tổng cục Bưu điện và hồ sơ hợp lệ xin cấp phép của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại điểm a nêu trên, Bộ Công an có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời bằng văn bản cho Tổng cục Bưu điện. Trên cơ sở đó, Tổng cục Bưu điện xét cấp phép và thông báo cho Bộ Công an.

2. Đối với việc cấp phép thiết lập mạng lưới bưu chính, viễn thông công cộng; cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông; thiết lập mạng viễn thông dùng riêng; sản xuất và sử dụng thiết bị phát, thu phát vô tuyến điện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam:

Tổng cục Bưu điện thẩm định hồ sơ, xét cấp phép và thông báo bằng văn bản cho Bộ Công an. Trường hợp đã phân cấp quản lý cho các Cục Bưu điện khu vực thì Cục Bưu điện khu vực có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, xét cấp phép và thông báo bằng văn bản cho Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Việc cấp phép thiết lập mạng, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet ở Việt Nam thực hiện theo các quy định hiện hành của Tổng cục Bưu điện, Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan.

4. Đối với việc cấp phép khảo sát thiết kế, thi công lắp đặt, bảo dưỡng cáp quang biển:

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn của Tổng cục Bưu điện và hồ sơ hợp lệ của tổ chức xin phép khảo sát thiết kế, thi công lắp đặt, bảo dưỡng các tuyến cáp quang biển Quốc tế đi qua vùng biển của Việt Nam (vùng nội thuỷ, lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa), Bộ Công an có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời bằng văn bản cho Tổng cục Bưu điện. Tổng cục Bưu điện tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

5. Bộ Công an và Tổng cục Bưu điện phối hợp chỉ đảo, hướng dẫn việc ngăn chặn khẩn cấp đối với các trường hợp cung cấp và sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và các hoạt động vi phạm pháp luật khác.

6. Các đơn vị thuộc Tổng cục Bưu điện và các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an phối hợp thực hiện bảo đảm an ninh thông tin trong các lĩnh vực sau:

a. Thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm an ninh thông tin trong hoạt động thiết lập mạng lưới bưu chính, viễn thông; cung cấp và sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông; sản xuất và sử dụng thiết bị phát, thu phát vô tuyến điện; thi công lắp đặt công trình bưu chính, viễn thông; kinh doanh các dịch vụ bưu chính, viễn thông trái với pháp luật;

b. Kiểm tra và xử lý các vi phạm đối với hàng hoá kinh doanh gửi qua đường bưu điện thực hiện theo các quy định trong Thông tư liên tịch số 05/TTLT ngày 26/07/1997 của Tổng cục Bưu điện, Bộ Thương mại, Bộ Công an và Bộ Tài chính và Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT-TCBĐ-TCHQ ngày 11/12/1998 của Tổng cục Bưu điện và Tổng cục Hải quan;

c. Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục Bưu điện và Bộ Công an để xây dựng các phương án ngăn chặn khẩn cấp nhằm bảo đảm an ninh thông tin trong hoạt động bưu chính, viễn thông; triển khai các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi lợi dụng mạng lưới bưu chính, viễn thông để hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

7. Doanh nghiệp có trách nhiệm:

a. Phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục Bưu điện, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ trong trường hợp cần thiết để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vị lợi dụng mạng lưới bưu chính, viễn thông để hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;

b. Phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục Bưu điện, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra, kiểm soát an ninh thông tin đối với các hoạt động bưu chính, viễn thông;

c. Bố trí mặt bằng, điểm truy nhập mạng lưới và các điều kiện kỹ thuật cần thiết cho các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an trong khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh thông tin trong các hoạt động bưu chính, viễn thông;

d. Cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin liên quan cho Tổng cục Bưu điện, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh thông tin đối với các hoạt động bưu chính, viễn thông;

đ. Phổ biến, cung cấp thông tin cần thiết về công nghệ, kỹ thuật mới trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông cho các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an để phục vụ công tác quản lý an ninh thông tin;

e. Hướng dẫn người sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông bảo vệ nội dung thông tin theo Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước.

8. Chủ mạng viễn thông dùng riêng, chủ mạng nội bộ, đại lý bưu chính, viễn thông và người sử dụng bưu chính, viễn thông có trách nhiệm:

a. Tuân thủ Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đưa vào lưu trữ và chuyển đi trên mạng khi sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông;

b. Phối hợp và cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin liên quan cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thi hành nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm an ninh thông tin trong hoạt động của mạng viễn thông dùng riêng, mạng nội bộ và việc sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổng cục Bưu điện và Bộ Công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn các cơ quan tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật bưu chính, viễn thông và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn mạng lưới, an ninh thông tin trong hoạt động bưu chính, viễn thông.

2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư liên bộ số 01/TTLB ngày 02/01/1993 của Tổng cục Bưu điện và Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về việc tăng cường công tác bảo vệ an toàn mạng viễn thông Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc nảy sinh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần phản ánh về Tổng cục Bưu điện và Bộ Công an để hướng dẫn giải quyết kịp thời.

 

Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Công an
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Mai Liêm Trực

Nguyễn Khánh Toàn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.