Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành quy chế phối hợp công tác đảm bảo an ninh trật tự các khu công nghiệp, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

____________________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 73/2001/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ về hoạt động và tổ chức lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế;

Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 1581/CAT(PA17) ngày 02 tháng 10 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp công tác đảm bảo an ninh trật tự các khu công nghiệp, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các sở, ban, ngành chuyên môn; Giám đốc các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và doanh nghiệp sản xuất - dịch vụ trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận căn cứ Quyết định thi hành./.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

Huỳnh Tấn Thành

QUY CHẾ

PHỐI HỢP CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN NINH TRẬT TỰ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP, CỤM CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 98/2008/QĐ-UBND ngày 14/11/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)

______________________________

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định mối quan hệ phối hợp và trách nhiệm giữa các cơ quan Nhà nước là sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (sau đây viết tắt là cơ quan) với các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp sản xuất - dịch vụ (sau đây viết tắt là doanh nghiệp) trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (sau đây viết tắt là khu, cụm công nghiệp) về phối hợp công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

2. Đối tượng áp dụng là cơ quan quản lý Nhà nước và cán bộ, công chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực liên quan đến ANTT; là tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế có hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp

1. Mọi hoạt động phối hợp thực hiện công tác đảm bảo ANTT phải tuân thủ đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức và công dân.

2. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; đảm bảo sự thống nhất trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan với trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động; không để ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

3. Công tác đảm bảo ANTT là trách nhiệm của giám đốc, thủ trưởng các doanh nghiệp. Công an các cấp có nhiệm vụ hướng dẫn, phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện kịp thời, đúng quy định.

4. Việc cung cấp, trao đổi thông tin tội phạm, dấu hiệu vi phạm phải kịp thời, đảm bảo bí mật và tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm và quản lý Nhà nước về ANTT.

Điều 3. Nội dung công tác phối hợp

Công tác đảm bảo ANTT tại các khu, cụm công nghiệp được quy định trong Quy chế này bao gồm:

1. Công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia; phòng, chống tội phạm trật tự xã hội, tội phạm ma túy, tội phạm kinh tế, tội phạm môi trường và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

2. Công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, bảo vệ bí mật Nhà nước; bảo vệ quyền tự do, dân chủ, tính mạng, lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động; bảo vệ công trình quan trọng về an ninh quốc gia, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và công dân.

3. Xây dựng giai cấp công nhân, phát triển các tổ chức chính trị - xã hội gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc (sau đây viết tắt là ANTQ); xây dựng, củng cố lực lượng bảo vệ (LLBV), lực lượng phòng cháy chữa cháy (sau đây viết tắt là PCCC)…bên trong và lực lượng dân phòng bên ngoài khu, cụm công nghiệp.

4. Kiểm tra, thanh tra về ANTT, PCCC, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ môi trường; xuất cảnh, nhập cảnh, lưu trú, tạm trú; các nghề kinh doanh có điều kiện và dịch vụ bảo vệ; về quản lý vũ khí, vật liệu nổ; về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng.

5. Giải quyết các tình hình, vụ, việc phức tạp về ANTT như: khủng bố, phá hoại, đình công trái pháp luật, khiếu kiện đông người.

Điều 4. Phương thức phối hợp

1. Cung cấp, trao đổi thông tin về tội phạm và các dấu hiệu vi phạm; thực hiện các yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức và người có trách nhiệm tiến hành các biện pháp đảm bảo ANTT.

2. Tham mưu, hướng dẫn, phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh với các loại tội phạm, ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Chương II

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, DOANH NGHIỆP PHỐI HỢP

Điều 5. Công an tỉnh có trách nhiệm

1. Làm đầu mối tiếp nhận thông tin về tội phạm, tình hình liên quan đến ANTT hoặc các yêu cầu của cơ quan, doanh nghiệp về đảm bảo ANTT; tổ chức và chỉ đạo các lực lượng công an tiến hành các hoạt động đảm bảo an toàn các khu, cụm công nghiệp, thực hiện công tác phòng chống tội phạm gắn với cải cách hành chính theo quy định của pháp luật.

2. Chủ trì, hướng dẫn, phối hợp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, xây dựng cơ quan, doanh nghiệp an toàn về ANTT; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ANTT; thông báo tình hình, âm mưu và thủ đoạn của các loại tội phạm, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, các biểu hiện nghi vấn của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để cán bộ, nhân viên và người lao động nâng cao nhận thức và có ý thức chấp hành pháp luật, tố giác tội phạm, để cơ quan, doanh nghiệp chủ động phòng ngừa, lựa chọn đối tác trong kêu gọi đầu tư, sản xuất - kinh doanh.

3. Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công an thành lập các Đội PCCC chuyên trách, Đồn (Trạm) Công an bảo vệ khu, cụm công nghiệp đối với khu, cụm công nghiệp có quy mô lớn, hoặc có tính chất phức tạp.

4. Hướng dẫn, phối hợp xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch, nội quy về bảo vệ nội bộ, bảo vệ tài sản, bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật của doanh nghiệp; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ (LLBV), PCCC; cấp giấy phép tạm trú cho người nước ngoài, giấy phép sử dụng phương tiện, công cụ hỗ trợ theo quy định; phê duyệt các phương án bảo vệ ANTT, PCCC khu, cụm công nghiệp và doanh nghiệp.

5. Chủ trì, phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về ANTT; cùng với các cơ quan, doanh nghiệp giải quyết các tình hình, vụ việc liên quan đến ANTT.

Điều 6. Ban quản lý các khu công nghiệp; Ban quản lý các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có trách nhiệm

1. Hướng dẫn các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp xây dựng và triển khai thực hiện phương án, kế hoạch đảm bảo ANTT. Quản lý theo dõi việc thực hiện công tác đảm bảo ANTT; phòng, chống cháy, nổ; thực hiện công tác bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh nội bộ, bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật doanh nghiệp, bảo vệ tài sản; thực hiện các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực lao động, an ninh quốc gia, phòng cháy - chữa cháy, bảo vệ môi trường, đầu tư, thương mại, xuất nhập cảnh, tạm trú.

2. Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phối hợp thực hiện quản lý Nhà nước về ANTT và xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong khu, cụm công nghiệp; cùng với các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện quản lý người nước ngoài, việt kiều làm việc, lưu trú, tạm trú trong khu, cụm công nghiệp và giải quyết các tình hình, vụ việc liên quan đến ANTT.

3. Phối hợp, hướng dẫn xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, xây dựng cơ quan, doanh nghiệp an toàn về ANTT; tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật cho cán bộ, viên chức và người lao động trong cơ quan và các doanh nghiệp nhằm nâng cao ý thức và tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội; gắn giao ban về đầu tư, sản xuất kinh doanh theo định kỳ với công tác đảm bảo ANTT.

4. Trao đổi thông tin về quy hoạch, đầu tư phát triển, đền bù giải tỏa các khu, cụm công nghiệp; tình hình về đầu tư, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các dự án; các chương trình hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật với nước ngoài; cán bộ, viên chức và người lao động đi công tác, học tập, hội thảo, tham quan, lao động ở nước ngoài; cá nhân, tổ chức nước ngoài đến cơ quan, doanh nghiệp; tình hình sử dụng lao động và người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp.

Điều 7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm

1. Chủ trì, hướng dẫn và phối hợp thực hiện quản lý, kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện các chính sách, chế độ lao động, tiền lương (tiền công) đối với người lao động; cấp phép và quản lý lao động người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công… và các quy định của pháp luật lao động.

2. Thông báo kịp thời về dấu hiệu, tình hình xảy ra ngừng việc tập thể, đình công trái pháp luật, các biểu hiện kích động, xúi giục, tổ chức, lôi kéo người lao động đình công trái pháp luật; những doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động.

Điều 8. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm

1. Chủ trì, hướng dẫn phối hợp thực hiện giám sát kiểm tra, thanh tra, việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp theo quy định.

2. Trao đổi thông tin liên quan đền bù giải tỏa; tình hình khiếu nại, tố cáo về vi phạm Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường có tính chất nghiêm trọng hoặc phức tạp có ảnh hưởng đến ANTT các khu, cụm công nghiệp.

Điều 9. Sở Công thương có trách nhiệm

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan để kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của Luật Thương mại đối với các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp; Văn phòng đại diện của các nhà đầu tư nước ngoài theo quy định.

2. Trao đổi thông tin về quy hoạch phát triển, thành lập các khu, cụm công nghiệp; tình hình sử dụng công nghệ - thiết bị của các doanh nghiệp, tình hình hoạt động và phát triển các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh; chương trình xúc tiến thương mại, xuất khẩu, hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, những vấn đề phát sinh có ảnh hưởng đến ANTT.

Điều 10. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm

1. Chỉ đạo các cơ quan trực thuộc thực hiện công tác quản lý Nhà nước về ANTT, về lao động; bảo vệ môi trường; phòng, chống cháy nổ; phòng, chống tội phạm; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; củng cố và đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển kinh doanh.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn Ban quản lý các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thực hiện các nội dung theo Điều 6 của Quy chế này.

3. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xây dựng và củng cố lực lượng dân phòng; thực hiện đăng ký tạm trú, tạm vắng cho công nhân; phối hợp đảm bảo ANTT các khu, cụm công nghiệp ở địa phương.

4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan giải quyết, xử lý và ngăn chặn kịp thời các vụ tụ tập đông người, tranh chấp lao động, đình công trái pháp luật và các hành vi làm ảnh hưởng xấu đến ANTT, môi trường đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp ở địa phương.

Điều 11. Trách nhiệm của doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh - dịch vụ trong khu, cụm công nghiệp

1. Công tác đảm bảo ANTT trong doanh nghiệp và trong khu, cụm công nghiệp là trách nhiệm chính của giám đốc, thủ trưởng các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong khu, cụm công nghiệp.

2. Tổ chức thành lập lực lượng bảo vệ, PCCC bán chuyên trách; xây dựng triển khai thực hiện các phương án, kế hoạch đảm bảo ANTT, PCCC, bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh nội bộ, bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật doanh nghiệp, bảo vệ tài sản; thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, bảo vệ môi trường, đầu tư, thương mại và các quy định về xuất nhập cảnh, cư trú, quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ.

3. Chỉ đạo lực lượng bảo vệ, PCCC thực hiện công tác tuần tra, canh gác, đảm bảo ANTT, bảo vệ tính mạng và tài sản, bảo vệ các công trình hạ tầng trong doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp; bảo vệ hiện trường, tham gia phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn; phối hợp giữa các doanh nghiệp với các cơ quan thực hiện phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, điều lệ khu, cụm công nghiệp. Tổ chức phối hợp với cơ quan chức năng bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và trang bị những phương tiện, dụng cụ, công cụ cần thiết cho lực lượng bảo vệ, PCCC để thực thi nhiệm vụ, đảm bảo đủ khả năng thực hiện tốt khi có tình huống, sự cố xảy ra.

4. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cán bộ, nhân viên và người lao động nhằm nâng cao ý thức và tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm tại doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp và địa phương; thực hiện tốt quy chế dân chủ, giải quyết kịp thời các lợi ích chính đáng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động; quan tâm phát triển các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; phối hợp ngăn chặn các biểu hiện kích động, xúi giục, tổ chức, lôi kéo người lao động đình công trái pháp luật hoặc đình công theo ý đồ chính trị của các thế lực thù địch.

5. Thông báo cho cơ quan chức năng về tình hình và công tác đảm bảo ANTT; chương trình hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật với nước ngoài; cán bộ nhân viên, người lao động đi công tác, học tập, hội thảo, tham quan, lao động ở nước ngoài; cá nhân, tổ chức nước ngoài đến cơ quan, doanh nghiệp; những dấu hiệu ảnh hưởng đến ANTT trong và ngoài doanh nghiệp.

6. Khi phát hiện các hoạt động của tội phạm; hoặc xảy ra tình hình phức tạp về ANTT (đình công, tụ tập đông người gây mất trật tự công cộng…), các doanh nghiệp phải kịp thời thông báo và phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương và doanh nghiệp thực hiện tấn công, trấn áp tội phạm hoặc vận động, thuyết phục người lao động trong doanh nghiệp, nhân dân địa phương chấp hành các quy định của pháp luật.

7. Doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp có trách nhiệm tổ chức giao ban lực lượng và công tác bảo vệ ANTT trong khu, cụm công nghiệp (do doanh nghiệp làm chủ đầu tư) để phổ biến các vấn đề liên quan và bàn biện pháp phối hợp thực hiện.

Điều 12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên: Liên đoàn Lao động tỉnh, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ phát triển tổ chức trong các doanh nghiệp; tăng cường chỉ đạo, phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội trong dân cư, công nhân, viên chức các doanh nghiệp; nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng, bức xúc của người lao động, những nguy cơ tìm ẩn có thể dẫn đến đình công, biểu tình; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động tổ chức, xúi giục đình công theo ý đồ chính trị của các thế lực thù địch; tham gia giải quyết các vụ khiếu nại, tranh chấp lao động; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện các quy định pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội; chủ động kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Khen thưởng, xử lý vi phạm

1. Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc tổ chức thực hiện Quy chế sẽ được khen thưởng theo quy định.

2. Các tổ chức, cá nhân vi phạm Quy chế này tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Tổ chức thực hiện

- Định kỳ hàng quý, 6 tháng, 1 năm các cơ quan, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố báo cáo tình hình thực hiện và đề xuất giải pháp tăng cường đảm bảo ANTT tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn và gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Công an tỉnh);

- Công an tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp, theo dõi, đôn đốc thực hiện Quy chế này và tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Huỳnh Tấn Thành