• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 29/11/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 17/10/2006
CHÍNH PHỦ
Số: 76-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Phước, ngày 29 tháng 11 năm 1996

NGHỊ ĐỊNH

Hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự

 ____________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Bộ luật Dân sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 28 tháng 10 năm 1995;

Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Dân sự ngày 28 tháng 10 năm 1995;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin,

 

NGHỊ ĐỊNH: 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nghị định này hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả tại chương I phần thứ sáu trong Bộ luật Dân sự, dưới đây gọi tắt là Bộ luật.

Điều 2. Tác giả:

1. Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra toàn bộ hoặc một phần tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.

2. Người sưu tầm những tác phẩm đã công bố của người khác để làm tuyển tập, hợp tuyển, sắp xếp theo một chủ đề nhất định, có tính sáng tạo thì được công nhận là tác giả của tác phẩm tuyển tập hoặc hợp tuyển. Quyền tác giả này không làm ảnh hưởng đến quyền của tác giả tác phẩm gốc.

3. Để được công nhận là tác giả, những người quy định tại các khoản 1, 2 của Điều này phải đề tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm được công bố, phổ biến.

4. Người dịch, phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể phải ghi rõ tên tác giả tác phẩm gốc và không được ghi tên mình ngang hàng với tác giả tác phẩm gốc.

5. Cá nhân, tổ chức làm công việc hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả.

Điều 3. Chủ sở hữu tác phẩm:

1. Chủ sở hữu tác phẩm có quyền chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền sở hữu tác phẩm cho cá nhân hoặc một pháp nhân khác, nhưng việc chuyển giao đó phải được thực hiện thông qua hợp đồng bằng văn bản. Việc chuyển giao một phần quyền sở hữu tác phẩm không ảnh hưởng đến phần còn lại của quyền sở hữu tác phẩm.

2. Cá nhân hoặc tổ chức chịu trách nhiệm cung cấp tài chính hoặc các điều kiện có tính chất quyết định cho việc phát triển phần mền máy tính là chủ sở hữu phần mềm máy tính đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Điều 4. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quy định tại Điều 747 của Bộ luật được hiểu như sau:

1. Tác phẩm viết thể hiện dưới hình thức chữ viết hoặc ký tự như: tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, bút ký, ký sự, tuỳ bút, hồi ký, thơ, trường ca, kịch bản, bản nhạc, công trình nghiên cứu văn hoá, văn học, nghệ thuật và các bài viết khác.

2. Các bài giảng, bài phát biểu được viết sẵn hoặc được trình bày bằng lời nói, song được ghi âm và lưu hành thành văn bản.

3. Tác phẩm sân khấu và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác được trình diễn trên sân khẩu như: vở diễn, ca nhạc, múa, xiếc, rối và các hình thức tương tự.

4. Tác phẩm điện ảnh, vi-đi-ô có hoặc không có âm thanh kèm theo.

5. Tác phẩm phát thanh, truyền hình được tạo ra để truyền đến công chúng qua sóng điện từ.

6. Tác phẩm báo chí gồm báo in, báo nói, báo hình, bằng tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.

7. Tác phẩm âm nhạc gồm thanh nhạc và khí nhạc được thể hiện bằng giọng hát, nhạc cụ.

8. Tác phẩm kiến trúc là các bản vẽ thiết kế thể hiện ý tưởng sáng tạo về ngôi nhà, công trình xây dựng, quy hoạch không gian đã hoặc chưa xây dựng.

9. Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng gồm hội hoạ, đồ hoạ, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng hoặc các hình thức tương tự.

10. Tác phẩm nhiếp ảnh thể hiện hình ảnh của vật thể khách quan trên vật liệu bắt sáng.

11. Công trình khoa học, sách giáo khoa, giáo trình thuộc các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, huấn luyện.

12. Các bức hoạ đồ, bản vẽ, sơ đồ, bản đồ có liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học.

13. Tác phẩm dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển tập, hợp tuyển:

a) Tác phẩm dịch chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, từ chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ.

b) Tác phẩm phóng tác được sáng tạo ra dựa theo nội dung của một tác phẩm đã có.

c) Tác phẩm cải biên được sáng tạo ra trên cơ sở một tác phẩm gốc bằng cách thay đổi hình thức diễn đạt.

d) Tác phẩm chuyển thể từ loại hình này sang loại hình khác.

