Sign In

NGHỊ QUYẾT

Về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận đến năm 2020

_________________________________

 HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

KHOÁ VIII, KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Sau khi xem xét Tờ trình số 5414/TTr-UBND ngày 28/11/2007 của ủy ban nhân dân tỉnh về Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận đến năm 2020; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua tờ trình của UBND tỉnh về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 và nhấn mạnh một số vấn đề chủ yếu như sau:

1. Quan điểm phát triển:

- Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 bảo đảm nguyên tắc phù hợp với tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước và của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Xây dựng tỉnh Bình Thuận trở thành một tỉnh công nghiệp - dịch vụ theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế nhanh và theo kịp trình độ phát triển của các tỉnh trong khu vực.

- Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực, sản phẩm có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh; tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng các ngành, các lĩnh vực và các vùng lãnh thổ để chủ động hội nhập kinh tê khu vực và quốc tế.

- Gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện phát triển kinh tế gắn với bảo vệ tốt môi trường, bảo vệ tài nguyên đất đai, rừng, biển và nguồn nước.

- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh và vùng biển, đảo.

2. Mục tiêu phát triển:

2.1. Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng và phát triển tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 trở thành một tỉnh công nghiệp - dịch vụ theo hướng hiện đại, năng động; có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đồng bộ liên thông với cả nước và quốc tế; có quan hệ sản xuất tiến bộ; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

a) Về kinh tế:

- Tốc độ tăng GDP thời kỳ 2006 - 2010 khoảng 14,32%, thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 13,5 - 14,3% và thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 12,0 - 12,8%. GDP bình quân đầu người năm 2010 gấp khoảng 3,24 lần so với năm 2000, năm 2015 gấp khoảng 1,78 lần so với năm 2010 và năm 2020 gấp khoảng 3 lần so với năm 2010.

- Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tiến bộ. Tỷ trọng GDP khu vực công nghiệp - xây dựng tăng lên 39,9% năm 2010 và trên 48% năm 2020; của khu vực dịch vụ tương ứng hai thời kỳ trên là 39,6% và 44,0%; GDP khu vực nông nghiệp giảm dần xuống 20,5% năm 2010 và 7,8 - 8,0% năm 2020.

- Tỷ lệ huy động từ GDP vào ngân sách thời kỳ 2006 - 2010 khoảng 15 - 16% (không tính thuế tài nguyên dầu khí), thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 16 - 17% và thời kỳ 2016 - 2020 đạt khoảng 18 - 20%.

- Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 20%/năm giai đoạn 2006 - 2010 và khoảng 17 - 18%/năm giai đoạn 2011 - 2020. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2010 đạt khoảng 235 triệu USD, năm 2015 đạt khoảng 480 - 500 triệu USD và đến năm 2020 đạt khoảng trên dưới 1 tỷ USD.

- Kết cấu hạ tầng sản xuất và xã hội được xây dựng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.

- Tăng nhanh tổng vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ tổng vốn đầu tư so GDP thời kỳ 2006 - 2010 đạt 54 - 56% GDP, thời kỳ 2011 - 2020 khoảng 43 - 45%.

b) Về xã hội:

- Tiếp tục giảm sinh. Đến năm 2010 tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên đạt 1,14% và khoảng 1,0 - 1,1% vào năm 2011 - 2020.

- Giải quyết việc làm cho 20.000 - 22.000 lao động/năm, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn 81 - 85% năm 2010 và trên 90% năm 2020, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực đô thị khoảng dưới 4% năm 2010 và 3 - 3,5% năm 2020.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) còn 5% năm 2010, đến năm 2020 giảm hơn 2/3 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tương ứng trong cùng thời kỳ.

- Nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở. Thực hiện phổ cập giáo dục trung học phổ thông trước năm 2015. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 30 - 35% năm 2010 và khoảng 50 - 55% năm 2020.

- Tăng tuổi thọ lên 74 - 75 tuổi năm 2010 và 78 - 80 tuổi năm 2020.

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 15% năm 2010 và dưới 5% năm 2020.

- Nâng tỷ lệ đô thị hoá lên khoảng 40 - 42% năm 2010 và 60 - 65% năm 2020.

c) Về bảo vệ môi trường:

- Hạn chế và ngăn ngừa có hiệu quả ô nhiễm môi trường, giữ gìn bảo vệ tốt môi trường sinh thái biển và ven biển. Nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 52% năm 2010. Giảm tình trạng khô hạn (cả về diện rộng và độ dài thời gian) và chống sa mạc hoá.

- Đến năm 2010 khoảng 90% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch; 80% số hộ nông thôn có hố xí hợp vệ sinh; thu gom và xử lý 100% rác thải sinh hoạt; các đô thị và khu công nghiệp đều có hệ thống quản lý và xử lý 100% chất thải công nghiệp nguy hại, chất thải y tế.

- Khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học, nhất là các khu bảo tồn thiên nhiên tại huyện Tánh Linh và huyện Hàm Thuận Nam, khu vực biển và ven biển.

