QUYẾT ĐỊNH
Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế quản lý vật liệu nổ
công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận ban hành kèm theo
Quyết định số 08/2010/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2010
của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận
________________________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 54/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp;
Căn cứ Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về đơn giản hoá các thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng của Bộ Công thương;
Căn cứ Thông tư số 23/2009/TT-BCT ngày 11 tháng 8 năm 2009 của Bộ Công thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 26/2012/TT-BCT ngày 21 tháng 9 năm 2012 của Bộ Công thương sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 23/2009/TT-BCT ngày 11 tháng 8 năm 2009 của Bộ Công thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 08/2010/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc ban hành Quy chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công thương tại Tờ trình số 608/TTr-SCT ngày 26 tháng 4 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi và bổ sung một số điều của Quy chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận ban hành kèm theo Quyết định số 08/2010/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh, cụ thể như sau:
1. Thay cụm từ “bản sao hợp lệ” tại khoản b, c, d, h Điều 9; điểm b khoản 1 Điều 11 bằng cụm từ “bản sao”.
“Bản sao là bản sao có chứng thực (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện/công văn hành chính); bản chụp kèm theo bản chính để đối chiếu (đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp); bản scan từ bản gốc (nếu thủ tục hành chính có áp dụng nộp hồ sơ qua mạng điện tử)”.
2. Thay cụm từ “Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự” tại khoản c Điều 9, điểm f khoản 1 Điều 11, khoản 3 Điều 13, điểm a khoản 1 Điều 24 bằng cụm từ “Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự”.
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:
“Điều 10. Hồ sơ đề nghị cấp lại, cấp điều chỉnh Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
1. Về đề nghị cấp lại Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Ít nhất ba mươi ngày (30 ngày) trước khi Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hết hạn, tổ chức có nhu cầu cấp lại Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải lập hồ sơ nộp về cơ quan cấp phép lần đầu. Hồ sơ nộp, gồm 02 bộ như sau:
- Đơn đề nghị (theo mẫu Phụ lục 1);
- Báo cáo hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong thời hạn hiệu lực của Giấy phép đã cấp lần trước;
- Các tài liệu quy định tại Điều 9 Quy chế này (nếu có sự thay đổi).
Trường hợp Doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hoá mà Nhà nước không giữ cổ phần chi phối thì trước khi Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hết hạn ít nhất 30 ngày; đơn vị phải nộp hồ sơ theo quy định tại Điều 9 Quy chế này về Sở Công thương để xem xét, giải quyết.
2. Về đề nghị cấp điều chỉnh Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Tổ chức đã được cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nhưng trong thời gian hoạt động có thay đổi về đăng ký kinh doanh, về địa điểm, quy mô và điều kiện sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thì phải đề nghị cấp điều chỉnh Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Hồ sơ nộp, gồm 02 bộ như sau:
- Đơn đề nghị (theo mẫu Phụ lục 1);
- Bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự cấp mới theo đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp thay đổi về đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp;
- Các tài liệu tương ứng với điều kiện thay đổi quy định tại Điều 9 Quy chế này đối với các tổ chức đề nghị cấp điều chỉnh Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong trường hợp thay đổi về địa điểm, quy mô hoặc điều kiện sử dụng.”
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 14 như sau:
“2. Thời hạn xử lý hồ sơ:
- Trong thời gian không quá 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Công thương phải tiến hành kiểm tra, thẩm định hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp (hoặc cấp lại) Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo thẩm quyền. Trong thời gian không quá 02 (hai) ngày làm việc tiếp theo, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, cấp (hoặc cấp lại) Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, hoặc trả lời cho đơn vị về việc Giấy phép không được cấp và nêu rõ lý do.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Công thương có trách nhiệm xác nhận đăng ký cho tổ chức đề nghị đăng ký sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, trong trường hợp không xác nhận phải thông báo rõ lý do theo quy định tại khoản 3 Điều 39 Nghị định số 39/2009/NĐ-CP.”
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 19 như sau:
“Điều 19. Điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp
Các tổ chức, cá nhân liên quan đến vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp bằng phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa phải thực hiện theo quy định tại Chương III Thông tư số 35/2010/TT-BCA ngày 11 tháng 10 năm 2010 của Bộ Công an quy định về cấp Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và hàng nguy hiểm.”
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 21 như sau:
“Điều 21. Thanh tra, kiểm tra, báo cáo tình hình sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
1. Thanh tra, kiểm tra tình hình sử dụng vật liệu nổ công nghiệp:
Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ 01 lần/1 năm hoặc đột xuất để kịp thời chấn chỉnh và xử lý vi phạm về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 64/2005/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý vật liệu nổ công nghiệp.
2. Báo cáo tình hình sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
Các doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận phải thực hiện báo cáo định kỳ với Sở Công thương như sau:
Báo cáo số lượng, chủng loại, chất lượng vật liệu nổ công nghiệp và các vấn đề có liên quan khác cho Sở Công thương nơi tiến hành nổ mìn vào trước ngày 25 tháng 6 đối với báo cáo sáu tháng và trước ngày 25 tháng 12 đối với báo cáo năm. Mẫu báo cáo quy định tại Phụ lục 3 Quy chế này.
Sở Công thương chịu trách nhiệm báo cáo Bộ Công thương về tình hình cấp Giấy phép và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Thông tư số 23/2009/TT-BCT ngày 11 tháng 8 năm 2009 của Bộ Công thương quy định chi tiết một số điều trong Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp.”
7. Thay thế Phụ lục 1 của Quyết định số 08/2010/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2010 bằng Mẫu đơn đề nghị (Phụ lục 1 kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công thương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.