CHỈ THỊ
Về việc tăng cường công tác trợ giúp pháp lý
_________________
Trong những năm qua công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã đáp ứng được một phần nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng tăng của các đối tượng được trợ giúp pháp lý, góp phần giải tỏa những vướng mắc về pháp luật của nhân dân, giảm bớt các vụ việc khiếu kiện vượt cấp, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân; giúp các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác giải quyết các vụ việc một cách khách quan, công bằng và đúng pháp luật; góp phần đưa chủ trương xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, bảo đảm công bằng xã hội của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống, thực hiện dân chủ ở cơ sở, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, việc triển khai công tác này vẫn còn những hạn chế như: Một số nơi cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương nhận thức chưa đầy đủ, có nơi có lúc công tác này còn bị xem nhẹ, chưa được triển khai tích cực, hoạt động vẫn còn hình thức, có nơi còn coi công tác trợ giúp pháp lý là nhiệm vụ riêng của ngành tư pháp. Vì thế, việc phối hợp hoạt động trợ giúp pháp lý còn chưa được nhịp nhàng, số lượng đối tượng tham gia ít, chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý còn chưa cao. Bên cạnh đó hiểu biết của người dân về chính sách trợ giúp pháp lý còn hạn chế, nhất là đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nên việc tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí còn gặp nhiều khó khăn; sự phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc cử Luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người nghèo, đối tượng chính sách chưa được thực hiện tốt nên chưa phát huy được tính ưu điểm của chính sách này dẫn đến quyền lợi của các đối tượng này chưa được đảm bảo.
Để thực hiện nghiêm Luật Trợ giúp pháp lý và Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý; Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng nội dung của Luật Trợ giúp pháp lý đến các tầng lớp cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan ban ngành, cán bộ, viên chức và người dân về công tác trợ giúp pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi công dân thuộc diện đối tượng trợ giúp pháp lý đều có thể tiếp cận với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.
2. Sở Tư pháp thống nhất với các cơ quan tiến hành tố tụng xây dựng kế hoạch phối hợp liên tịch về công tác cử Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người nghèo, đối tượng chính sách trong các vụ án hình sự, hành chính, dân sự; phối hợp với ban ngành đoàn thể cùng cấp và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã (cấp huyện); các xã, phường, thị trấn (cấp xã) để xây dựng kế hoạch tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động cho hội viên, nhân dân ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong địa bàn tỉnh. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp làm công tác trợ giúp pháp lý và cộng tác viên trong toàn tỉnh. Đồng thời nghiên cứu tham mưu đề xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh có chế độ, chính sách phù hợp đối với những người làm công tác này.
3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo các thành viên của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật, cán bộ các ban ngành tổ chức, đoàn thể phối hợp để xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm về tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động cho cán bộ và nhân dân ở địa phương; thành lập Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý để từng bước nâng cao vai trò của loại hình Câu lạc bộ này trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý.
4. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm chọn cử cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia làm Cộng tác viên trợ giúp pháp lý và tạo điều kiện cho đội ngũ này thực hiện tốt nhiệm vụ trong công tác trợ giúp pháp lý nhằm phục vụ nhân dân có hiệu quả.
5. Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này, báo cáo kết quả về Uỷ ban nhân dân tỉnh thông qua Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh và Sở Tư pháp.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các ngành, các cấp báo cáo, kiến nghị bằng văn bản (thông qua Sở Tư pháp) để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét và chỉ đạo kịp thời.
Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 35/2007/CT-UBND ngày 30/10/2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh./.