QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật Khí tượng thủy văn ngày 23 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khí tượng thủy văn;
Căn cứ Thông tư số 28/2011/TT-BTNMT ngày 01 tháng 8 năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường không khí xung quanh và tiếng ồn;
Căn cứ Thông tư số 29/2011/TT-BTNMT ngày 01 tháng 8 năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường nước mặt lục địa;
Căn cứ Thông tư số 31/2011/TT-BTNMT ngày 01 tháng 8 năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường nước biển (bao gồm cả trầm tích đáy và sinh vật biển);
Căn cứ Thông tư số 05/2016/TT-BTNMT ngày 13 tháng 5 năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định nội dung quan trắc khí tượng thủy văn đối với trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia;
Căn cứ Thông tư số 07/2016/TT-BTNMT ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định các bộ dữ liệu, chuẩn dữ liệu và xây dựng quản lý cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia;
Căn cứ Thông tư số 09/2016/TT-BTNMT ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định việc xây dựng, thẩm định kế hoạch tác động vào thời tiết;
Căn cứ Thông tư số 05/2016/TT-BKHĐT ngày 06 tháng 6 năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 438/TTr-STNMT ngày 11 tháng 7 năm 2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý Nhà nước về hoạt động khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2017. Quyết định này thay thế Quyết định số 07/2009/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định quản lý nhà nước về hoạt động khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; thủ thưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Ngọc Hai
|
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 24/2017/QĐ-UBND ngày 16 tháng 8 năm 2017 của UBND tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về hoạt động khí tượng thủy văn; quản lý nhà nước về hoạt động khí tượng thủy văn; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) liên quan đến hoạt động khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng trong Quy định này là công trình được đầu tư xây dựng, khai thác, chủ yếu phục vụ mục đích, nhu cầu chuyên ngành không thuộc công trình khí tượng thủy văn quốc gia.
2. Hoạt động khí tượng thủy văn trong Quy định này là các hoạt động quản lý, khai thác mạng lưới trạm; dự báo, cảnh báo; thông tin, dữ liệu; phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn; giám sát biến đổi khí hậu.
3. Trạm đo mưa: là công trình để trực tiếp đo lượng mưa trong một đơn vị thời gian.
4. Trạm thủy văn: là công trình để quan sát, đo đạc trực tiếp hoặc gián tiếp một cách có hệ thống các thông số biểu hiện trạng thái, hiện tượng, quá trình diễn biến và sự vận động của nước sông, suối, kênh, rạch, hồ, ao.
5. Trạm hải văn: là công trình để quan sát, đo đạc trực tiếp hoặc gián tiếp một cách có hệ thống các thông số biểu hiện trạng thái, quá trình diễn biến và sự vận động của nước biển.
6. Trạm khí tượng: là công trình để quan sát, đo đạc trực tiếp hoặc gián tiếp một cách có hệ thống các thông số biểu hiện trạng thái của khí quyển, quá trình diễn biến của các hiện tượng tự nhiên trong khí quyển.
7. Trạm quan trắc môi trường không khí: là công trình đo đạc một cách có hệ thống các thông số vật lý, các thông số hóa học của môi trường không khí, thành phần hóa học nước mưa.
8. Trạm quan trắc môi trường nước: là công trình đo đạc một cách có hệ thống các thông số vật lý, các thông số hóa học của môi trường nước sông, hồ, biển.
9. Trạm quan trắc hỗn hợp: là công trình đo đạc một cách có hệ thống các thông số vật lý, các thông số hóa học của môi trường lẫn trạng thái, quá trình diễn biến và hiện tượng khí tượng thủy văn.
Điều 4. Phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hoạt động khí tượng thủy văn
1. Các cơ quan thông tin đại chúng và cơ sở giáo dục, đào tạo tỉnh tổ chức hoặc phối hợp tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.
2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Thuận, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức xã hội khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tham gia bảo vệ công trình khí tượng thủy văn, tiếp nhận, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn và chấp hành các quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.
