• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 11/05/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 27/02/2015
BỘ THƯƠNG MẠI
Số: 06/2006/TT-BTM
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Phước, ngày 11 tháng 4 năm 2006

THÔNG TƯ

Hướng dẫn về thủ tục đăng ký dấu nghiệp vụ của thương nhân

kinh doanh dịch vụ giám định thương mại

________________

 

Căn cứ Nghị định số 29/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thương mại;

Căn cứ Nghị định số 20/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 02 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về kinh doanh dịch vụ giám định thương mại,

Bộ Thương mại hướng dẫn về thủ tục đăng ký dấu nghiệp vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại quy định tại Nghị định số 20/2006/NĐ-CP như sau:

I. CƠ QUAN ĐĂNG KÝ DẤU NGHIỆP VỤ

1. Cơ quan đăng ký dấu nghiệp vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại là Sở Thương mại hoặc Sở Thương mại Du lịch nơi thương nhân đăng ký kinh doanh.

Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại theo quy định tại Điều 5 của Nghị định số 20/2006/NĐ-CP do các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương cấp phép thành lập thì đăng ký dấu nghiệp vụ tại Sở Thương mại hoặc Sở Thương mại Du lịch nơi thương nhân đặt trụ sở chính.

2. Trách nhiệm của cơ quan đăng ký dấu nghiệp vụ.

a) Niêm yết công khai các hướng dẫn về điều kiện, trình tự, thời gian và các thủ tục hành chính đăng ký dấu nghiệp vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại tại trụ sở;

b) Đăng ký dấu nghiệp vụ của thương nhân khi thương nhân nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 10 của Nghị định số 20/2006/NĐ-CP;

c) Đảm bảo thời gian đăng ký theo quy định tại Điều 11 của Nghị định số 20/2006/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này;

d) Thu, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký dấu nghiệp vụ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;

đ) Báo cáo bằng văn bản về tình hình đăng ký dấu nghiệp vụ tại địa phương theo yêu cầu của Bộ Thương mại;

e) Đưa và cập nhật thông tin về tình hình đăng ký dấu nghiệp vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định lên trang thông tin điện tử (website) của Bộ Thương mại trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày đăng ký lần đầu, đăng ký bổ sung, sửa đổi, thu hồi dấu nghiệp vụ. Thông báo về tình hình đăng ký dấu nghiệp vụ tới các cơ quan liên quan khi cần thiết;

g) Thực hiện đầy đủ các chế độ lưu trữ hồ sơ đăng ký dấu nghiệp vụ theo quy định của pháp luật về lưu trữ;

h) Giám sát việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ giám định; tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ giám định khi cần thiết để kịp thời xoá đăng ký dấu nghiệp vụ trong những trường hợp quy định tại Điều 12 của Nghị định số 20/2006/NĐ-CP;

i) Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

II. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ DẤU NGHIỆP VỤ

1. Hồ sơ đăng ký dấu nghiệp vụ.

Hồ sơ đăng ký dấu nghiệp vụ bao gồm:

a) Đơn đăng ký dấu nghiệp vụ thực hiện theo mẫu MĐ-1 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (đối với thương nhân hoạt động theo pháp luật về đầu tư tại Việt Nam) có ghi rõ ngành, nghề kinh doanh dịch vụ giám định thương mại;

c) Mẫu con dấu nghiệp vụ mà thương nhân dự định đăng ký (ghi theo mẫu ĐKCD tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này).

2. Tiếp nhận hồ sơ đề nghị đăng ký dấu nghiệp vụ.

a) Khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị đăng ký dấu nghiệp vụ, cơ quan đăng ký dấu nghiệp vụ phải ghi giấy biên nhận và hẹn thời gian trả lời cho thương nhân. Giấy biên nhận hồ sơ được lập thành 02 liên theo mẫu TB-1 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, 01 liên giao cho thương nhân đề nghị đăng ký dấu nghiệp vụ và 01 liên lưu tại cơ quan đăng ký dấu nghiệp vụ;

b) Đối với hồ sơ chưa đầy đủ, trong thời gian tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký dấu nghiệp vụ phải thông báo bằng văn bản cho thương nhân nộp hồ sơ về yêu cầu bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ theo mẫu TB-2  tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Thời hạn xử lý hồ sơ được tính từ thời điểm thương nhân đăng ký dấu nghiệp vụ bổ sung hồ sơ đầy đủ;

c) Thương nhân đăng ký dấu nghiệp vụ có quyền đề nghị cơ quan đăng ký dấu nghiệp vụ giải thích rõ những yêu cầu cần bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ. Cơ quan đăng ký dấu nghiệp vụ có trách nhiệm trả lời đề nghị đó của thương nhân;

3. Đăng ký dấu nghiệp vụ vào Sổ đăng ký dấu nghiệp vụ.

