QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy định về tuần tra, kiểm tra bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bình Dương
__________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 06/12/2010 của Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 của Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của của Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 47/2012/TT-BGTVT ngày 12/11/2012 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tuần tra, kiểm tra bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Theo đề nghị của Sở Giao thông Vận tải tại Tờ trình số 1509/GTVT-KCHTGT ngày 11/8/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về tuần tra, kiểm tra bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Chủ đầu tư các dự án công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương có liên quan thi hành quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
(Đã ký)
Trần Văn Nam
ỦY BAN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TỈNH BÌNH DƯƠNG Độc lập- Tự do- Hạnh
___________ ____________
QUY ĐỊNH
Về tuần tra, kiểm tra bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bình Dương
(Ban hành kèm theo Quyết định số 35/2014/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương)
________________
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định về tuần tra, kiểm tra bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được áp dụng đối với cá nhân, đơn vị trực thuộc Đơn vị bảo trì đường bộ và Đơn vị quản lý đường bộ;
2. Phạm vi tuần tra, kiểm tra bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: Hệ thống đường quốc lộ (được ủy thác quản lý), đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã; công trình đang thi công trên đường đang khai thác trên địa bàn tỉnh.
3. Phạm vi tuần tra, kiểm tra bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường chuyên dùng khuyến khích áp dụng theo Quy định này.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
- Tuần đường: Hoạt động tuần tra, kiểm tra bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của Đơn vị bảo trì đường bộ và cá nhân thuộc đơn vị này khi được giao thực hiện nhiệm vụ.
- Tuần kiểm đường bộ: là hoạt động tuần tra, kiểm tra bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của Sở Giao thông Vận tải, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và cá nhân thuộc các cơ quan này khi được giao nhiệm vụ.
- Nhân viên tuần đường: Nhân viên được giao nhiệm vụ tuần đường.
- Tuần kiểm viên: Công chức, viên chức được giao nhiệm vụ tuần kiểm đường bộ.
- Đơn vị bảo trì đường bộ: Tổ chức thực hiện bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại địa phương, được Cơ quan quản lý đường bộ chỉ định, phân công theo quy định hiện hành.
- Cơ quan quản lý đường bộ: Sở Giao thông Vận tải, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (Ủy ban nhân dân cấp huyện).
Chương II
NHIỆM VỤ TUẦN TRA, KIỂM TRA BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Điều 3. Quy định chung về công tác tuần đường, tuần kiểm đường bộ:
1. Công tác tuần đường:
a) Nhân viên tuần đường được bố trí chuyên trách hoặc kiêm nhiệm ở Đơn vị bảo trì đường bộ, thực hiện nhiệm vụ trên các tuyến đường được phân cấp quản lý.
b) Nhiệm vụ tuần đường bao gồm: Theo dõi tổ chức giao thông, tai nạn giao thông, tình trạng công trình đường bộ; phát hiện kịp thời hư hỏng hoặc các hành vi xâm phạm công trình đường bộ, các hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý;
c) Nhiệm vụ tuần đường được thực hiện tất cả các ngày trong năm.
2. Công tác tuần kiểm:
a) Tuần kiểm đường bộ thuộc Sở Giao thông Vận tải: Tuần kiểm các tuyến quốc lộ (được ủy thác quản lý), đường tỉnh, đường do doanh nghiệp BOT quản lý; phối, kết hợp với Tuần kiểm viên cấp huyện trong những trường hợp khẩn cấp (bão, lũ,…).
b) Tuần kiểm đường bộ thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện: Tuần kiểm các tuyến đường đô thị, đường huyện, đường xã trên địa bàn; phối, kết hợp với Tuần kiểm viên thuộc Sở Giao thông Vận tải tuần kiểm trong một số trường hợp khẩn cấp (bão, lũ,…).
c) Tuần kiểm viên được bố trí chuyên trách hoặc kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ tuần kiểm đường bộ.
d) Nhiệm vụ tuần kiểm đường bộ bao gồm: Theo dõi, giám sát kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của nhân viên tuần đường và Đơn vị bảo trì đường bộ; xử lý hoặc phối hợp xử lý các hành vi xâm phạm công trình đường bộ, lấn chiếm, sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ;
đ) Thời gian tuần kiểm đường bộ: Nhân viên tuần kiểm đường bộ thực hiện tối thiểu 01 (một) lần/01 (một) tuần.
