• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/10/2015
CHÍNH PHỦ
Số: 68/2015/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Phước, ngày 18 tháng 8 năm 2015

NGHỊ ĐỊNH

Quy định đăng ký quốc tịch và đăng ký các quyền đối với tàu bay

____________________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 21 tháng 11 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

Chính phủ ban hành Nghị định về đăng ký quốc tịch và đăng ký các quyền đối với tàu bay.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về việc đăng ký quốc tịch và đăng ký các quyền đối với tàu bay tại Việt Nam, bao gồm: Đăng ký, xóa đăng ký quốc tịch tàu bay; đăng ký và xóa đăng ký các quyền đối với tàu bay; cấp mã số để đăng ký, xóa đăng ký các quyền lợi quốc tế đối với tàu bay mang quốc tịch Việt Nam; đăng ký, xóa đăng ký văn bản chỉ định người có quyền yêu cầu xóa đăng ký hoặc xuất khẩu tàu bay.

2. Nghị định này không quy định về đăng ký quốc tịch và đăng ký các quyền đối với tàu bay công vụ, bao gồm tàu bay quân sự, tàu bay chuyên dụng của lực lượng hải quan, công an và các tàu bay khác sử dụng cho mục đích công vụ nhà nước, trừ trường hợp tàu bay công vụ được dùng vào mục đích dân dụng.

3. Việc đăng ký thế chấp hoặc đăng ký cầm cố đối với tàu bay được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc đăng ký quốc tịch, đăng ký các quyền đối với tàu bay tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Đăng ký quốc tịch tàu bay bao gồm đăng ký tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, đăng ký tạm thời tàu bay mang quốc tịch Việt Nam.

2. Các quyền đối với tàu bay, bao gồm:

a) Quyền sở hữu tàu bay;

b) Quyền chiếm hữu tàu bay thông qua việc thuê - mua hoặc thuê tàu bay có thời hạn từ sáu tháng trở lên;

c) Thế chấp, cầm cố tàu bay hoặc các giao dịch bảo đảm khác theo quy định của pháp luật về dân sự;

d) Quyền ưu tiên thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay;

đ) Các quyền khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Công ước và Nghị định thư Cape Town (gọi tắt là Công ước Cape Town) là Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay.

4. Quyền lợi quốc tế đối với tàu bay là các quyền lợi do người nhận bảo đảm bằng tàu bay, người cho thuê tàu bay, người bán tàu bay có điều kiện nắm giữ theo quy định của Công ước Cape Town.

5. Quyền lợi quốc tế được đăng ký là các quyền lợi quốc tế đối với tàu bay được đăng ký tại Tổ chức Đăng ký quốc tế theo quy định của Công ước Cape Town.

6. Mã số AEP (Authority Entry Point Code) là mã số được cấp theo quy định của Công ước Cape Town để phục vụ cho việc đăng ký hoặc xóa đăng ký các quyền lợi quốc tế đối với tàu bay.

7. Văn bản IDERA (Irrevocable De-registration and Export Request Authorisation) là văn bản được ban hành theo quy định của Công ước Cape Town, trong đó chỉ rõ người có quyền yêu cầu xóa đăng ký hoặc xuất khẩu tàu bay.

8. Thứ tự ưu tiên thanh toán là thứ tự của các khoản nợ được ưu tiên thanh toán theo quy định của pháp luật.

Chương II

ĐĂNG KÝ, XÓA ĐĂNG KÝ QUỐC TỊCH TÀU BAY; XUẤT KHẨU TÀU BAY

Mục 1

ĐĂNG KÝ QUỐC TỊCH TÀU BAY

Điều 4. Yêu cầu và điều kiện đăng ký quốc tịch tàu bay

1. Yêu cầu về đăng ký quốc tịch tàu bay

a) Tàu bay thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam, tàu bay được thuê - mua hoặc thuê không có tổ bay với thời hạn thuê từ 24 tháng trở lên để khai thác tại Việt Nam phải đăng ký mang quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Nghị định này.

b) Trong thời hạn sáu (06) tháng kể từ ngày nhập khẩu vào Việt Nam, tàu bay phải được đăng ký mang quốc tịch Việt Nam.

2. Điều kiện tàu bay được đăng ký mang quốc tịch Việt Nam

a) Chưa có quốc tịch của bất kỳ quốc gia nào hoặc đã xóa đăng ký quốc tịch nước ngoài;

b) Có giấy tờ hợp pháp chứng minh về quyền sở hữu tàu bay; quyền chiếm hữu tàu bay đối với trường hợp thuê - mua hoặc thuê tàu bay;

c) Đối với tàu bay đã qua sử dụng phải đáp ứng yêu cầu về tuổi của tàu bay theo quy định của pháp luật.

d) Đáp ứng các điều kiện, yêu cầu về đảm bảo quốc phòng, an ninh; an toàn hàng không, an ninh hàng không và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

3. Điều kiện tàu bay được đăng ký tạm thời mang quốc tịch Việt Nam

Tàu bay được đăng ký tạm thời mang quốc tịch Việt Nam nếu tàu bay đó đang trong giai đoạn chế tạo, lắp ráp hoặc thử nghiệm tại Việt Nam và đáp ứng các điều kiện quy định tại các Điểm a, b và d Khoản 2 Điều này.

