• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/12/2013
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 137/2013/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Phước, ngày 7 tháng 10 năm 2013

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn quản lý, sử dụng và thanh toán, quyết toán kinh phí

 bảo đảm trật tự an toàn giao thông do ngân sách nhà nước cấp

__________________

 

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16/12/2002 (số 01/2002/QH11);

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 57/2011/QĐ-TTg ngày 18/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng và thanh toán, quyết toán kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông do ngân sách nhà nước cấp như sau:

Điều 1. Quy định chung

1. Thông tư này hướng dẫn quản lý, sử dụng và thanh toán, quyết toán kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông (sau đây viết tắt là TTATGT).

2. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT; bao gồm: Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Ban An toàn giao thông địa phương; các lực lượng trực tiếp tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông trực thuộc Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Nguồn kinh phí bảo đảm TTATGT: Kinh phí ngân sách nhà nước cấp từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành do các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện; các khoản hỗ trợ, viện trợ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước cho hoạt động đảm bảo TTATGT và nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

4. Các tổ chức, cá nhân sử dụng kinh phí bảo đảm TTATGT phải chi theo nội dung được cấp có thẩm quyền phê duyệt và trong dự toán chi NSNN đã được giao, đảm bảo đúng chế độ chi hiện hành của nhà nước; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền; thực hiện thanh quyết toán kinh phí hàng năm theo quy định hiện hành.

Điều 2. Nội dung chi bảo đảm trật tự an toàn giao thông của trung ương

1. Nội dung chi của Ủy Ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải:

a) Chi xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án về bảo đảm TTATGT trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, để các Bộ, ngành và địa phương thực hiện;

b) Chi công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương thực hiện các nhiệm vụ về bảo đảm TTATGT;

c) Chi truyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông; Nhân rộng các mô hình điểm về bảo đảm TTATGT;

d) Chi hội thảo, hội nghị sơ kết, tổng kết công tác bảo đảm TTATGT;

đ) Chi tập huấn nghiệp vụ an toàn giao thông quốc gia;

e) Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT;

g) Chi khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động bảo đảm TTATGT theo quy định của pháp luật;

h) Chi thăm hỏi gia đình nạn nhân bị chết trong các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng hoặc nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn;

i) Chi mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác bảo đảm TTATGT. Việc mua sắm trang thiết bị, phương tiện thực hiện theo định mức, tiêu chuẩn, chế độ hiện hành;

k) Chi sửa chữa trang thiết bị, phương tiện, xăng dầu phục vụ cho công tác bảo đảm TTATGT;

l) Chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ bị thương, tai nạn hoặc gia đình cán bộ hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT;

m) Chi bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ theo quy định hiện hành;

n) Chi khác bảo đảm TTATGT (nếu có).

2. Nội dung chi bảo đảm trật tự an toàn giao thông của Bộ Công an:

a) Chi truyên truyền, hội nghị, hội thảo về công tác bảo đảm TTATGT;

b) Chi hoạt động kiểm tra về công tác bảo đảm TTATGT;

c) Chi tập huấn nghiệp vụ về trật tự an toàn giao thông;

d) Chi thực hiện quá trình điều tra tai nạn giao thông;

đ) Chi bồi dưỡng cho cán bộ chiến sỹ trực tiếp tham gia bảo đảm TTATGT ban đêm (bao gồm cả lực lượng cảnh sát khác tham gia trực tiếp cho nhiệm vụ bảo đảm TTATGT theo quy định tại Nghị định số 27/2010/NĐ-CP ngày 24/3/2010 của Chính phủ quy định việc huy động các lực lượng Cảng sát khác và công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết và Thông tư số 47/2011/TT-BCA ngày 2/7/2011 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 27/2010/NĐ-CP của Chính phủ);

e) Chi mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác bảo đảm TTATGT. Việc mua sắm trang thiết bị, phương tiện thực hiện theo định mức, tiêu chuẩn, chế độ hiện hành;

g) Chi sửa chữa trang thiết bị, phương tiện, xăng dầu phục vụ cho công tác bảo đảm TTATGT;

h) Chi sửa chữa, nâng cấp sở chỉ huy, đội, đồn, trạm kiểm soát giao thông, nơi tạm giữ phương tiện vi phạm TTATGT; sửa chữa trang thiết bị, máy móc, phương tiện phục vụ công tác bảo đảm TTATGT;

i) Chi khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm TTATGT theo quy định của pháp luật;

k) Chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ chiến sỹ bị thương, tai nạn hoặc gia đình cán bộ chiến sỹ hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT;

l) Chi hợp tác quốc tế về TTATGT;

m) Chi khác phục vụ trực tiếp công tác bảo đảm TTAGT.