đ) Tác phẩm biên soạn được tuyển chọn theo một chủ đề có thể có bình luận, đánh giá.

e) Tác phẩm chú giải làm rõ nghĩa một số từ, câu hoặc địa danh của một tác phẩm đã có.

g) Tác phẩm tuyển tập tập hợp những tác phẩm hoặc bài viết được chọn lọc của một hoặc nhiều tác giả.

h) Tác phẩm hợp tuyển được tuyển chọn từ nhiều tác phẩm của nhiều tác giả theo một yêu cầu nhất định.

14. Phần mềm máy tính gồm chương trình máy tính, tài liệu mô tả chương trình, tài liệu hỗ trợ, cơ sở dữ liệu.

Điều 5. Công bố, phổ biến tác phẩm:

Việc công bố, phổ biến tác phẩm là trình bày tác phẩm trước công chúng dưới dạng thuyết trình, trưng bày, xuất bản, biểu diễn, phát thanh, truyền hình và các hình thức khác.

Điều 6. Thời điểm phát sinh quyền tác giả:

Quyền tác giả đối với tác phẩm phát sinh thời điểm tác phẩm sáng tạo được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt tác phẩm đã công bố hoặc chưa công bố, đã đăng ký bảo hộ hoặc chưa đăng ký bảo hộ.

Điều 7. Quyền yêu cầu được bảo hộ:

Tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm quy định tại Điều 747, người biểu diễn, tổ chức sản xuất băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình, tổ chức phát thanh, truyền hình quy định tại các Điều 775, 777, 779 của Bộ luật có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo hộ khi các quyền của mình bị xâm phạm.

 

CHƯƠNG II

CÁC QUYỀN CỦA TÁC GIẢ, QUYỀN CỦA CHỦ SỞ HỮU TÁC PHẨM

Điều 8. Các quyền của tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm:

1. Các quyền nhân thân của tác giả quy định tại các điểm c, d, khoản 1 Điều 751 của Bộ luật có thể được chuyển giao cho người khác. Việc chuyển giao đó phải được thực hiện thông qua hợp đồng bằng văn bản.

2. Quyền của tác giả về việc công bố, phổ biến tác phẩm hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 751 của Bộ luật được thực hiện đối với các hình thức sau đây:

a) Xuất bản, tái bản, sao chép tác phẩm.

b) Biểu diễn hoặc trưng bày tác phẩm trước công chúng.

c) Truyền đạt tác phẩm tới công chúng bằng bất kỳ phương tiện hoặc cách thức nào.

d) Phân phối tác phẩm hoặc bản sao tác phẩm bằng cách bán, cho thuê hoặc bằng cách khác.

đ) Nhập khẩu các bản sao tác phẩm của mình từ nước ngoài vào Việt Nam.

3. Quyền của tác giả cho phép hoặc không cho phép người khác sử dụng tác phẩm quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 751 của Bộ luật được thực hiện đối với các hình thức sau đây:

a) Sao chép lại tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào.

d) Dịch, phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể.

4. Việc thanh toán nhuận bút, thù lao hoặc các lợi ích vật chất mà tác giả được hưởng theo quy định tại khoản 2 Điều 751 của Bộ luật được xác định theo hợp đồng giữa tác giả với cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm.

Điều 9. Các quyền của chủ sở hữu tác phẩm không đồng thời là tác giả:

1. Các quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 8 của Nghị định này cũng được áp dụng đối với các quyền nhân thân của chủ sở hữu tác phẩm không đồng thời là tác giả quy định tại khoản 1 Điều 753 của Bộ luật.

2. Quy định tại khoản 4 Điều 8 của Nghị định này cũng được áp dụng đối với quyền tài sản của chủ sở hữu tác phẩm không đồng thời là tác giả quy định tại khoản 2 Điều 753 của Bộ luật.

Điều 10. Các quyền của đồng tác giả:

Đối với tác phẩm đồng tác giả quy định tại khoản 1 Điều 755 của Bộ luật thì việc sử dụng, định đoạt tác phẩm phải được sự thoả thuận của tất cả các đồng tác giả, nếu có đồng tác giả đã chết thì phải được sự thoả thuận của người thừa kế của đồng tác giả đó.

Điều 11. Các quyền của tác giả dịch, phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể:

Trong trường hợp cá nhân, tổ chức dựa vào tác phẩm dịch, phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể của người khác để sáng tạo ra tác phẩm mới thì phải được sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm.

