CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH
V/v Tăng cường một số biện pháp cấp bách để quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và tổ chức truy quét lâm tặc trên địa bàn Tỉnh.
________________________
Gần đây, nạn phá rừng, đốt rừng, khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm đất rừng xảy ra nghiêm trọng ở nhiều nơi trên địa bàn Tỉnh. Có trường hợp kẻ phá rừng, lấn chiếm đất rừng ngang nhiên chống lại nhân viên quản lý bảo vệ rừng. Tình hình tiêu cực xảy ra nêu trên do nhiều nguyên nhân gây ra:
- Các cấp, các ngành còn xem nhẹ công tác quản lý bảo vệ rừng, chưa gắn trách nhiệm quản lý Nhà nước trong việc quản lý bảo vệ rừng, chưa có sự kết hợp đồng bộ trong việc xử lý vi phạm lâm luật kịp thời, nghiêm minh nhằm giáo dục và răn đe ngăn chặn.
- Di dân tự do từ các Tỉnh khác đến ngày càng nhiều, tình trạng du canh du cư vẫn còn, làm tăng nhu cầu sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, giảm diện tích rừng.
- Chưa xác định chủ rừng cụ thể trên từng diện tích rừng và đất rừng, chưa có lực lương đủ mạnh để giữ rừng.
Để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 286/Ttg và 287/TTg ngày 2/5/1997 của Thủ Tướng Chính Phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng ; tổ chức kiểm tra truy quét những cá nhân và tổ chức phá hoại rừng; Đồng thời khắc phục những tiêu cực nêu trên, lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý bảo vệ rừng. UBND Tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm túc các biện pháp sau đây:
1/ Chủ Tịch UBND Huyện phải chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước đối với từng loại rừng, diện tích rừng và đất rừng trên phạm vi hành chánh Huyện; chỉ đạo các cấp chính quyền Xã, các Ban, Ngành ở Huyện thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn, khắc phục và chấm dứt ngay tình trạng phá rừng bừa bãi, khai thác lâm sản trái phép, lân chiếm đất và mua bán sang nhượng đất trái phép.
Tùy tình hình phát sinh các hiện tượng này trên địa bàn mà có biện pháp kịp thời, ngăn chặn hữu hiệu nhằm giữ cho được rừng, phục hồi lại rừng. Chịu trách nhiệm quản lý và ngăn chặn di dân tự do trên địa bàn Huyện, tổ chức thực hiện tốt mục 3 thông báo số 47/TB, ngày 13/5/1997 của văn phòng Chính Phủ.
2/ Giao Sở NN-PTNT nghiên cứu, tổ chức thực hiện một số vấn đề sau:
- Phúc tra tài nguyên rừng trên toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp của Tỉnh. Làm việc với Bộ NN-PTNT xin kinh phí hỗ trợ ngân sách Tỉnh thực hiện phúc tra tài nguyên rừng.
- Phối hợp với Ban TCCQ Tỉnh xây dựng phương án sắp xếp lại hệ thống lâm trường quốc doanh, theo chủ trương của Bộ NN-PTNT và chỉ đạo của Thủ Tướng Chính Phủ thành Doanh Nghiệp công ích làm chức năng lâm sinh, các dịch vụ hoặc Ban quản lý rừng; sắp xếp. bố trí số cán bộ công nhân viên lâm trường dôi ra, đảm bảo đời sống của họ.
- Xây dựng các chính sách khoán rừng, giao đất, giao rừng để hộ gia đình khi ký hợp đồng nhận đất, nhận rừng có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc rừng, trồng rừng và được hưởng tỷ lệ thỏa đáng với giá trị sản phẩm khi khai thác rừng (nếu thực hiện tốt hợp đồng); Nhằm thay thế hình thức "thuế trả bằng tiền đang thực hiện, có hiệu qủa kinh tế xã hội thấp.
- Xây dựng quy hoạch xác định rõ đất lâm nghiệp và đất chuyển sang cho nông nghiệp để sử dụng hợp lý có hiệu qủa đất đai (trồng cao su, mía). Xác định, phân loại 3 loại rừng. Có phương án bảo vệ khoanh nuôi, trồng rừng. Chỉ đạo thực hiện tốt các dự án xây dựng rừng phòng hộ lòng hồ Thác Mơ, Dầu Tiếng, sống Đồng Nai... đã được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
- Chỉ đạo Giám Đốc lâm trường xây dựng chương trình hành động của lâm trường trong việc thực hiện nội dung chỉ thị này; tăng cương trách nhiệm của Giám Đốc lâm trường trong việc quản lý bảo vệ phát triển rừng. Giám đốc Lâm trường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nêu để mất rừng được giao, để quản lý bảo vệ và sản xuất kinh doanh.
- Nghiên cứu cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu của Tỉnh, có giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài. Khuyến khích trồng rừng nguyên liệu có giá trị cao, đẩy mạnh trồng cây phân tán để giải quyết nhu cầu củi đốt và gỗ dân dụng.
