• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 13/02/2017
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 60/2003/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Phước, ngày 23 tháng 6 năm 2003

 

THÔNG TƯ

Quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn

 

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn như sau:

PHẦN I

Những quy định chung

1. Hoạt động tài chính của xã, phường, thị trấn (dưới đây gọi chung là xã) bao gồm ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã.

Uỷ ban nhân dân xã tổ chức quản lý thống nhất ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã.

Quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã phải được thực hiện theo nguyên tắc dân chủ, công khai, hiệu quả và tiết kiệm.

2. Ngân sách xã là một bộ phận của ngân sách nhà nước:

2.1. Thu ngân sách xã bao gồm các khoản thu của ngân sách nhà nước phân cấp cho ngân sách xã và các khoản huy động đóng góp của tổ chức, cá nhân trên nguyên tắc tự nguyện để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng theo quy định của pháp luật do Hội đồng nhân dân xã quyết định đưa vào ngân sách xã quản lý.

a) Thu ngân sách xã gồm: các khoản thu ngân sách xã hưởng 100%, các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách xã với ngân sách cấp trên, thu bổ sung từ ngân sách cấp trên.

b) Đối với khoản thu từ quỹ đất công ích, tài sản công và hoa lợi công sản là nguồn thu thường xuyên của ngân sách xã, xã không được đấu thầu thu khoán một lần cho nhiều năm làm ảnh hưởng đến việc cân đối ngân sách xã các năm sau; trường hợp thật cần thiết phải thu một lần cho một số năm, thì chỉ được thu trong nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân, không được thu trước thời gian của nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân khoá sau, trừ trường hợp thu đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

c) Việc phân cấp nguồn thu cho ngân sách xã phải đảm bảo nguyên tắc:

Phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của Nhà nước và chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của cấp xã;

Phù hợp với việc phân định nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương;

Tỷ lệ phần trăm (%) phân chia một số khoản thu giao cho ngân sách xã không vượt tỷ lệ phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định giao cho từng tỉnh đối với các khoản thu đó; riêng đối với 5 loại thuế, lệ phí theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 34 Luật Ngân sách nhà nước, tỷ lệ phân chia cho ngân sách xã, thị trấn tối thiểu là 70%;

Kết thúc mỗi kỳ ổn định, căn cứ vào khả năng nguồn thu và nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) thực hiện việc điều chỉnh tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp ở địa phương.

Khi phân cấp nguồn thu cho xã phải căn cứ vào nhiệm vụ chi, khả năng thu từ các nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn; phân cấp tối đa nguồn thu tại chỗ, đảm bảo các xã có nguồn thu cân đối được nhiệm vụ chi thường xuyên, các xã có nguồn thu khá có phần dành để đầu tư phát triển, hạn chế việc bổ sung từ ngân sách cấp trên, tăng số xã tự cân đối được ngân sách, giảm dần số xã phải nhận bổ sung cân đối ngân sách từ cấp trên.

2.2. Chi ngân sách xã gồm: chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Việc phân cấp nhiệm vụ chi cho ngân sách xã phải căn cứ vào chế độ phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của Nhà nước, các chính sách chế độ về hoạt động của các cơ quan Nhà nước, Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội; đồng thời phải phù hợp với trình độ, khả năng quản lý của chính quyền xã.

2.3. Dự toán chi ngân sách xã được bố trí khoản dự phòng bằng 2% - 5% tổng số chi để chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, nhiệm vụ quan trọng về trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ cấp bách khác phát sinh ngoài dự toán. Uỷ ban nhân dân xã quyết định sử dụng dự phòng ngân sách xã và định kỳ 3 tháng báo cáo Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân và báo cáo Hội đồng nhân dân xã tại kỳ họp gần nhất.

2.4. Cân đối ngân sách xã phải bảo đảm nguyên tắc chi không vượt quá nguồn thu quy định. Nghiêm cấm đi vay hoặc chiếm dụng vốn dưới mọi hình thức để cân đối ngân sách xã.

2.5. Ngân sách xã do Uỷ ban nhân dân xã xây dựng và quản lý, Hội đồng nhân dân xã quyết định và giám sát.

3. Mọi khoản thu, chi ngân sách xã phải thực hiện quản lý qua Kho bạc Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đối với các xã có khó khăn ở miền núi và vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện quản lý thu, chi trực tiếp qua Kho bạc Nhà nước; Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (dưới đây gọi chung là tỉnh) quy định cơ chế quản lý phù hợp và báo cáo Bộ Tài chính.

4. Thu, chi ngân sách xã phải hạch toán kế toán và quyết toán theo Mục lục ngân sách nhà nước và chế độ kế toán của Nhà nước.

5. Hoạt động tài chính khác của xã theo quy định của pháp luật bao gồm: các quỹ công chuyên dùng của xã; tài chính các hoạt động sự nghiệp của xã; tài chính thôn bản (các khoản thu, chi từ các khoản đóng góp của dân trên nguyên tắc tự nguyện do thôn bản huy động) và một số hoạt động tài chính khác theo quy định của pháp luật. Xã được mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước để gửi các khoản tiền không thuộc ngân sách xã, Kho bạc Nhà nước quản lý các khoản tiền gửi này theo chế độ tiền gửi. Các khoản thu, chi tài chính khác của xã phải hạch toán rõ ràng, minh bạch theo từng loại hoạt động.