3. Việc xây dựng, tổ chức thực hiện đề án phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu được ưu tiên tập trung cho đồng bào, ngư dân ven biển.
Điều 5. Hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng
1. Hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng ngoài khu vực đô thị:
a) Trạm quan trắc khí tượng: 10 mét từ chân cột đặt thiết bị quan trắc ra các phía;
b) Trạm đo lưu lượng nước sông: đoạn sông có chiều dài bằng 500 mét về mỗi phía thượng lưu và hạ lưu tuyến đo lưu lượng;
c) Trạm đo mực nước sông, hồ, biển: Đoạn sông có chiều dài 30 mét về mỗi phía thượng lưu và hạ lưu tuyến đo; Khoảng cách 30 mét tính từ công trình ra vùng nước trước trạm đo đối với trường hợp đo mực nước hồ, biển; Khoảng cách 10 mét về 2 phía đối với tuyến bậc, cọc, thủy chí;
d) Trạm đo mưa: Khoảng cách 10 mét tính từ chân trạm đo ra các phía. Trường hợp phương tiện đo mưa được lắp đặt vào vật kiến trúc có sẵn thì phải thông thoáng, đảm bảo độ chính xác của phép đo;
đ) Công trình truyền phát thông tin khí tượng thủy văn: Khoảng cách bằng chiều cao công trình tính từ chân công trình ra các phía;
2. Hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng trong đô thị thì các mức quy định như tại Khoản 1 Điều này, có thể giảm cho phù hợp với thực tế nhưng không được thấp hơn một nửa (1/2).
3. Hành lang kỹ thuật các công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng khác tuân thủ theo quy định mức tối thiểu hành lang kỹ thuật công trình của trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia.
Điều 6. Chế độ quan trắc các yếu tố tại trạm khí tượng thủy văn
Các thông số và tần số quan trắc đối với các công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng được quy định như sau:
1. Trạm đo mưa: quan trắc lượng mưa. Tần suất 2 lần/ngày vào 7 giờ và 19 giờ trong mùa cạn. Tần suất 4 lần/ngày vào các giờ: 01 giờ, 07 giờ, 13 giờ, 19 giờ trong mùa lũ.
2. Trạm thủy văn: quan trắc mực nước. Tần suất quan trắc: đo 2 lần/ngày vào 7 giờ và 19 giờ trong mùa cạn. Tần suất 4 lần/ngày vào các giờ: 01 giờ, 07 giờ, 13 giờ, 19 giờ trong mùa lũ.
3. Trạm hải văn: đo mực nước biển. Tần suất quan trắc đo 2 lần/tháng vào 2 kỳ nước cường nhất và kỳ nước ròng (đo 2 lần đỉnh triều và 2 lần chân triều). Tần suất 4 lần/ngày vào các giờ: 01 giờ, 07 giờ, 13 giờ, 19 giờ.
4. Trạm khí tượng: Các yếu tố quan trắc gồm nhiệt độ, tốc độ gió. Tần suất quan trắc hàng ngày, vào các giờ: 01 giờ, 07 giờ, 13 giờ, 19 giờ.
5. Trạm quan trắc môi trường không khí: Các yếu tố quan trắc gồm lưu huỳnh đioxit (SO2), nitơ đioxit (NO2), nitơ oxit (NOx), cacbon monoxit (CO), chỉ số PM10. Tần suất quan trắc: 01 (một lần)/tháng, vào các giờ 01, 07 giờ, 13 giờ, 19 giờ.
6. Trạm quan trắc môi trường nước mặt: Các yếu tố quan trắc gồm pH, hàm lượng oxi hòa tan DO, độ mặn, độ đục, tổng nitơ (T-N), tổng photpho (TP), nhu cầu oxi sinh hóa BOD5. Tần suất quan trắc: 01 (một lần)/tháng.