3. Phương hướng phát triển các ngành và lĩnh vực:

3.1. Phát triển công nghiệp:

- Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm khoảng 21 - 23% thời kỳ 2006 - 2010, trong khoảng 18 - 20% thời kỳ 2011 - 2015 và 16 - 17,5% thời kỳ 2016-2020.

- Tập trung phát triển mạnh 8 nhóm ngành sản phẩm sau: năng lượng; hải sản chế biến; khai thác - chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng; cơ khí, điện tử, đóng - sửa chữa tàu biển; sản xuất nước khoáng, nước giải khát; dệt, may, giày dép; chế biến lâm sản - sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và chế biến nông sản.

- Xây dựng và phát triển các khu công nghiệp: Phan Thiết (108,7 ha), Tuy Phong (150 ha), Hàm Kiệm (1.000 ha), khu công nghiệp - dịch vụ Sơn Mỹ (4.100 ha), Tân Đức (750- 900 ha), một số khu công nghiệp khác khi có điều kiện và các cụm công nghiệp quy mô 40 - 50 ha ở các huyện; phấn đấu đến năm 2020, mỗi huyện, thị xã có 3 - 4 cụm công nghiệp tập trung.

3.2. Phát triển các ngành dịch vụ:

- Phát huy lợi thế về tài nguyên du lịch, xây dựng ngành du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Phát triển nhanh du lịch nội địa, khai thác tối đa thị trường du lịch quốc tế, khuyến khích các sản phẩm du lịch có chất lượng cao. Xây dựng phát triển đồng bộ các khu du lịch: Phan Thiết - Mũi Né - Hòn Rơm - Hoà Thắng; Cà Ná - Cù Lao Câu - Bình Thạnh - Vĩnh Hảo - Phan Rí; Thuận Quý - Hòn Lan - Kê Gà - Tà Cú - Bưng Thị - La Gi; Hàm Thuận - Đa Mi - Thác Bà - ĐaKai và khu du lịch sinh thái biển đảo Phú Quý. Xây dựng thành phố Phan Thiết là đô thị du lịch và trung tâm du lịch của tỉnh. Tổng số khách du lịch đến tỉnh năm 2010 khoảng 2,8 - 3 triệu lượt người (khách quốc tế 7 - 8%), năm 2020 là 5,8 - 6 triệu lượt người (khách quốc tế 9 - 10%).

- Phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, từng bước phát triển hệ thống thương mại điện tử. Hoàn thành xây dựng Trung tâm giới thiệu và giao dịch thuỷ sản tại La Gi, trung tâm thương mại Phan Rí Cửa; xây dựng các chợ đầu mối giao dịch, mua bán nông sản, rau quả xuất khẩu (Hàm Thuận Nam). Xây dựng mạng lưới siêu thị ở các đô thị và mở rộng mạng lưới chợ nông thôn. Phát triển các hình thức dịch vụ cao cấp và dịch vụ hàng hải phục vụ các cảng chuyên dùng và dịch vụ nghề cá. Phấn đấu giá trị xuất khẩu thời kỳ 2006 - 2010 tăng bình quân 17 - 18%/năm và thời kỳ 2011 - 2020 tăng bình quân 15 - 16%.

3.3. Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản:

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 7,5 - 8%/ năm giai đoạn 2006 - 2010 và 5,5 - 6%/năm trong giai đoạn 201 1 - 2020.

- Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp: tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp lên khoảng 25 - 28% năm 2010 và trên 32 - 35% năm 2020. Ổn định diện tích lúa, thâm canh tăng vụ, tăng năng suất, đảm bảo lương thực dự trữ. Tăng diện tích và năng suất các loại cây công nghiệp, các loại rau màu. Tăng giá trị sản lượng và tăng thu nhập để đạt 40 - 45 triệu đồng/ha. Phát triển chăn nuôi tập trung gắn với công nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ - kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, giữ vệ sinh môi trường tạo khối lượng sản phẩm hàng hoá lớn, chất lượng cao.

- Phát triển lâm nghiệp với trọng tâm là trồng rừng, tăng độ che phủ và bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học. Ưu tiên xây dựng rừng phòng hộ nhất là ở những nơi xung yếu ở các huyện: Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Đức Linh, Tánh Linh và trồng rừng trên các vùng đất cát ven biển, chống sa mạc hoá. Phát triển các loại rừng sản xuất theo hướng nông lâm sinh thái kết hợp phù hợp với từng vùng nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá và phát triển bền vững. Tăng cường quản lý, đẩy mạnh giao khoán rừng và đất lâm nghiệp.

- Phát triển thuỷ sản trên cơ sở kết hợp giữa khai thác với nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 9 - 10%/năm thời kỳ 2006 - 2010 và 7 - 8%/năm thời kỳ 2011 - 2020. Đến năm 2010, sản lượng khai thác đạt 180.000 tấn và nuôi trồng 20.000 tấn; năm 2020 sản lượng khai thác 190.000 tấn và nuôi trồng 30.000 tấn. Xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá: cảng cá, khu neo đậu tránh bão (Ba Đăng, Chí Công, Mũi Né, Phú Quý), chợ thuỷ sản đầu mối và các khu đóng, sửa chữa tàu thuyền, dịch vụ cơ khí, sắp xếp các cơ sở chế biến của các làng nghề truyền thống. Đầu tư hạ tầng các vùng sản xuất giống, nuôi trồng tại các huyện: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam.