6. Uỷ ban nhân dân xã tổ chức quản lý thống nhất các hoạt động tài chính có liên quan đến các loại tài sản công của xã, tài sản của nhà nước và tài sản khác theo chế độ quy định.

PHẦN II

Nguồn thu, nhiệm vụ chi và quy trình quản lý ngân sách xã

I. Nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách xã:

1. Nguồn thu của ngân sách xã: Nguồn thu của ngân sách xã do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp trong phạm vi nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng.

1.1. Các khoản thu ngân sách xã hưởng một trăm phần trăm (100%): Là các khoản thu dành cho xã sử dụng toàn bộ để chủ động về nguồn tài chính bảo đảm các nhiệm vụ chi thường xuyên, đầu tư. Căn cứ quy mô nguồn thu, chế độ phân cấp quản lý kinh tế - xã hội và nguyên tắc đảm bảo tối đa nguồn tại chỗ cân đối cho các nhiệm vụ chi thường xuyên, khi phân cấp nguồn thu, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét dành cho ngân sách xã hưởng 100% các khoản thu dưới đây:

a) Các khoản phí, lệ phí thu vào ngân sách xã theo quy định.

b) Thu từ các hoạt động sự nghiệp của xã, phần nộp vào ngân sách nhà nước theo chế độ quy định;

c) Thu đấu thầu, thu khoán theo mùa vụ từ quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác theo quy định của pháp luật do xã quản lý;

d) Các khoản huy động đóng góp của tổ chức, cá nhân gồm: các khoản huy động đóng góp theo pháp luật quy định, các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng do Hội đồng nhân dân xã quyết định đưa vào ngân sách xã quản lý và các khoản đóng góp tự nguyện khác;

đ) Viện trợ không hoàn lại của các tổ chức và cá nhân ở ngoài nước trực tiếp cho ngân sách xã theo chế độ quy định;

e) Thu kết dư ngân sách xã năm trước;

g) Các khoản thu khác của ngân sách xã theo quy định của pháp luật.

1.2. Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách xã với ngân sách cấp trên:

a) Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước gồm:

Thuế chuyển quyền sử dụng đất;

Thuế nhà, đất;

Thuế môn bài thu từ cá nhân, hộ kinh doanh;

Thuế sử dụng đất nông nghiệp thu từ hộ gia đình;

Lệ phí trước bạ nhà, đất.

Các khoản thu trên, tỷ lệ ngân sách xã, thị trấn được hưởng tối thiểu 70%. Căn cứ vào nguồn thu và nhiệm vụ chi của xã, thị trấn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thể quyết định tỷ lệ ngân sách xã, thị trấn được hưởng cao hơn, đến tối đa là 100%.

b) Ngoài các khoản thu phân chia theo quy định tại điểm a khoản 1.2 nêu trên, ngân sách xã còn được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bổ sung thêm các nguồn thu phân chia sau khi các khoản thuế, lệ phí phân chia theo Luật Ngân sách nhà nước đã dành 100% cho xã, thị trấn và các khoản thu ngân sách xã được hưởng 100% nhưng vẫn chưa cân đối được nhiệm vụ chi.

1.3. Thu bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách xã:

Thu bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách xã gồm:

a) Thu bổ sung để cân đối ngân sách là mức chênh lệch giữa dự toán chi được giao và dự toán thu từ các nguồn thu được phân cấp (các khoản thu 100% và các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm). Số bổ sung cân đối này được xác định từ năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách và được giao ổn định từ 3 đến 5 năm.

b) Thu bổ sung có mục tiêu là các khoản bổ sung theo từng năm để hỗ trợ xã thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể.

1.4. Ngoài các khoản thu nêu tại các khoản 1.1, 1.2 và 1.3, chính quyền xã không được đặt ra các khoản thu trái với quy định của pháp luật.

2. Nhiệm vụ chi của ngân sách xã:

Chi ngân sách xã gồm: chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp nhiệm vụ chi cho ngân sách xã. Căn cứ chế độ phân cấp quản lý kinh tế - xã hội của Nhà nước, các chính sách chế độ về hoạt động của các cơ quan Nhà nước, Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của xã, khi phân cấp nhiệm vụ chi cho ngân sách xã, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét giao cho ngân sách xã thực hiện các nhiệm vụ chi dưới đây:

2.1. Chi đầu tư phát triển gồm:        

a) Chi đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả năng thu hồi vốn theo phân cấp của cấp tỉnh.

b) Chi đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của xã từ nguồn huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân cho từng dự án nhất định theo quy định của pháp luật, do Hội đồng nhân dân xã quyết định đưa vào ngân sách xã quản lý.

c) Các khoản chi đầu tư phát triển khác theo quy định của pháp luật.

