THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện một số điều của Hiệp định tạo thuận lợi vận tải người
và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Công mở rộng
__________________
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Hiệp định về Tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và người qua lại biên giới các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng (Hiệp định GMS) ký ngày 26 tháng 11 năm 1999 tại Viêng-chăn, được sửa đổi ngày 30 tháng 4 năm 2004 tại Phnôm Pênh, Campuchia và các Phụ lục, Nghị định thư của Hiệp định;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông vận tải;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Hiệp định GMS như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết một số điều của Hiệp định GMS về phương tiện, người điều khiển phương tiện, cơ quan, tổ chức được cấp phép vận tải hành khách và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Công mở rộng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Công mở rộng.
Điều 3. Phạm vi hoạt động của phương tiện
1. Phương tiện của các doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp Giấy phép vận chuyển đường bộ GMS chỉ được phép hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách qua lại theo các hành lang, tuyến đường và các cặp cửa khẩu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Phương tiện không được phép vận chuyển hàng hóa hoặc hành khách giữa hai điểm trong lãnh thổ của Bên ký kết kia.
Điều 4. Quy định đối với phương tiện
1. Loại phương tiện:
a) Xe vận chuyển hành khách: là loại xe có từ 10 chỗ ngồi trở lên kể cả người lái;
b) Xe vận chuyển hàng hóa: xe tải liên kết cứng, xe đầu kéo, sơ mi rơ moóc.
2. Ký hiệu phân biệt quốc gia của phương tiện: mỗi phương tiện tham gia giao thông qua lại biên giới ngoài biển số đăng ký theo quy định phải đặt sau xe (không đặt trùng với biển số) ký hiệu phân biệt quốc gia. Mẫu ký hiệu phân biệt quốc gia của Việt Nam được quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Mỗi phương tiện vận chuyển hàng hóa, hành khách qua lại biên giới phải xuất trình cho các cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu các giấy tờ có giá trị sử dụng sau:
a) Giấy đăng ký phương tiện;
b) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;
c) Giấy phép vận chuyển đường bộ GMS kèm theo sổ theo dõi hoạt động của phương tiện;
d) Danh sách hành khách đối với xe vận chuyển hành khách theo mẫu tại các Phụ lục 3a và 3b ban hành kèm theo Thông tư này hoặc phiếu gửi hàng đối với xe vận chuyển hàng hóa theo mẫu tại Phụ lục 3c ban hành kèm theo Thông tư này;
đ) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba;
Trường hợp các giấy tờ nêu trên không in song ngữ gồm tiếng Việt và tiếng Anh thì phải kèm theo bản dịch tiếng Anh do cơ quan phát hành loại giấy tờ đó cấp hoặc do cơ quan công chứng hợp pháp xác nhận.
4. Mỗi chuyến đi, phương tiện được phép ở lại lãnh thổ của nước đến không quá 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Trường hợp có lý do chính đáng (như thiên tai, tai nạn, hỏng hóc không sửa chữa kịp) sẽ được gia hạn 01 lần với thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn xuất cảnh.
Điều 5. Quy định đối với lái xe, nhân viên phục vụ và hành khách
1. Lái xe qua lại biên giới phải mang theo các giấy tờ hợp lệ còn hiệu lực sau:
a) Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu và thị thực do cơ quan có thẩm quyền cấp (trừ trường hợp được miễn thị thực);
b) Giấy phép lái xe có in song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, trường hợp không có tiếng Anh phải có bản dịch Giấy phép lái xe theo mẫu tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này. Cơ quan cấp bản dịch Giấy phép lái xe là cơ quan cấp Giấy phép lái xe.
2. Đối với hành khách và nhân viên phục vụ phải xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu và thị thực do cơ quan có thẩm quyền cấp (trừ trường hợp được miễn thị thực);
3. Lái xe, hành khách và nhân viên phục vụ khi xuất nhập cảnh tại cửa khẩu phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chuyên ngành tại cửa khẩu.