e) Đối với Dự án đường bộ thực hiện đầu tư theo hình thức BOT, BTO, PPP: Doanh nghiệp dự án tổ chức hoạt động tuần đường theo Quy định này và chịu sự quản lý của Tuần kiểm viên phụ trách khu vực, Cơ quan quản lý đường bộ.
g) Các công trình cầu, hầm đặc biệt, ngoài việc thực hiện theo quy định của Quy định này còn thực hiện theo quy định riêng về quản lý, bảo vệ, bảo trì và khai thác của công trình đó.
Điều 4. Tuần tra, kiểm tra phạm vi đất của đường bộ
1. Nhân viên tuần đường:
a) Phát hiện tình trạng bất thường, sự cố của công trình đường bộ, các công trình khác ảnh hưởng đến an toàn giao thông và tai nạn, ùn tắc giao thông (thông qua chụp ảnh hiện trạng hư hỏng, tai nạn và báo cáo kịp thời);
b) Đối với công trình đường bộ trên các nội dung:
- Thống kê, nắm rõ số lượng, vị trí, tình trạng chi tiết của công trình đường bộ trong đoạn tuyến được giao; kiểm tra thường xuyên để phát hiện hư hỏng, sự xâm hại công trình;
- Trường hợp hư hỏng nhỏ, việc xử lý không cần vật tư thiết bị (cọc tiêu, biển báo bị xiêu vẹo; bu lông bị lỏng, tuột; đá lăn, cây đổ, vật liệu rơi vãi trên đường hoặc các hư hỏng tương tự khác), nhân viên tuần đường thực hiện hoặc yêu cầu công nhân bảo trì thường xuyên xử lý ngay;
- Trường hợp hư hỏng lớn, sửa chữa cần vật tư, thiết bị, phải có biện pháp báo hiệu cho người tham gia giao thông biết để phòng tránh, đồng thời, báo cáo Đơn vị bảo trì đường bộ, báo cáo Tuần kiểm viên để có giải pháp xử lý kịp thời.
c) Đối với giao thông trên tuyến:
- Khi xảy ra ùn, tắc hoặc tai nạn giao thông, nhân viên tuần đường phải có mặt để thu thập thông tin, sơ bộ xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp xử lý; thực hiện hoặc phối hợp với các lực lượng chức năng hướng dẫn, điều hành giao thông;
- Theo dõi việc thi công công trình trên đường bộ đang khai thác, nhắc nhở nhà thầu thi công bảo đảm an toàn giao thông; nếu phát hiện các hành vi gây mất an toàn giao thông báo cáo ngay Tuần kiểm viên để xử lý kịp thời.
d) Công tác quản lý, bảo vệ phạm vi đất của đường bộ: Phát hiện kịp thời, lập biên bản xác nhận hành vi vi phạm, báo cáo Đơn vị bảo trì đường bộ và Tuần kiểm viên xử lý đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 8 và Khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ, cụ thể các hành vi:
- Phá hoại đường, cầu, hầm, bến phà đường bộ, đèn tín hiệu, cọc tiêu, biển báo hiệu, gương cầu, dải phân cách, hệ thống thoát nước và các công trình, thiết bị khác thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
- Đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường; để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường; mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính; lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; tự ý tháo mở nắp cống, tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ.
- Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép.
- Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ.
- Tụ tập đông người trái phép trên đường bộ.
- Thả rông súc vật trên đường bộ.
- Phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ.
- Đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ.
- Lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông.
- Che khuất biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông.
- Sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy.
- Hành vi khác gây cản trở giao thông.
2. Tuần kiểm viên:
a) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của nhân viên tuần đường và của Đơn vị bảo trì đường bộ về nhiệm vụ tuần tra phạm vi đất của đường bộ được giao.
b) Phát hiện kịp thời điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông và đề xuất phương án xử lý; thu thập và lập biểu theo dõi các vụ tai nạn theo quy định.
c) Kiểm tra giấy phép thi công, phát hiện và lập biên bản vi phạm, đình chỉ hành vi vi phạm theo thẩm quyền được pháp luật quy định; báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.
d) Đình chỉ hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm theo thẩm quyền được pháp luật quy định, phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ngăn chặn, xử lý các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 4 của Quy định này.