4. Người có quyền đề nghị đăng ký quốc tịch tàu bay, bao gồm:

a) Chủ sở hữu tàu bay;

b) Người thuê – mua tàu bay, người thuê tàu bay (sau đây gọi chung là người thuê tàu bay).

Điều 5. Thủ tục đăng ký tàu bay mang quốc tịch Việt Nam

1. Người đề nghị đăng ký tàu bay mang quốc tịch Việt Nam gửi hồ sơ trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin ghi trong hồ sơ.

2. Hồ sơ đề nghị đăng ký tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, bao gồm:

a) Tờ khai theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu) giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký;

c) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu) giấy tờ hợp pháp chứng minh về sở hữu tàu bay;

d) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu) giấy chứng nhận chưa có đăng ký do quốc gia nhà chế tạo cấp hoặc giấy chứng nhận đã xóa đăng ký do quốc gia đã đăng ký cấp;

đ) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu) tài liệu về tình trạng kỹ thuật của tàu bay, bao gồm: Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu còn hiệu lực đối với tàu bay được sản xuất tại nước ngoài; văn bản xác nhận của nhà chế tạo về tuân thủ các điều kiện thiết kế, chế tạo còn hiệu lực đối với tàu bay mới xuất xưởng; lý lịch ghi chép đầy đủ tình trạng thực hiện các chỉ lệnh hoặc thông báo kỹ thuật đã được thực hiện trên tàu bay; lý lịch ghi chép đầy đủ tình trạng kỹ thuật của tàu bay, động cơ và các thiết bị khác;

e) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu) hợp đồng mua tàu bay hoặc hợp đồng thuê tàu bay hoặc thuê – mua tàu bay.

3. Tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự.

4. Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu bay mang quốc tịch Việt Nam theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không cấp, Cục Hàng không Việt Nam phải trả lời người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn hai (02) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản hướng dẫn người đề nghị đăng ký hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

5. Người đề nghị đăng ký tàu bay mang quốc tịch Việt Nam phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Thủ tục đăng ký tạm thời tàu bay mang quốc tịch Việt Nam

1. Người đề nghị đăng ký tạm thời tàu bay mang quốc tịch Việt Nam gửi hồ sơ trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin ghi trong hồ sơ.

2. Hồ sơ đề nghị đăng ký tạm thời tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, bao gồm:

a) Tờ khai theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu) giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký;

c) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu) giấy tờ hợp pháp chứng minh về sở hữu tàu bay;

d) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu) giấy tờ hợp pháp chứng minh việc tàu bay đang trong giai đoạn chế tạo, lắp ráp hoặc thử nghiệm tại Việt Nam;

đ) Hồ sơ thiết kế tàu bay.

3. Tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự.

4. Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu bay mang quốc tịch Việt Nam theo Mẫu số 05 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không cấp, Cục Hàng không Việt Nam phải trả lời người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, trong thời hạn hai (02) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản hướng dẫn người đề nghị đăng ký hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

5. Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu bay mang quốc tịch Việt Nam có giá trị hiệu lực không quá 36 tháng kể từ ngày cấp và không được gia hạn.

6. Người đề nghị đăng ký tạm thời tàu bay mang quốc tịch Việt Nam phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay

1. Trong trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký tàu bay mang quốc tịch Việt Nam hoặc Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu bay mang quốc tịch Việt Nam bị rách, hư hỏng hoặc bị mất thì người đề nghị đăng ký phải thông báo bằng văn bản đến Cục Hàng không Việt Nam để được cấp lại Giấy chứng nhận.

2. Người đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay gửi hồ sơ trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin ghi trong hồ sơ.

3. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay bao gồm:

a) Tờ khai theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu) giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký.

4. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam thực hiện việc cấp lại Giấy chứng nhận tàu bay mang quốc tịch Việt Nam hoặc Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu bay mang quốc tịch Việt Nam; thu hồi Giấy chứng nhận tàu bay mang quốc tịch Việt Nam hoặc Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu bay mang quốc tịch Việt Nam trừ trường hợp bị mất; đăng thông tin trên Trang thông tin điện tử của Cục Hàng không Việt Nam.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, trong thời hạn hai (02) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản hướng dẫn người đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

5. Người đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

Mục 2

 XÓA ĐĂNG KÝ QUỐC TỊCH TÀU BAY, XUẤT KHẨU TÀU BAY

Điều 8. Các trường hợp xóa đăng ký quốc tịch

1. Các trường hợp tàu bay bị xóa đăng ký mang quốc tịch Việt Nam, gồm:

a) Tàu bay bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật;

b) Tàu bay không còn đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định này;

c) Theo đề nghị của chủ sở hữu tàu bay hoặc người đề nghị đăng ký tàu bay;

d) Theo đề nghị của người được chỉ định tại văn bản IDERA.

2. Các trường hợp tàu bay bị xóa đăng ký tạm thời tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, gồm:

a) Thời hạn đăng ký tạm thời đã hết theo Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu bay mang quốc tịch Việt Nam;

b) Tàu bay không còn trong giai đoạn chế tạo, lắp ráp hoặc thử nghiệm tại Việt Nam;

c) Theo đề nghị của chủ sở hữu tàu bay hoặc người được chỉ định tại văn bản IDERA.

Điều 9. Thủ tục xóa đăng ký quốc tịch tàu bay

1. Đối với trường hợp xóa đăng ký quy định tại các Điểm a, b Khoản 1 và Điểm a, b Khoản 2 Điều 8 Nghị định này, Cục Hàng không Việt Nam quyết định xóa đăng ký quốc tịch tàu bay và cấp Giấy chứng nhận xóa đăng ký quốc tịch tàu bay theo Mẫu số 06 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; thu hồi Giấy chứng nhận tàu bay mang quốc tịch Việt Nam hoặc Giấy chứng nhận tàu bay tạm thời mang quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp bị mất hoặc tiêu hủy theo tàu bay.

2. Đối với trường hợp xóa đăng ký quy định tại các Điểm c, d Khoản 1, Điểm c Khoản 2 Điều 8 Nghị định này, người đề nghị xóa đăng ký quốc tịch tàu bay gửi hồ sơ trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức khác đến Cục Hàng không Việt Nam và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin ghi trong hồ sơ.

Trường hợp văn bản IDERA đã được đăng ký theo quy định tại Nghị định này thì chỉ người được chỉ định tại văn bản IDERA có quyền đề nghị xóa đăng ký quốc tịch tàu bay,

3. Hồ sơ đề nghị xóa đăng ký quốc tịch tàu bay Việt Nam, bao gồm:

a) Tờ khai theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu) giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị xóa đăng ký;

c) Trường hợp người đề nghị xóa đăng ký là người được chỉ định tại văn bản IDERA thì hồ sơ phải bao gồm cả văn bản đồng ý xóa đăng ký và xuất khẩu tàu bay của những người có quyền lợi quốc tế đã được đăng ký có thứ tự ưu tiên cao hơn so với quyền lợi quốc tế của người đề nghị xóa đăng ký hoặc có tài liệu để chứng minh các quyền lợi quốc tế được đăng ký có thứ tự ưu tiên cao hơn đã được thực hiện;

d) Trường hợp người đề nghị xóa đăng ký là người nhận bảo đảm bằng tàu bay theo chỉ định tại văn bản IDERA, hồ sơ phải bao gồm cả tài liệu chứng minh người đề nghị xóa đăng ký đã thông báo bằng văn bản đến những người có quyền lợi quốc tế đã được đăng ký, chủ sở hữu tàu bay, người đề nghị đăng ký quốc tịch tàu bay về việc đề nghị xóa đăng ký tàu bay ít nhất 10 ngày trước ngày nộp hồ sơ đề nghị.

4. Tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự.

5. Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận xóa đăng ký quốc tịch tàu bay Việt Nam theo Mẫu số 06 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; thu hồi Giấy chứng nhận tàu bay mang quốc tịch Việt Nam hoặc Giấy chứng nhận tàu bay tạm thời mang quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp bị mất hoặc tiêu hủy theo tàu bay; trường hợp không cấp, Cục Hàng không Việt Nam phải trả lời người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, trong thời hạn hai (02) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản hướng dẫn người đề nghị xóa đăng ký hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

6. Người đề nghị xóa đăng ký quốc tịch tàu bay phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Xuất khẩu tàu bay

1. Điều kiện xuất khẩu tàu bay bao gồm:

a) Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu còn hiệu lực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc công nhận;

b) Đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh; an toàn hàng không, an ninh hàng không và bảo vệ môi trường theo quy định;

c) Phù hợp với nhu cầu khai thác hoặc kinh doanh của tổ chức, cá nhân đề nghị;

d) Tàu bay đã được xóa đăng ký mang quốc tịch Việt Nam.