Điều 3. Nội dung chi bảo đảm trật tự an toàn giao thông của địa phương

1. Chi xây dựng kế hoạch và biện pháp phối hợp các ban, ngành và chính quyền các cấp trong việc thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT và khắc phục ùn tắc giao thông;

2. Chi xây dựng các chương trình, đề án về bảo đảm TTATGT; nhân rộng các mô hình điểm về bảo đảm TTATGT;

3. Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT;

4. Chi công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc phối hợp hoạt động của các ngành, các tổ chức và các đoàn thể trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT và khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn;

5. Chi khắc phục sự cố đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông;

6. Chi hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT;

7. Chi khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động bảo đảm TTATGT theo quy định của pháp luật;

8. Chi thăm hỏi gia đình nạn nhân bị chết trong các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng hoặc nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn;

9. Chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ bị thương, tai nạn hoặc gia đình cán bộ hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT;

10. Chi hội thảo, hội nghị sơ kết, tổng kết công tác bảo đảm TTATGT;

11. Chi bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ theo quy định hiện hành;

12. Chi khác trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT (nếu có)

Trường hợp địa phương có thành lập Ban An toàn giao thông tại quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Quyết định số 57/2011/QĐ-TTg ngày 18/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ, nội dung chi bảo đảm trật tự an toàn giao thông của quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định cho phù hợp trên cơ sở nội dung quy định tại Thông tư này.

Điều 4. Mức chi

1. Mức chi cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông thực hiện theo định mức, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

2. Đối với nội dung chi chưa có mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức chi và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

3. Một số mức chi quy định như sau:

a) Mức chi bồi dưỡng cho cán bộ chiến sỹ trực tiếp tham gia bảo đảm TTATGT ban đêm (bao gồm cả lực lượng cảnh sát khác tham gia trực tiếp cho nhiệm vụ bảo đảm TTATGT theo quy định tại Nghị định số 27/2010/NĐ-CP ngày 24/3/2010 của Chính phủ): tối đa 100.000 đồng/người/ca.

b) Chi công tác phí, hội nghị, tập huấn thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 6/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

c) Mức chi khen thưởng theo quy định tại Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 25/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Thi đua khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thi đua khen thưởng.

Điều 5. Lập, phân bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Việc lập, phân bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí bảo đảm TTATGT thực hiện theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật; Thông tư này hướng dẫn thêm một số nội dung sau:

1. Lập dự toán:

Hàng năm, căn cứ Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước; Thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính; tình hình thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT năm báo cáo; yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm TTATGT năm kế hoạch; chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và mức chi quy định tại Điều 4 Thông tư này; các đơn vị lập dự toán kinh phí bảo đảm TTATGT như sau:

a) Kinh phí bảo đảm TTATGT trung ương:

Bộ Giao thông vận tải lập dự toán kinh phí đảm bảo TTATGT (bao gồm cả kinh phí thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia), Bộ Công an lập dự toán kinh phí đảm bảo TTATGT (bao gồm cả kinh phí thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT của Công an các địa phương). Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an có trách nhiệm tổng hợp dự toán chi bảo đảm TTATGT vào dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt theo quy định.

b) Kinh phí bảo đảm TTATGT địa phương:

Sở Giao thông vận tải lập dự toán kinh phí đảm bảo TTATGT (bao gồm cả kinh phí thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT của Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), gửi cơ quan Tài chính cùng cấp xem xét, tổng hợp chung vào dự toán chi ngân sách hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, để trình Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định.

2. Quản lý, cấp phát và thanh toán

Việc quản lý, cấp phát, thanh toán kinh phí sự nghiệp kinh tế bảo đảm TTATGT thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.

3. Công tác quyết toán

a) Các đơn vị được giao dự toán kinh phí sự nghiệp kinh tế bảo đảm TTATGT có trách nhiệm quyết toán theo quy định.

b) Việc xét duyệt và thẩm định báo cáo quyết toán theo quy định của Bộ Tài chính hướng dẫn xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ và ngân sách các cấp.

Điều 6. Công tác kiểm tra

Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an; Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Tài chính cùng cấp kiểm tra định kỳ, đột xuất các đơn vị về tình hình thực hiện nhiệm vụ và kinh phí bảo đảm TTATGT.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2013 và thay thế Thông tư số 106/2004/TT-BTC ngày 9/11/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông do ngân sách trung ương cấp.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Minh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.