2.2. Các khoản chi thường xuyên:

a) Chi cho hoạt động của các cơ quan nhà nước ở xã:

Tiền lương, tiền công cho cán bộ, công chức cấp xã;

Sinh hoạt phí đại biểu Hội đồng nhân dân;

Các khoản phụ cấp khác theo quy định của Nhà nước;

Công tác phí;

Chi về hoạt động, văn phòng, như: chi phí điện, nước, văn phòng phẩm, phí bưu điện, điện thoại, hội nghị, chi tiếp tân, khánh tiết;

Chi mua sắm, sửa chữa thường xuyên trụ sở, phương tiện làm việc;

Chi khác theo chế độ quy định.

b) Kinh phí hoạt động của cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam ở xã.

c) Kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở xã (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam) sau khi trừ các khoản thu theo điều lệ và các khoản thu khác (nếu có).

d) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho cán bộ xã và các đối tượng khác theo chế độ quy định.

đ) Chi cho công tác dân quân tự vệ, trật tự an toàn xã hội:

Chi huấn luyện dân quân tự vệ, các khoản phụ cấp huy động dân quân tự vệ và các khoản chi khác về dân quân tự vệ thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách xã theo quy định của Pháp lệnh về dân quân tự vệ;

Chi thực hiện việc đăng ký nghĩa vụ quân sự, công tác nghĩa vụ quân sự khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách xã theo quy định của pháp luật;

Chi tuyên truyền, vận động và tổ chức phong trào bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã;

Các khoản chi khác theo chế độ quy định.  

e) Chi cho công tác xã hội và hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục thể thao do xã quản lý:

Trợ cấp hàng tháng cho cán bộ xã nghỉ việc theo chế độ quy định (không kể trợ cấp hàng tháng cho cán bộ xã nghỉ việc và trợ cấp thôi việc 1 lần cho cán bộ xã nghỉ việc từ ngày 01/01/1998 trở về sau do tổ chức bảo hiểm xã hội chi); chi thăm hỏi các gia đình chính sách; cứu tế xã hội và công tác xã hội khác;

Chi hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao, truyền thanh do xã quản lý.

g) Chi sự nghiệp giáo dục: Hỗ trợ các lớp bổ túc văn hoá, trợ cấp nhà trẻ, lớp mẫu giáo, kể cả trợ cấp cho giáo viên mẫu giáo và cô nuôi dạy trẻ do xã, thị trấn quản lý (đối với phường do ngân sách cấp trên chi).

h) Chi sự nghiệp y tế: Hỗ trợ chi thường xuyên và mua sắm các khoản trang thiết bị phục vụ cho khám chữa bệnh của trạm y tế xã.

i) Chi sửa chữa, cải tạo các công trình phúc lợi, các công trình kết cấu hạ tầng do xã quản lý như: trường học, trạm y tế, nhà trẻ, lớp mẫu giáo, nhà văn hoá, thư viện, đài tưởng niệm, cơ sở thể dục thể thao, cầu, đường giao thông, công trình cấp và thoát nước công cộng,...; riêng đối với thị trấn còn có nhiệm vụ chi sửa chữa cải tạo vỉa hè, đường phố nội thị, đèn chiếu sáng, công viên, cây xanh... (đối với phường do ngân sách cấp trên chi).

Hỗ trợ khuyến khích phát triển các sự nghiệp kinh tế như: khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm theo chế độ quy định.

k) Các khoản chi thường xuyên khác ở xã theo quy định của pháp luật.

2.3. Căn cứ vào định mức, chế độ, tiêu chuẩn của Nhà nước; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể mức chi thường xuyên cho từng công việc phù hợp với tình hình đặc điểm và khả năng ngân sách địa phương.

II. Quy trình quản lý ngân sách xã:

1. Lập dự toán ngân sách xã:

1.1. Hàng năm, trên cơ sở hướng dẫn của Uỷ ban nhân dân cấp trên, Uỷ ban nhân dân xã lập dự toán ngân sách năm sau (các biểu mẫu theo phụ lục số 1 đến phụ lục số 5 kèm theo Thông tư này) trình Hội đồng nhân dân xã quyết định.

1.2. Căn cứ lập dự toán ngân sách xã:

Các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đảm, bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của xã;

Chính sách, chế độ thu ngân sách nhà nước, cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách xã và tỷ lệ phân chia nguồn thu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định;

Chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định;

Số kiểm tra về dự toán ngân sách xã do Uỷ ban nhân dân huyện thông báo;

Tình hình thực hiện dự toán ngân sách xã năm hiện hành và các năm trước.

1.3. Trình tự lập dự toán ngân sách xã:

a) Ban Tài chính xã phối hợp với cơ quan thuế hoặc đội thu thuế xã (nếu có) tính toán các khoản thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (trong phạm vi phân cấp cho xã quản lý).

b) Các ban, tổ chức thuộc Uỷ ban nhân dân xã căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao và chế độ, định mức, tiêu chuẩn chi lập dự toán chi của đơn vị tổ chức mình.

c) Ban Tài chính xã lập dự toán thu, chi và cân đối ngân sách xã trình Uỷ ban nhân dân xã báo cáo Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã để xem xét gửi Uỷ ban nhân dân huyện và Phòng tài chính huyện. Thời gian báo cáo dự toán ngân sách xã do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

d) Đối với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách, Phòng Tài chính huyện làm việc với Uỷ ban nhân dân xã về cân đối thu, chi ngân sách xã thời kỳ ổn định mới theo khả năng bố trí cân đối chung của ngân sách địa phương. Đối với các năm tiếp theo của thời kỳ ổn định, Phòng Tài chính huyện chỉ tổ chức làm việc với Uỷ ban nhân dân xã về dự toán ngân sách khi Uỷ ban nhân dân xã có yêu cầu.