đ) Tham gia kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất công trình đường bộ; đề xuất kế hoạch sửa chữa với đơn vị quản lý.
Điều 5. Tuần tra, kiểm tra hành lang an toàn đường bộ
1. Nhân viên tuần đường:
a) Thống kê, nắm rõ hệ thống cọc mốc giải phóng mặt bằng, cọc mốc lộ giới, hiện trạng phạm vi hành lang an toàn đường bộ của đoạn tuyến được giao quản lý;
b) Phát hiện kịp thời hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ; lập biên bản xác nhận hành vi vi phạm, báo cáo Đơn vị bảo trì đường bộ và Tuần kiểm viên.
2. Tuần kiểm viên:
a) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của Nhân viên tuần đường và của Đơn vị bảo trì đường bộ về hành lang an toàn đường bộ được quy định tại Khoản 1 Điều 6 của quy định này.
b) Đình chỉ hành vi, lập biên bản vi phạm theo thẩm quyền được pháp luật quy định, báo cáo về cơ quan quản lý đường bộ và phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xử lý hành vi vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Điều 6. Trách nhiệm của Nhân viên tuần đường, Tuần kiểm viên
1. Nhân viên tuần đường:
a) Chủ động nhắc nhở, giải thích, hướng dẫn các đối tượng vi phạm chấp hành quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn ngay từ ban đầu hành vi vi phạm;
b) Báo cáo kịp thời hành vi vi phạm, sự cố gây mất an toàn giao thông và kết quả xử lý ban đầu cho Đơn vị bảo trì đường bộ và Tuần kiểm viên để có biện pháp xử lý kịp thời;
c) Tất cả các diễn biến về thời tiết, tình trạng cầu, đường, tình hình vi phạm công trình và hành lang an toàn đường bộ (kể cả các biên bản và ý kiến giải quyết) trong ca làm việc đều được ghi chi tiết vào sổ Nhật ký tuần đường theo mẫu tại Phụ lục số I của Quy định này. Cuối ca làm việc phải báo cáo kết quả và trình Nhật ký tuần đường cho Lãnh đạo Đơn vị bảo trì đường bộ;
d) Trong một ngày làm việc, mỗi vị trí trên tuyến phải được kiểm tra ít nhất một lần; đối với những công trình như cầu yếu, các vị trí có nguy cơ mất an toàn giao thông, các vị trí thường xảy ra tình trạng vi phạm quy định bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phải kiểm tra ít nhất 02 (hai) lần trong ngày;
đ) Nhân viên tuần đường chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Đơn vị bảo trì đường bộ về kết quả thực hiện nhiệm vụ và chịu sự kiểm tra, giám sát của Tuần kiểm viên;
e) Khi thực hiện nhiệm vụ, Nhân viên tuần đường phải mặc đồng phục và mang trang thiết bị cần thiết theo quy định tại Điều 12 của Quy định này; Nhân viên tuần đường phải đeo biển hiệu ở phía trên túi áo bên phải và có quyết định giao nhiệm vụ của Đơn vị bảo trì đường bộ.
2. Tuần kiểm viên:
a) Kiểm tra, nhận xét kết quả thực hiện nhiệm vụ của Nhân viên tuần đường và Đơn vị bảo trì đường bộ về nhiệm vụ được giao tại Khoản 1 Điều này.
b) Phối hợp với Đơn vị bảo trì đường bộ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, sự cố gây mất an toàn giao thông; trường hợp cần thiết phải báo cáo về Cơ quan quản lý đường bộ để kịp thời xử lý;
c) Hàng tuần, Tuần kiểm viên kiểm tra nội dung ghi chép trong sổ Nhật ký tuần đường và ghi ý kiến xử lý, đồng thời ký tên dưới ý kiến đó;
d) Tuần kiểm viên chịu trách nhiệm trước đơn vị trực tiếp quản lý về kết quả thực hiện nhiệm vụ;
đ) Trong khi thực hiện nhiệm vụ, Tuần kiểm viên phải mặc đồng phục và mang trang thiết bị cần thiết theo quy định tại Điều 13 của Quy định này; Tuần kiểm viên phải đeo biển hiệu ở phía trên túi áo bên phải và có quyết định giao nhiệm vụ của đơn vị trực tiếp quản lý.