- Xây dựng dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biên gỗ ván dăm chế biến gỗ rừng trồng thay thế gỗ rừng tự nhiên. Quy hoạch mạng lưới chế biến lâm sản, diện tích rừng khai thác, đóng cửa vv...
- Kết hợp với Sở Địa Chính, Chi Cục Kiểm Lâm tiến hành cắm mốc địa giới phân định rõ diện tích đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp và phân định 3 loại rừng.
3/ Chi Cục Kiểm Lâm xây dựng chương trình hành động thực hiện chỉ thị 287/Ttg cụ thể:
- Tổ chức thu gom hết số gỗ rừng bị chặt phá khai thác trái phép báo cáo UBND Tỉnh để tổng hợp báo cáo Bộ NN-PTNT xử lý. Kiểm tra xử lý nghiêm việc mua bán, tiêu thụ gỗ khai thác bất hợp pháp (xóa bỏ các tụ điểm tập trung lâm sản mua bán bất hợp pháp, các lò than trong rừng, tịch thu phương tiện vi phạm lâm luật...nghiêm cấm sử dụng phương tiện: Xe bò cù, xe cải tiến có tới kéo gỗ vv... vào rừng).
- Kết hợp với các ngành Công An, Quân Sự, Biên Phòng, UBND Huyện tổ chức truy quét những cá nhân, tổ chức phá hoại rừng ở những vùng trọng điểm nhất là các vùng giáp ranh với Tỉnh Đắc Lắc, Đông Nai, Bình Dương.
- Lập danh sách các vùng giáp ranh hay xãy ra nạn trộm cắp lâm sản, những điểm nóng về phá rừng làm rẫy và di dân tự do để có phương án ngăn chặn.
- Thường xuyên kiểm tra các cơ sở chế biến lâm sản, phát hiện kịp thời khối lượng gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp đưa vào chế biến; quản lý chế biến lâm sản chặt chẽ đúng qui định.
- Cũng cố lực lượng kiểm lâm làm lực lượng nòng cốt, đủ mạnh cho công tác quản lý bảo vệ rừng ở cơ sở.
- Tổ chức thực hiện xác định ranh giới và cắm mốc thích hợp cho từng loại rừng (khi có hướng dẫn về quy chế này của Bộ NN-PTNT), diện tích rừng thuộc diện đóng cửa rừng.
- Phối hợp với các ngành bảo vệ luật pháp tiến hành khởi tố, xét xử công khai các vụ vi phạm quản lý, bảo vệ rừng. Chủ động lập hồ sơ truy tố theo chức năng của kiểm lâm do luật định theo hướng “nghiêm trị bọn lâm tặc và xử lý nghiêm minh những tổ chức và cá nhân vi phạm, kể cả người cho phép khai thác không đúng thẩm quyền, sai pháp luật”.
4/ Các ngành Tư Pháp, Thanh Tra, Tòa Án, Viện Kiểm sát cần đtra ra xét xử nghiêm minh những vụ phá rừng nghiêm trọng. Xét xử lưu động, công khai tại địa bàn xảy ra những vụ vi phạm pháp luật nhằm răn đe, hạn chế nạn phá rừng.
5/ Trong khi chờ đợi chỉ đạo của Bộ Quốc Phòng, Bộ Nội Vụ:
- Yêu cầu Công An Tỉnh, Bộ Chỉ Huy Quân Sự Tỉnh, BCH Biên Phòng Tỉnh cử lực lượng phối hợp với Chi Cục Kiểm" Lâm, Lâm trường... tổ chức truy quét các cá nhân, tổ chức phá hoại rừng nhất là các vùng giáp ranh hai Tỉnh vùng Biên giới.
- Tổ chức lực lượng tham gia ký kết hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng tại các Lâm Trường. Đồng thời thực hiện tốt hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng ở vùng biên giới (Việt Nam - Campuchia)đã ký kết với các Lâm Trường.
- Chịu trách nhiệm bảo vệ rừng trong phạm vi đóng quân và vùng dọc biên giới. Điều tra lập thủ tục khởi tố vi phạm lâm luật theo quy định.
6/ Sở Địa Chính nghiên cứu tham mưu cho UBND Tỉnh về thủ tục giao quyền sử dụng đất cho các lâm trường, phối hợp vơi UBND Huyện, các ngành có liên quan quy hoạch khu dân cư, khu sản xuất ở địa phương để ổn định dân cư nhất là di dân tự do; khởng để dân lấn chiếm đất rừng.
7/ Chi Cục Di Dân ĐCĐC điều tra nắm rõ số dân di cư tự do trên từng khu vực, đề xuất ý kiến tham mưu cho UBND Huyện, Tỉnh xem xét giải quyết.
8/ Các nội dung liên quan đến chỉ thị 287/TTg không được phổ biến trên thông tin đại chúng.
Nhận được chỉ thị này yêu cầu thủ trưởng các Sở, Ngành, Chủ Tịch UBND các Huyện tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các nội dung trên. Định kỳ hàng tháng, báo cáo kết qủa thực hiện về UBND Tỉnh (chậm nhất là ngày 25 hàng tháng) để tổng hợp báo cáo văn phòng Chính Phủ và Thủ Tướng Chính Phủ./.