1.4. Quyết định dự toán ngân sách xã: Sau khi nhận được quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách của Uỷ ban nhân dân huyện, Uỷ ban nhân dân xã hoàn chỉnh dự toán ngân sách xã và phương án phân bổ ngân sách xã trình Hội đồng nhân dân xã quyết định. Sau khi dự toán ngân sách xã được Hội đồng nhân dân xã quyết định, Uỷ ban nhân dân xã báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện, Phòng tài chính huyện, đồng thời thông báo công khai dự toán ngân sách xã cho nhân dân biết theo chế độ công khai tài chính về ngân sách nhà nước.

1.5. Điều chỉnh dự toán ngân sách xã hàng năm (nếu có) trong các trường hợp có yêu cầu của Uỷ ban nhân dân cấp trên để đảm bảo phù hợp với định hướng chung hoặc có biến động lớn về nguồn thu và nhiệm vụ chi.

Uỷ ban nhân dân xã tiến hành lập dự toán điều chỉnh trình Hội đồng nhân dân xã quyết định và báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện.

2. Chấp hành dự toán ngân sách xã:

2.1. Căn cứ dự toán ngân sách xã và phương án phân bổ ngân sách xã cả năm đã được Hội đồng nhân dân xã quyết định, Uỷ ban nhân dân xã phân bổ chi tiết dự toán chi ngân sách xã theo Mục lục ngân sách nhà nước (mẫu biểu theo phụ lục số 6 kèm theo Thông tư này) gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để làm căn cứ thanh toán và kiểm soát chi.

2.2. Căn cứ vào dự toán cả năm và khả năng thu, nhu cầu chi của từng quý, Uỷ ban nhân dân xã lập dự toán thu, chi quý (có chia ra tháng) gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch. Đối với những xã có các nguồn thu chủ yếu theo mùa vụ, Uỷ ban nhân dân xã đề nghị cơ quan tài chính cấp trên thực hiện tiến độ cấp số bổ sung cân đối trong dự toán đã được giao (nếu có) cho phù hợp để điều hành chi theo tiến độ công việc.

2.3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã (hoặc người được uỷ quyền) là chủ tài khoản thu, chi ngân sách xã.

2.4. Xã có quỹ tiền mặt tại xã để thanh toán các khoản chi có giá trị nhỏ. Định mức tồn quỹ tiền mặt tại xã do Kho bạc Nhà nước huyện quy định cho từng loại xã. Riêng những xã ở xa Kho bạc Nhà nước, điều kiện đi lại khó khăn, chưa thể thực hiện việc nộp trực tiếp các khoản thu của ngân sách xã vào Kho bạc Nhà nước, định mức tồn quỹ tiền mặt được quy định ở mức phù hợp.

2.5. Tổ chức thu ngân sách:

a) Ban Tài chính xã có nhiệm vụ phối hợp với cơ quan thuế đảm bảo thu đúng, thu đủ và kịp thời.

b) Đơn vị, cá nhân có nghĩa vụ nộp ngân sách, căn cứ vào thông báo thu của cơ quan thu hoặc của Ban tài chính xã, lập giấy nộp tiền (nộp bằng chuyển khoản hoặc nộp bằng tiền mặt) đến Kho bạc Nhà nước để nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước.

c) Trường hợp đối tượng phải nộp ngân sách không có điều kiện nộp tiền trực tiếp vào ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước theo chế độ quy định, thì:

Đối với các khoản thu thuộc nhiệm vụ thu của cơ quan thuế, cơ quan thuế thu, sau đó lập giấy nộp tiền và nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước. Trường hợp cơ quan thuế uỷ quyền cho Ban Tài chính xã thu, thì cũng thực hiện theo quy trình trên và được hưởng phí uỷ nhiệm thu theo chế độ quy định.

Đối với các khoản thu thuộc nhiệm vụ thu của Ban Tài chính xã, Ban Tài chính xã thu, sau đó lập giấy nộp tiền và nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào quỹ của ngân sách xã để chi theo chế độ quy định nếu là các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện giao dịch thường xuyên với Kho bạc Nhà nước.

d) Nghiêm cấm thu không có biên lai, thu để ngoài sổ sách; khi thu phải giao biên lai cho đối tượng nộp. Cơ quan Thuế, Phòng Tài chính huyện có nhiệm vụ cung cấp biên lai đầy đủ, kịp thời cho Ban Tài chính xã để thực hiện thu nộp ngân sách nhà nước. Định kỳ, Ban Tài chính xã báo cáo việc sử dụng và quyết toán biên lai đã được cấp với cơ quan cung cấp biên lai.

đ) Trường hợp cơ quan có thẩm quyền quyết định phải hoàn trả khoản thu ngân sách xã, Kho bạc Nhà nước xác nhận rõ số tiền đã thu vào ngân sách xã của các đối tượng nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản vào Kho bạc Nhà nước; đối với đối tượng nộp qua cơ quan thu thì cơ quan thu xác nhận để Ban Tài chính xã làm căn cứ hoàn trả.

e) Việc luân chuyển chứng từ thu được thực hiện như sau:

Đối với các khoản thu ngân sách xã được hưởng 100%, Kho bạc Nhà nước chuyển một liên chứng từ thu cho Ban Tài chính xã.