2. Người có quyền đề nghị xuất khẩu tàu bay, bao gồm:

a) Chủ sở hữu tàu bay; người cho thuê tàu bay;

b) Người được chỉ định tại văn bản IDERA.

3. Trường hợp chủ sở hữu tàu bay, người cho thuê tàu bay đề nghị xuất khẩu tàu bay thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đề nghị đăng ký tàu bay.

4. Trường hợp văn bản IDERA đã được đăng ký theo quy định tại Nghị định này thì chỉ người được chỉ định tại văn bản IDERA có quyền đề nghị xuất khẩu tàu bay.

5. Việc xuất khẩu tàu bay được thực hiện theo quy định tại Nghị định này, quy định về cấp phép bay và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Mục 3

DẤU HIỆU QUỐC TỊCH VÀ DẤU HIỆU ĐĂNG KÝ

Điều 11. Dấu hiệu quốc tịch và dấu hiệu đăng ký

1. Dấu hiệu quốc tịch Việt Nam của tàu bay bao gồm biểu tượng Quốc kỳ Việt Nam và dấu hiệu đăng ký của tàu bay mang quốc tịch Việt Nam.

2. Dấu hiệu đăng ký của tàu bay mang quốc tịch Việt Nam được biểu thị bằng hai (02) chữ cái viết liền “VN” và tiếp theo là dấu gạch nối “-”, một trong các chữ cái sau đây và ba (03) chữ số Ả rập:

a) Chữ “A” đối với tàu bay có động cơ phản lực (Turbofan/Turbojet);

b) Chữ “B” đối với tàu bay có động cơ phản lực cánh quạt (Turboprop);

c) Chữ “C” đối với tàu bay có động cơ piston;

d) Chữ “D” đối với các phương tiện bay khác.

Điều 12. Yêu cầu chung đối với việc sơn, gắn dấu hiệu quốc tịch và dấu hiệu đăng ký tàu bay

1. Khi hoạt động, tàu bay mang quốc tịch Việt Nam phải được sơn hoặc gắn dấu hiệu quốc tịch và dấu hiệu đăng ký.

2. Tàu bay mang quốc tịch Việt Nam không được có dấu hiệu có nội dung hoặc hình thức bảo đảm giống hoặc có thể gây nhầm lẫn với tàu bay mang quốc tịch của quốc gia khác.

3. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm thông báo với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) về dấu hiệu quốc tịch và dấu hiệu đăng ký của tàu bay mang quốc tịch Việt Nam.

Điều 13. Vị trí và kích thước của dấu hiệu quốc tịch và dấu hiệu đăng ký

1. Dấu hiệu quốc tịch và dấu hiệu đăng ký của tàu bay mang quốc tịch Việt Nam được thể hiện trên thân và cánh tàu bay phải bảo đảm có độ bền, rõ ràng và dễ nhận biết bằng mắt thường hoặc bằng các phương tiện nhận biết thông thường khác.

2. Yêu cầu đối với việc sơn hoặc gắn dấu hiệu quốc tịch và dấu hiệu đăng ký, cụ thể như sau:

a) Biểu tượng Quốc kỳ Việt Nam có chiều rộng bằng hai phần ba (2/3) chiều dài, kích thước cân đối và phù hợp với từng loại tàu bay; được sơn hoặc gắn ở hai mặt ngoài của cánh đuôi đứng hoặc hai bên phần đầu thân của tàu bay.

b) Chữ và số thể hiện dấu hiệu đăng ký phải được trình bày bằng chữ và số in hoa; chiều cao của mỗi ký tự (trừ dấu gạch nối) trong cùng một nhóm dấu hiệu phải bằng nhau;

c) Chiều rộng của mỗi ký tự (trừ số 1) phải bằng hai phần ba (2/3) chiều cao của mỗi ký tự; chiều rộng của số 1 phải bằng một phần sáu (1/6) chiều cao của mỗi ký tự. Dấu gạch nối phải nằm ở khoảng giữa chiều cao của ký tự và có chiều rộng bằng một nửa chiều cao của ký tự;

d) Đường nét của mỗi ký tự phải là nét đậm, có màu sắc tương phản với nền của vị trí được sơn, gắn dấu hiệu. Độ rộng của đường nét bằng một phần sáu chiều cao của mỗi ký tự. Khoảng cách giữa các ký tự ít nhất phải bằng một phần tư (1/4) chiều rộng của mỗi ký tự.

