• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/06/2021
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2024
UBND TỈNH BÌNH PHƯỚC
Số: 15/2021/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Phước, ngày 20 tháng 5 năm 2021

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định tiêu chí thành lập Văn phòng Công chứng;

việc thay đổi địa điểm trụ sở Văn phòng Công chứng

trên địa bàn tỉnh Bình Phước

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Công chứng ngày 20 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp;

Căn cứ Thông tư số 01/2021/TT-BTP ngày 03 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng;

Thực hiện Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 40/TTr-STP ngày 19 tháng 4 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tiêu chí thành lập Văn phòng Công chứng; việc thay đổi địa điểm trụ sở Văn phòng Công chứng trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2021 và bãi bỏ Quyết định số 3217/QĐ-UBND ngày 16 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về tiêu chí, phương pháp tính điểm và quy trình xét duyệt hồ sơ thành lập Văn phòng Công chứng trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Điều 3. Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

QUY ĐỊNH

Tiêu chí thành lập Văn phòng Công chứng;

việc thay đổi địa điểm trụ sở Văn phòng Công chứng

trên địa bàn tỉnh Bình Phước
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND

ngày 20 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định tiêu chí thành lập Văn phòng Công chứng; việc thay đổi địa điểm trụ sở Văn phòng Công chứng từ địa bàn huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là huyện) này sang địa bàn huyện khác trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các công chứng viên đề nghị thành lập Văn phòng Công chứng; các Văn phòng Công chứng và công chứng viên đang hoạt động hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Bình Phước; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cấp, cấp lại Giấy đăng ký hoạt động Văn phòng Công chứng trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Điều 2. Nguyên tắc tiếp nhận hồ sơ

1. Việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Công chứng; thay đổi địa điểm trụ sở Văn phòng Công chứng từ địa bàn huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan, chính xác, đúng quy định của pháp luật.

2. Việc thành lập Văn phòng Công chứng; thay đổi địa điểm trụ sở Văn phòng Công chứng từ địa bàn huyện, thị xã, thành phố phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu công chứng của từng huyện.

Điều 3. Những trường hợp không thụ lý giải quyết hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Công chứng

1. Công chứng viên đăng ký hoặc tham gia từ 02 (hai) hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Công chứng trở lên tại cùng một thời điểm.

2. Công chứng viên nộp hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Công chứng thuộc trường hợp không được thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

3. Công chứng viên đang bị đình chỉ hành nghề công chứng hoặc đang trong thời gian chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật về công chứng, chứng thực.

4. Công chứng viên chưa chấm dứt tư cách thành viên hợp danh hoặc chưa chấm dứt nghĩa vụ liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của Văn phòng Công chứng đã phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh theo quy định tại Điều 18 Thông tư số 01/2021/TT-BTP ngày 03 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng.

Chương II

TIÊU CHÍ THÀNH LẬP VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG

Điều 4. Tiêu chí về sự cần thiết thành lập Văn phòng Công chứng gắn với nhu cầu công chứng

1. Đối với những địa bàn huyện có số lượng hợp đồng, giao dịch công chứng phát sinh trong một năm dưới 12.000 (mười hai nghìn) hợp đồng, giao dịch thì cho phép thành lập tối đa không quá 02 (hai) Văn phòng Công chứng (bao gồm cả các tổ chức hành nghề công chứng hiện đang hoạt động).

2. Đối với những địa bàn huyện có số lượng hợp đồng, giao dịch công chứng phát sinh trong một năm từ 12.000 (mười hai nghìn) hợp đồng, giao dịch đến dưới 28.000 (hai mươi tám nghìn) hợp đồng, giao dịch thì cho phép thành lập tối đa không quá 04 (bốn) Văn phòng Công chứng (bao gồm cả các tổ chức hành nghề công chứng hiện đang hoạt động và bảo đảm trung bình trong một năm mỗi tổ chức hành nghề công chứng thực hiện công chứng từ 6.000 (sáu nghìn) hợp đồng, giao dịch trở lên).

3. Đối với những địa bàn huyện có số lượng hợp đồng, giao dịch công chứng phát sinh trong một năm từ 28.000 (hai mươi tám nghìn) đến dưới 42.000 (bốn mươi hai nghìn) hợp đồng, giao dịch trở lên thì cho phép thành lập tối đa không quá 06 (sáu) Văn phòng Công chứng (bao gồm cả các tổ chức hành nghề công chứng hiện đang hoạt động và bảo đảm trung bình trong một năm mỗi tổ chức hành nghề công chứng thực hiện công chứng từ 6.000 (sáu nghìn) hợp đồng, giao dịch trở lên).

Các địa bàn huyện có số lượng hợp đồng, giao dịch công chứng phát sinh trong một năm trên 42.000 (bốn mươi hai nghìn) hợp đồng, giao dịch, thì cứ tăng thêm 8.000 (tám nghìn) hợp đồng, giao dịch thì được thành lập thêm 01 (một) Văn phòng công chứng.

4. Đối với địa bàn huyện đã thành lập đủ số lượng Văn phòng Công chứng nhưng trong quá trình hoạt động có 02 (hai) Văn phòng Công chứng trở lên thường xuyên (05 tháng liên tục) chỉ có 01 Công chứng viên thực hiện hoạt động công chứng các hợp đồng, giao dịch thì có thể được xem xét thành lập thêm 01 (một) Văn phòng Công chứng để đáp ứng và phục vụ kịp thời nhu cầu công chứng, hợp đồng giao dịch của tổ chức, cá nhân.

5. Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp số lượng hợp đồng, giao dịch theo chế độ báo cáo thống kê do Bộ Tư pháp quy định (tính đến ngày 31 tháng 12 hàng năm) và tổng hợp số lượng hợp đồng, giao dịch phát sinh trong một năm trên địa bàn mỗi huyện làm cơ sở để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định số lượng Văn phòng Công chứng được phép thành lập mới theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Tiêu chí về các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Văn phòng công chứng

1. Về tổ chức nhân sự

Văn phòng Công chứng khi xin phép thành lập phải đáp ứng quy định của pháp luật về: Số lượng công chứng viên và điều kiện Trưởng Văn phòng Công chứng, các vị trí nhân sự phụ trách kế toán, lưu trữ, công nghệ thông tin, chuyên viên pháp lý làm việc tại Văn phòng Công chứng.

2. Về trụ sở làm việc

Trụ sở của Văn phòng Công chứng phải có địa chỉ cụ thể, diện tích trụ sở tối thiểu 200m2, đảm bảo điều kiện về trụ sở theo quy định tại khoản 4 Điều 22 Luật Công chứng năm 2014 và khoản 1 Điều 17 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng.

3. Về trang thiết bị phục vụ cho hoạt động hành nghề công chứng và ứng dụng công nghệ thông tin.

4. Về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và phòng chống cháy nổ.

Điều 6. Tiêu chí tính khả thi của Đề án thành lập Văn phòng Công chứng

1. Đề án xác định được thời gian, tiến độ thực hiện các dự kiến về tổ chức nhân sự và cơ sở vật chất, trang thiết bị của Văn phòng Công chứng đúng quy định.

2. Đề án phải xây dựng được các giải pháp để giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động của Văn phòng Công chứng.

Điều 7. Xét duyệt hồ sơ thành lập Văn phòng Công chứng

1. Thành lập Tổ xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Công chứng

a) Giao Giám đốc Sở Tư pháp quyết định thành lập Tổ xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Công chứng từ 05 đến 07 thành viên, gồm: Tổ trưởng là Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở Tư pháp; đại diện: Hội Công chứng viên tỉnh và đại diện một số phòng, đơn vị thuộc Sở Tư pháp.

Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm ban hành quy chế hoạt động và quy trình xét duyệt hồ sơ của Tổ xét duyệt.

b) Việc thành lập Tổ xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Công chứng phải đảm bảo đúng quy định của Luật Công chứng, Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Hồ sơ xét duyệt phải tuân theo quy định của Luật Công chứng, Quy định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

3. Nguyên tắc xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Công chứng

Hồ sơ xin thành lập Văn phòng Công chứng được chọn để cho phép thành lập ngoài việc đáp ứng các nội dung của Quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Điểm số bình quân chấm của các thành viên trong Tổ xét duyệt phải đạt từ 60 điểm trở lên;

b) Nếu trong cùng một địa bàn huyện mà có nhiều hồ sơ xin thành lập, thì hồ sơ nào có số điểm bình quân cao nhất thì được chọn để cho phép thành lập;

c) Trong trường hợp có nhiều hồ sơ xin thành lập Văn phòng Công chứng có số điểm bình quân của các thành viên trong Tổ xét duyệt bằng nhau thì điểm số tiêu chí theo thứ tự ưu tiên dưới đây cao hơn sẽ được chọn:

- Số lượng công chứng viên;

- Kinh nghiệm của công chứng viên;

- Nhân viên nghiệp vụ;

- Không có tiêu chí nào bị chấm 0 điểm.

d) Thang điểm các tiêu chí thành lập Văn phòng Công chứng được ban hành tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.

Chương III

VIỆC THAY ĐỔI TRỤ SỞ CỦA VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG

TỪ ĐỊA BÀN HUYỆN NÀY SANG ĐỊA BÀN HUYỆN KHÁC

Điều 8. Điều kiện thay đổi địa điểm trụ sở của Văn phòng Công chứng từ địa bàn huyện này sang địa bàn huyện khác

1. Văn phòng Công chứng khi thay đổi nội dung đăng ký hoạt động về việc thay đổi địa điểm trụ sở từ địa bàn huyện này sang địa bàn huyện khác phải được Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định và đáp ứng điều kiện:

a) Địa bàn huyện nơi dự kiến chuyển đến phải đảm bảo theo quy định tại Điều 4 của Quy định này;

b) Vị trí dự kiến đặt trụ sở phải đảm bảo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Quy định này.

2. Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra điều kiện thay đổi địa điểm trụ sở của Văn phòng Công chứng theo quy định.

 

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Điều khoản thi hành

1. Quy định chuyển tiếp

Đối với các Tổ chức hành nghề công chứng đã được thành lập trước khi Quy định này có hiệu lực thi hành thì vẫn tiếp tục hoạt động theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ xem xét số lượng và cho phép thành lập mới đối với địa bàn huyện còn thiếu Văn phòng Công chứng theo quy định tại Điều 4 Quy định này.

2. Kinh phí thực hiện

a) Kinh phí thành lập, thay đổi địa điểm trụ sở Văn phòng Công chứng do các công chứng viên hợp danh tự đảm bảo;

b) Ngân sách tỉnh bảo đảm kinh phí cho hoạt động thẩm định hồ sơ thành lập, thay đổi địa điểm trụ sở Văn phòng Công chứng và công tác kiểm tra, giám sát của Sở Tư pháp trong dự toán chi ngân sách hàng năm của Sở Tư pháp.

3. Tổ chức thực hiện

a) Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Quy định này;

b) Trong quá trình thực hiện quyết định này nếu có khó khăn, vướng mắc thì các cơ quan, đơn vị, địa phương và các tổ chức, cá nhân kịp thời báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tư pháp) để Sở Tư pháp tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và theo quy định pháp luật hiện hành./.

 

 

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trần Tuệ Hiền

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.