7. Trạm quan trắc môi trường nước biển ven bờ: Các yếu tố quan trắc gồm pH, hàm lượng oxi hòa tan DO, độ mặn, độ đục, tổng nitơ (T-N), tổng photpho (T-P), nhu cầu oxi sinh hóa BOD5. Tần suất quan trắc: 01 (một lần)/tháng.
8. Đối với trạm quan trắc hỗn hợp: quan trắc yếu tố nào thì tần suất quan trắc đảm bảo tối thiểu ứng với từng thông số như quy định tại Khoản 1 đến Khoản 6 Điều này.
Chương II
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ VỀ HOẠT ĐỘNG KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN
Điều 7. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
1. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu, quy hoạch phát triển, chương trình, kế hoạch trung hạn, dài hạn và hàng năm về khí tượng thủy văn phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện.
2. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phương án phân bổ dự toán, quản lý, sử dụng ngân sách theo quy định của pháp luật để đảm bảo thực hiện các hoạt động khí tượng thủy văn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai của tỉnh.
3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và cơ sở giáo dục, đào tạo tỉnh Bình Thuận tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.
4. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh lập kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng theo nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt sau khi được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận bằng văn bản.
5. Quản lý, lưu trữ thông tin, dữ liệu; xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận.
6. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng quy chế phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh trong việc chuyển giao dữ liệu về khí tượng, thủy văn trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận có ảnh hưởng đến tỉnh, truyền tin, phát tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, phát triển hoạt động phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn.
7. Về quan trắc khí tượng thủy văn:
a) Tổ chức xây dựng, quản lý mạng quan trắc khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy hoạch và kết nối với mạng quốc gia;
b) Là đầu mối tiếp nhận thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn từ các tổ chức, cá nhân có công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; từ các cá nhân, tổ chức hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua việc cấp địa chỉ, tần số, cổng thông tin điện tử và các phương tiện liên lạc khác để thu nhận thông tin, dữ liệu từ chủ công trình;
c) Cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn thuộc mạng quan trắc khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận quy định tại Đểm a Khoản này về hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia và cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia;
d) Sử dụng dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn tiếp nhận được theo Khoản 5 Điều này và dữ liệu quan trắc từ các trạm khí tượng thủy văn thuộc thẩm quyền quản lý theo Khoản 7 Điều này làm cơ sở dữ liệu về khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận.
8. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận quyết định thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng theo kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng của tỉnh Bình Thuận.
9. Thông báo việc thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn cấp tỉnh nơi đặt trạm trong trường hợp trạm nằm ngoài địa bàn tỉnh Bình Thuận.
10. Tổ chức phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan bảo vệ công trình khí tượng thủy văn.
11. Thực hiện điều tra, khảo sát để bổ sung thông tin, dữ liệu về khí tượng thủy văn đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận.
12. Tiếp nhận, thẩm định và trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo quy định tại Điều 16 và 17 Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn.
13. Tiếp nhận hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét, cấp lại giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 38/2016/NĐ-CP.
14. Tiếp nhận hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét quyết định thu hồi, đình chỉ hiệu lực, chấm dứt hiệu lực của giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong các trường hợp được quy định tại Điều 19, Điều 20, Điều 21 của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn.
15. Tham gia thẩm định, thẩm tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội có sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn do các cơ quan có thẩm quyền tổ chức theo nguyên tắc quy định tại Điều 22 của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ.
16. Tổ chức đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, xây dựng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, khu vực thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận.
17. Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về hoạt động khí tượng thủy văn theo thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận.
18. Thực hiện chế độ báo cáo:
a) Định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hàng năm báo cáo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về công tác quản lý nhà nước về hoạt động khí tượng thủy văn trên địa bàn;
b) Báo cáo đột xuất theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về công tác quản lý nhà nước về hoạt động khí tượng thủy văn trên địa bàn.
19. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm pháp luật về khí tượng thủy văn theo quy định của pháp luật.