3. Vị trí và chiều cao của việc sơn, gắn dấu hiệu đăng ký đối với tàu bay nặng hơn không khí, cụ thể như sau:

a) Ở cánh của tàu bay: Mặt dưới của cánh trái và có thể là toàn bộ mặt dưới của hai cánh nếu phải kéo dài. Dấu hiệu phải nằm ở vị trí cách đều với mép trước và mép sau của cánh; đỉnh của dấu hiệu phải hướng về mép trước của cánh tàu bay. Chiều cao của dấu hiệu ít nhất phải bằng 50 cm;

b) Ở thân của tàu bay (hoặc các cấu trúc tương tự) và bề mặt đuôi đứng: Chiều cao của dấu hiệu ít nhất bằng 30 cm và tại hai bên của thân tàu bay, trong khoảng giữa cánh và đuôi nằm ngang hoặc nửa trên của hai mặt đối với tàu bay có một đuôi đứng, nửa trên của mặt ngoài của các đuôi phía ngoài đối với tàu bay có nhiều đuôi đứng.

4. Việc sơn hoặc gắn dấu hiệu đối với tàu bay khác không phải tàu bay nặng hơn không khí do người đăng ký tàu bay quyết định phù hợp với quy định tại các Khoản 1 và 2 Điều này.

5. Trường hợp tàu bay được thuê có tổ lái, tàu bay phải được sơn hoặc gắn dấu hiệu quốc tịch và dấu hiệu đăng ký theo quy định tại Nghị định này trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày nhập khẩu vào Việt Nam.

Chương III

ĐĂNG KÝ CÁC QUYỀN ĐỐI VỚI TÀU BAY, XÓA ĐĂNG KÝ QUYỀN SỞ HỮU TÀU BAY, QUYỀN CHIẾM HỮU TÀU BAY

Mục 1

ĐĂNG KÝ QUYỀN SỞ HỮU TÀU BAY, QUYỀN CHIẾM HỮU

TÀU BAY

Điều 14. Nguyên tắc chung

1. Các quyền đối với tàu bay mang quốc tịch Việt Nam phải được đăng ký theo quy định tại Nghị định này.

2. Tổ chức, cá nhân Việt Nam có các quyền đối với tàu bay mang quốc tịch nước ngoài thì thực hiện việc đăng ký theo quy định của pháp luật của quốc gia mà tàu bay mang quốc tịch.

3. Thời điểm đăng ký các quyền đối với tàu bay quy định tại Khoản 1 Điều này được xác định theo thời điểm nhận hồ sơ hợp lệ.

Điều 15. Thủ tục đăng ký quyền sở hữu tàu bay

1. Chủ sở hữu tàu bay đề nghị đăng ký quyền sở hữu tàu bay gửi hồ sơ trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức khác đến Cục Hàng không Việt Nam và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin ghi trong hồ sơ.

2. Hồ sơ đề nghị đăng ký quyền sở hữu tàu bay Việt Nam bao gồm:

a) Tờ khai theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu) giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký;

c) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu) giấy tờ hợp pháp chứng minh về sở hữu tàu bay; trường hợp chuyển quyền sở hữu tàu bay phải có thêm giấy tờ chứng minh quyền sở hữu của chủ sở hữu cũ.

3. Tài liệu, hồ sơ bằng tiếng nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự.

4. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu tàu bay theo Mẫu số 07 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không cấp, Cục Hàng không Việt Nam phải trả lời người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, trong thời hạn một (01) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản hướng dẫn người đề nghị đăng ký hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

5. Người đề nghị đăng ký quyền sở hữu tàu bay phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Thủ tục đăng ký quyền chiếm hữu tàu bay

1. Người thuê tàu bay đề nghị đăng ký quyền chiếm hữu tàu bay gửi hồ sơ trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin ghi trong hồ sơ.

2. Hồ sơ đề nghị đăng ký quyền chiếm hữu tàu bay Việt Nam bao gồm:

a) Tờ khai theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu) giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký;

c) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu) hợp đồng thuê tàu bay hoặc thuê mua tàu bay trong trường hợp bên cho thuê trong Hợp đồng thuê tàu bay hoặc bên cho thuê mua trong Hợp đồng cho thuê mua tàu bay đồng thời là chủ sở hữu tàu bay;

d) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu) hợp đồng thuê tàu bay hoặc thuê mua tàu bay và giấy tờ chứng minh bên cho thuê hoặc bên cho thuê mua tàu bay có quyền cho thuê lại tàu bay trong trường hợp bên cho thuê trong Hợp đồng cho thuê tàu bay hoặc bên cho thuê mua trong Hợp đồng cho thuê mua tàu bay không phải là chủ sở hữu tàu bay.

3. Tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự.

4. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền chiếm hữu tàu bay theo Mẫu số 08 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không cấp, Cục Hàng không Việt Nam phải trả lời người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, trong thời hạn một (01) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản hướng dẫn người đề nghị đăng ký hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

5. Người đề nghị đăng ký quyền chiếm hữu tàu bay phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Thủ tục đăng ký quyền ưu tiên thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay

1. Trong thời hạn chín mươi (90) ngày, kể từ ngày kết thúc việc cứu hộ, giữ gìn tàu bay, người đề nghị đăng ký quyền ưu tiên thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay gửi hồ sơ trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin ghi trong hồ sơ.

