• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 09/10/1988
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 146-HĐBT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Dương, ngày 24 tháng 9 năm 1988

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 146/HĐBT NGÀY 24-9-1988

VỀ VIỆC BỔ SUNG, SỬA ĐỔI MỘT SỐ ĐIỂM TRONG

CÁC BẢN QUY ĐỊNH BAN HÀNH KÈM THEO

NGHỊ ĐỊNH SỐ 27-HĐBT VÀ SỐ 28-HĐBT NGÀY 9-3-1988

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 15-7-1988 của Bộ Chính trị về đổi mới các chính sách và cơ chế quản lý đối với các cơ sở sản xuất thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh;

Xét đề nghị của Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Nay bổ sung, sửa đổi một số điểm trong các bản Quy định ban hành kèm theo Nghị định số 27-HĐBT và số 28-HĐBT ngày 9-3-1988, như sau:

I. Về bản Quy định ban hành kèm theo Nghị định số 27-HĐBT

1. Bổ sung vào cuối gạch đầu dòng thứ hai của điểm 1, điều 2 một đoạn như sau: có thể thuê mướn thêm lao động thời vụ.

2. Điểm 3 của điều 2 được sửa lại và thay bằng điểm 3 mới như sau:

Điểm 3 mới: Xí nghiệp tư bản sản xuất công nghiệp (gọi tắt là xí nghiệp tư doanh) là đơn vị do một hoặc nhiều nhà tư sản dân tộc cùng góp vốn để tổ chức sản xuất kinh doanh dưới hình thức Xí nghiệp tư doanh hoặc Công ty tư doanh, Công ty cổ phần, tổ hợp tư doanh, với quy mô không hạn chế.

Các xí nghiệp này được thuê mướn lao động theo nhu cầu sản xuất và kỹ thuật.

3. Thay điều 3 bằng điều 3 mới như sau:

Điều 3 mới: Các đơn vị kinh tế cá thể, kinh tế tư doanh trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, không ai có quyền ép buộc, có quyền xin tự giải thể, xin chuyển thành các đơn vị kinh tế tập thể, công tư hợp doanh. Các đơn vị này hoàn toàn tự chủ trong việc quyết định tham gia hay không tham gia các hình thức liên hiệp sản xuất, liên doanh, liên kết với các đơn vị kinh tế khác.

Trong trường hợp có nhu cầu, các đơn vị kinh tế này có quyền tự nguyện liên kết với các cơ sở quốc doanh để mở rộng sản xuất, phân công lao động và chuyên môn hoá sản xuất. Có thể thành lập các hình thức liên hiệp sản xuất gồm các đơn vị kinh tế một ngành hay nhiều ngành thuộc các thành phần kinh tế khác nhau hoặc các trung tâm dịch vụ sản xuất, các công ty dịch vụ, các cơ sở cung ứng và tiêu thụ chung cho các thành viên, v.v...

4. Bổ sung vào cuối điều 7 một đoạn như sau: không được giao chỉ tiêu pháp lệnh cho các đơn vị kinh tế này.

5. Bổ sung vào cuối điều 22 một đoạn như sau: Nhà nước có chính sách khuyến khích, khen thưởng thích đáng đối với những nghệ nhân giỏi (như tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân xuất sắc, tặng giải thưởng "đôi tay vàng ...". Viện thi đua khen thưởng Nhà nước trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định hoặc để Hội đồng Bộ trưởng trình Hội đồng Nhà Nước quyết định việc khen thưởng theo quy định này.

6. Bỏ đoạn: "Số lao động tối đa được thuê theo từng ngành nghề do Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương quy định cụ thể phù hợp với điều kiện của địa phương trong điều 25".

7. Thay điều 28 bằng điều 28 mới như sau:

Điều 28 mới: " Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Tổng Công đoàn Việt Nam nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định chính sách bảo hiểm xã hội và tổ chức để quản lý việc bảo hiểm xã hội đối với công nhân, nhân viên làm việc trong các đơn vị kinh tế này.

Người lao động thuộc tất cả các thành phần kinh tế đều được hưởng các phúc lợi công cộng của toàn dân".

II. Về bản quy định ban hành kèm theo Nghị định số 28-HĐBT

1. Thay điều 5 bằng điều 5 mới như sau:

Điều 5 mới: Kinh tế tập thể tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi, do các thành viên là những người lao động tự góp vốn, góp sức lao động cùng nhau tiến hành sản xuất, kinh doanh, thực hiện những dịch vụ phù hợp với khả năng và nhu cầu xã hội .

