• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 22/06/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 30/09/2009
BỘ CÔNG NGHIỆP
Số: 04/2006/TT-BCN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Phước, ngày 27 tháng 4 năm 2006

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2005/TT-BCN ngày 29/03/2005 của Bộ Công nghiệp hướng dẫn quản lý, sản xuất, kinh doanh cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

_______________________________________

Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 27/CP ngày 20 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ về quản lý sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 47/CP ngày 12 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;

 Căn cứ Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 1999 của Chính phủ quy định về hàng hoá cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện; hàng hoá, dịch vụ thương mại hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện;

Căn cứ Nghị định số 179/2004/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ quy định quản lý nhà nước về chất lượng, sản phẩm hàng hóa;

Bộ Công nghiệp sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 02/2005/TT-BCN ngày 29 tháng 03 năm 2005 Hướng dẫn quản lý, sản xuất, kinh doanh cung ứng và sử dụng VLNCN (sau đây gọi tắt là Thông tư 02) như sau:

1. Mục II Phần A Thông tư 02 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“a) Sửa đổi khái niệm "Kinh doanh cung ứng VLNCN" như sau: “Kinh doanh cung ứng VLNCN” là hoạt động mua, bán, vận chuyển, bảo quản VLNCN.

b) Bổ sung khoản 10: Hoạt động VLNCN là việc thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động nghiên cứu chế thử, thử nghiệm, sản xuất, kinh doanh cung ứng, dịch vụ nổ mìn và sử dụng VLNCN”.

2. Sửa đổi mục I phần B Thông tư 02 như sau:

“I. Các Vụ, Cục chức năng thuộc Bộ Công nghiệp có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về VLNCN trong phạm vi cả nước. Cụ thể:

1) Vụ Cơ khí, Luyện kim và Hoá chất chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm:

a) Xây dựng quy hoạch phát triển, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm về VLNCN; xây dựng các văn bản hướng dẫn về đầu tư, kinh doanh cung ứng VLNCN.

b) Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất VLNCN và dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất nitrat amon hàm lượng cao của các tổ chức kinh tế trong nước theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng.

c) Xây dựng và tổ chức thực hiện các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu VLNCN trong từng thời kỳ theo quy định pháp luật về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá.

d) Định kỳ tổng kết công tác quản lý VLNCN trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công. Báo cáo về công tác quản lý nhà nước và tình hình phát triển ngành VLNCN theo quy định.

2. Vụ Khoa học, Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan có trách nhiệm:

a) Xây dựng các tiêu chuẩn về công nghệ sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm VLNCN; tổ chức quản lý công tác nghiên cứu, chế thử và thử nghiệm VLNCN.

b) Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đăng ký, công bố chất lượng sản phẩm VLNCN đủ điều kiện đưa vào danh mục VLNCN được phép sản xuất, sử dụng ở Việt Nam; tổ chức thực hiện quản lý chất lượng sản phẩm VLNCN theo quy định pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá (Nghị định của Chính phủ số 179/2004/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2004 quy định quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá và các quy định của TCVN 6174-1997, TCVN 4586-1997).

c) Định kỳ tổng kết công tác quản lý VLNCN trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công.

3. Cục Kỹ thuật an toàn Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các  đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung quản lý đối với các tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản 1 mục I phần C; điểm a khoản 1 mục IV phần D và điểm a khoản 2 mục III phần E của Thông tư 02/2005/TT-BCN. Cụ thể:      

a) Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, điều kiện để cấp mới, cấp lại hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh VLNCN, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất VLNCN và giấy phép sử dụng VLNCN.

b) Xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn các quy định về kỹ thuật an toàn trong sản xuất, kinh doanh cung ứng, sử dụng và thử nghiệm VLNCN. Tổ chức thực hiện công tác kiểm tra và xử lý đối với các cơ sở hoạt động VLNCN theo quy định pháp luật.

c) Định kỳ tổng kết công tác quản lý VLNCN trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công. Tổng hợp về tình hình quản lý, sử dụng VLNCN của các địa phương và đề xuất các giải pháp trình Bộ trưởng  Bộ Công nghiệp chỉ đạo thực hiện.”

3. Sửa đổi mục III phần B Thông tư 02 như sau:

“III. Việc quản lý, cấp phép sử dụng VLNCN đối với các đơn vị, doanh nghiệp quân đội sử dụng VLNCN phục vụ cho mục đích kinh tế do Bộ Quốc phòng hướng dẫn (Thông tư số 1691/TT-QP ngày 08 tháng 7 năm 1997 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 47/CP ngày 12 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ).

Khi sử dụng VLNCN phục vụ cho mục đích kinh tế tại địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp quân đội có trách nhiệm thực hiện những quy định pháp luật liên quan và quy định của Thông tư này.

