Sign In

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 57/2018/NĐ-CP NGÀY 17 THÁNG 4 NĂM 2018 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN

 

Căn cứ Nghị định s 86/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Căn cứ Nghị định s 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp,

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tưng dẫn thực hiện Nghị định s 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phvề cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như sau:

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này hướng dẫn thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (sau đây gọi là Nghị định 57/2018/NĐ-CP).

2. Đối tượng áp dụng: Theo quy định tại Điều 2, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ.

Điều 2. Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước

1. Nguyên tắc thực hiện miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và Điều 18 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014.

2. Hồ sơ và trình tự miễn, giảm tiền sử dụng đất thực hiện theo quy định tại Điều 15, 16 Thông tư số 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 và Điều 8 Thông tư số 10/2018/TT-BTC ngày 30/01/2018 của Bộ Tài chính.

3. Hồ sơ và trình tự miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước thực hiện theo quy định tại Điều 14, Điều 15 Thông tư số 77/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính.

Điều 3. Nghiệm thu hạng mục hoặc toàn bộ dự án

1. Nội dung nghiệm thu hạng mục hoặc toàn bộ dự án (nghiệm thu khối lượng) quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 17 Nghị định 57/2018/NĐ-CP:

a) Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu quy định tại Điều 7; các dự án sản xuất thử nghiệm, dự án nhân giống cây trồng bằng công nghệ nuôi cấy mô, dự án sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, trồng thử nghiệm cây trồng mới; khu, vùng, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy định tại Điều 9 và các dự án đầu tư quy định tại Điều 11, 12, 13 của Nghị định 57/2018/NĐ-CP:

Hội đồng nghiệm thu căn cứ quy định tại Điều 9 Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26/10/2016 của Bộ Xây dựng về nghiệm thu hạng mục công trình, công trình xây dựng hoàn thành và định mức hỗ trợ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để lập Biên bản nghiệm thu. Riêng điểm đ, khoản 1, Điều 9 Thông tư số 26/2016/TT-BXD, có thể nghiệm thu bổ sung sau khi dự án đi vào hoạt động.

b) Đối với đề tài nghiên cứu khoa học tại khoản 1, Điều 9 Nghị định 57/2018/NĐ-CP:

Hội đồng nghiệm thu căn cứ vào Báo cáo kết quả Đề tài nghiên cứu khoa học so với Đề tài nghiên cứu khoa học đã đăng ký để lập Biên bản nghiệm thu.

c) Đối với mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng tại khoản 1, Điều 9 Nghị định 57/2018/NĐ-CP:

Hội đồng nghiệm thu căn cứ Đề xuất mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Hợp đồng, Thanh lý hợp đồng mua bán ký kết giữa doanh nghiệp với tổ chức, cá nhân; các hóa đơn, giấy chuyển tiền cho tổ chức, cá nhân có bản quyền công nghệ, công nghệ hoặc kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Bản quyền công nghệ, công nghệ hoặc kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để lập Biên bản nghiệm thu.

d) Đối với đào tạo nguồn nhân lực tại khoản 1, Điều 10 Nghị định 57/2018/NĐ-CP:

Hội đồng nghiệm thu căn cứ vào Nội dung nghề đào tạo, danh sách người lao động dự kiến tham gia khóa học (do Sở Lao động, thương binh và xã hội hoặc các cơ sở đào tạo nghề phù hợp, có tư cách pháp nhân xác nhận) và danh sách người lao động đã tham gia khóa đào tạo (gồm: tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân hoặc số thẻ căn cước công dân và chữ ký của người lao động) để lập Biên bản nghiệm thu.

đ) Đối với quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tham gia triển lãm hội chợ tại khoản 1, Điều 10 Nghị định 57/2018/NĐ-CP:

Hội đồng nghiệm thu căn cứ Quyết định phê duyệt hỗ trợ của Ủy ban nhân dân (cấp quyết định hỗ trợ), Hợp đồng và Thanh lý hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp với tổ chức, cá nhân; các hóa đơn, giấy chuyển tiền cho tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ quảng cáo, xây dựng thương hiệu, triển lãm hội chợ để lập Biên bản nghiệm thu.

2. Nghiệm thu và hỗ trợ trang thông tin điện tử “Chợ nông sản quốc gia” tại khoản 3, Điều 10 Nghị định 57/2018/NĐ-CP;

a) Hội đồng nghiệm thu căn cứ văn bản đồng ý xây dựng trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương; số lượng doanh nghiệp đăng sản phẩm lên trang thông tin điện tử “Chợ nông sản quốc gia”; Bản sao công chứng các tài liệu chứng minh tài sản đảm bảo của doanh nghiệp theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 10 Nghị định 57/2018/NĐ-CP để lập Biên bản nghiệm thu.

b) Chủ doanh nghiệp được nhà nước hỗ trợ xây dựng và quản lý trang thông tin điện tử “Chợ nông sản quốc gia” chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, xây dựng nguyên tắc đăng ký các sản phẩm lên trang thông tin để đảm bảo thông tin tiêu chuẩn sản phẩm được giao dịch thực tế (mua, bán) đúng với thông tin, tiêu chuẩn sản phẩm của doanh nghiệp đăng ký với trang thông tin điện tử “Chợ nông sản quốc gia”.

c) Chủ doanh nghiệp quản lý trang thông tin “Chợ nông sản quốc gia” được Ủy ban nhân dân các tỉnh hỗ trợ phát triển thị trường, xúc tiến đầu tư tại Hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hàng năm của các địa phương.