Tất cả các đơn vị kinh tế tập thể đang hoạt động, hay mới thành lập, đều có quyền tự lựa chọn một trong hai hình thức tổ chức chủ yếu nêu dưới đây, có thể xin giải thể, thay đổi quy mô hoặc thay đổi hình thức tổ chức cho phù hợp, không ai được gò ép.

a) Hợp tác xã.

- Tư liệu sản xuất và các vốn khác thuộc sở hữu tập thể chiếm phần lớn trong tổng số vốn của hợp tác xã và ngày càng phát triển bằng quỹ tích luỹ trích từ lợi nhuận. Ngoài ra, hợp tác xã có thể gọi cổ phần của xã viên và của những người ngoài hợp tác xã để phát triển sản xuất.

- Chủ nhiệm và Ban quản trị hợp tác xã do Đại hội xã viên bầu ra.

- Việc sản xuất kinh doanh phải theo điều lệ hợp tác xã và nghị quyết của đại hội xã viên.

- Thu nhập của xã viên được phân phối theo lao động và theo cổ phần. Tỷ lệ cụ thể do Đại hội xã viên quyết định.

- Vốn cổ phần được chia lợi nhuận theo quyết định của Đại hội xã viên.

b) Tổ hợp tác: là đơn vị kinh tế tập thể quy mô nhỏ, có một phần tư liệu sản xuất và các vốn bằng tiền là sở hữu tập thể ngày càng phát triển bằng quỹ tích luỹ trích từ lợi nhuận.

Các tổ, đội sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp trong hợp tác xã nông nghiệp, khi tách ra, có thể thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp.

2. Thay điều 6 bằng điều 6 mới như sau:

Điều 6 mới: Nhà nước khuyến khích các đơn vị kinh tế tập thể phát triển từ hình thức thấp đến hình thức cao, trên cơ sở phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng cao hơn. Các đơn vị kinh tế tập thể hoàn toàn tự chủ trong việc quyết định tham gia hay không tham gia các hình thức liên hiệp sản xuất, liên doanh, liên kết với các đơn vị kinh tế khác.

Trong trường hợp có nhu cầu, các đơn vị kinh tế tập thể có quyền tự nguyện liên kết với cơ sở quốc doanh để mở rộng sản xuất, phân công lao động và chuyên môn hoá sản xuất. Có thể thành lập các hình thức liên hiệp sản xuất gồm các đơn vị kinh tế một ngành hay nhiều ngành thuộc các thành phần kinh tế khác nhau hoặc các trung tâm dịch vụ sản xuất, các công ty dịch vụ, các cơ sở cung ứng và tiêu thụ chung cho các thành viên, v.v...

3. Bổ sung vào cuối điều 9 một đoạn như sau: không được giao chỉ tiêu pháp lệnh cho các đơn vị kinh tế này.

4. Bổ sung vào cuối điều 19 một đoạn như sau: các hợp tác xã có đủ điều kiện do Nhà nước quy định và được phép của Nhà nước được đặt quan hệ trực tiếp với các tổ chức kinh tế nước ngoài.

Bộ Kinh tế đối ngoại phải cụ thể hoá điều này và hướng dẫn thực hiện.

5. Thay điều 24 bằng điều 24 mới như sau:

Điều 24 mới: Sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, các đơn vị kinh tế tập thể tự quyết định phân phối và sử dụng thu nhập phù hợp với điều lệ của đơn vị. Trong đó, chú trọng tích luỹ để mở rộng sản xuất, thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động và có phần thích đáng phân phối theo vốn cổ phần.

6. Bổ sung vào cuối điều 28 một đoạn như sau: Nhà nước có chính sách khuyến khích, khen thưởng thích đáng đối với những nghệ nhân giỏi (như tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân xuất sắc, tặng giải thưởng "đôi tay vàng"...). Viện thi đua và khen thưởng Nhà nước trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định hoặc để Hội đồng Bộ trưởng trình Hội đồng Nhà nước quyết định việc khen thưởng theo quy định này.

7. Bổ sung vào cuối điều 33 một đoạn như sau: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Tổng Công đoàn Việt Nam nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định chính sách bảo hiểm xã hội và tổ chức để quản lý việc bảo hiểm xã hội đối với công nhân, nhân viên làm việc trong các đơn vị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh.

Điều 2. - Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đỗ Mười

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.