20. Chủ trì thẩm định các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình khí tượng, thủy văn chuyên dùng; tham gia xây dựng phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, kiểm tra việc thực hiện các quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai trên địa bàn.
21. Thẩm định việc áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình, thiết bị đo của công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng, thiết bị quan trắc, định vị sét do địa phương xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
22. Là cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện nhiệm vụ thuộc phạm vi của Sở Tài nguyên và Môi trường về giám sát biến đổi khí hậu theo quy định hiện hành.
Điều 8. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư
1. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn phải bảo đảm nguồn gốc rõ ràng, có xác nhận của cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
2. Chủ trì, lấy ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông ngiệp và Phát triển Nông thôn về thẩm định việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận; theo dõi, kiểm tra và đánh giá việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận, của các cấp tại địa phương.
3. Tổ chức tiếp nhận, thẩm định và trình cấp có thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh ngành nghề dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo quy định của Luật Đầu tư.
4. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính ưu tiên bố trí nguồn vốn trong dự toán hàng năm để thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội có lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai.
Điều 9. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Quản lý, cung cấp dữ liệu đo đạc từ các công trình thủy lợi có quan trắc, khai thác dữ liệu khí tượng thủy văn cho Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn của tỉnh Bình Thuận.
2. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham gia thẩm định, đánh giá việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu, việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận, các dự án lập, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện.
3. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi khai thác, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
4. Thực hiện việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển, chương trình, dự án về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi, thủy sản và phát triển nông thôn.
5. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn khai thác, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; áp dụng quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng, quản lý, khai thác công trình phòng, chống thiên tai trong phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận với điều kiện biến đổi khí hậu.
Điều 10. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải
1. Quản lý, cung cấp dữ liệu đo đạc từ các công trình giao thông có quan trắc, khai thác dữ liệu khí tượng thủy văn cho Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn của tỉnh Bình Thuận.
2. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải khai thác, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; áp dụng việc sử dụng, trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng phục vụ hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng đáp ứng yêu cầu quản lý dịch vụ đảm bảo hoạt động giao thông thủy, giao thông đường bộ, đường hàng không.
Điều 11. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông
1. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các Quy hoạch, kế hoạch về phát triển đồng bộ hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh và các nội dung có liên quan phù hợp phục vụ hoạt động khí tượng thủy văn theo quy định, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tỉnh Bình Thuận thực hiện tuyên truyền, đăng tải thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu, thiên tai khí tượng thủy văn.
3. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp thông tin di động đảm bảo việc báo tin thiên tai khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận theo quy định, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
4. Thẩm định các chương trình, dự án về khí tượng thủy văn có ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện các dự án đầu tư về công nghệ thông tin trong lĩnh vực khí tượng thủy văn do Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
Điều 12. Trách nhiệm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
1. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan quản lý việc quan trắc khí tượng thủy văn đối với các công trình khai thác kinh doanh dịch vụ du lịch có yêu cầu phải quan trắc khí tượng thủy văn, cung cấp dữ liệu đo đạc từ các công trình này cho Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn của tỉnh Bình Thuận.
2. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất Chính phủ bổ sung những công trình khai thác kinh doanh, dịch vụ du lịch phải quan trắc khí tượng thủy văn theo tình hình thực tế.
Điều 13. Trách nhiệm của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh
1. Tham gia thẩm định, thẩm tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn ở nội dung lồng ghép phòng, chống thiên tai vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Thu thập, đo đạc, khảo sát, thống kê, lưu trữ các dữ liệu khí tượng thủy văn phục vụ công tác theo chức năng nhiệm vụ, đồng thời cung cấp dữ liệu khí tượng thủy văn thu thập, quan trắc được cho Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn của tỉnh Bình Thuận.
