• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/10/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 05/05/2023
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 105/2014/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Dương, ngày 7 tháng 8 năm 2014

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31

 tháng 10 năm 2013 quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt

 và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các

lực lượng xử phạt vi phạm hành chính

_____________________

 

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính;

Căn cứ Nghị định 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31 tháng 10 năm 2013 quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính (sau đây gọi tắt là Thông tư 153/2013/TT-BTC).

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 153/2013/TT-BTC

1. Sửa đổi khoản 3 Điều 4 như sau:

“3. Người có thẩm quyền thu tiền phạt trực tiếp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định 81/2013/NĐ-CP phải lập bảng kê biên lai thu tiền phạt và nộp toàn bộ số tiền đã thu vào Kho bạc Nhà nước theo thời gian quy định tại khoản 2 Điều 69, khoản 2 Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính. Cảng vụ hoặc đại diện cảng vụ hàng không khi thực hiện thu phạt theo điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định 81/2013/NĐ-CP phải nộp toàn bộ số tiền đã thu vào Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày thu tiền phạt.

Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt tổ chức rà soát, đối chiếu để đảm bảo khớp đúng giữa tổng số tiền thực nộp của người có thẩm quyền thu tiền phạt trực tiếp với tổng số tiền tính theo Bảng kê biên lai thu tiền”.

2. Sửa đổi khoản 5, khoản 6 Điều 4 như sau:

“5. Tiền thu phạt vi phạm hành chính được nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước. Tiền thu phạt vi phạm hành chính điều tiết 100% cho ngân sách địa phương; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc điều tiết khoản thu phạt vi phạm hành chính giữa các cấp ngân sách địa phương. Riêng lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, việc điều tiết tiền thu phạt thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

6. Tiền thu phạt vi phạm hành chính được hạch toán vào Chương của cơ quan của người ra quyết định xử phạt, Tiểu mục tương ứng theo quy định của Mục lục ngân sách nhà nước. Đối với lĩnh vực thuế, hải quan thực hiện theo Chương của người vi phạm (người nộp thuế), Tiểu mục tương ứng theo quy định của Mục lục ngân sách nhà nước”.

3. Sửa đổi khoản 2 Điều 5 như sau:

“2. Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt căn cứ quyết định xử phạt và số ngày chậm nộp phạt để tính và thu tiền chậm nộp tiền phạt đồng thời với việc thu tiền phạt vi phạm hành chính. Thực hiện thu tiền chậm nộp tiền phạt đối với trường hợp số tiền có giá trị từ 1.000 đồng trở lên; Trường hợp số tiền có giá trị từ 1.000 đồng trở lên và có số lẻ tiền đến dưới 500 đồng thì làm tròn số lẻ thành 0 đồng, có số lẻ tiền từ 500 đồng đến dưới 1.000 đồng thì làm tròn số lẻ thành 1.000 đồng.”.

4. Bổ sung khoản 2a sau khoản 2 Điều 5 như sau:

“2a. Cách xác định thời gian để tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt như sau:

a) Trường hợp quyết định xử phạt được giao trực tiếp thì ngày tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt là sau 10 ngày (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) kể từ ngày giao nhận quyết định xử phạt theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính;

b) Trường hợp quyết định xử phạt được gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm thì ngày tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt là sau 10 ngày (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) kể từ ngày quyết định xử phạt được phát hợp lệ theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Luật bưu chính.

c) Trường hợp tổ chức, cá nhân bị xử phạt không có xác nhận ngày giao nhận quyết định xử phạt, không xuất trình được ngày quyết định xử phạt được phát hợp lệ theo quy định tại điểm a, b khoản này, nhưng không thuộc trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt theo quy định tại điểm d khoản này thì ngày tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt là sau 12 ngày (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) kể từ ngày ra quyết định xử phạt. Trường hợp người nộp phạt chứng minh được ngày nhận quyết định xử phạt và việc chứng minh là có cơ sở thì Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt sau 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt mà người nộp phạt đã chứng minh;

d) Đối với các trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt thì thực hiện theo quy định tại Điều 70 Luật xử lý vi phạm hành chính. Cơ quan có thẩm quyền xử phạt, cưỡng chế thông báo cho Kho bạc Nhà nước nơi thu phạt hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt về thời điểm được coi là giao quyết định xử phạt để Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt tính tiền chậm nộp phạt.

đ) Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình không nộp tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt, thì các đơn vị Kho bạc Nhà nước nơi thu phạt hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính trên quyết định xử phạt; đồng thời, vẫn tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt và ghi rõ trên biên lai thu phạt số tiền chậm nộp tính đến ngày nộp tiền mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt chưa nộp”.

5. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 5 như sau:

“5. Số tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt thực hiện hạch toán theo mục lục ngân sách nhà nước”.

6. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 11 như sau:

“a) Chi phí mua tin (nếu có):

- Mức chi mua tin của mỗi vụ việc không quá 10% số tiền xử phạt và tiền bán tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước (nếu có) và tối đa không quá 5.000.000 đồng. Riêng đối với xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, mức mua tin của mỗi vụ việc không quá 10% số tiền xử phạt và tiền bán tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước (nếu có) và mức tối đa không quá 50.000.000 đồng.

- Trường hợp trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính không ra quyết định xử phạt, không bán được tang vật tịch thu do tiêu hủy tang vật, chuyển tài sản cho các cơ quan Nhà nước quản lý, sử dụng theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính thì chi phí mua tin không quá 10% giá trị tang vật vi phạm hành chính và tối đa không quá 5.000.000 đồng; đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chi phí mua tin không quá 10% giá trị tang vật vi phạm hành chính và mức tối đa không quá 50.000.000 đồng. Cách xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính theo Điều 60 Luật xử lý vi phạm hành chính.

- Việc thanh toán chi mua tin phải có đầy đủ chứng từ theo quy định; trường hợp yêu cầu phải giữ bí mật tên người cung cấp tin, việc thanh toán chi phí mua tin căn cứ vào phiếu chi với đầy đủ chữ ký của người trực tiếp chi tiền cho người cung cấp tin, của thủ quỹ, kế toán và Thủ trưởng đơn vị trực tiếp điều tra, xử lý vi phạm hành chính. Thủ trưởng đơn vị trực tiếp điều tra, xử lý vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về sự chính xác, trung thực trong việc thanh toán chi mua tin, đảm bảo chi đúng người, đúng việc và hiệu quả”.

Điều 2. Bãi bỏ quy định

Bãi bỏ quy định tại Điều 25 Thông tư 190/2013/TT-BTC ngày 12/12/2013 quy định chi tiết thi hành Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2014.

2. Điều khoản chuyển tiếp:

Kinh phí theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư 153/2013/TT-BTC và kinh phí đã được trích hỗ trợ cho các lực lượng xử phạt trước ngày 30/6/2013 còn dư đến ngày Thông tư này có hiệu lực mà chưa sử dụng hết thì được tiếp tục sử dụng để chi đầu tư cơ sở vật chất, chi mua sắm, sửa chữa trang thiết bị, phương tiện hoạt động phục vụ công tác xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật tương ứng tại thời điểm 30/6/2013 về quản lý, sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính. Trường hợp đã được nộp vào ngân sách nhà nước thì không được hoàn lại.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét giải quyết.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trương Chí Trung

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.