Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn về yêu cầu, trình tự, thủ tục chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp

___________________________________

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thống nhất về yêu cầu, trình tự, thủ tục chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

1.1. Thông tư này hướng dẫn về yêu cầu, trình tự, thủ tục chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện việc đánh giá theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước.

1.2. Thông tư này không áp dụng đối với hoạt động kiểm định phương tiện đo thuộc danh mục phương tiện đo phải kiểm định theo quy định của pháp luật về đo lường.

1.3. Trường hợp điều ước quốc tế, hiệp định, thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng, lãnh thổ liên quan đến việc thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định có quy định khác với Thông tư này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế, hiệp định, thỏa thuận đó.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

2.1. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Mục III của Thông tư này, liên quan đến hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận để xác định sự phù hợp so với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;

2.2. Tổ chức đánh giá sự phù hợp trong nước và nước ngoài hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận tại Việt Nam;

2.3. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có sản phẩm, hàng hóa, quá trình, môi trường phải thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

3. Thuật ngữ và định nghĩa

Trong Thông tư này các thuật ngữ về kiểm định, thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp và tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định được áp dụng theo quy định tại Điều 3 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

4. Nguyên tắc chung

4.1. Việc chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dựa trên cơ sở xem xét năng lực thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp đáp ứng với yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và các yêu cầu khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

4.2. Kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp theo lĩnh vực được chỉ định sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng trong quá trình kiểm tra, thanh tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

II. YÊU CẦU, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CHỈ ĐỊNH TỔ CHỨC ĐÁNH GIÁ SỰ PHÙ HỢP

1. Yêu cầu đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định

1.1. Đối với tổ chức chứng nhận

Tổ chức chứng nhận phải đáp ứng các yêu cầu sau:

1.1.1. Đã đăng ký lĩnh vực hoạt động chứng nhận tại Bộ Khoa học và Công nghệ theo quy định tại Thông tư số 08/2009/TT-BKHCN ngày 08 tháng 4 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về yêu cầu, trình tự, thủ tục đăng ký lĩnh vực hoạt động đánh giá sự phù hợp;

1.1.2. Có ít nhất 03 chuyên gia đánh giá thuộc biên chế chính thức (viên chức hoặc lao động ký hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng trở lên hoặc lao động ký hợp đồng không xác định thời hạn) của tổ chức, có trình độ tốt nghiệp Đại học trở lên và chuyên môn phù hợp với hoạt động về chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, quá trình, môi trường tương ứng và có kinh nghiệm công tác từ 03 năm trở lên;

1.1.3. Có đủ các tài liệu kỹ thuật, các tiêu chuẩn cần thiết và quy trình chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

1.2. Đối với tổ chức thử nghiệm, tổ chức giám định, tổ chức kiểm định

1.2.1. Yêu cầu chung:

Tổ chức thử nghiệm, tổ chức giám định, tổ chức kiểm định đáp ứng các yêu cầu cụ thể sau:

1.2.1.1. Đã đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định tại Bộ quản lý ngành, lĩnh vực theo quy định tại Thông tư số 08/2009/TT-BKHCN ngày 08 tháng 4 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về yêu cầu, trình tự, thủ tục đăng ký lĩnh vực hoạt động đánh giá sự phù hợp;

1.2.1.2. Trong mỗi lĩnh vực chuyên ngành, có ít nhất 02 cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn phù hợp hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định sản phẩm, hàng hóa tương ứng và có kinh nghiệm công tác từ 03 năm trở lên;

1.2.1.3. Có đủ các tài liệu kỹ thuật, các tiêu chuẩn cần thiết và quy trình thử nghiệm, giám định, kiểm định phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

1.2.2. Yêu cầu khác:

Các tổ chức đánh giá sự phù hợp, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu chung, phải đáp ứng các yêu cầu khác mang tính đặc thù chuyên ngành do các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.

1.3. Các tổ chức đánh giá sự phù hợp có chứng chỉ công nhận do tổ chức công nhận hợp pháp của Việt Nam hoặc tổ chức công nhận hợp pháp nước ngoài là thành viên tham gia ký thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau của các Hiệp hội Công nhận quốc tế và khu vực tương ứng cấp, sẽ được ưu tiên xem xét, chỉ định.

2. Trình tự, thủ tục chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp

2.1. Tổ chức đánh giá sự phù hợp khi có nhu cầu tham gia hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực cụ thể phải lập hồ sơ đăng ký và gửi về cơ quan tương ứng sau đây:

2.1.1. Cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm quản lý hoạt động đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực chuyên ngành của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực theo quy định tại khoản 1 Mục III của Thông tư này.

2.1.2. Cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm quản lý hoạt động đánh giá sự phù hợp của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định tại khoản 1 Mục III của Thông tư này.

2.2. Hồ sơ đăng ký bao gồm:

2.2.1. Giấy đăng ký chỉ định đánh giá sự phù hợp theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Thông tư này;

2.2.2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận;

2.2.3. Danh sách thử nghiệm viên, giám định viên, kiểm định viên, chuyên gia đánh giá đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1.2.1.2 Mục này, theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư này;

2.2.4. Danh mục tài liệu kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy trình thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận tương ứng với sản phẩm, hàng hóa, quá trình, môi trường đăng ký chỉ định theo mẫu quy định tại Phụ lục III của Thông tư này;

2.2.5. Mẫu Phiếu kết quả thử nghiệm, Chứng thư giám định, Giấy chứng nhận kiểm định, Giấy chứng nhận;

2.2.6. Các tài liệu chứng minh việc đáp ứng yêu cầu khác quy định tại điểm 1.2.2 khoản 1 Mục này (nếu có);

2.2.7. Chứng chỉ công nhận năng lực thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận do tổ chức công nhận cấp quy định tại điểm 1.3 khoản 1 Mục này (nếu có);

2.2.8. Kết quả hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận đã thực hiện trong lĩnh vực đăng ký của một năm gần nhất (nếu có).