Định kỳ 6 tháng, hàng năm Bộ Công nghiệp căn cứ vào thông báo của Bộ Quốc phòng hoặc cơ quan được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ quản lý VLNCN để tổng hợp về tình hình quản lý, sản xuất, kinh doanh cung ứng và sử dụng VLNCN của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

4. Sửa đổi mục II phần C Thông tư 02 như sau:

“II. Quản lý sản xuất VLNCN

1. Các đơn vị đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ sản xuất VLNCN, khi đầu tư sản xuất mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng dây chuyền sản xuất phải lập dự án và đơn đề nghị Bộ Công nghiệp thẩm định dự án. Nội dung và thủ tục thẩm định dự án thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.

2. Sau khi nghiệm thu công trình đầu tư, trước khi đưa vào sản xuất, chủ đầu tư phải lập hồ sơ đề nghị Bộ Công nghiệp thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất VLNCN. Hồ sơ và thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất VLNCN quy định tại mục III phần C Thông tư này.”

5. Bổ sung mục III vào phần C Thông tư 02 như sau:

“III. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất VLNCN

1. Đối với các đơn vị có công trình sản xuất phải lập dự án đầu tư. Hồ sơ bao gồm:

1.1 Hồ sơ pháp lý

a) Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất VLNCN. Nếu là đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng phải có văn bản đề nghị kèm theo của Bộ Quốc phòng hoặc của cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ quản lý về VLNCN.

b) Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất VLNCN theo quy định của pháp luật về quản lý, đầu tư xây dựng.

c) Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp theo quy định tại Nghị định số 08/2001/NĐ-CP ngày 22 tháng 02 năm 2001 của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và Thông tư số 02/2001/TT-BCA ngày 04 tháng 5 năm 2001 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị định số 08/2001/NĐ-CP.

d) Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp theo quy định tại Nghị định 35/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Phòng cháy chữa cháy

đ) Quyết định của Bộ Công nghiệp công nhận kết quả đăng ký của sản phẩm và đưa sản phẩm VLNCN vào sản xuất, sử dụng đối với các sản phẩm VLNCN lần đầu đưa vào sản xuất, sử dụng ở Việt Nam.

1.2 Tài liệu kỹ thuật

Tài liệu chứng minh việc đảm bảo các điều kiện sản xuất VLNCN của doanh nghiệp gồm có:

a) Tài liệu về điều kiện người sản xuất VLNCN

- Danh sách cán bộ lãnh đạo, quản lý, công nhân có liên quan trực tiếp đến công tác sản xuất, bảo quản, vận chuyển và kinh doanh cung ứng VLNCN.

- Hồ sơ của Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phó phòng, ban, cán bộ chuyên trách kỹ thuật an toàn của doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc, gồm có:

+ Bản khai lý lịch cá nhân;

+ Bằng tốt nghiệp;

+ Giấy chứng nhận đã qua học tập và kiểm tra kiến thức về an toàn trong quản lý, sản xuất, kinh doanh cung ứng VLNCN và Quy phạm an toàn về bảo quản, vận chuyển và sử dụng VLNCN.

b) Tài liệu về điều kiện kỹ thuật

- Thiết kế mặt bằng công nghệ dây chuyền sản xuất VLNCN

- Thiết kế chi tiết thiết bị sản xuất và thiết kế lắp đặt hệ thống điện động lực, hệ thống phụ trợ và hệ thống chống sét cho nhà và công trình sản xuất VLNCN.

- Quy trình công nghệ sản xuất VLNCN.

- Giấy chứng nhận của cơ quan Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng đo lường nhà nước cấp cho các cơ sở thí nghiệm VLNCN (nếu có).

- Giấy chứng nhận kiểm định, dấu hoặc tem kiểm định phương tiện đo lường, kiểm soát công nghệ theo quy định pháp luật về đo lường.

- Giấy chứng nhận đăng ký, phiếu kết quả kiểm định máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động; giấy chứng nhận đăng ký, phiếu kết quả kiểm định máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu có yêu cầu an toàn đặc thù công nghiệp (nếu có).

- Biên bản nghiệm thu công trình theo quy định pháp luật về quản lý đầu tư, xây dựng.

- Biên bản nghiệm thu sản phẩm của đơn vị xin cấp giấy chứng nhận.

2. Đối với các đơn vị đang sản xuất VLNCN có yêu cầu chuyển đổi tên doanh nghiệp mà không có sự thay đổi về điều kiện sản xuất, chỉ cần đơn xin chuyển đổi tên, Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp theo tên mới và quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép đổi tên doanh nghiệp.