Điều 6. Cấp phép vận tải đường bộ quốc tế cho doanh nghiệp, hợp tác xã
1. Điều kiện cấp giấy phép: doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và có đủ các điều kiện sau:
a) Tỷ lệ sở hữu vốn: Vốn do công dân Việt Nam nắm giữ trong các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải chiếm từ 51% trở lên trên số vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã;
b) Tỷ lệ nhân viên: Nhân viên có quốc tịch Việt Nam chiếm từ 51% trở lên trong tổng số nhân viên điều hành của doanh nghiệp, hợp tác xã (tính cho các chức danh: giám đốc, phó giám đốc doanh nghiệp, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hợp tác xã, trưởng các bộ phận thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã);
c) Độ tin cậy:
- Doanh nghiệp không vi phạm các quy định về hợp đồng kinh tế và các quy định khác của pháp luật Việt Nam;
- Doanh nghiệp không bị tuyên bố phá sản hoặc đang trong trình trạng tuyên bố phá sản.
d) Trình độ chuyên môn: Người phụ trách kinh doanh vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã phải có bằng đại học chuyên ngành vận tải đường bộ hoặc tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác đã có thời gian làm công tác quản lý trong các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải từ 03 năm trở lên.
đ) Năng lực tài chính: Phải sở hữu nguồn tài chính đầy đủ để quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã, có đủ nguồn tài chính để chi trả cho các hoạt động vận tải. Trong 3 năm liên tiếp đến thời điểm xin cấp phép hoạt động có lãi.
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế của doanh nghiệp, hợp tác xã theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã (bản sao hợp lệ hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu).
c) Chứng nhận chuyên môn về chuyên ngành vận tải của người phụ trách kinh doanh vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã (bản sao hợp lệ hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) kèm theo hợp đồng lao động với doanh nghiệp.
d) Báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong 3 năm liên tiếp gần nhất được cơ quan tài chính địa phương hoặc đơn vị kiểm toán xác nhận, đối với những doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập phải kèm theo tài liệu chứng minh năng lực tài chính.
3. Cơ quan cấp phép và quy trình cấp phép
a) Bộ Giao thông vận tải hoặc cơ quan được Bộ Giao thông vận tải ủy quyền là cơ quan cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế.
b) Cơ quan cấp phép tiếp nhận hồ sơ và cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế cho doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định.
c) Trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp phép thẩm định hồ sơ và cấp phép. Trường hợp từ chối cấp phép phải trả lời doanh nghiệp, hợp tác xã bằng văn bản và nêu rõ lý do.
d) Lệ phí cấp phép theo quy định của Bộ Tài chính.
4. Thu hồi và cấp lại Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế
a) Thu hồi
Trường hợp trong thời hạn được cấp phép, doanh nghiệp, hợp tác xã vi phạm các quy định về điều kiện cấp phép đã nêu ở trên, cơ quan cấp phép được thu hồi giấy phép đã cấp cho doanh nghiệp.
b) Cấp lại
Hết thời hạn của giấy phép hoặc bị mất giấy phép, doanh nghiệp, hợp tác xã lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mới theo quy định nêu trên. Giấy phép cũ hết hạn phải nộp trả cơ quan cấp phép.
c) Thời hạn của Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế là 05 năm.
d) Mẫu Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế quy định theo mẫu tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 7. Cấp Giấy phép vận tải đường bộ GMS cho phương tiện
1. Điều kiện đối với phương tiện được cấp phép
Các phương tiện thuộc thẩm quyền sử dụng hợp pháp của các doanh nghiệp, hợp tác xã đã được cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế thì được cấp phép vận chuyển đường bộ GMS để vận chuyển hành khách và hàng hóa thực hiện Hiệp định GMS.
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép vận tải đường bộ GMS cho phương tiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bản sao giấy đăng ký xe ô tô;
c) Bản sao Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng phương tiện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Bản sao Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;
đ) Bản sao Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với bên thứ ba.