Đối với các khoản thu phân chia với ngân sách cấp trên, Kho bạc Nhà nước lập Bảng kê các khoản thu ngân sách có phân chia cho xã (theo mẫu phụ lục số 14 kèm theo Thông tư này), gửi Ban Tài chính xã.

g) Đối với số thu bổ sung từ ngân sách huyện cho ngân sách xã, Phòng Tài chính huyện căn cứ vào dự toán số bổ sung đã giao cho từng xã, dự toán thu chi hàng quý của các xã và khả năng cân đối của ngân sách huyện, thông báo số bổ sung hàng quý (chia ra tháng) cho xã chủ động điều hành ngân sách. Phòng tài chính huyện cấp số bổ sung cho xã (bằng Lệnh chi tiền) theo định kỳ hàng tháng.

2.6. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách:

a) Trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân trong việc quản lý chi ngân sách xã:

(1) Các tổ chức, đơn vị thuộc xã:

Chi đúng dự toán được giao, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, đúng mục đích, đối tượng và tiết kiệm, có hiệu quả.

Lập dự toán sử dụng kinh phí hàng quý (có chia tháng) gửi Ban Tài chính xã. Khi có nhu cầu chi, làm các thủ tục đề nghị Ban Tài chính xã rút tiền tại Kho bạc hoặc quỹ tại xã để thanh toán.

Chấp hành đúng quy định của pháp luật về kế toán, thống kê và quyết toán sử dụng kinh phí với Ban Tài chính xã và công khai kết quả thu, chi tài chính của tổ chức, đơn vị.

(2) Ban Tài chính xã:

Thẩm tra nhu cầu sử dụng kinh phí của các tổ chức đơn vị.

Bố trí nguồn theo dự toán năm và dự toán quý để đáp ứng nhu cầu chi, trường hợp nhu cầu chi lớn hơn thu trong quý cần có biện pháp đề nghị cấp trên tăng tiến độ cấp bổ sung hoặc tạm thời sắp xếp lại nhu cầu chi phù hợp với nguồn thu, theo nguyên tắc đảm bảo chi lương, có tính chất lương đầy đủ, kịp thời.

Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi ngân sách, sử dụng tài sản của các tổ chức đơn vị sử dụng ngân sách, phát hiện và báo cáo đề xuất kịp thời Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã về những vi phạm chế độ, tiêu chuẩn, định mức để có biện pháp đảm bảo thực hiện mục tiêu và tiến độ quy định.

(3) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã hoặc người được uỷ quyền quyết định chi:

Việc quyết định chi phải theo đúng chế độ, tiêu chuẩn và mức chi trong phạm vi dự toán được phê duyệt và người ra quyết định chi phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, nếu chi sai phải bồi hoàn cho công quỹ và tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

b) Nguyên tắc chi ngân sách:

Việc thực hiện chi phải bảo đảm các điều kiện:

Đã được ghi trong dự toán được giao, trừ trường hợp dự toán và phân bổ dự toán chưa được cấp có thẩm quyền quyết định và chi từ nguồn tăng thu, nguồn dự phòng ngân sách;

Đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định;

Được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã hoặc người được uỷ quyền quyết định chi.

c) Căn cứ vào dự toán chi cả năm, dự toán quý có chia tháng và tiến độ công việc, Ban Tài chính xã làm thủ tục chi trình Chủ tịch xã hoặc người được uỷ quyền quyết định gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch và kèm theo các tài liệu cần thiết theo quy định của pháp luật. Việc thanh toán các khoản chi của ngân sách xã bằng Lệnh chi ngân sách xã. Trên Lệnh chi ngân sách xã phải ghi cụ thể, đầy đủ chương, loại, khoản, mục, tiểu mục theo quy định của Mục lục ngân sách nhà nước, kèm theo Bảng kê chứng từ chi (theo mẫu phụ lục số 15 kèm theo Thông tư này); đối với các khoản chi lớn phải kèm theo tài liệu chứng minh. Trường hợp thanh toán một lần có nhiều chương, thì lập thêm Bảng kê chi, chi tiết theo Mục lục ngân sách nhà nước (theo mẫu phụ lục số 16 kèm theo Thông tư này), trên Bảng kê ghi rõ số hiệu, ngày tháng của Lệnh chi ngân sách xã, đồng thời trên Lệnh chi ngân sách xã phải ghi rõ số hiệu của Bảng kê, tổng số tiền.

Trường hợp thanh toán bằng tiền mặt, sử dụng Lệnh chi ngân sách xã bằng tiền mặt. Kho bạc Nhà nước kiểm tra, nếu đủ điều kiện thì thực hiện thanh toán cho khách hàng hoặc người được sử dụng.

Trong những trường hợp thật cần thiết, như tạm ứng công tác phí, ứng tiền trước cho khách hàng, cho nhà thầu theo hợp đồng, chuẩn bị hội nghị, tiếp khách, mua sắm nhỏ,... được tạm ứng để chi. Trong trường hợp này, trên Lệnh chi ngân sách xã chỉ ghi tổng số tiền cần tạm ứng. Khi thanh toán tạm ứng phải có đủ chứng từ hợp lệ, Ban Tài chính xã phải lập Bảng kê chứng từ chi (theo mẫu phụ lục số 15 kèm theo Thông tư này) và Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng (theo mẫu phụ lục số 17 kèm theo Thông tư này) gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch làm thủ tục chuyển tạm ứng sang thực chi ngân sách.