3. Đối với các đơn vị sản xuất VLNCN có yêu cầu chuyển đổi sở hữu cơ sở sản xuất VLNCN đã được cấp phép cho đơn vị khác, đơn vị tiếp nhận cơ sở sản xuất phải nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 1 mục này (trừ quyết định phê duyệt dự án đầu tư) và kèm theo quyết định cho phép chuyển đổi của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Nếu đơn vị tiếp nhận là đơn vị đề nghị cấp giấy chứng nhận sản xuất VLNCN lần đầu, ngoài hồ sơ như trên còn phải nộp thêm bản sao hợp lệ văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và quyết định thành lập đơn vị của cơ quan có thẩm quyền. 

4. Đối với các đơn vị sản xuất VLNCN có cải tạo, nâng cấp nhỏ về hạ tầng và thiết bị sản xuất VLNCN mà không làm thay đổi các yêu cầu về mặt bằng, công nghệ cũng như các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, kỹ thuật an toàn của dây chuyền sản xuất đã được cấp phép, sau khi thực hiện cải tạo, nâng cấp, đơn vị sản xuất VLNCN làm đơn đề nghị Bộ Công nghiệp để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất VLNCN theo quy định tại khoản 6 mục này.

5. Đối với các đơn vị sản xuất VLNCN bị sự cố, tai nạn phá hủy làm hư hỏng dây chuyền sản xuất, sau khi có kết luận điều tra và sửa chữa phục hồi, đơn vị sản xuất VLNCN làm đơn đề nghị Bộ Công nghiệp kiểm tra cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất VLNCN kèm theo hồ sơ kỹ thuật của quá trình sửa chữa, phục hồi.   

6. Thẩm định hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất VLNCN

Trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất VLNCN cho những đơn vị bảo đảm đủ các điều kiện quy định tại mục I phần này, mẫu giấy chứng nhận quy định tại Phụ lục của Thông tư này (Mẫu 1đ). Trường hợp không cấp, phải trả lời bằng văn bản cho đơn vị xin cấp và nêu rõ lý do”.

6. Sửa đổi mục III phần D Thông tư 02 như sau:

“III. Xuất khẩu, nhập khẩu VLNCN

Việc xuất khẩu, nhập khẩu VLNCN thực hiện theo Thông tư của Bộ Công nghiệp hướng dẫn Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài”.

7. Sửa đổi điểm a khoản 1 mục IV phần D Thông tư 02 như sau:

“a) Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh VLNCN. Nếu là đơn vị quân đội làm kinh tế, phải kèm theo đề nghị của Bộ Quốc phòng hoặc của cơ quan chức năng được Bộ Quốc phòng phân công nhiệm vụ quản lý VLNCN”.

8. Sửa đổi điểm c khoản 2 mục III phần E Thông tư 02 như sau:

“c) Việc tiếp nhận hồ sơ, tiến hành thẩm định để cấp giấy phép sử dụng, mẫu giấy phép sử dụng VLNCN đối với các đơn vị quân đội làm kinh tế thuộc Bộ Quốc phòng do Bộ Quốc phòng hướng dẫn trên cơ sở của Thông tư này”.

9. Sửa đổi điểm d khoản 2 mục III phần E Thông tư 02 như sau:

“d) Sau khi cấp giấy phép sử dụng VLNCN, cơ quan cấp phép phải thông báo với Bộ Công nghiệp bằng văn bản để tổng hợp và quản lý”.

10. Sửa đổi phần G Thông tư 02 như sau:

“G. XỬ LÝ VI PHẠM

1. Nghiêm cấm các hoạt động sản xuất, nghiên cứu chế thử, kinh doanh cung ứng, trao đổi, chuyển nhượng, vay, mượn, bảo quản, vận chuyển và sử dụng VLNCN trái với các quy định tại Nghị định số 27/CP ngày 20 tháng 4 năm 1995, Nghị định số 47/CP ngày 12 tháng 8 năm 1996 và Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 1999 của Chính phủ, các quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật về VLNCN.

2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Thông tư này và các quy định pháp luật liên quan, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 64/2005/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý vật liệu nổ công nghiệp, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

11. Bãi bỏ khoản 3 phần H Thông tư 02 quy định về nhiệm vụ của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng trong quản lý, kiểm tra các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng có liên quan đến VLNCN.

12. Sửa đổi khoản 4 phần H Thông tư 02 như sau:

“4. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ các văn bản hướng dẫn về quản lý, sản xuất, kinh doanh cung ứng và sử dụng VLNCN trước đây của Bộ Công nghiệp trái với Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các ngành, các địa phương, các đơn vị phản ảnh về Bộ Công nghiệp để được xem xét, giải quyết”.

13. Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 02 được sửa đổi, bổ sung như phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này

a) Sửa đổi mẫu 1b: Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

b) Sửa đổi mẫu 1d: Giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.

c) Bổ sung mẫu 1đ: Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp.  

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo./.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Hoàng Trung Hải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.