3. Cơ quan cấp phép và quy trình cấp phép
a) Bộ Giao thông vận tải hoặc cơ quan được Bộ Giao thông vận tải ủy quyền là cơ quan cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế.
b) Cơ quan cấp phép tiếp nhận hồ sơ và cấp Giấy phép vận tải đường bộ GMS cho phương tiện theo quy định.
c) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp phép thẩm định hồ sơ và cấp phép. Trường hợp từ chối cấp phép phải trả lời doanh nghiệp bằng văn bản và nêu rõ lý do.
d) Trường hợp cần bổ sung hoặc thay thế phương tiện hoạt động, doanh nghiệp, hợp tác xã có công văn đề nghị kèm theo danh sách phương tiện và lập hồ sơ theo quy định tại điểm a, b, c, d, đ khoản 2 Điều này gửi cơ quan cấp phép. Đối với phương tiện thay thế, cơ quan cấp phép ghi vào giấy phép số xe thay thế và cấp sổ theo dõi hoạt động cho phương tiện thay thế.
đ) Lệ phí cấp phép theo quy định của Bộ Tài chính.
4. Thu hồi và cấp lại Giấy phép vận tải đường bộ GMS cho phương tiện vận tải
a) Thu hồi
Trường hợp trong thời hạn được cấp phép, phương tiện vi phạm các quy định về điều kiện cấp phép đã nêu ở trên, cơ quan cấp phép được thu hồi giấy phép đã cấp cho phương tiện.
b) Cấp lại
Hết thời hạn của giấy phép hoặc mất giấy phép, doanh nghiệp, hợp tác xã lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mới theo quy định nêu trên. Giấy phép cũ hết hạn phải nộp trả cơ quan cấp phép.
c) Thời hạn của giấy phép là 01 năm.
d) Mẫu giấy phép và sổ theo dõi hoạt động của phương tiện:
- Mẫu giấy phép vận tải đường bộ GMS quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này.
- Mẫu sổ theo dõi hoạt động của phương tiện quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 8. Giá cước vận tải
1. Tùy thuộc vào thị trường, giá cước vận chuyển khách theo tuyến cố định, vận chuyển khách bằng taxi do doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký giá với cơ quan có thẩm quyền ngành tài chính.
2. Giá cước vận chuyển khách theo hợp đồng và giá cước vận chuyển hàng hóa thực hiện theo cơ chế thị trường do các bên ký kết thống nhất.
Điều 9. Vé hành khách và hợp đồng vận chuyển
1. Vé hành khách, hợp đồng vận chuyển và giấy gửi hành lý được in song ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
2. Vè hành khách và hợp đồng vận chuyển bao gồm các nội dung sau:
a) Tên và địa chỉ của người vận chuyển;
b) Điểm xuất phát và điểm đến;
c) Ngày của chuyến đi và thời hạn có giá trị của vé;
d) Giá vận chuyển;
đ) Một số quy định về trách nhiệm pháp lý của các bên tham gia trong quá trình vận chuyển.
3. Chứng nhận đăng ký hành lý được in song ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Anh bao gồm các nội dung sau:
a) Tên và địa chỉ của người vận chuyển;
b) Điểm xuất phát và điểm đến;
c) Ngày của chuyến đi;
d) Giá vận chuyển
đ) Số lượng và trọng lượng của hành lý;
e) Một số quy định về trách nhiệm pháp lý của các bên tham gia trong quá trình vận chuyển.
Điều 10. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
Điều 11. Tổ chức thực hiện
1. Cục Đường bộ Việt Nam
a) Trong giai đoạn thực hiện thí điểm Hiệp định GMS, Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường bộ Việt Nam cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế cho doanh nghiệp, hợp tác xã và cấp Giấy phép vận tải đường bộ GMS cho phương tiện vận tải trên cơ sở kế hoạch cấp phép đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.
b) Tổ chức quản lý, hướng dẫn và kiểm tra về hoạt động vận tải đường bộ thực hiện Hiệp định GMS;
c) In ấn và phát hành các loại Phù hiệu quốc gia của Việt Nam, Danh sách hành khách. Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế, Giấy phép vận tải đường bộ GMS. Sổ theo dõi hoạt động của phương tiện theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Các Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức phổ biến và triển khai thực hiện Thông tư này tới các cơ quan, doanh nghiệp có liên quan trên địa bàn do mình quản lý.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có các vướng mắc phát sinh, đề nghị các tổ chức, cá nhân liên hệ với Cục Đường bộ Việt Nam để được hướng dẫn giải quyết. Trường hợp vượt quá thẩm quyền giải quyết, Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải để chỉ đạo thực hiện.
4. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.