Sign In

CHỈ THỊ

Về việc tăng cường công tác quản lý tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh Bình Phước

_______________________________________

Trong những năm gần đây, mạng lưới thông tin vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh Bình Phước phát triển khá nhanh, với nhiều loại thiết bị hiện đại, tiện dụng; các đơn vị, địa phương đã tích cực chủ động thực hiện nhiều biện pháp quản lý tần số vô tuyến điện nhằm đưa công tác quản lý tần số vô tuyến điện và máy phát vô tuyến điện vào nề nếp, góp phần tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ dân sinh, đảm bảo an toàn thông tin và quốc phòng - an ninh, thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Phước, việc mua bán thiết bị thu, phát sóng vô tuyến điện chưa được quản lý chặt chẽ, công tác quản lý tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập; sự phối hợp trong công tác quản lý giữa các sở, ban, ngành và các địa phương còn chưa đồng bộ, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về tần số vô tuyến điện đến với mọi tầng lớp nhân dân chưa kịp thời, sâu rộng; tình trạng các tổ chức, đơn vị, cá nhân có trang thiết bị phát sóng vô tuyến điện nhưng không đăng ký, không xin giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sử dụng không đúng với băng tần cho phép và các yêu cầu kỹ thuật liên quan gây can nhiễu các hệ thống thông tin vô tuyến khác, làm ảnh hưởng đến công tác quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện theo đúng quy định tại Pháp lệnh Bưu chính - Viễn thông, hạn chế tối đa việc can nhiễu giữa các mạng thông tin vô tuyến, gây ra các thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến an toàn thông tin quốc phòng - an ninh,

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành trong tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, Giám đốc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông và các tổ chức, cá nhân sử dụng các thiết bị thu, phát tần số vố tuyến điện trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh:

Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh phải có giấy phép sử dụng tần số. Trường hợp giấy phép đã hết hạn phải gia hạn giấy phép theo đúng quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện;

Đối với điện thoại vô tuyến kéo dài thuê bao không thuộc danh mục thiết bị vô tuyến điện được sử dụng có điều kiện (quy định tại Quyết định số 47/2006/QĐ-BBCVT ngày 29/11/2006 của Bộ Bưu chính - Viễn thông về việc ban hành Quy định về điều kiện kỹ thuật khai thác đối với thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn được sử dụng có điều kiện) chỉ được phép sử dụng khi có giấy phép sử dụng tần số.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Kiểm soát tần số khu vực II, các cơ quan liên quan, các địa phương và các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, xã hội những quy định về quản lý và sử dụng tần số vô tuyến điện;

- Tập huấn các kiến thức cơ bản về tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện cho cán bộ tại các huyện, thị xã, Chi cục Quản lý thị trường… để phục vụ cho công tác có hiệu quả;

- Thực hiện việc rà soát, đánh giá hiện trạng việc sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép theo đúng quy định của pháp luật và kiểm tra xử lý vi phạm hành chính về việc sử dụng tần số vô tuyến điện, phối hợp với Công an tỉnh tiến hành công tác phòng ngừa và đấu tranh với các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số vô tuyến điện để hoạt động xâm hại an ninh Quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

3. Công an tỉnh, Sở Công thương (Chi cục Quản lý thị trường), Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước thường xuyên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vận chuyển, kinh doanh, sử dụng trái phép các thiết bị phát sóng vô tuyến điện không có nguồn gốc hợp pháp, không có chứng nhận hợp chuẩn và không đúng quy định về ghi nhãn hàng hóa theo quy định hiện hành.

4. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Bình Phước tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã:

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về việc quản lý tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên địa bàn, đồng thời có trách nhiệm chỉ đạo, tăng cường công tác giám sát, phát hiện vi phạm trong việc sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện, báo cáo về Sở Thông tin và Truyền thông để có kế hoạch phối hợp kiểm tra, xử lý kịp thời.

- Chỉ đạo các Đài Truyền thanh huyện, thị xã khi xây dựng dự án đầu tư thiết bị phát sóng phát thanh, truyền hình phải có ý kiến về tần số cụ thể của Cục Tần số vô tuyến điện và thực hiện các thủ tục xin giấy phép tần số vô tuyến điện theo đúng quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn khi đầu tư các thiết bị truyền thanh không dây cấp xã, phường, thị trấn thì chỉ đầu tư các thiết bị phát sóng vô tuyến điện ở dải tần hoạt động từ 54Mhz đến 68Mhz với công suất tối đa 30w (có khả năng điều chỉnh tần số, công suất).

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, Giám đốc các doanh nghiệp bưu chính viễn thông, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này.

Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc các đơn vị thông báo kịp thời về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trương Tấn Thiệu