Sign In

CHỈ THỊ

Tăng cường công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng

_______________________________

Bệnh sốt xuất huyết (SXH), bệnh tay chân miệng (TCM) là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vì hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc đặc trị. Bệnh có thể gây thành dịch và có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tính đến ngày 09/9/2012, toàn tỉnh đã có 4.545 ca mắc SXH, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2011; trong đó có 06 ca tử vong, tăng 05 ca so với cùng kỳ năm 2011 (cùng kỳ năm 2011 mắc 2.252 ca, tử vong 1 ca); 704 ca mắc bệnh TCM, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2011; trong đó có 3 ca tử vong tăng 01 ca so với cùng kỳ năm 2011 (cùng kỳ năm 2011 mắc 393 ca, tử vong 01 ca).  

Hiện tại, tình hình bệnh SXH, TCM trong khu vực và trên địa bàn tỉnh đang có diễn biến phức tạp cả về tính chất và quy mô, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát thành dịch lớn. Để thực hiện công tác phòng chống dịch SXH, TCM đạt hiệu quả cao, khống chế không để dịch bệnh SXH, TCM lan rộng trong cộng đồng, hạn chế thấp nhất số mắc bệnh và tử vong, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Y tế:

Tham mưu, đề xuất kịp thời UBND tỉnh chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh SXH, TCM; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp.

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, TCM nhằm đạt mục tiêu giảm tỷ lệ mắc, giảm tỷ lệ chết, khống chế không để dịch lớn xảy ra. Các đơn vị trong ngành Y tế cần tập trung thực hiện các công tác trọng tâm sau:

a) Phối hợp với các cơ quan thông tin ở địa phương tăng cường tuyên truyền về nguyên nhân lây truyền, triệu chứng và sự nguy hiểm của bệnh SXH, TCM cũng như thực hiện các biện pháp phòng, chống hiệu quả;

b) Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng tại những địa bàn có nguy cơ bùng phát dịch SXH; làm sạch nền nhà, bề mặt bàn ghế, đồ chơi, vật dụng của trẻ trong các hộ gia đình, nhóm trẻ, nhà trẻ, trường mầm non, mẫu giáo bằng nước xà phòng, hóa chất khử khuẩn thông thường hoặc Chloramin B;

c) Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo, tích cực thực hiện công tác giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, thống kê phân tích đặc điểm dịch tễ, các yếu tố nguy cơ để tập trung phòng, chống có hiệu quả; tiến hành xử lý triệt để ổ dịch tại cộng đồng, trường học..., khống chế kịp thời không để dịch bùng phát, lan rộng;

d) Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị cần thiết cho công tác điều trị, phương tiện cấp cứu; đặc biệt chú trọng phân tuyến, bảo đảm thu dung điều trị bệnh nhân trong trường hợp xảy ra dịch lan rộng, kéo dài. Kịp thời hỗ trợ tuyến dưới trong chẩn đoán, thu dung và điều trị bệnh nhân, cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ các tuyến xảy ra dịch;

đ) Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh chuyển tải các thông điệp truyền thông sâu rộng trong cộng đồng các biện pháp phòng chống bệnh SXH như phòng chống muỗi chích, vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng ở từng hộ gia đình, cộng đồng khu dân cư; phòng, chống bệnh TCM, tập trung hướng dẫn người chăm sóc trẻ và trẻ em phải rửa tay thường xuyên trong ngày bằng xà phòng và các dung dịch rửa tay sát khuẩn trong các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ và trong các hộ gia đình có trẻ từ 5 tuổi trở xuống; việc tuyên truyền phải đến từng tổ dân phố, khóm, ấp, trực tiếp đến hộ gia đình bằng tuyên truyền miệng hoặc phát tờ rơi.

e) Đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới cộng tác viên, nhân viên y tế thôn bản tại địa phương trong công tác tiếp cận trực tiếp với cộng đồng để thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Trong trường hợp cần thiết, Sở Y tế trình UBND tỉnh cấp bổ sung kinh phí phòng, chống dịch bệnh SXH, TCM, không để xảy ra tình trạng thiếu kinh phí, thuốc, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch, điều trị, tuyên truyền.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã:

Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tại địa phương; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn y tế ở địa phương như: Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, Bệnh viện Đa khoa phải có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh SXH, TCM trong công tác hỗ trợ tuyến xã, phường, thị trấn; vận động nhân dân hưởng ứng chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng tại hộ gia đình, cộng đồng khu dân cư, rửa tay sạch bằng xà phòng, làm sạch bề mặt, nền nhà, bàn ghế, dụng cụ, đồ chơi tại các nhà trẻ, trường mầm non, mẫu giáo.

Huy động các phương tiện truyền thông, đoàn thể tăng cường tuyên truyền phòng, chống bệnh SXH, TCM ở cộng đồng; chú trọng tuyên truyền trực tiếp, phát tờ rơi đến tận gia đình.

Tiến hành giám sát, kiểm tra thường xuyên hoạt động phòng, chống dịch bệnh SXH, TCM ở xã, phường, thị trấn nhằm chỉ huy, huy động các ngành, đoàn thể trong địa bàn thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

Thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh SXH, TCM. Lãnh đạo chính quyền huyện, xã, phường, thị trấn phải cập nhật tình hình dịch bệnh SXH, TCM tại địa phương mình quản lý, sẵn sàng tiếp nhận thông tin và huy động nguồn lực tại chỗ tham gia chống dịch khi có yêu cầu.

Cân đối hỗ trợ thêm kinh phí ngoài số kinh phí của ngành y tế cấp trong việc thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh SXH, TCM tại địa phương đảm bảo đạt hiệu quả cao.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Tích cực phối hợp với Sở Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, TCM trong các trường học. Chỉ đạo các trường thường xuyên tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh cho học sinh, sinh viên; hướng dẫn các trường tích cực thực hiện vệ sinh môi trường và tạo cảnh quan thông thoáng để phòng, chống dịch bệnh.

Chỉ đạo các nhà trẻ, trường mầm non, mẫu giáo (kể cả tư nhân) phải hướng dẫn các cháu thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, lau rửa dụng cụ vui chơi của trẻ định kỳ; phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, ngành y tế nhằm phát hiện sớm trẻ có biểu hiện bệnh SXH, TCM để kịp thời cách ly và điều trị, hạn chế lây lan trong trường học.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Bình Phước, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Tùy theo chức năng, phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong thực hiện công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh SXH, TCM trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường tuyên truyền theo chuyên đề, chuyên mục, tiểu phẩm; tăng số lượng băng rôn, pa nô, áp phích nơi công cộng, nơi có ổ dịch để tuyên truyền về nguyên nhân lây truyền, triệu chứng và sự nguy hiểm của dịch bệnh SXH, TCM cũng như hướng dẫn các biện pháp phòng, chống hiệu quả.

Hướng dẫn các Đài Phát thanh, Truyền thanh huyện, thị xã, Trạm Truyền thanh xã, phường, thị trấn về nội dung tuyên truyền thiết thực, gần gũi với cộng đồng về cách phòng, chống bệnh SXH và TCM.

5. Sở Tài chính:

Căn cứ vào kế hoạch, dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cân đối, đảm bảo nguồn kinh phí kịp thời phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh SXH và TCM, không để dịch bùng phát và lan rộng.

6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc:

Chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống, huy động đoàn viên, hội viên cùng tham gia với chính quyền, ngành Y tế các cấp trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh SXH, TCM.

Trên đây là các công tác trọng tâm, cấp bách nhằm ngăn chặn và khống chế dịch bệnh SXH, TCM trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện tốt tinh thần theo Chỉ thị này. Địa phương, đơn vị nào để dịch bệnh SXH, TCM bùng phát thành dịch lớn hoặc để xảy ra ca tử vong mà nguyên nhân do phát hiện trễ, do tuyên truyền yếu kém, do sai sót nghiêm trọng trong chăm sóc, điều trị phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Giao Giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo Bộ Y tế và UBND tỉnh./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Huy Phong