Việc xin phép và trả thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm dịch, phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể phải được thực hiện thông qua hợp đồng.

Điều 12. Các hình thức sử dụng tác phẩm không phải xin phép, không phải trả thù lao:

1. Việc sao lại tác phẩm để sử dụng riêng quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 761 của Bộ luật không được quá một bản.

2. Phần trích dẫn tác phẩm đã công bố của người khác theo quy định tại các điểm b, c, d khoản 1 Điều 761 của Bộ luật không trở thành phần chính của tác phẩm mới; phần trích dẫn này chỉ giới hạn trong phạm vi giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề trong tác phẩm của mình và phải ghi rõ tên tác giả và nguồn gốc tác phẩm được trích dẫn.

3. Việc dịch tác phẩm từ tiếng Việt sang tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam và ngược lại theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 761 của Bộ luật chỉ áp dụng đối với tác phẩm gốc là tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc thiểu số.

4. Các buổi biểu diễn công cộng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 761 của Bộ luật chỉ được áp dụng đối với các buổi biểu diễn không thu tiền vào cửa dưới mọi hình thức.

Điều 13. Thừa kế quyền tác giả:

1. Trong trường hợp thừa kế quyền tác giả theo pháp luật thì những người được thừa kế cùng hàng có quyền ngang nhau trong việc sử dụng, định đoạt tác phẩm. Việc sử dụng, định đoạt tác phẩm phải có sự thoả thuận của tất cả những người thừa kế, nếu họ không thoả thuận được với nhau thì có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

Trong trường hợp thừa kế quyền tác giả theo di chúc hợp pháp nếu có nhiều người cùng được hưởng thừa kế theo di chúc thì những người thừa kế được sử dụng, định đoạt tác phẩm theo phạm vi đã được xác định cụ thể trong nội dung di chúc. Trong trường hợp nội dung di chúc không nói rõ phạm vi của việc sử dụng, định đoạt tác phẩm của từng người thừa kế, thì việc sử dụng, định đoạt tác phẩm phải được sự thoả thuận của tất cả những người thừa kế theo di chúc; nếu họ không thoả thuận được thì có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

2. Trường hợp tác giả hoặc đồng tác giả không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận di sản hoặc không được quyền hưởng di sản thừa kế thì các quyền về tài sản của tác giả thuộc về Nhà nước.

Bộ Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm quy định, hướng dẫn việc sử dụng tác phẩm nói trên và cách thức trả thù lao.

Điều 14. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả:

1. Thời điểm kết thúc thời hạn 50 năm bảo hộ quyền tác giả trong các khoản 2, 3 Điều 766 của Bộ luật được tính đến ngày 31 tháng 12 của năm thứ 50.

2. Thời điểm kết thúc thời hạn 50 năm bảo hộ đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm phát thanh, truyền hình, vi-đi-ô, tác phẩm di cảo; đối với quyền của các tổ chức sản xuất băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình, tổ chức phát thanh, truyền hình quy định tại khoản 4 Điều 766, các Điều 777, 779 của Bộ luật là ngày 31 tháng 12 của năm thứ 50 tính từ ngày tác phẩm được công bố lần đầu tiên.

3. Mọi trường hợp chuyển giao các quyền nhân thân quy định tại các điểm c, d khoản 1 và các quyền tài sản quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều 751 của Bộ luật đều không được vượt quá thời hạn bảo hộ mà pháp luật đã quy định.

 

CHƯƠNG III

HỢP ĐỒNG SỬ DỤNG TÁC PHẨM

Điều 15. Hợp đồng sử dụng tác phẩm:

1. Hợp đồng sử dụng tác phẩm phải được ký kết phù hợp với các quy định tại các Điều 767, 768 của Bộ luật và phải theo mẫu hợp đồng sử dụng tác phẩm do Bộ Văn hoá - Thông tin ban hành.

2. Việc ký kết hợp đồng sử dụng tác phẩm đồng tác giả phải có sự thoả thuận của các đồng tác giả hoặc người được chuyển giao quyền của đồng tác giả với bên sử dụng tác phẩm về các nội dung quy định tại Điều 768 của Bộ luật. Các đồng tác giả hoặc người được chuyển giao quyền của đồng tác giả và bên sử dụng tác phẩm đều phải ký tên trên hợp đồng.