Điều 14. Trách nhiệm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi Bình Thuận
Quan trắc, theo dõi, cung cấp các số liệu về thủy văn các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh do Công ty quản lý. Các số liệu quan trắc này được sử dụng trong việc tổ chức thực hiện các kế hoạch sửa chữa các công trình thủy lợi, phòng chống lụt bão và thiên tai, đồng thời cung cấp các thông tin cho Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn.
Điều 15. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Tham gia cùng Sở Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng theo nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn phục vụ quy hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận.
2. Tham gia cùng Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện điều tra, khảo sát để bổ sung thông tin, dữ liệu về khí tượng thủy văn đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn phục vụ quy hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận.
3. Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Rà soát, bổ sung các nội dung phòng, chống thiên tai mà trước đây chưa đề cập hoặc đã có đề cập nhưng chưa phù hợp với quy hoạch và tiêu chuẩn phòng, chống thiên tai hoặc có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống công trình chuyên dụng cho phòng, chống thiên tai tại địa phương.
4. Quản lý các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng khác của tổ chức, cá nhân trên địa bàn không thuộc hệ thống mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng của tỉnh.
5. Phối hợp kiểm tra, có ý kiến thẩm định trong quy trình cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn khi có yêu cầu.
6. Tiếp nhận, lưu trữ, quản lý hồ sơ đăng ký các công trình khí tượng thuỷ văn không phục vụ cho hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn được quy định tại Khoản 3 Điều 15 của Quy định này.
7. Tiếp nhận kế hoạch tác động vào thời tiết của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thông qua Ủy ban nhân dân cấp xã lấy ý kiến cộng đồng dân cư trên địa bàn các xã chịu tác động trực tiếp từ kế hoạch tác động vào thời tiết đối với trường hợp kế hoạch tác động vào thời tiết ảnh hưởng đến khu vực là địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp xã trở lên.
8. Tham gia cùng Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm pháp luật về khí tượng thủy văn theo quy định của pháp luật.
9. Thực hiện công tác báo cáo định kỳ trước ngày 01 tháng 12 hàng năm và đột xuất cho Sở Tài nguyên và Môi trường về tình hình hoạt động khí tượng thủy văn, thiên tai khí tượng thủy văn xảy ra trên địa bàn.
Điều 16. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Tham gia cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện điều tra, khảo sát để bổ sung thông tin, dữ liệu về khí tượng thủy văn đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận.
2. Tiếp nhận có ý kiến và quản lý hồ sơ trong việc phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường công bố công khai mốc giới, cắm mốc giới trên thực địa, quản lý mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình khí tượng thủy văn của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Khoản 2, Điều 16 của Quy định này.
3. Giám sát, theo dõi tình hình xử lý, khắc phục phạm vi hành lang kỹ thuật công trình đối với những trạm đã thành lập của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 24 Quy định này.
4. Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị có liên quan lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Rà soát, bổ sung các nội dung phòng, chống thiên tai mà trước đây chưa đề cập hoặc đã có đề cập nhưng chưa phù hợp với quy hoạch và tiêu chuẩn phòng, chống thiên tai hoặc có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống công trình chuyên dụng cho phòng, chống thiên tai tại địa phương.
5. Tiếp nhận kế hoạch tác động vào thời tiết của cơ quan, tổ chức, cá nhân, chủ trì họp lấy ý kiến cộng đồng dân cư gồm thành phần đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và đại diện một số tổ dân phố trên địa bàn xã chịu tác động trực tiếp từ kế hoạch tác động vào thời tiết, tổng hợp ý kiến và cho ý kiến phản hồi với từng nội dung của kế hoạch tác động vào thời tiết đối với trường hợp kế hoạch tác động vào thời tiết ảnh hưởng đến khu vực là địa bàn đơn vị hành chính cấp xã.
6. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, chủ trì họp lấy ý kiến cộng đồng dân cư gồm thành phần đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và đại diện một số tổ dân phố trên địa bàn xã chịu tác động trực tiếp từ kế hoạch tác động vào thời tiết đối với trường hợp kế hoạch tác động vào thời tiết ảnh hưởng đến khu vực là địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp xã trở lên.
