• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 07/12/2006
UBND TỈNH BÌNH PHƯỚC
Số: 22/2006/CT-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Phước, ngày 27 tháng 11 năm 2006

CHỈ THỊ

Về việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý

___________________

Luật Trợ giúp pháp lý được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2007. Để thi hành Luật Trợ trợ giúp pháp lý, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2006 về việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý. Luật Trợ giúp pháp lý có ý nghĩa quan trọng, thể chế hoá quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước, thể hiện truyền thống đạo lý của dân tộc, trách nhiệm của Nhà nước đối với người nghèo, người hưởng chính sách ưu đãi về trợ giúp pháp lý, giúp những người này có điều kiện tiếp cận và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong nhân dân, thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Để thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Chỉ thị các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã thực hiện việc triển khai Luật Trợ giúp pháp lý như sau:

I. Tổ chức triển khai Luật Trợ giúp pháp lý và tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về trợ giúp pháp lý và tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới thi hành Luật Trợ giúp pháp lý

1. Sở Tư pháp (cơ quan Thường trực của Hội đồng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh) thực hiện triển khai Luật Trợ giúp pháp lý cho các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh;

2. Sở Tư pháp phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh rà soát văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh về công tác trợ giúp pháp lý để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh không còn phù hợp với Luật Trợ giúp pháp lý hoặc kiến nghị cơ quan có thầm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo thẩm quyền nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật;

3. Các Sở, ban, ngành tổ chức triển khai Luật Trợ giúp pháp lý cho đơn vị, cán bộ, công chức thuộc ngành tỉnh;

4. UBND các huyện, thị xã tổ chức triển khai cho các phòng, ban thuộc huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn của huyện, thị xã;

5. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh, Công an tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện trợ giúp pháp lý có liên quan đến hoạt động tố tụng theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý.

II. Về kiện toàn tổ chức, bộ máy của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước

Sở Tư pháp chịu trách nhiệm:

1. Phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính rà soát củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ công chức bảo đảm biên chế, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, tăng cường năng lực cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý;

2. Phối hợp với Sở Nội vụ và UBND các huyện, thị xã tham mưu trình UBND tỉnh thành lập các Chi nhánh Trung tâm Trợ giúp pháp lý ở những huyện, thị xã có nhu cầu;

3. Rà soát tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh, đội ngũ Cộng tác viên của các ngành, tổ chức bảo đảm phối hợp tốt với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước để thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý.

III. Hoạt động truyền thông về Luật Trợ giúp pháp lý

1. Hội đồng tuyền truyền phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh, Hội đồng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của huyện, thị xã chỉ đạo, tổ chức phổ biến rộng rãi Luật Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh;

2. Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động tới cấp xã, phường, thị trấn để triển khai Luật Trợ giúp pháp lý; chú trọng đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới bằng các hình thức thiết thực, có hiệu quả;

3. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Bình Phước tăng cường giới thiệu nội dung Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn; tổ chức thực hiện đưa tin, bài, phóng sự miễn phí về công tác trợ giúp pháp lý;

4. Các Sở, Ban, ngành tich cực động viên, tạo điều kiện để cán bộ công chức của ngành mình tham gia (là Cộng tác viên Trợ giúp pháp lý) thực hiện có hiệu quả công tác Trợ giúp pháp lý của Nhà nước đối với người nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh;

5. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tích cực phối hợp chuẩn bị triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý; giới thiệu, động viên những người trong tổ chức mình có đủ điều kiện tham gia Cộng tác viên Trợ giúp pháp lý, khuyến khích các Trung tâm Tư vấn pháp luật của tổ chức mình đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp cân đối ngân sách bảo đảm nguồn kinh phí cho việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu quả.

2. Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra đôn đốc, báo cáo UBND tỉnh về việc tổ chức thực hiện triển khai Luật Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh.

3. Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

TM. Ủy ban nhân dân

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

NGUYỄN VĂN THỎA

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.