Sign In

NGHỊ QUYẾT

Về việc quy định đối tượng thu, mức thu, quản lý và sử dụng phí đo đạc, lập bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

________________________________________________

 HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2003/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí;

Căn cứ Thông tư số 02/2014/TT-BTC ngày 02/01/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Thông tư số 50/2013/TT-BTNMT ngày 27/12/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đo đạc địa chính, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

Sau khi xem xét Tờ trình số 1812/TTr-UBND ngày 27/5/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định đối tượng thu, mức thu, quản lý và sử dụng phí đo đạc, lập bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến tham gia của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Tờ trình số 1812/TTr-UBND ngày 27/5/2014 của UBND tỉnh về việc quy định đối tượng thu, mức thu, quản lý và sử dụng phí đo đạc, lập bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, cụ thể như sau:

1. Đối tượng nộp phí:

a) Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đo đạc, lập bản đồ địa chính để giao đất, cho thuê đất mới hoặc được phép thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất.

b) Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có yêu cầu đo đạc, lập bản đồ địa chính để thực hiện các quyền của người sử dụng đất.

c) Các tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được nhà nước đo đạc, lập bản đồ địa chính (kể cả các trường hợp nhà nước đo đạc chỉnh lý lại bản đồ) từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai để phục vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (như dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, dự án đa dạng hóa nông nghiệp và các dự án khác).

2. Trường hợp không nộp phí:

a) Các cá nhân, hộ gia đình được cơ quan nhà nước đo đạc, lập bản đồ địa chính (kể cả các trường hợp nhà nước đo đạc chỉnh lý lại bản đồ) từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai để phục vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (như dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, dự án đa dạng hóa nông nghiệp và các dự án khác).

b) Trường hợp thửa đất của hộ gia đình, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về đất đai nay thực hiện các quyền của người sử dụng đất mà không làm thay đổi mục đích sử dụng, diện tích thửa đất (cả thực hiện quyền một phần thửa đất), trừ trường hợp người sử dụng đất có đơn yêu cầu tự nguyện đề nghị đo đạc lại thửa đất.

3. Mức thu phí:

a) Đối với khu vực nông thôn (bao gồm các xã thuộc các huyện, thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết):

Stt

Diện tích (m2)

Đơn giá (đồng/m2)

1

Diện tích ≤ 300 m2

1.500

2

Diện tích > 300-500 m2

950

3

Diện tích > 500-1.000 m2

650

4

Diện tích > 1.000-3.000 m2

350

5

Diện tích > 3.000-10.000 m2

160

6

Diện tích trên 10.000 m2

103

b) Đối với khu vực đô thị (bao gồm các phường thuộc thị xã La Gi, thành phố Phan Thiết và các thị trấn thuộc các huyện):

Stt

Diện tích (m2)

Đơn giá (đồng/m2)

1

Diện tích ≤ 300 m2

1.500

2

Diện tích > 300-500 m2

1.100

3

Diện tích > 500-1.000 m2

970

4

Diện tích > 1.000-3.000 m2

502

5

Diện tích > 3.000-10.000 m2

237

6

Diện tích trên 10.000 m2

150

4. Quản lý và sử dụng tiền thu phí:

a) Tiền thu phí đo đạc, lập bản đồ địa chính là khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước, toàn bộ số tiền thu phí được nộp vào tài khoản phí, lệ phí chờ nộp ngân sách của cơ quan thu phí. Từ tài khoản tiền phí thu được, đơn vị phân phối và sử dụng như sau:

- Đối với trường hợp kinh phí ngân sách nhà nước đã chi cho công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính (kể cả các trường hợp nhà nước đo đạc chỉnh lý lại bản đồ) cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai để phục vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (như dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, dự án đa dạng hóa nông nghiệp và các dự án khác), đơn vị thu phí được để lại 20% để trang trải chi phí phục vụ công tác thu phí, 80% phần tiền phí còn lại nộp vào ngân sách tỉnh.

- Đối với trường hợp kinh phí ngân sách nhà nước chưa chi cho việc đo đạc, lập bản đồ địa chính (kể cả các trường hợp nhà nước đo đạc chỉnh lý lại bản đồ) thì cơ quan thu phí được để lại 100% trên tổng số tiền phí thu được để trang trải chi phí thực hiện công tác đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính và phục vụ công tác thu phí.

Nội dung chi từ nguồn phí được để lại bao gồm:

+ Chi thanh toán cho cá nhân trực tiếp thực hiện công việc đo đạc, lập bản đồ địa chính và thu phí: Tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo quy định được tính trên tiền lương, trừ chi phí tiền lương cho cán bộ, công chức đã hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo chế độ quy định.

+ Chi phí phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện công việc đo đạc, lập bản đồ địa chính và thu phí như: văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, thông tin liên lạc, điện, nước, công tác phí (chi phí đi lại, tiền thuê chỗ ở, tiền lưu trú) theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành.

+ Chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, máy móc trang thiết bị phục vụ trực tiếp cho thực hiện công việc đo đạc, lập bản đồ địa chính và thu phí; khấu hao tài sản cố định để thực hiện công việc đo đạc, lập bản đồ địa chính và thu phí thực hiện theo quy định hiện hành.

+ Chi mua sắm vật tư, nguyên liệu và các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến việc thực hiện công việc đo đạc, lập bản đồ địa chính và thu phí.

- Trường hợp cơ quan thu phí là đơn vị sự nghiệp, số thu được để lại là nguồn thu sự nghiệp thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

b) Hàng năm, tổ chức thu phí lập dự toán thu, chi gửi cơ quan chủ quản cấp trên và cơ quan tài chính cùng cấp cùng với thời gian lập dự toán ngân sách hàng năm và gửi cơ quan Thuế cùng cấp, Kho bạc Nhà nước nơi tổ chức thu mở tài khoản tạm giữ tiền phí để kiểm soát chi theo quy định hiện hành; hàng năm phải quyết toán thu phí theo thực tế cùng với thời gian quyết toán ngân sách nhà nước. Sau khi quyết toán đúng chế độ, số tiền phí chưa chi trong năm được phép chuyển sang năm sau tiếp tục chi theo chế độ quy định.

Điều 2. Giao cho UBND tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết này; các quy định về phí đo đạc, lập bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh trước đây trái với Nghị quyết này đều được bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện, nếu UBND tỉnh có đề nghị điều chỉnh, bổ sung các nội dung có liên quan về phí đo đạc, lập bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, HĐND tỉnh ủy quyền cho Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh căn cứ vào các quy định của pháp luật, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương và tình hình thực tế của địa phương để quyết định điều chỉnh, bổ sung và báo cáo HĐND tỉnh trong kỳ họp gần nhất.

Điều 3. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá IX, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 15 tháng 7 năm 2014 và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày được thông qua./.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Thuận

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Mạnh Hùng