7. Tham gia cùng Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm pháp luật về khí tượng thủy văn theo quy định của pháp luật.
8. Thực hiện công tác báo cáo định kỳ trước ngày 01 tháng 12 hàng năm và đột xuất cho Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp về tình hình hoạt động khí tượng thủy văn, thiên tai khí tượng thủy văn xảy ra trên địa bàn.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CÁ NHÂN, TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
Điều 17. Quan trắc khí tượng thủy văn
1. Chủ công trình quyết định nội dung quan trắc đối với trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng theo nhu cầu khai thác, sử dụng công trình nhưng phải đảm bảo quan trắc các yếu tố và tần suất quan trắc tối thiểu đối với các công trình được quy định tại Điều 6 Quy định này.
2. Việc kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy văn thực hiện theo quy định tại Điều 19 Luật Khí tượng thủy văn.
3. Tổ chức, cá nhân quan trắc khí tượng thủy văn không phục vụ cho hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thì không phải xin phép nhưng phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp huyện tối thiểu 01 (một) tháng trước khi hoạt động. Nội dung đăng ký gồm phương tiện đo khí tượng thủy văn, thông số và tần số quan trắc.
4. Các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng phải định kỳ cung cấp dữ liệu quan trắc cho Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01 tháng 12 hàng năm và đột xuất khi có yêu cầu.
Điều 18. Xác định hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn
1. Tuỳ tính chất và yêu cầu sử dụng, tổ chức, cá nhân xây dựng các công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng có thể xác định hành lang an toàn kỹ thuật của công trình nhưng không vi phạm về hành lang kỹ thuật được quy định tại Điều 5 Quy định này.
2. Tổ chức, cá nhân xây dựng hồ sơ, chỉ giới đất, phạm vi hành lang kỹ thuật công trình và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình tối thiểu 01 (một) tháng trước khi xây dựng trạm.
Điều 19. Thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng
Tổ chức, cá nhân thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng phải thông báo cho Sở Tài nguyên và Môi trường tối thiểu 01 (một) tháng trước khi thực hiện.
Điều 20. Sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn trong hoạt động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
Các doanh nghiệp thông tin di động tiếp nhận và sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn mới nhất do hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia ban hành cho công tác nhắn tin cảnh báo thiên tai qua mạng thông tin di động trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Điều 21. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ liên quan đến khí tượng thủy văn
Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn có trách nhiệm định kỳ báo cáo cho Sở Tài nguyên và Môi trường về hoạt động cung cấp dịch vụ khí tượng thủy văn trước ngày 01 tháng 12 hàng năm và đột xuất khi có yêu cầu.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22. Chế độ khen thưởng
Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn, ngăn chặn hành vi xâm hại công trình khí tượng thủy văn thì được khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước.
Điều 23. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân có hành vi phạm pháp luật về hoạt động khí tượng thủy văn thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả gây ra mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 24. Điều khoản chuyển tiếp
Đối với những trạm đã thành lập, tổ chức, cá nhân xây dựng hồ sơ, chỉ giới đất, phạm vi hành lang kỹ thuật công trình và từng bước xử lý, khắc phục theo quy định tại Điều 5 Quy định này và phải hoàn thành việc xử trước năm 2020, đồng thời thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình tối thiểu 01 (một) tháng trước khi thực hiện việc khắc phục hành lang kỹ thuật công trình.
Điều 25. Tổ chức thực hiện
1. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo chức năng và nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Quy định này.
2. Các cơ quan quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 12, Điều 13, Điều 14 tại Quy định này cung cấp dữ liệu đo đạc và thu thập được về khí tượng thủy văn cho Sở Tài nguyên và Môi trường định kỳ vào ngày 01 tháng 6, ngày 01 tháng 12 hàng năm và cung cấp đột xuất khi có yêu cầu.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, tổ chức, cá nhân phản ánh bằng văn bản về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.