a) Trường hợp chấp thuận đăng ký dấu nghiệp vụ, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, cơ quan đăng ký dấu nghiệp vụ có trách nhiệm thông báo việc chấp thuận đăng ký cho thương nhân bằng văn bản theo mẫu TB-3 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo chấp thuận của cơ quan đăng ký, thương nhân có trách nhiệm mang con dấu nghiệp vụ của mình đến trụ sở cơ quan đăng ký để đăng ký vào Sổ đăng ký dấu nghiệp vụ theo mẫu MSĐKCD tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Trường hợp từ chối đăng ký dấu nghiệp vụ, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, cơ quan đăng ký dấu nghiệp vụ phải thông báo bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do từ chối theo mẫu TB-4 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Cơ quan đăng ký dấu nghiệp vụ ghi mã số đăng ký trong Sổ đăng ký dấu nghiệp vụ theo hướng dẫn như sau:

- Mã số tỉnh: 2 ký tự (theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này).

- Mã số thứ tự của thương nhân: 6 ký tự, từ 000001 đến 999999.

- Các mã số được viết cách nhau bằng dấu gạch ngang.

Ví dụ về ghi Sổ đăng ký dấu nghiệp vụ: Công ty giám định thương mại đăng ký kinh doanh tại Hà Nội, được ghi mã số đăng ký như sau:

01-000008 (Đăng ký dấu nghiệp vụ của công ty giám định thương mại thứ 8 tại Hà Nội).

4.  Thu lệ phí đăng ký dấu nghiệp vụ.

Khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị đăng ký dấu nghiệp vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại, cơ quan đăng ký dấu nghiệp vụ thu lệ phí đăng ký dấu nghiệp vụ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

5. Đăng ký lại dấu nghiệp vụ.

Trường hợp chuyển địa chỉ trụ sở chính sang tỉnh khác, thương nhân có trách nhiệm đăng ký lại dấu nghiệp vụ tại cơ quan đăng ký dấu nghiệp vụ nơi mình chuyển đến. Thủ tục đăng ký thực hiện theo hướng dẫn tại các khoản 1, 2, 3, 4 của Mục này. Trong hồ sơ đăng ký phải có thêm thông báo chấp thuận đăng ký trước đây của cơ quan đăng ký dấu nghiệp vụ nơi thương nhân đã đăng ký kinh doanh. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành thủ tục đăng ký dấu nghiệp vụ tại địa bàn mới, thương nhân có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký dấu nghiệp vụ trước đây để xoá đăng ký.

III. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ BỔ SUNG, SỬA ĐỔI DẤU NGHIỆP VỤ

1. Hồ sơ đăng ký bổ sung, sửa đổi dấu nghiệp vụ.

Hồ sơ đăng ký bổ sung, sửa đổi dấu nghiệp vụ bao gồm:

a) Đơn đề nghị đăng ký bổ sung, sửa đổi dấu nghiệp vụ thực hiện theo mẫu MĐ-2  tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (đối với thương nhân hoạt động theo pháp luật về đầu tư tại Việt Nam);

c) Mẫu con dấu nghiệp vụ mà thương nhân dự định đăng ký bổ sung, sửa đổi (ghi theo mẫu ĐKCD tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này);

d) Mẫu con dấu nghiệp vụ mà thương nhân đã đăng ký (ghi theo mẫu ĐKCD tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này).

2. Thủ tục đăng ký bổ sung, sửa đổi dấu nghiệp vụ thực hiện theo hướng dẫn tại Mục II của Thông tư này.

3. Cơ quan đăng ký dấu nghiệp vụ bổ sung mẫu dấu mới vào Sổ đăng ký dấu nghiệp vụ và giữ nguyên mã số đăng ký.

IV. THU HỒI VÀ CÔNG KHAI VIỆC THU HỒI DẤU NGHIỆP VỤ

Cơ quan đăng ký dấu nghiệp vụ có trách nhiệm thu hồi và hủy dấu nghiệp vụ trong trường hợp thương nhân đăng ký sửa đổi dấu nghiệp vụ và các trường hợp quy định tại Điều 12 của Nghị định số 20/2006/NĐ-CP đồng thời công bố công khai việc thu hồi này tại trụ sở cơ quan theo Mẫu TB-5  tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này và đăng trên trang thông tin điện tử (website) của Bộ Thương mại.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thương mại, Sở Thương mại Du lịch căn cứ vào quy định của pháp luật và hướng dẫn tại Thông tư này tổ chức thực hiện việc đăng ký dấu nghiệp vụ cho thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại.

2. Vụ Thương mại điện tử (Bộ Thương mại) có trách nhiệm xây dựng trang thông tin điện tử (website), phần mềm quản lý thông tin về tình hình đăng ký dấu nghiệp vụ của thương nhân và hướng dẫn việc cập nhật thông tin cho Sở Thương mại, Sở Thương mại Du lịch.

3. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các thương nhân, các ngành, các địa phương phản ánh kịp thời về Bộ Thương mại để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Danh Vĩnh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.