Sign In

THÔNG TƯ

Quy định về bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu xe ôtô

_______________________________

 

Căn cứ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 05 tháng 12 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 04 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu xe ô tô,

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về bảo hành, bảo dưỡng đối với các loại xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước hoặc nhập khẩu (sau đây gọi chung là xe ô tô) để kinh doanh tại Việt Nam.

2. Thông tư này không áp dụng khi sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu các loại xe ô tô sau đây:

a) Xe ô tô tạm nhập, tái xuất, viện trợ; xe ô tô là tài sản, phương tiện phục vụ nhu cầu của tổ chức, cá nhân ngoại giao theo quy định của pháp luật; xe ô tô của tổ chức, cá nhân nhập khẩu để sử dụng theo mục đích riêng, không kinh doanh;

b) Xe ô tô sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;

c) Xe ô tô nhập khẩu thực hiện các mục đích đặc biệt;

d) Xe ô tô tải, ô tô chuyên dùng được đóng mới trên cơ sở ô tô sát xi hoặc các loại xe ô tô mới khác.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, lắp ráp xe ô tô, thương nhân nhập khẩu, ủy thác nhập khẩu xe ô tô để kinh doanh tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu), các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô và các cơ quan quản lý có liên quan.

Cơ sở sản xuất là các cơ sở sản xuất, lắp ráp xe ô tô có đủ điều kiện theo các quy định hiện hành.

Điều 3. Quy định về bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu

1. Cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu phải công bố tài liệu về chế độ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô cho người mua, trong đó ghi rõ chế độ bảo hành, bảo dưỡng cho từng loại xe ô tô bán ra thị trường;

2. Địa điểm bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô phải bố trí tại các tỉnh, thành phố, nơi cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu kinh doanh xe ô tô;

3. Cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu có thể thuê các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa xe ô tô đáp ứng yêu cầu quy định để thực hiện dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô;

4. Nội dung bảo hành, bảo dưỡng và chu kỳ bảo dưỡng xe ô tô thực hiện theo quy định của nhà sản xuất xe ô tô;

5. Trường hợp phát hiện xe ô tô nhập khẩu có lỗi kỹ thuật trong quá trình thiết kế chế tạo hoặc vi phạm các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành bắt buộc áp dụng cho đối tượng sản phẩm đó thì thương nhân nhập khẩu phải thực hiện việc triệu hồi sản phẩm bị lỗi kỹ thuật theo quy định tại Chương III của Thông tư số 30/2011/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới.

Điều 4. Tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu đối với cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu

Cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này.

Điều 5. Kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu

1. Việc kiểm tra đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn thực hiện tại cơ sở bảo hành, bảo dưỡng của cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu.

2. Căn cứ để kiểm tra đánh giá là tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu của cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô quy định tại Phụ lục I của Thông tư này.

3. Trường hợp cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô được ủy quyền hoặc có Giấy xác nhận thỏa mãn tiêu chuẩn cơ sở bảo hành, bảo dưỡng của hãng sản xuất xe ô tô, sẽ được xem xét miễn thực hiện việc đánh giá phù hợp tại cơ sở bảo hành, bảo dưỡng của cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu.

Điều 6. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu

1. Hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận).

Để được cấp Giấy chứng nhận, cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu (hoặc cơ sở bảo hành, bảo dưỡng) lập 01 (một) bộ hồ sơ bao gồm:

a) Bản đăng ký cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư này;

b) Bản sao chụp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề bảo dưỡng, sửa chữa xe ô tô (đối với trường hợp cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu thuê cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa thực hiện việc bảo hành xe ô tô);

c) Giấy ủy quyền của nhà sản xuất ô tô về việc bảo hành, bảo dưỡng xe hoặc Giấy xác nhận thỏa mãn tiêu chuẩn cơ sở bảo hành, bảo dưỡng của nhà sản xuất ô tô (nếu có).

2. Trình tự thực hiện chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô:

a) Cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu (hoặc cơ sở bảo hành, bảo dưỡng) lập hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này và nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính tới Cục Đăng kiểm Việt Nam;

b) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định thì thống nhất thời gian thực hiện; tiến hành việc kiểm tra đánh giá sự phù hợp tại cơ sở bảo hành, bảo dưỡng và cấp Giấy chứng nhận. Trường hợp kết quả đánh giá chưa đạt yêu cầu, thì thông báo để cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu (hoặc cơ sở bảo hành, bảo dưỡng) hoàn thiện;

c) Cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu (hoặc cơ sở bảo hành, bảo dưỡng) nhận Giấy chứng nhận trực tiếp tại Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc qua hệ thống bưu chính (nếu có yêu cầu).

3. Thời hạn giải quyết

Giấy chứng nhận được cấp trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định và có kết quả đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn tại cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe đạt yêu cầu.

4. Giấy chứng nhận có giá trị trong thời hạn 03 năm kể từ ngày ký và được cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục III của Thông tư này. Giấy chứng nhận hết hạn sẽ được xem xét cấp lại theo quy định tại các khoản 1, khoản 2 và khoản 3 của Điều này.

Điều 7. Thu hồi Giấy chứng nhận

Giấy chứng nhận sẽ hết hiệu lực và bị thu hồi trong các trường hợp sau:

1. Cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu vi phạm nghiêm trọng các quy định liên quan đến việc bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô;

2. Cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu không thực hiện việc bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô tại cơ sở đã được đánh giá, xác nhận;

3. Cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu không thực hiện triệu hồi sản phẩm bị lỗi kỹ thuật hoặc cơ sở bảo hành, bảo dưỡng không thực hiện việc sửa chữa các sản phẩm bị lỗi kỹ thuật theo ủy quyền của cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu.

Điều 8. Phí và lệ phí

Cơ quan kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận được thu các khoản phí, lệ phí theo quy định.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2012 và bãi bỏ Thông tư số 43/2011/TT-BGTVT ngày 09 tháng 06 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của thương nhân nhập khẩu xe ô tô.

2. Các Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô đã được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực vẫn có giá trị đến hết thời hạn sử dụng.

3. Lộ trình áp dụng:

a) Đối với thương nhân nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ 9 chỗ ngồi trở xuống: Từ ngày Thông tư này có hiệu lực;

b) Đối với cơ sở sản xuất xe ô tô và thương nhân nhập khẩu các loại xe ô tô nguyên chiếc khác: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

Điều 10. Tổ chức thực hiện

1. Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của các cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu trên phạm vi toàn quốc.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Bộ Giao thông vận tải

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh La Thăng