Điều 16. Nghĩa vụ của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm:

1. Phải chuyển giao tác phẩm cho bên sử dụng tác phẩm để công bố, phổ biến tác phẩm của mình theo đúng thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng.

2. Trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm không được chuyển giao toàn bộ hoặc một phần tác phẩm cho cá nhân tổ chức khác công bố, phổ biến mà không có sự đồng ý bằng văn bản của bên sử dụng tác phẩm, trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác.

Điều 17. Nghĩa vụ của bên sử dụng tác phẩm:

1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm chuyển giao tác phẩm cho bên sử dụng, bên sử dụng tác phẩm phải thông báo bằng văn bản cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm về việc tác phẩm có được chấp nhận hay không, trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác.

Trường hợp tác phẩm cần phải sửa chữa, hoàn chỉnh thêm theo yêu cầu của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm thì thời gian giao bản thảo sau khi hoàn chỉnh do hai bên thoả thuận.

2. Nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả, bên sử dụng tác phẩm không được thay đổi tên tác giả, nội dung tác phẩm, lời nói đầu, lời bạt, chú thích hoặc minh hoạ của tác phẩm.

3. Bên sử dụng tác phẩm phải thực hiện đúng các thoả thuận đã ghi trong hợp đồng về thời gian công bố, phổ biến tác phẩm, hình thức sử dụng, phạm vi sử dụng tác phẩm, mức nhuận bút hoặc thù lao, thời gian, phương thức thanh toán nhuận bút hoặc thù lao.

Điều 18. Các trường hợp huỷ hợp đồng:

1. Tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm có quyền huỷ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên sử dụng tác phẩm không thực hiện đúng các quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 771 của Bộ luật và quy định tại các khoản 2, 3 Điều 17 của Nghị định này.

2. Bên sử dụng tác phẩm có quyền huỷ hợp đồng và yêu cầu tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm phải bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau đây:

a) Tác phẩm không được Nhà nước bảo hộ theo quy định tại điều 749 của Bộ luật.

b) Tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm không chuyển giao tác phẩm theo đúng thời hạn quy định trong hợp đồng.

c) Tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm từ chối thực hiện các thoả thuận của hai bên trong hợp đồng.

 

CHƯƠNG IV

QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI BIỂU DIỄN CỦA TỔ CHỨC SẢN XUẤT BĂNG ÂM THANH,

ĐĨA ÂM THANH, BĂNG HÌNH, ĐĨA HÌNH, TỔ CHỨC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH

Điều 19. Nghĩa vụ của người biểu diễn quy định tại Điều 774 của Bộ luật được làm rõ thêm đối với các trường hợp sau đây:

Trường hợp sử dụng tác phẩm chưa công bố của người khác để biểu diễn thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm. Việc trả thù lao phải thực hiện theo hợp đồng thoả thuận giữa người biểu diễn với tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm.

Điều 20. Quyền của người biểu diễn quy định tại Điều 755 của Bộ luật được làm rõ thêm đối với các trường hợp sau đây:

1. Người biểu diễn có quyền hưởng thù lao từ việc cho người khác sử dụng chương trình biểu diễn của mình để sản xuất sản phẩm ghi âm, ghi hình nhằm mục đích kinh doanh hoặc xây dựng chương trình phát thanh, truyền hình để phát sóng theo quy định tại các khoản 3, 4 Điều 775 của Bộ luật.

2. Khi bị cá nhân, tổ chức xâm phạm quyền của mình quy định tại Điều 775 của Bộ luật thì người biểu diễn có quyền nộp đơn yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Điều 21. Nghĩa vụ của tổ chức sản xuất băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình, của tổ chức phát thanh, truyền hình:

1. Các quy định tại các điều 776, 778 của Bộ luật cũng được áp dụng đối với tổ chức sản xuất sản phẩm ghi âm, ghi hình dưới dạng băng, đĩa hoặc các công nghệ khác hiện có hoặc được phát triển trong tương lại.

2. Trường hợp sử dụng tác phẩm chưa công bố của người khác để sản xuất sản phẩm ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm. Việc trả nhuận bút hoặc thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm phải thực hiện theo hợp đồng thoả thuận đã ký kết với tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm.

