• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 10/10/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 29/06/2018
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ-BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN-BỘ TÀI CHÍNH
Số: 04/2013/TTLT-BKHĐT-BNNPTNT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Phước, ngày 19 tháng 8 năm 2013

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư liên tịch số

03/2012/TTLT-BKHĐT-BNNPTNT-BTC ngày 5/6/2012 hướng dẫn thực hiện

Quyết định 147/2007/QĐ-TTg và Quyết định 66/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

_____________________

 

Căn cứ Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015 (sau đây gọi là Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg);

Căn cứ Quyết định số 66/2011/QĐ-TTg ngày 9 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi một số điều của Quyết định 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Quyết định 66/2011/QĐ-TTg);

Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung một số quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BKHĐT-BNNPTNT-BTC ngày 5/6/2012 hướng dẫn thực hiện Quyết định 147/2007/QĐ-TTg và Quyết định 66/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BKHĐT-BNNPTNT-BTC như sau:

1. Sửa đổi quy định tại khoản 9 Mục II của Thông tư số 03/2012/TTLT-BKHĐT-BNNPTNT-BTC như sau:

a) Dòng thứ 3 từ trên xuống của Biểu quy định tại trang 11 của Thông tư thành: “Chi phí khảo sát, thiết kế, ký hợp đồng là 150.000 đ/ha”.

b) Dòng thứ 6 từ trên xuống quy định tại trang 12 của Thông tư thành: “Sử dụng mức hỗ trợ khảo sát, thiết kế là 150.000 đồng/ha”.

2. Hủy bỏ quy định tại tiết b, c, d, đ điểm 17.4, khoản 17, Mục II của Thông tư và quy định thay thế như sau:

a) Tiết b mới: Nhà máy chỉ được thanh toán vốn hỗ trợ vận chuyển sau khi hoàn thành đầu tư và đã nghiệm thu theo quy định; công suất tính hỗ trợ kinh phí là công suất tính thực tế khi nghiệm thu. Trường hợp trong một nhà máy có nhiều nhà máy nhỏ mà mỗi nhà máy nhỏ đều đạt “Điều kiện hỗ trợ nhà máy” quy định tại tại điểm b, khoản này thì cho phép nghiệm thu theo từng nhà máy nhỏ.

- Trình tự nghiệm thu: Sau khi hoàn thành nhà máy, chủ đầu tư có văn bản yêu cầu nghiệm thu gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong vòng 20 ngày làm việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm mời các thành viên để nghiệm thu công suất thực tế của nhà máy. Thành phần ban nghiệm thu nhà máy do Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, và đại diện các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học Công nghệ, Công thương, UBND huyện nơi đặt nhà máy. Hồ sơ nghiệm thu bao gồm: Văn bản yêu cầu nghiệm thu; giấy chứng nhận đầu tư; giấy phép xây dựng nhà máy; quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán của chủ đầu tư.

- Nội dung nghiệm thu: xác định công suất thực tế của nhà máy để xác định mức hỗ trợ.

- Mức hỗ trợ vận chuyển: theo quy định tại khoản 6, Điều 1 Quyết định số 66/2011/QĐ-TTg ngày 09/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Cách tính tổng số tiền được hỗ trợ lần đầu như sau: A = S (tấn) x L (km) x 5 (năm) x 1.500 (đồng/km) x 70%; trong đó:

+ A là tổng số tiền được hỗ trợ lần đầu ngay sau khi nghiệm thu;

+ S là công suất thực tế nhà máy được nghiệm thu;

+ L là quãng đường vận chuyển (đến trung tâm Hà Nội theo đường ô tô gần nhất)

- Hồ sơ thanh toán vốn hỗ trợ vận chuyển bao gồm:

+ Quyết định hỗ trợ nhà máy của cấp có thẩm quyền;

+ Kế hoạch phân bổ vốn hỗ trợ cho nhà máy;

+ Biên bản nghiệm thu công suất thực tế của nhà máy;

+ Giấy đề nghị thanh toán vốn của chủ đầu tư

b) Tiết c mới: Điều kiện nhận hỗ trợ vốn:

- Nhà nước chỉ hỗ trợ đối với nhà máy sản xuất ván ghép thanh kết hợp với ván dăm hoặc ván ghép thanh kết hợp với ván MDF để tận dụng nguyên liệu, hoặc nhà máy sản xuất ván ép, khối ép từ gỗ, tre luồng. Nhà máy không được dời địa bàn đăng ký sản xuất trong vòng 20 năm.

- Nhà máy xây dựng có quy mô công suất thực tế tối thiểu 10.000 m3/năm. Thiết bị máy mới 100%, hoặc thiết bị đã qua sử dụng nhưng được sản xuất tại các nước phát triển sau năm 2000.

- Doanh nghiệp phải có diện tích rừng sản xuất đã trồng đến thời kỳ được thu hoạch bảo đảm cung cấp nguyên liệu cho nhà máy tối thiểu đạt 50% công suất thiết kế, hoặc nơi đặt nhà máy đã có vùng nguyên liệu bảo đảm cung cấp cho nhà máy đạt 100% công suất thiết kế.

- Là doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Nếu là doanh nghiệp nhà nước thì chỉ hỗ trợ cơ sở chế biến gỗ đã được cổ phần hóa với phần vốn nhà nước chiếm không quá 50%.”

3. Hủy bỏ tiết c điểm 22.5 khoản 22 mục III của Thông tư và được thay thế như sau: Việc thanh toán, quyết toán vốn ngân sách nhà nước cho các dự án thực hiện chính sách phát triển rừng sản xuất thực hiện theo quy định tại Thông tư 172/TT-BTC ngày 01/12/2011 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình lâm sinh thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn khác của nhà nước bổ sung (nếu có)

Điều 2. Điều khoản thi hành.

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 10 năm 2013. Các nội dung không hướng dẫn tại Thông tư này được tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BKHĐT-BNNPTNT-BTC ngày 5/6/2012 hướng dẫn thực hiện Quyết định 147/2007/QĐ-TTg và Quyết định 66/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài chính.

2. Trong quá trình thực hiện Thông tư nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị có văn bản báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Tài chính, để xem xét giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Nguyễn Văn Hiếu

Hà Công Tuấn

Phạm Sỹ Danh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.