2.3. Trong thời hạn không quá ba mươi ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan đầu mối tiến hành xem xét hồ sơ, thực hiện đánh giá năng lực thực tế tại cơ sở (nếu cần) và ra quyết định chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này. Thời hạn hiệu lực của quyết định chỉ định không quá 03 năm.

Trong trường hợp từ chối việc chỉ định, cơ quan đầu mối phải thông báo lý do từ chối bằng văn bản cho tổ chức đánh giá sự phù hợp.

2.4. Ba tháng trước khi quyết định chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp hết hiệu lực, nếu có nhu cầu, tổ chức đánh giá sự phù hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký lại theo quy định tại điểm 2.2 khoản 2 Mục này.

2.5. Tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định thực hiện hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định khi có nhu cầu thay đổi, bổ dung phạm vi, lĩnh vực được chỉ định phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi, bổ sung (đăng ký mới) theo quy định tại điểm 2.2 khoản 2 Mục này.

III. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC ĐÁNH GIÁ SỰ PHÙ HỢP ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH

1. Trách nhiệm của cơ quan quản lý

1.1. Trách nhiệm của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi lĩnh vực quản lý được phân công, phân cấp có trách nhiệm:

1.1.1. Chỉ đạo, quản lý hoạt động đánh giá sự phù hợp theo quy định của Thông tư này;

1.1.2. Chỉ định cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm quản lý hoạt động chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp; thông báo danh sách cơ quan đầu mối được chỉ định cho các tổ chức, cá nhân có liên quan và Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) để phối hợp.

1.2. Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ định các cơ quan sau là cơ quan đầu mối:

1.2.1. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là cơ quan đầu mối tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký chỉ định và ra quyết định chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm, hàng hóa, quá trình, môi trường quy định trong quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành (trừ sản phẩm liên quan đến an toàn bức xạ hạt nhân).

1.2.2. Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân là cơ quan đầu mối tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký chỉ định và ra quyết định chỉ định đối với sản phẩm liên quan đến an toàn bức xạ hạt nhân quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.

1.3. Trách nhiệm của cơ quan đầu mối được chỉ định

1.3.1. Tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký chỉ định và ra quyết định chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp đối với lĩnh vực sản phẩm, hàng hóa, quá trình, môi trường quy định trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành.

1.3.2. Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng danh sách các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định để các tổ chức, cá nhân biết, đồng thời thông báo về Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) để phối hợp quản lý.

1.3.3. Quản lý và kiểm tra hoạt động đánh giá sự phù hợp của các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định. Áp dụng các biện pháp cảnh cáo, tạm đình chỉ hiệu lực của Quyết định chỉ định, hủy bỏ Quyết định chỉ định khi tổ chức đánh giá sự phù hợp vi phạm các quy định của Thông tư này hoặc quy định tại Điều 20 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng tên tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định đã bị tạm đình chỉ, hủy bỏ Quyết định chỉ định, đồng thời thông báo về Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) để phối hợp quản lý.

1.3.4. Tổng hợp tình hình hoạt động đánh giá sự phù hợp được chỉ định và định kỳ hàng quý hoặc đột xuất khi có yêu cầu, báo cáo Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan và Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng).

2. Trách nhiệm của tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định

2.1. Thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trường hợp vi phạm quy định của Thông tư này hoặc quy định tại Điều 20 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị cảnh cáo, tạm đình chỉ hiệu lực của Quyết định chỉ định hoặc hủy bỏ Quyết định chỉ định.

Riêng đối với tổ chức thử nghiệm được chỉ định, trong thời hạn hiệu lực của Quyết định chỉ định, phải tham gia chương trình thử nghiệm thành thạo, so sánh liên phòng một lần.

2.2. Định kỳ sáu tháng, đột xuất khi có yêu cầu, báo cáo kết quả hoạt động đánh giá sự phù hợp đã được chỉ định theo mẫu quy định tại Phụ lục V của Thông tư này cho cơ quan đầu mối đã chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp để tổng hợp.

2.3. Thông báo cho cơ quan ra quyết định chỉ định về mọi thay đổi có ảnh hưởng tới năng lực hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận hợp quy đã đăng ký trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày có sự thay đổi.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này. Định kỳ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ về công tác chỉ định và tình hình hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định.

2. Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc triển khai thực hiện Thông tư này trong lĩnh vực được phân công quản lý.

3. Đối với các tổ chức kiểm định do các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thành lập thực hiện việc kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi được phân công, việc quản lý được thực hiện theo quy định của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực tương ứng.

4. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc kiểm tra, thanh tra trong hoạt động đánh giá sự phù hợp theo Thông tư này và các quy định hiện hành có liên quan. Nếu vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

5. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành và thay thế quy định về việc đăng ký hoạt động chứng nhận hợp quy tại Điều 12 và Điều 13 của Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy ban hành kèm theo Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28/9/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

6. Đối với các tổ chức kiểm định đã được chỉ định trước khi Thông tư này có hiệu lực, được tiếp tục duy trì cho đến khi hết thời hạn hiệu lực ghi trong Quyết định chỉ định.

7. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức cần kịp thời phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) để xem xét, giải quyết./.

 

Bộ Khoa học và Công nghệ

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Quốc Thắng