3. Trường hợp sử dụng chương trình biểu diện hoặc sản phẩm ghi âm, ghi hình để xây dựng chương trình phát thanh, truyền hình thì tổ chức phát thanh, truyền hình phải trả thù lao cho người biểu diễn hoặc tổ chức đã sản xuất ra sản phẩm đó.

Điều 22. Quyền của tổ chức sản xuất băng âm thanh, đĩa âm thanh, bằng hình, đĩa hình của tổ chức phát thanh, truyền hình:

1. Các quyền của tổ chức sản xuất băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình quy định tại điểm a khoản 1 Điều 777, Điều 779 của Bộ luật bao gồm quyền cho phép hoặc không cho phép người khác nhân bản sản phẩm của mình, quyền cho phép hoặc không cho phép người khác phát hành sản phẩm của mình.

2. Khi bị cá nhân, tổ chức xâm phạm quyền quy định tại các Điều 777, 779 của Bộ luật thì tổ chức sản xuất băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình tổ chức phát thanh, truyền hình có quyền nộp đơn yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

 

CHƯƠNG V

ĐĂNG KÝ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN SỞ HỮU TÁC PHẨM

Điều 23. Cá nhân, tổ chức là tác giả, đồng tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm có quyền nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm.

Điều 24. Thủ tục đăng ký:

1. Tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu tác phẩm muốn đăng ký quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm phải có đơn đăng ký yêu cầu bảo hộ theo mẫu do Bộ Văn hoá - Thông tin ban hành.

2. Người nộp đơn phải xuất trình các tư liệu, giấy tờ cần thiết chứng minh mình là tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và nộp lệ phí đăng ký theo quy định. Tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có thể uỷ quyền cho cá nhân, pháp nhân khác thực hiện các thủ tục đăng ký; giấy uỷ quyền phải có chứng nhận của Công chứng Nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu tác phẩm.

3. Trong trường hợp người thừa kế đến đăng ký phải xuất trình giấy tờ chứng minh mình là người thừa kế hợp pháp.

Điều 25. Cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả:

1. Cục Bản quyền tác giả xem xét, thẩm tra nội dung các đơn đăng ký yêu cầu bảo hộ.

2. Sau khi xem xét và nếu thấy có đủ điều kiện, giấy tờ hợp lệ theo quy định tại Điều 24 của Nghị định này, Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả cho tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu tác phẩm.

3. Việc đăng ký quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm và việc cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả phải được ghi vào Sổ đăng ký bản quyền do Cục Bản quyền tác giả lưu trữ.

Điều 26. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả:

1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tác giả, chủ sở hữu tác phẩm nộp đơn yêu cầu đăng ký, Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm xem xét và cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả.

2. Trường hợp Cục Bản quyền tác giả xét thầy việc xin đăng ký bảo hộ không có đủ điều kiện, giấy tờ hợp lệ theo quy định tại Điều 25 của Nghị định này thì có quyền từ chối cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả và phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.

3. Trong trường hợp người nộp đơn không đồng ý với việc từ chối cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả của Cục Bản quyền tác giả thì có quyền khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin.

4. Những người có quyền, lợi ích liên quan nếu phát hiện thấy việc Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả không đúng đối tượng thì có quyền khiếu nại và yêu cầu Cục Bản quyền tác giả phải làm thủ tục thu hồi.

Điều 27. Tổ chức dịch vụ bản quyền tác giả là doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo pháp luật và được Cục Bản quyền tác giả cho phép làm dịch vụ tiến hành các thủ tục đăng ký và nộp đơn yêu cầu bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm trên cơ sở được tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu tác phẩm uỷ quyền.

Quy chế cấp và thu hồi Giấy phép hoạt động nghiệp vụ dịch vụ bản quyền tác giả do Bộ Văn hoá - Thông tin quy định.

Điều 28. Quyền tác giả của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài do Chính phủ quy định trong một văn bản khác.

 

CHƯƠNG VI

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ

Điều 29. Quản lý Nhà nước về bảo hộ quyền tác giả:

Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về bảo hộ quyền tác giả trong phạm vi cả nước. Bộ Văn hoá - Thông tin là cơ quan của Chính phủ, chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền tác giả, có nhiệm vụ và quyền hạn:

1. Xây dựng các chủ trương, chính sách về bảo hộ quyền tác giả.

2. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội ban hành văn bản pháp luật về bảo hộ quyền tác giả.