Các khoản thanh toán ngân sách xã qua Kho bạc Nhà nước cho các đối tượng có tài khoản giao dịch ở Kho bạc Nhà nước hoặc ở ngân hàng phải được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản (trừ trường hợp khoản chi nhỏ có thể thanh toán bằng tiền mặt). Khi thanh toán bằng chuyển khoản, sử dụng Lệnh chi ngân sách xã bằng chuyển khoản.

Đối với các khoản chi từ các nguồn thu được giữ lại tại xã, Ban Tài chính xã phối hợp với Kho bạc Nhà nước định kỳ làm thủ tục hạch toán thu, hạch toán chi vào ngân sách xã; khi làm thủ tục hạch toán thu, hạch toán chi phải kèm theo Bảng kê chứng từ thu và Bảng kê chứng từ chi theo đúng chế độ quy định.

d) Chi thường xuyên:

(1) Ưu tiên chi trả tiền lương, các khoản phụ cấp cho cán bộ công chức xã, nghiêm cấm việc nợ lương và các khoản phụ cấp.

(2) Các khoản chi thường xuyên khác phải căn cứ vào dự toán năm, khối lượng thực hiện công việc, khả năng của ngân sách xã tại thời điểm chi để thực hiện chi cho phù hợp.

đ) Chi đầu tư phát triển:

(1) Việc quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách xã phải thực hiện đầy đủ theo quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản và phân cấp của tỉnh; việc cấp phát thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách xã thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

(2) Đối với dự án đầu tư bằng nguồn đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện, ngoài các quy định chung cần phải bảo đảm:

Mở sổ sách theo dõi và phản ánh kịp thời mọi khoản đóng góp bằng tiền, ngày công lao động, hiện vật của nhân dân.

Quá trình thi công, nghiệm thu và thanh toán phải có sự giám sát của Ban giám sát dự án do nhân dân cử.

Kết quả đầu tư và quyết toán dự án phải được thông báo công khai cho nhân dân biết.

(3) Thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ bản phải đảm bảo đúng dự toán, nguồn tài chính theo chế độ quy định, nghiêm cấm việc nợ xây dựng cơ bản, chiếm dụng vốn dưới mọi hình thức.

2.7. Kiểm tra, giám sát hoạt động ngân sách xã:

a) Hội đồng nhân dân xã giám sát việc thực hiện thu, chi ngân sách xã.

b) Các cơ quan tài chính cấp trên thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý ngân sách xã.

3. Kế toán và quyết toán ngân sách xã:

3.1. Ban Tài chính xã có trách nhiệm thực hiện công tác hạch toán kế toán và quyết toán ngân sách xã theo Mục lục ngân sách nhà nước và chế độ kế toán ngân sách xã hiện hành; thực hiện chế độ báo cáo kế toán và quyết toán theo quy định. Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch thực hiện công tác kế toán thu, chi quỹ ngân sách xã theo quy định; định kỳ hàng tháng, quý báo cáo tình hình thực hiện thu, chi ngân sách xã, tồn quỹ ngân sách xã gửi Uỷ ban nhân dân xã; và báo cáo đột xuất khác theo yêu cầu của Uỷ ban nhân dân xã.

3.2. Thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách xã hết ngày 31 tháng 01 năm sau.

3.3. Để thực hiện công tác khoá sổ và quyết toán hàng năm, Ban Tài chính xã thực hiện các việc sau đây:

a) Ngay trong tháng 12 phải rà soát tất cả các khoản thu, chi theo dự toán, có biện pháp thu đầy đủ các khoản phải thu vào ngân sách và giải quyết kịp thời các nhu cầu chi theo dự toán. Trường hợp có khả năng hụt thu phải chủ động có phương án sắp xếp lại các khoản chi để đảm bảo cân đối ngân sách xã.

b) Phối hợp với Kho bạc Nhà nước huyện nơi giao dịch đối chiếu tất cả các khoản thu, chi ngân sách xã trong năm, bảo đảm hạch toán đầy đủ, chính xác các khoản thu, chi theo Mục lục ngân sách nhà nước, kiểm tra lại số thu được phân chia giữa các cấp ngân sách theo tỉ lệ quy định.

c) Đối với các khoản tạm thu, tạm giữ, tạm vay (nếu có) phải xem xét xử lý hoặc hoàn trả, trường hợp chưa xử lý được, thì phải làm thủ tục chuyển sang năm sau.

d) Các khoản thu, chi phát sinh vào thời điểm cuối năm được thực hiện theo nguyên tắc sau:

Các khoản thu phải nộp chậm nhất trước cuối giờ làm việc ngày 31/12, nếu nộp sau thời hạn trên phải hạch toán vào thu ngân sách năm sau.