2. Hồ sơ đề nghị đăng ký quyền ưu tiên thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay bao gồm:

a) Tờ khai theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu) giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký.

3. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền ưu tiên thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay theo Mẫu số 09 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không cấp, Cục Hàng không Việt Nam phải trả lời người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, trong thời hạn một (01) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản hướng dẫn người đề nghị đăng ký hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

4. Người đề nghị đăng ký quyền ưu tiên thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Đăng ký quyền ưu tiên thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay của tàu bay mang quốc tịch nước ngoài

Việc đăng ký quyền ưu tiên thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay của tàu bay mang quốc tịch nước ngoài được thực hiện theo pháp luật của quốc gia đăng ký tàu bay. Cục Hàng không Việt Nam xác nhận việc cứu hộ, giữ gìn tàu bay đã thực hiện tại Việt Nam và thông báo cho quốc gia đăng ký tàu bay.

Điều 19. Thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký các quyền đối với tàu bay

1. Giấy chứng nhận đăng ký các quyền đối với tàu bay đã cấp nếu bị rách, hư hỏng hoặc bị mất thì người đề nghị đăng ký phải thực hiện thủ tục để được cấp lại theo quy định tại Nghị định này.

2. Người đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký các quyền đối với tàu bay gửi hồ sơ trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin ghi trong hồ sơ.

3. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký các quyền đối với tàu bay bao gồm:

a) Tờ khai theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu) giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký.

4. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam thực hiện việc cấp lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu tàu bay, Giấy chứng nhận quyền chiếm hữu tàu bay hoặc Giấy chứng nhận đăng ký quyền ưu tiên thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay; thu hồi Giấy chứng nhận quyền sở hữu tàu bay, Giấy chứng nhận quyền chiếm hữu tàu bay hoặc Giấy chứng nhận đăng ký quyền ưu tiên thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay trừ trường hợp bị mất; đăng thông tin trên Trang thông tin điện tử của Cục Hàng không Việt Nam; trường hợp không cấp, Cục Hàng không Việt Nam phải trả lời người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, trong thời hạn hai (02) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản hướng dẫn người đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký các quyền đối với tàu bay hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

5. Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký các quyền đối với tàu bay nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

Mục 2

XÓA ĐĂNG KÝ QUYỀN SỞ HỮU TÀU BAY, QUYỀN CHIẾM HỮU TÀU BAY

Điều 20. Thủ tục xóa đăng ký quyền sở hữu tàu bay

1. Chủ sở hữu tàu bay đề nghị xóa đăng ký quyền sở hữu tàu bay gửi hồ sơ trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực của các thông tin trong hồ sơ.

2. Hồ sơ đề nghị xóa đăng ký quyền sở hữu tàu bay Việt Nam bao gồm:

a) Tờ khai theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu) giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị xóa đăng ký.

3. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận xóa đăng ký quyền sở hữu tàu bay theo Mẫu số 10 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; thu hồi Giấy chứng nhận quyền sở hữu tàu bay đã cấp; trường hợp không cấp, Cục Hàng không Việt Nam phải trả lời người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, trong thời hạn một (01) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản hướng dẫn người đề nghị đăng ký hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

Điều 21. Thủ tục xóa đăng ký quyền chiếm hữu tàu bay

1. Người thuê tàu bay đã đăng ký đề nghị xóa đăng ký quyền chiếm hữu tàu bay gửi hồ sơ trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực của các thông tin ghi trong hồ sơ.

2. Hồ sơ đề nghị xóa đăng ký quyền chiếm hữu tàu bay Việt Nam bao gồm:

a) Tờ khai theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu) giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị xóa đăng ký.

3. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận xóa đăng ký quyền chiếm hữu tàu bay theo Mẫu số 10 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; thu hồi Giấy chứng nhận quyền chiếm hữu tàu bay đã cấp; trường hợp không cấp, Cục Hàng không Việt Nam phải trả lời người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, trong thời hạn một (01) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản hướng dẫn người đề nghị đăng ký hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

Chương IV

THỦ TỤC CẤP MÃ SỐ AEP VÀ THỦ TỤC ĐĂNG KÝ, XÓA ĐĂNG KÝ VĂN BẢN IDERA

Điều 22. Thủ tục cấp mã số AEP

1. Tổ chức, cá nhân có các quyền lợi quốc tế đối với tàu bay mang quốc tịch Việt Nam đề nghị cấp mã số AEP gửi hồ sơ trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam và phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của các thông tin ghi trong hồ sơ.