3. Thực hiện hoặc phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.

4. Thực hiện hoặc phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm quyền tác giả theo thẩm quyền.

5. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền tác giả.

Điều 30. Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm giúp Bộ Văn hoá - Thông tin thực hiện quản lý Nhà nước về bảo hộ quyền tác giả, có chức năng, nhiệm vụ:

1. Soạn thảo dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị định, văn bản pháp quy khác về bảo hộ quyền tác giả.

2. Đăng ký bảo hộ quyền tác giả cho cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài; cấp và thu hồi Giấy chứng nhận bản quyền tác giả, Giấy phép hoạt động nghiệp vụ dịch vụ bản quyền tác giả.

3. Hướng dẫn Sở Văn hoá - Thông tin trong việc thực hiện quản lý Nhà nước về bảo hộ quyền tác giả ở địa phương.

4. Tổ chức, thực hiện việc hợp tác với nước ngoài, các tổ chức quốc tế về quyền tác giả.

5. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tác giả và thực hiện hoạt động thông tin về bảo hộ quyền tác giả.

Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về bảo hộ quyền tác giả cho cán bộ các cơ quan có liên quan ở Trung ương và địa phương.

Điều 31. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn hoạt động bảo hộ quyền tác giả thuộc lĩnh vực khoa học, kể cả phần mềm máy tính, trong đó có hướng dẫn thủ tục thẩm định tính xác thực của quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm đối với các công trình khoa học, sách giáo khoa, giáo trình, phần mền máy tính trước khi làm thủ tục đăng ký bảo hộ tại Cục Bản quyền tác giả.

Điều 32. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật bảo hộ quyền tác giả tại địa phương.

Sở Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện pháp luật bảo hộ quyền tác giả tại địa phương.

Điều 33. Việc giải quyết tranh chấp, vi phạm quyền tác giả được thực hiện theo thủ tục tố tụng hành chính, dân sự hoặc hình sự.

Điều 34. Chức năng của Thanh tra chuyên ngành Văn hoá - Thông tin trong việc xử lý các vụ tranh chấp vi phạm quyền tác giả:

1. Thanh tra chuyên ngành Văn hoá - Thông tin thuộc Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm xử lý, giải quyết các vụ tranh chấp vi phạm quyền tác giả.

2. Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm khi bị cá nhân, tổ chức xâm phạm quyền của mình đều có thể yêu cầu thanh tra chuyên ngành Văn hoá - Thông tin xử lý, giải quyết.

3. Thanh tra chuyên ngành Văn hoá - Thông tin có quyền quyết định xử phạt hành chính theo thẩm quyền.

Điều 35. Tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm có quyền yêu cầu được bảo hộ khi các hành vi sau đây tiến hành mà không được sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm.

1. Công bố, phổ biến tác phẩm; biểu diễn tác phẩm sân khấu; phát sóng bộ phim, băng hình; ghi âm, ghi hình hoặc trực tiếp phát sóng từ nơi đang biểu diễn, trừ trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 Điều 761 của Bộ luật.

2. Thêm bớt, sửa chữa nội dung tác phẩm.

3. Làm giả tác phẩm tạo hình để bán hoặc dùng riêng.

4. Sao chép nội dung tác phẩm của người khác đưa vào tác phẩm của mình.

5. Nhân bản, lắp ghép chương trình phát thanh, truyền hình, băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng nhạc, đĩa nhạc, băng hình, đĩa hình, bộ phim, phần mền máy tính để kinh doanh.

6. Dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể tác phẩm.

Điều 36. Thủ tục yêu cầu bảo hộ:

1. Cá nhân, tổ chức bị xâm phạm quyền tác giả phải có đơn trình bầy sự việc và nộp cho thanh tra chuyên ngành Văn hoá - Thông tin tỉnh, thành phố hoặc thanh tra Bộ Văn hoá - Thông tin.

2. Kèm theo đơn là những chứng cứ cần thiết chứng minh việc khiếu nại của mình là đúng sự thật.

3. Thanh tra chuyên ngành Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm giải quyết khiếu nại và trả lời cho đương sự trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn.

 

CHƯƠNG VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 37. Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Điều 38. Bộ Văn hoá - Thông tin phối hợp với các cơ quan hữu quan hướng dẫn quy định về bảo hộ tác phẩm kiến trúc.

Điều 39. Nghị định này có hiệu lực từ ngày ban hành.

Điều 40. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.