Sign In

CHỈ THỊ

Về việc thực hiện các biện pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bình Phước

_________________________

Hội Luật gia Việt Nam là một tổ chức nghề nghiệp mang tính chính trị xã hội sâu sắc của những người hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, phát huy tiềm năng và trí tuệ của các Luật gia trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tham gia công tác xây dựng pháp luật, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Hội Luật gia tỉnh sau gần 10 năm thành lập, các cấp Hội trong tỉnh đã tích cực thực hiện những nhiệm vụ theo Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam, chấp hành tốt chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Trong đó có quan tâm đến việc thành lập Huyện hội, Chi hội; phát triển hội viên, trợ giúp pháp lý phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách ; tập trung cho công tác giám sát pháp luật, phát hiện và đề xuất nhiều giải pháp nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đồng thời giúp Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh trong việc góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Ngoài ra Hội Luật gia tỉnh còn là thành viên của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện, Chấp hành viên cơ quan Thi hành án cấp tỉnh và cấp huyện.

Tuy nhiên, thời gian qua, tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia tỉnh vẫn chưa quán triệt đầy đủ về tính chất, tổ chức, phương thức hoạt động của Hội, chưa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Tư pháp, các Ban, ngành có liên quan trong việc xây dựng, củng cố tổ chức và hoạt động của Hội, các Luật gia tham gia chưa phát huy tốt khả năng đóng góp cho hoạt động của Hội.

Do đó, để khắc phục hạn chế trên, đồng thời Hội Luật gia tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới, tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền địa phương vững mạnh, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; thực hiện Chỉ thị số 56 – CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam, Chỉ thị số 06/2001/CT-TTg ngày 09/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam và Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 28 tháng 4 năm 2006 của Tỉnh ủy về nâng cao nhận thức, đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động của Hội Luật gia, UBND tỉnh Chỉ thị:

1. UBND các cấp, Sở Nội vụ, các cơ quan, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển tổ chức Hội Luật gia tỉnh. Cụ thể là:

- Tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Hội Luật gia và xác định Hội Luật gia thực sự là một tổ chức nghề nghiệp mang tính chính trị xã hội sâu sắc của những người hoạt động trong lĩnh vực pháp luật;

- Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài chính căn cứ chức năng quyền hạn của mình, phối hợp với Hội Luật gia tỉnh đề xuất giải quyết các vấn đề về cán bộ chuyên trách, kinh phí, cơ sở vật chất cần thiết khác theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các chế độ hiện hành của Nhà nước tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Hội Luật gia trong giai đoạn mới;

- Đối với những nơi đã có tổ chức Hội, Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị (xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp …) tạo điều kiện thuận lợi, giao nhiệm vụ cụ thể để Hội Luật gia tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đúng theo tôn chỉ, mục đích và Điều lệ hội.

2. Cơ quan, đơn vị có đủ điều kiện mà chưa thành lập tổ chức Hội Luật gia cần hỗ trợ và tạo điều kiện tổ chức thành lập  Chi hội, Huyện hội.

3. Kinh phí hoạt động của Hội Luật gia được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương xem xét đưa vào dự trù chung của mình để cơ quan  Tài chính căn cứ vào chế độ tài chính hiện hành phân bổ. Đồng thời giúp Hội Luật gia vận động các nguồn thu theo Điều lệ hội quy định để tự trang trải một phần kinh phí hoạt động của Hội.

4. Hội Luật gia phải xây dựng các đề tài, chương trình công tác độc lập hoặc lồng ghép hoạt động của Hội với  các cơ quan, Ban, ngành có liên quan như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp; UBND các địa phương; Sở Nội vụ, Sở Tư pháp , Sở Giáo dục & Đào tạo, Trường Chính trị … để hoạt động của Hội đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ pháp lý của địa phương.

5. Hội Luật gia cần nghiên cứu đổi mới phương thức hoạt động nhằm đóng góp tích cực cho công tác cải cách hành chính; cải cách Tư pháp đảm bảo tính dân chủ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Hội cần tăng cường công tác giám sát việc chấp hành pháp luật trong cơ quan Nhà nước và nhân dân; tư vấn giúp nhân dân, nhất là dân nghèo, vùng sâu, vùng xa, các gia đình chính sách và thực hiện đúng theo tinh thần Chỉ thị 56 – CT/TW của Bộ Chính trị ngày 18/8/2000 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam, Chỉ thị 06/2001/CT-TTg ngày 09/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam và Chỉ thị số 08-CT/TU của Tỉnh uỷ về nâng cao nhận thức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội Luật gia.

6. Tổ chức tốt việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ xã, ấp, đi đôi với phát triển Chi hội ở xã, phường, thị trấn để làm nòng cốt trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, gương mẫu thực hiện Hương ước, tham gia xây dựng xã, ấp văn hoá

7. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã phối hợp với Hội Luật gia tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này.

8. Hội Luật gia chịu trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị này theo định kỳ quý, 06 tháng và hàng năm cho UBND tỉnh.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Hưng