Nhiệm vụ chi được bố trí trong dự toán ngân sách năm, chỉ được chi trong niên độ ngân sách năm đó, các khoản chi có trong dự toán đến hết 31/12 chưa thực hiện được không được chuyển sang năm sau chi tiếp, trừ trường hợp cần thiết phải chi nhưng chưa chi được, phải được Uỷ ban nhân dân quyết định cho chi tiếp, khi đó hạch toán và quyết toán như sau: nếu thực hiện trong thời gian chỉnh lý quyết toán thì dùng tồn quỹ năm trước để chi và quyết toán vào ngân sách năm trước; nếu được quyết định thực hiện trong năm sau, thì làm thủ tục chuyển nguồn sang năm sau để chi tiếp và thực hiện quyết toán vào chi ngân sách năm sau.    

3.4. Quyết toán ngân sách xã hàng năm:

a) Ban Tài chính xã lập báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách xã hàng năm (các biểu mẫu theo phụ lục số 7 đến phụ lục số 13 kèm theo Thông tư này) trình Uỷ ban nhân dân xã xem xét để trình Hội đồng nhân dân xã phê chuẩn, đồng thời gửi Phòng Tài chính huyện để tổng hợp. Thời gian gửi báo cáo quyết toán năm cho Phòng Tài chính huyện do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

b) Quyết toán chi ngân sách xã không được lớn hơn quyết toán thu ngân sách xã. Kết dư ngân sách xã là số chênh lệch lớn hơn giữa số thực thu và số thực chi ngân sách xã. Toàn bộ kết dư năm trước (nếu có) được chuyển vào thu ngân sách năm sau.

c) Sau khi Hội đồng nhân dân xã phê chuẩn, báo cáo quyết toán được lập thành 05 bản để gửi cho Hội đồng nhân dân xã, Uỷ ban nhân dân xã, Phòng tài chính huyện, Kho bạc Nhà nước nơi xã giao dịch (để làm thủ tục ghi thu kết dư ngân sách), lưu Ban tài chính xã và thông báo công khai nơi công cộng cho nhân dân trong xã biết.

d) Phòng Tài chính huyện có trách nhiệm thẩm định báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách xã, trường hợp có sai sót phải báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện yêu cầu Hội đồng nhân dân xã điều chỉnh.         

PHẦN III

Phạm vi và tổ chức quản lý các hoạt động tài chính khác của xã

1. Các quỹ công chuyên dùng của xã:

Các quỹ công chuyên dùng của xã quy định tại Thông tư này là các quỹ tài chính được lập theo quy định của Nhà nước (quỹ quốc phòng an ninh, quỹ đền ơn đáp nghĩa,...) và các khoản đóng góp trên nguyên tắc tự nguyện của nhân dân do thôn, bản huy động đã được Hội đồng nhân dân xã quyết định nhưng không đưa vào ngân sách xã theo chế độ quy định. Nội dung, mức và phương thức quản lý thu chi quỹ thực hiện theo quy định của Nhà nước đối với từng quỹ và quy định của Hội đồng nhân dân xã.

Ban Tài chính xã có nhiệm vụ giúp Uỷ ban nhân dân xã quản lý các quỹ trên (thực hiện thu, chi; tổ chức hạch toán, quyết toán riêng từng quỹ; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định,...). Kinh phí của các quỹ chưa sử dụng hết trong năm được chuyển sang năm sau.

Uỷ ban nhân dân xã phải báo cáo kết quả hoạt động hàng năm của từng quỹ cho Hội đồng nhân dân xã, Uỷ ban nhân dân huyện, Phòng Tài chính huyện và công khai cho nhân dân biết.

2. Hoạt động tài chính các sự nghiệp của xã:

Hoạt động tài chính các sự nghiệp của xã bao gồm: các hoạt động của các trạm y tế, trường mầm non, các hoạt động văn hoá thông tin, thể dục thể thao, các hoạt động quản lý đò, chợ, đầm hồ ao, đất đai, tài nguyên, bến bãi,... do Uỷ ban nhân dân xã trực tiếp đứng ra tổ chức và quản lý theo chế độ quy định.

Mọi hoạt động tài chính các sự nghiệp của xã được tổ chức quản lý thống nhất theo nguyên tắc:

a) Uỷ ban nhân dân xã giao cho các ban, ngành, tổ chức của xã trực tiếp thực hiện từng loại sự nghiệp. Các ban, ngành, tổ chức trên phải lập kế hoạch tài chính hàng năm, trình Uỷ ban nhân dân xã duyệt, trong kế hoạch tài chính phải tính toán đầy đủ các khoản thu, các khoản chi; số phải nộp ngân sách xã hoặc số hỗ trợ từ ngân sách xã theo chế độ quy định (nếu có). Uỷ ban nhân dân xã có nhiệm vụ tổng hợp báo cáo kế hoạch tài chính và kết quả tài chính hàng năm của từng hoạt động sự nghiệp trình Hội đồng nhân dân xã. Hội đồng nhân dân xã giám sát các hoạt động sự nghiệp này.

b) Ban Tài chính xã giúp Uỷ ban nhân dân xã quản lý tài chính các hoạt động sự nghiệp của xã (hướng dẫn các đơn vị được giao thực hiện các hoạt động sự nghiệp trong việc tổ chức hạch toán và quyết toán thu, chi; thực hiện chế độ báo cáo tài chính phù hợp với từng hoạt động, kiểm tra thường xuyên và đột xuất tình hình tài chính của các hoạt động này,...).