2. Hồ sơ đề nghị cấp mã số AEP, bao gồm:

a) Hai (02) tờ khai cấp mã số AEP theo Mẫu số 11 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu) giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị cấp mã số AEP;

c) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu) giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền lợi quốc tế đối với tàu bay của người đề nghị cấp mã số AEP.

3. Tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự.

4. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam cấp mã số AEP và trả lại một (01) tờ khai cho người đề nghị; trường hợp không cấp, Cục Hàng không Việt Nam phải trả lời người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, trong thời hạn một (01) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản hướng dẫn người đề nghị đăng ký hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

5. Người đề nghị cấp mã số AEP nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Thủ tục đăng ký văn bản IDERA

1. Chủ sở hữu tàu bay hoặc người đề nghị đăng ký tàu bay đề nghị đăng ký văn bản IDERA gửi hồ sơ trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam và phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của các thông tin ghi trong hồ sơ.

2. Hồ sơ đề nghị đăng ký văn bản IDERA, bao gồm:

a) Hai (02) tờ khai đăng ký văn bản IDERA theo Mẫu số 12 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu) giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký văn bản IDERA;

c) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu) tài liệu chứng minh quyền lợi quốc tế của người được chỉ định đối với tàu bay mang quốc tịch Việt Nam.

3. Tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự.

4. Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam xác nhận đăng ký trong tờ khai đăng ký văn bản IDERA và trả lại một (01) tờ khai cho người đề nghị; trường hợp không cấp, Cục Hàng không Việt Nam phải trả lời người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, trong thời hạn một (01) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản hướng dẫn người đề nghị đăng ký hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

5. Người đề nghị đăng ký văn bản IDERA phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

Điều 24. Thủ tục xóa đăng ký văn bản IDERA

1. Người được chỉ định trong văn bản IDERA đề nghị xóa đăng ký văn bản IDERA gửi hồ sơ trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam và phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của các thông tin ghi trong hồ sơ.

2. Hồ sơ đề nghị xóa đăng ký văn bản IDERA bao gồm:

a) Hai (02) tờ khai xóa đăng ký văn bản IDERA theo Mẫu số 13 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu) giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị xóa đăng ký văn bản IDERA.

3. Tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự.

4. Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam cấp xác nhận xóa đăng ký trong tờ khai xóa đăng ký văn bản IDERA và trả lại một (01) tờ khai cho người đề nghị; trường hợp không cấp, Cục Hàng không Việt Nam phải trả lời người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, trong thời hạn một (01) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản hướng dẫn người đề nghị đăng ký hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

5. Người đề nghị xóa đăng ký văn bản IDERA phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

Chương V

SỔ ĐĂNG BẠ TÀU BAY VIỆT NAM

Điều 25. Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam

1. Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam được sử dụng để ghi các thông tin liên quan đến đăng ký, xóa đăng ký quốc tịch và các quyền đối với tàu bay, việc xử lý tài sản bảo đảm bằng tàu bay và các thông tin khác liên quan đến tàu bay mang quốc tịch Việt Nam và tàu bay tạm thời mang quốc tịch Việt Nam.

Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam được lập dưới dạng Sổ ghi chép trên giấy hoặc lập Sổ điện tử.

2. Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:

a) Ngày vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam đối với từng loại đăng ký;

b) Giấy chứng nhận đã cấp với từng loại đăng ký: Số, ngày cấp;

c) Quốc tịch và số hiệu đăng ký;

d) Loại tàu bay;

đ) Nhà sản xuất tàu bay;

e) Số và ngày xuất xưởng tàu bay;

g) Phân nhóm tàu bay;

h) Giấy chứng nhận loại tàu bay: Số, cơ quan cấp;

i) Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu: Số, cơ quan cấp, ngày cấp;

k) Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay: Số, cơ quan cấp, ngày cấp;

l) Chủ sở hữu: Tên đầy đủ, địa chỉ, quốc tịch;

m) Người chiếm hữu: Tên đầy đủ, địa chỉ, quốc tịch;

n) Thời hạn của việc chiếm hữu đối với tàu bay thuê;

o) Người khai thác: Tên đầy đủ, địa chỉ, quốc tịch;

p) Người thuê tàu bay: Tên đầy đủ, địa chỉ, quốc tịch;

q) Bên bảo đảm: Tên đầy đủ, địa chỉ, quốc tịch;

r) Bên nhận bảo đảm: Tên đầy đủ, địa chỉ, quốc tịch;

s) Giá trị nghĩa vụ được bảo đảm bằng tàu bay;

t) Thời hạn có hiệu lực của việc đăng ký giao dịch bảo đảm;

u) Người thông báo xử lý tài sản bảo đảm bằng tàu bay: Tên đầy đủ, địa chỉ, quốc tịch;

v) Tên đầy đủ, địa chỉ, quốc tịch của người thực hiện cứu hộ, giữ gìn tàu bay;

x) Thời hạn có hiệu lực đối với tàu bay được đăng ký tạm thời quốc tịch;

y) Xóa đăng ký đối với từng loại đăng ký: Ngày, lý do xóa đăng ký;

z) Các thông tin cần thiết khác.