3. Hội đồng nghiệm thu và Biên bản nghiệm thu

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì mời đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, cơ quan chuyên ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thực hiện dự án tham gia Hội đồng nghiệm thu và tiến hành nghiệm thu theo nội dung quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

b) Biên bản nghiệm thu hạng mục, dự án hoàn thành theo mẫu số 05, Phụ lục II Nghị định 57/2018/NĐ-CP.

 

 

Chương II

THỰC HIỆN HỖ TRỢ SAU ĐẦU TƯ

 

Điều 4. Hướng dẫn ban hành quyết định chủ trương đầu tư về Danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt

1. Nguyên tắc tổng hợp Danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn:

a) Ưu tiên dự án chế biến nông sản sử dụng nguyên liệu địa phương hoặc sử dụng nhiều lao động (100 lao động trở lên).

b) Ưu tiên dự án sản xuất sản phẩm cơ khí, thiết bị, linh kiện thiết bị, sản phẩm phụ trợ cho ngành nông nghiệp.

c) Ưu tiên dự án có quy trình sản xuất thân thiện môi trường, tiêu tốn ít năng lượng, ít phát thải.

d) Ưu tiên dự án liên kết sản xuất tạo ra chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp, dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.

2. Quy trình xây dựng Danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn:

a) Căn cứ tình hình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, đề xuất đầu tư của các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, các hội, hiệp hội ngành nghề có liên quan và đề xuất của doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư dự thảo Danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về dự thảo Danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và phương án tổ chức Hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cấp tỉnh.

c) Sau Hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cấp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tổng hợp, rà soát dự thảo Danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và gửi tới các sở, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện và các hiệp hội (nếu có) lấy ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo.

Bổ sung trong phần ghi chú tại Mẫu số 01, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP, các cột nội dung: Doanh nghiệp dự kiến đầu tư, tiến độ thực hiện dự án đầu tư, công nghệ áp dụng, ưu đãi đầu tư và điều kiện áp dụng, thời hạn hiệu lực của quyết định chủ trương đầu tư.

3. Phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư Danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn:

Căn cứ tờ trình của Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau 10 ngày làm việc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư Danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trung hạn (hàng năm thực hiện điều chỉnh, bổ sung).

4. Trường hợp các dự án (không đề nghị hỗ trợ vốn nhà nước) chưa nằm trong Danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thì thực hiện hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 33 Luật Đầu tư.

5. Căn cứ Danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, các doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án và đề xuất hỗ trợ theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 17 Nghị định 57/2018/NĐ-CP. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ khả năng cân đối nguồn vốn hỗ trợ, có văn bản cam kết hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 17 Nghị định 57/2018/NĐ-CP.

6. Trường hợp các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi hồ sơ về Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị có văn bản cam kết hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp theo quy định. Đối với dự án sử dụng vốn của bộ, ngành trung ương theo khoản 1, Điều 14 của Nghị định 57/2018/NĐ-CP thì bộ, ngành trung ương gửi hồ sơ thẩm định theo quy định của Luật Đầu tư công.

Điều 5. Nguồn vốn và lồng ghép nguồn vốn thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

1. Ngân sách trung ương đầu tư phát triển hàng năm cho ngành nông nghiệp để cân đối thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP, gồm: vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư, Phát triển lâm nghiệp bền vững, Phát triển kinh tế thủy sản bền vững và vốn đầu tư cho ngành nông nghiệp thuộc các Chương trình, dự án khác.

2. Ngân sách địa phương chi hàng năm cho ngành nông nghiệp để cân đối thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP, gồm; Khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản cho các chương trình, dự án do địa phương quản lý và chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị ở địa phương được phân cấp trực tiếp quản lý trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và phát triển nông thôn, bao gồm hoạt động phát triển nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi; xây dựng nông thôn mới và hoạt động phát triển nông thôn khác.

3. Lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện chính sách:

a) Căn cứ mức vốn được hỗ trợ từ ngân sách trung ương của các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan chủ động lồng ghép các nguồn vốn trên, dự kiến phân bổ cho các dự án thực hiện theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định lồng ghép các nguồn vốn từ ngân sách địa phương ngay khi lập kế hoạch hàng năm, kế hoạch trung hạn để thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP.

Điều 6. Thực hiện hỗ trợ sau đầu tư cho doanh nghiệp

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và sở, ngành liên quan dự kiến cân đối mức vốn sử dụng ngân sách địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua mức vốn hàng năm và trung hạn cho Mục “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn” của địa phương.

2. Sau khi có mức vốn của Mục “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn” sử dụng ngân sách địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ khoản 3, Điều 15 Nghị định 57/2018/NĐ-CP dự kiến phân bổ vốn hỗ trợ, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Điều 7. Tổng hợp và báo cáo

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và bộ, ngành có thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 31 tháng 3 hàng năm. Báo cáo nêu rõ phần vốn đã hỗ trợ, tình hình hoạt động của doanh nghiệp được hỗ trợ, những vướng mắc, khó khăn và kiến nghị với cơ quan trung ương.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 4 hàng năm.

 

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 8. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21 tháng 01 năm 2019 và thay thế Thông tư số 05/2014/TT-BKHĐT ngày 30 tháng 9 năm 2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Dự án “đang thực hiện” quy định tại khoản 4 và khoản 5, Điều 20 Nghị định 57/2018/NĐ-CP là dự án còn thời gian thực hiện được quy định tại giấy chứng nhận đầu tư hoặc chủ trương đầu tư của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày Nghị định 57/2018/NĐ-CP ban hành.

3. Những dự án hoặc hạng mục dự án đang triển khai theo quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-BKHĐT ngày 30/9/2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư nói trên; các dự án hoặc hạng mục dự án chưa triển khai thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

4. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp phản ánh kịp thời về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành liên quan để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung phù hợp./.

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Chí Dũng