Sign In

CHỈ THỊ CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

V/v Tăng cường công tác thực hiện và quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh và dịch vụ ăn uống.

________________________

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các mặt hàng thực phẩm phục vụ đời sống hàng ngày càng phong phú và đa dạng về chủng loại.  Tuy nhiên, việc kiểm tra và quản lý Nhà nước về công tác chế biến, bảo quản thực phẩm chưa được thực hiện nghiêm ngặt dẫn đến tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều mặt hàng kém phẩm chất và không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện nay, tình hình vệ sinh thực phẩm ở tỉnh ta đang ở mức báo động, ngộ độc thức ăn ngày càng gia tăng, việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật không đúng qui định, nó không những làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nông nghiệp mà còn làm ô nhiễm nguồn nước và để lại nhiều dư lương thuốc trừ sâu trong thực phẩm.  Mặt khác các phẩm mày, các chất phụ gia không được phép dùng trong chế biến thức ăn cũng đang bị lạm dụng… Tất cả những tồn tại đó trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản, vận chuyển phân phối thực phẩm như đã nêu trên đang hàng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng và gây nhiều thiệt hại về kinh tế.  Để chấn chỉnh và khắc phục tình trạng nêu trên, nâng cao ý thức, kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, phân  phối, bảo quản và vận chuyển thực phẩm, phòng tránh các độc tố gây bệnh nguy hiểm, các bệnh lây truyền qua thực phẩm, ngộ độc do ăn uống, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CHỈ THỊ

1. Tất cả các cơ sở chế biến sản xuất lương thực – thực phẩm, các cửa hàng kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể thuộc các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn, tụ điểm Karaoke… gọi chung là cơ sở ăn uống đóng trên địa bàn Tỉnh Bình Phước, trong quá trình sản xuất – kinh doanh, chế biến và bảo quản thực phẩm phải tuân thủ nghiêm ngặt và thực hiện đầy đủ các yêu cầu tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm do Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 505BYT/QĐ ngày 13/04/1992 và Quyết định số 867/1998/QĐ-BYT ngày 04/04/1998 của Bộ trưởng Bộ Y tế và phải được ngành y tế kiểm tra cấp giấy chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

2. Ngành y tế chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm cho các đối tượng là chủ cơ sở ăn uống, người quản lý, người tiếp xúc trực tiếp với công việc sản xuất kinh doanh, chế biến, vận chuyện và bảo quản lương thực, thực phẩm.  Tiến hành lập thủ tục và tổ chức khám sức khỏe ban đầu khi tuyển dụng và khám định kỳ mỗi năm một lần (1 lần/năm), có thu phí theo qui định hiện hành.

- Khi có ngộ độc thức ăn, uống xảy ra tại cơ sở ăn, uống thì chủ cơ sở ăn, uống phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về các hành vi sai phạm và phải trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh cho người bị ngộ độc cũng như chi phí cho việc điều tra tìm nguyên nhân gây ngộ độc.

- Nhân viên phục vụ trong các cơ sở ăn, uống phải là người thường trú hoặc có các giấy tờ tạm vắng, tạm trú hợp lệ tại địa phương và phải có giấy khám sức khỏe ban đầu và định kỳ do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp theo qui định và phải xuất trình khi có yêu cầu của Đoàn kiểm tra.

- Lập thủ tục, kiểm tra giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và tiến hành tổ chức đăng ký chất lượng sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến các loại thực phẩm, nước uống… theo đúng qui định tại Thông tư Liên bộ số 07/TTLB ngày 01/07/1996 của Bộ Y tế – KHCN&MT.

3. Nghiêm cấm việc lưu thông, buôn bán trên thị trường các loại thức ăn, uống, ngậm, hút chưa được đăng ký dử dụng tại Việt Nam, thực phẩm nhập không rõ nguồn gốc, thực phẩm quá hạn sử dụng, thực phẩm kém phẩm chất…

4. Nghiêm cấm buôn bán lương thực – thực phẩm chung với các chủng loại thuốc bảo vệ thực vật dưới mọi hình thức.

- Sở Y tế và Trung tân Y tế dự phòng có trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kiểm dịch an toàn vệ sinh thực phẩm.  Thanh tra chuyên ngành vệ sinh – phòng dịch thực hiện công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các qui định về an toàn vệ sinh thực phẩm, đề ra các biện pháp phòng ngừa,  ngăn chặn mọi hành vi vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm theo qui định tại Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính và Nghị định 46/CP ngày 06/08/1996 của Chính phủ.  Đồng thời phối hợp các Sở: TMDl, NN-PTNT, Công nghiệp, Chi cục QLTT lập biên bản tiêu hủy các sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, hàng quá hạn dùng, hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gố, hàng nhập chưa đăng ký sử dụng tại Việt Nam đang lưu thông phân phối và bảo quản trên địa bàn Tỉnh Bình Phước.

5. Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng có trách nhiệm phối hợp với UBND các huyện, các Sở: TMDL, KHCN&MT, NN-PTNT, Công nghiệp, Chi cục QLTT triển khai thực hiện tốt chỉ thị này.

6. Các phương tiện thông tin đại chúng cần tăng cường công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân Nghị định 86/CP ngày 08/12/1995, Nghị định 46/CP ngày 06/08/1996, Chỉ thị 02/BYT-CT ngày 09/02/1996 của Bộ Y tế, Quyết định 505BYT/QĐ ngày 13/04/1992 và Quyết định 867/1998/QĐ-BYT ngày 04/04/1998 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Đề nghị UBMTTQ Việt Nam Tỉnh và các đoàn thể nhân dân phối hợp triển khai chỉ thị này trong hệ thống tổ chức mình để vận động đoàn viên-hội viên và nhân dân cùng thực hiện.

Nhận được chỉ thị này, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành tổ chức thực hiện tốt các nội dung của chỉ thị và duy trì chế độ báo cáo về UBND Tỉnh nhằm kịp thời có ý kiến chỉ đạo khi cần thiết.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Bùi Huy Thống