Điều 26. Cung cấp thông tin đăng ký trong Sổ đăng bạ tàu bay

1. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của tàu bay đề nghị cung cấp thông tin đã được đăng ký trong Sổ đăng bạ tàu bay gửi hồ sơ trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam.

2. Hồ sơ đề nghị cung cấp thông tin bao gồm:

a) Tờ khai theo Mẫu số 14 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu) giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị cung cấp thông tin.

3. Trong thời hạn hai (02) ngày làm việc, kể từ thời điểm nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam cung cấp thông tin, cấp trích lục, bản sao từ Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam cho người đề nghị; trường hợp không cung cấp thông tin, Cục Hàng không Việt Nam phải trả lời người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Người đề nghị cung cấp thông tin phải nộp phí theo quy định của pháp luật.

5. Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay, Cục Hàng không Việt Nam cung cấp thông tin về việc đăng ký quốc tịch tàu bay cho Bộ Quốc phòng để phục vụ công tác quản lý vùng trời, quản lý bay và các mục đích khác theo quy định của pháp luật.

Điều 27. Giải quyết khiếu nại, kiến nghị; sửa chữa, bổ sung thông tin về đăng ký quốc tịch tàu bay và đăng ký các quyền đối với tàu bay

1. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm giải quyết và trả lời bằng văn bản các khiếu nại, kiến nghị hoặc yêu cầu của tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc đăng ký quốc tịch tàu bay hoặc đăng ký các quyền đối với tàu bay.

2. Người đề nghị sửa chữa, bổ sung thông tin về đăng ký quốc tịch tàu bay và đăng ký các quyền đối với tàu bay gửi hồ sơ đề nghị sửa chữa, bổ sung thông tin trực tiếp, qua đường bưu chính hoặc các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam.

3. Hồ sơ đề nghị sửa chữa, bổ sung thông tin về đăng ký quốc tịch tàu bay và đăng ký các quyền đối với tàu bay dân dụng bao gồm:

a) Tờ khai theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu) giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị sửa chữa, bổ sung thông tin về đăng ký quốc tịch tàu bay và đăng ký các quyền đối với tàu bay dân dụng;

c) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu) tài liệu chứng minh về các thông tin cần sửa chữa, bổ sung.

4. Tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự.

5. Trong thời hạn một (01) ngày làm việc, kể từ thời điểm nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam thực hiện việc sửa chữa, bổ sung thông tin về đăng ký quốc tịch tàu bay và đăng ký các quyền đối với tàu bay dân dụng trong Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam, cấp Giấy chứng nhận mới, ban hành văn bản liên quan.

Trường hợp từ chối việc sửa chữa, bổ sung thông tin về đăng ký quốc tịch tàu bay thì Cục Hàng không Việt Nam phải trả lời người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.

6. Người đề nghị sửa chữa, bổ sung thông tin phải nộp phí theo quy định của pháp luật.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 28. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2015.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 70/2007/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2007 về đăng ký quốc tịch và đăng ký các quyền đối với tàu bay dân dụng và Nghị định số 50/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 70/2007/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2007 về đăng ký quốc tịch và đăng ký các quyền đối với tàu bay dân dụng.

Điều 29. Xử lý chuyển tiếp

Các Giấy chứng nhận liên quan đến đăng ký tàu bay tại Việt Nam đã cấp trước ngày Nghị định có hiệu lực thì vẫn tiếp tục có giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đó; trường hợp các Giấy chứng nhận này hết hiệu lực thì phải thực hiện việc cấp mới theo quy định tại Nghị định này.

Điều 30. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Bộ Tài chính quy định mức thu và chế độ quản lý, sử dụng các loại phí, lệ phí liên quan đến việc đăng ký quốc tịch tàu bay, đăng ký các quyền đối với tàu bay, đăng ký quyền ưu tiên thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay, cấp mã số đăng ký, xóa đăng ký các quyền lợi quốc tế đối với tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, đăng ký và xóa đăng ký văn bản chỉ định người có quyền yêu cầu xóa đăng ký hoặc xuất khẩu tàu bay; cung cấp thông tin trong Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam và sửa chữa, bổ sung thông tin về đăng ký quốc tịch và đăng ký các quyền đối với tàu bay theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.