3. Các hoạt động tài chính của thôn bản:

Các khoản đóng góp trên nguyên tắc tự nguyện của nhân dân để sử dụng vào các mục đích cụ thể phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng thôn bản do thôn bản trực tiếp huy động và không đưa vào ngân sách xã. Việc huy động chỉ được thực hiện sau khi có sự thống nhất, tự nguyện của nhân dân về chủ trương, mức huy động và phải báo cáo Uỷ ban nhân dân xã. Thôn bản phải cử người mở sổ sách ghi chép đầy đủ, cụ thể các khoản thu, chi và công khai với nhân dân kết quả huy động, kết quả sử dụng các nguồn tài chính trên. Thôn bản chỉ thu chi theo từng công việc. Trường hợp tiền huy động chưa sử dụng tới, thôn bản có thể nhờ xã gửi vào tài khoản tiền gửi của xã tại Kho bạc Nhà nước. Ban Tài chính xã có nhiệm vụ giúp Uỷ ban nhân dân xã hướng dẫn, kiểm tra (khi cần thiết) về tài chính đối với hoạt động tài chính thôn bản.

4. Các hoạt động tài chính khác của xã:

4.1. Hoạt động tài chính của các tổ chức Đảng, đoàn thể được quản lý theo điều lệ của từng tổ chức, không đưa vào ngân sách xã và không thuộc các hoạt động tài chính khác của Uỷ ban nhân dân xã. Các tổ chức Đảng, đoàn thể ở xã phải cử người mở sổ sách theo dõi cụ thể từng khoản thu, chi; tự tổ chức thu, chi và thực hiện chế độ báo cáo, công khai tài chính theo qui định của từng tổ chức.

4.2. Các khoản thu hộ, chi hộ: gồm các khoản thu, chi thuộc nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan khác nhờ xã thu, chi hộ (học phí, các khoản đóng góp cho các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,...). Ban Tài chính xã giúp Uỷ ban nhân dân xã thực hiện các khoản thu hộ, chi hộ theo chế độ quy định hiện hành, không được sử dụng các khoản thu hộ, chi hộ sai mục đích và phải mở sổ sách để theo dõi riêng, cụ thể từng khoản thu hộ, chi hộ này.

PHẦN IV

Tổ chức thực hiện

1. Căn cứ vào quy định của Thông tư này, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết cho phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương, đồng thời chỉ đạo cơ quan tài chính cấp tỉnh, chính quyền và cơ quan tài chính cấp huyện tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình quản lý ngân sách và quản lý các hoạt động tài chính khác của các xã, phường, thị trấn; giải quyết, xử lý kịp thời những vướng mắc, sai phạm phát sinh trong quá trình thực hiện của các xã.

2. Uỷ ban nhân dân các cấp có kế hoạch cụ thể từng bước củng cố Ban Tài chính của các xã để Ban Tài chính xã thực hiện tốt chức năng giúp Uỷ ban nhân dân xã quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã theo chế độ quy định. Chức danh và số lượng cán bộ của các Ban Tài chính xã căn cứ vào khối lượng công việc, quy mô thu, chi và định biên được Chính phủ quy định.

2.1. Ban Tài chính xã gồm:

a) Trưởng ban là uỷ viên Uỷ ban nhân dân phụ trách công tác tài chính, có nhiệm vụ giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã tổ chức thực hiện công tác quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của  xã.

b) Phụ trách kế toán phải là người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tối thiểu trung cấp tài chính kế toán; ở miền núi cao đặc biệt khó khăn, tối thiểu phải qua đào tạo ngắn hạn chuyên ngành tài chính kế toán, nhưng phải có kế hoạch đào tạo để đạt trình độ trung cấp vào năm 2005. Người phụ trách kế toán có nhiệm vụ giúp Trưởng ban tài chính quản lý hoạt động thu, chi ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác ở xã; thực hiện công tác kế toán, quyết toán ngân sách xã và các quỹ của xã. Đối với những xã quy mô lớn, quản lý phức tạp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện có thể cho phép xã được bố trí thêm một cán bộ tài chính kế toán làm việc theo chế độ hợp đồng lao động hiện hành.

c) Thủ quỹ có nhiệm vụ quản lý quỹ tiền mặt của xã (đối với xã có quy mô thu chi nhỏ có thể sử dụng cán bộ kiêm nhiệm, nhưng không được là cán bộ kế toán xã).

2.2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải có kế hoạch từ nay đến năm 2005 bố trí đủ cán bộ đã được đào tạo theo tiêu chuẩn để quản lý tài chính - ngân sách xã, đồng thời thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xã để bảo đảm đủ năng lực quản lý tài chính - ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Việc tuyển chọn và thay thế cán bộ đối với từng chức danh của Ban Tài chính xã thực hiện theo quy định của Nhà nước.

3. Thông tư này thay thế Thông tư số 118/2000/TT- BTC ngày 22/12/2000 của Bộ Tài chính quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác ở xã, phường, thị trấn và có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2004. Các văn bản, chế độ về quản lý tài chính, ngân sách xã trước đây trái với quy định tại Thông tư này không còn hiệu lực thi hành.

4. Uỷ ban nhân dân và cơ quan tài chính các cấp chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc cần phản ánh về Bộ Tài chính để kịp thời giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Văn Tá

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.