Điều 7. Nhiệm vụ của Đơn vị Bảo trì đường bộ
1. Đơn vị bảo trì đường bộ bố trí đủ số lượng nhân viên tuần đường theo Quy định này, có quyết định giao nhiệm vụ cho nhân viên tuần đường.
2. Hàng ngày, Đơn vị bảo trì đường bộ xử lý các kiến nghị và nội dung trong Nhật ký tuần đường.
3. Hàng tháng tổng hợp và báo cáo công tác bảo trì đường bộ, tình trạng công trình đường bộ, đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ và lưu trữ tài liệu theo quy định.
4. Đơn vị bảo trì đường bộ phối hợp với Cơ quan quản lý đường bộ của công trình và chính quyền địa phương thực hiện biện pháp ngăn chặn những hành vi xâm hại đến công trình giao thông đường bộ, vi phạm hành lang an toàn đường bộ; cung cấp nhân lực, xe máy phục vụ chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế hành vi vi phạm. Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của Nhân viên tuần đường.
5. Kiểm tra trên thực địa và đối chiếu trên sơ đồ, phối hợp với chính quyền địa phương quản lý và bảo vệ cọc mốc giải phóng mặt bằng, cọc mốc lộ giới. Trong trường hợp phát hiện thấy mất cọc mốc, phải báo ngay cho cơ quan quản lý đường bộ để có biện pháp xử lý, khôi phục.
Điều 8. Trách nhiệm của Cơ quan quản lý đường bộ
1. Kiểm tra, chỉ đạo Tuần kiểm viên và Đơn vị bảo trì đường bộ thực hiện tốt công tác bảo trì đường bộ, công tác đảm bảo an toàn giao thông, công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
2. Bố trí đủ số lượng Tuần kiểm viên để thực hiện nhiệm vụ theo quy định, có quyết định giao nhiệm vụ cho Tuần kiểm viên; đảm bảo trang phục, thiết bị làm việc cho Tuần kiểm viên theo quy định tại Điều 13 của Quy định này.
3. Thường xuyên theo dõi và xử lý thông tin do Tuần kiểm viên báo cáo, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của Tuần kiểm viên và Đơn vị bảo trì đường bộ.
4. Phối hợp với chính quyền địa phương, chỉ đạo Đơn vị bảo trì đường bộ có biện pháp ngăn chặn hành vi xâm hại đến công trình giao thông đường bộ, vi phạm hành lang an toàn đường bộ. Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của Đơn vị bảo trì đường bộ và Nhân viên tuần đường.
5. Theo dõi, giám sát việc thi công công trình trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; xử lý nhà thầu vi phạm quy định Giấy phép thi công theo thẩm quyền.
Điều 9. Công tác phối hợp với các cơ quan chức năng
Khi phát hiện các sự cố, vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ:
1. Tuần Kiểm viên báo cáo về Cơ quan quản lý đường bộ và các cơ quan chức năng có thẩm quyền để có ngay biện pháp xử lý ban đầu.
2. Cơ quan quản lý đường bộ và cơ quan liên quan phối hợp để xử lý triệt để vi phạm theo quy định của pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TUẦN KIỂM ĐƯỜNG BỘ
Điều 10. Trình độ, năng lực của Nhân viên tuần đường, Tuần kiểm viên
1. Nhân viên tuần đường có trình độ chuyên môn từ trung cấp nghề chuyên ngành đường bộ hoặc công nhân bậc 5 (năm) trở lên; hiểu biết pháp luật, có năng lực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và giải thích pháp luật về giao thông đường bộ và các quy định khác của ngành giao thông vận tải.
2. Tuần kiểm viên có trình độ chuyên môn từ cao đẳng chuyên ngành cầu đường trở lên.
Điều 11. Tổ chức hoạt động tuần đường, tuần kiểm
1. Nhân viên tuần đường phụ trách một đoạn tuyến hoặc công trình cầu, hầm phù hợp nội dung, nhiệm vụ tuần đường; chiều dài đoạn tuyến quy định như sau:
a) Đường cấp I, II: từ 20km đến 25km/người;
b) Đường cấp III: từ 25km đến 30km/người đối với đường qua đô thị; từ 30 đến 35km/người đối với đường ngoài đô thị;
c) Đường cấp IV, V, VI: Từ 40km đến 45km/người đối với đường đồng bằng.
2. Tuần kiểm viên phụ trách số lượng đoạn đường, tuyến đường cần kiểm tra theo quyết định giao nhiệm vụ của Đơn vị quản lý đường bộ.
Điều 12. Trang phục, thiết bị phục vụ nhiệm vụ tuần đường
1. Khi thực hiện nhiệm vụ, nhân viên tuần đường phải mặc trang phục và mang theo các trang thiết bị sau đây:
a) Quần áo đồng phục, quần âu màu ghi xám, áo màu ghi xám; phía trên túi áo bên trái có lô gô “Đơn vị bảo trì đường bộ” hoặc tên công ty và hàng chữ “Tuần đường” màu xanh tím than;
b) Áo màu xanh có vạch vàng phản quang để mặc khi làm việc ở hiện trường;
c) Dụng cụ làm việc: Túi bạt đựng mỏ lết, dao phát cây, thước cuộn 5m, đèn pin, xẻng công binh,…
d) Sổ Nhật ký tuần đường.
đ) Mũ bảo hiểm có hàng chữ “Tuần đường”.
e) Máy ảnh kỹ thuật số.
2. Phương tiện đi lại của Nhân viên tuần đường là ô tô, mô tô tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi đơn vị, địa phương.
Điều 13. Trang phục, thiết bị phục vụ công tác tuần kiểm
1. Trang phục của nam:
a) Áo màu xanh nước biển ngắn tay (dài tay), cổ bẻ; áo có 07 cúc (05 cúc để cài áo, 02 cúc cài túi áo phía trên), cúc áo bằng nhựa cùng với màu vải áo, đường kính 1,3 cm ; hai túi áo ngực có nắp, túi áo may nổi có nẹp giữa; vạt áo cho vào trong quần; phía trên túi áo có lô gô "Đường bộ Việt Nam" và hàng chữ "Tuần kiểm đường bộ";
b) Quần màu tím than, quần âu hai túi chéo và một túi phía sau, ống quần đứng.
2. Trang phục của nữ:
a) Áo màu xanh nước biển ngắn tay (dài tay), cổ bẻ; áo có 07 cúc (05 cúc để cài áo, 02 cúc cài túi áo phía dưới), cúc áo bằng nhựa cùng với màu vải áo, đường kính 1,3 cm; hai túi áo ở phía dưới may ngoài, nắp túi hơi chéo; không cho vạt áo trong quần; phía trên túi áo có lô gô “Đường bộ Việt Nam” và hàng chữ “Tuần kiểm đường bộ”;
b) Quần màu tím than, quần âu hai túi chéo, ống quần đứng.
3. Mẫu trang phục và biển hiệu quy định tại Phụ lục số II ban hành kèm theo Quy định này.
4. Trang thiết bị phục vụ trong quá trình tuần kiểm:
a) Quần áo của nam (nữ).
b) Giầy, quần áo mưa.
c) Tất và găng tay.
d) Mũ bảo hiểm.
đ) Áo có vạch vàng phản quang để mặc khi làm việc ở hiện trường.
e) Máy ảnh kỹ thuật số.
g) Phương tiện di chuyển và các thiết bị kỹ thuật khác phù hợp với nhiệm vụ được giao.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Nguồn kinh phí thực hiện
Đơn vị bảo trì đường bộ, Cơ quan quản lý đường bộ căn cứ vào số lượng đoạn đường trực tiếp duy tu, sửa chữa, quản lý và điều kiện thực tế để xây dựng số lượng biên chế, kinh phí hằng năm phục vụ cho công tác tuần đường, tuần kiểm đường bộ.
Điều 15. Trách nhiệm của cá nhân, đơn vị
Các đơn vị, cá nhân thuộc Đơn vị bảo trì đường bộ, Cơ quan quản lý đường bộ khi được giao nhiệm vụ tuần đường, tuần kiểm cần nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ được giao, chấp hành nghiêm các quy định về Luật giao thông đường bộ và các quy định khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Trong quá trình thực hiện, cá nhân, đơn vị và các cơ quan có liên quan phối hợp để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, báo cáo về Sở Giao thông vận tải tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh phù hợp với quy định hiện hành./.