3.4. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng:

- Xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông, hình thành mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông liên hoàn kết nối các địa phương trong tỉnh và với bên ngoài. Nâng cấp và bê tông, nhựa hoá toàn bộ mạng lưới đường cấp huyện và các tuyến đường huyện đến trung tâm xã, đảm bảo 100% xã có đường ô tô đi lại thông suốt. Phát triển hệ thống giao thông tĩnh trong các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp và các trạm đỗ xe, các điểm dừng đón khách trên Quốc lộ 1 và bãi đỗ xe ở các khu vực cảng biển, ga đường sắt, khu du lịch, trung tâm thương mại.

- Nâng cấp, hiện đại hoá cảng Phan Thiết, cảng Phú Quý. Xây dựng cảng du lịch Hòn Rơm, cảng chuyên dùng tại 2 trung tâm nhiệt điện than Vĩnh Tân và Sơn Mỹ, cảng tổng hợp Kê Gà. Cải tạo, nâng cấp các cảng cá Phan Rí Cửa, Liên Hương, Phan Thiết, La Gi.

- Nâng cấp tuyến đường sắt và các ga trên tuyến đường sắt Bắc - Nam trên địa bàn tỉnh. Xây dựng tuyến đường sắt cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Phan- Thiết - Nha Trang và tuyến đường sắt từ mỏ bôxit (Đăk Nông) đến cảng Kê Gà. Xây dựng các tuyến đường sắt nối khu công nghiệp Hàm Kiệm, khu công nghiệp dịch vụ Sơn Mỹ vào hệ thống đường sắt (giai đoạn sau năm 2010). Nâng cấp hiện đại hoá ga Mương Mán, xây dựng ga Phan Thiết mới.

- Cải tạo, nâng cấp sân bay trên đảo Phú Quý. Xây dựng mới sân bay Hoà Thắng.

- Nâng năng lực và hiện đại hoá hệ thống thông tin liên lạc. Tăng mật độ sử dụng điện thoại di động và cố định đạt 32 - 36 máy/ 100 dân vào năm 2010 và đạt 50 - 55 máy/ 100 dân năm 2020. Phổ cập dịch vụ viễn thông, truyền thông và dịch vụ Internet trên địa bàn toàn tỉnh.

- Cải tạo, nâng cấp, xây dựng hoàn thiện hệ thống cấp điện để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, các khu công nghiệp, khu du lịch, đô thị, sản xuất ở hông thôn và dân sinh. Bảo đảm huyện đảo Phú Quý và các đảo nhỏ được cấp điện liên tục cả ngày đêm. Phấn đấu đến năm 2010 trên 99,5% số hộ trong tỉnh được dùng điện.

- Sử dụng tổng hợp và có hiệu quả các nguồn nước. Tích cực đầu tư thuỷ lợi để nâng tổng năng lực tưới chủ động toàn tỉnh đạt 88.500 ha chiếm 31,27% diện tích đất nông nghiệp vào năm 2010 và tăng lên 109.640 ha chiếm 14% diện tích đất tự nhiên vào năm 2020. Năm 2010, có 90% dân số nông thôn được dùng nước sạch, 90 - 95% dân số đô thị được cấp nước sạch; đến năm 2020, có 100% dân số đô thị và nông thôn được cấp, dùng nước sạch. Đảm bảo cấp nước cho các đô thị, khu, cụm công nghiệp, các khu dịch vụ du lịch. Tiếp tục xây dựng, củng cố tu bổ thường xuyên hệ thống đê, kè sông, kè biển chống xói lở.

- Đầu tư hệ thống thoát nước đồng bộ ở thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi, khu du lịch và các thị trấn huyện lỵ. Xây dựng hệ thống xử lý nước thải công nghiệp ở các khu công nghiệp và các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề, cảng cá, khu vực chăn nuôi công nghiệp tập trung. Xây dựng nhà hoả táng ở Phan Thiết, La Gi.

3.5. Phát triển các lĩnh vực xã hội:

- Thực hiện các biện pháp giảm sinh, khống chế tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên ở mức 1,14% năm 2010. Nâng tỷ lệ dân số đô thị trong tổng dân số lên 42% năm 2010 và 60 - 65% vào năm 2020. Hàng năm giải quyết việc làm khoảng 22.800 người thời kỳ 2006 - 2010 và khoảng 10.500 người thời kỳ 2011 - 2020. Giảm tỷ lệ chung thất nghiệp xuống còn dưới 4% năm 2010 và khoảng 2 - 3% năm 2020. Chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế theo hướng tiên tiến, hiện đại. Đến năm 2010, cơ cấu lao động làm việc trong nền kinh tế như sau: công nghiệp - xây dựng chiếm 19,7%, dịch vụ - thương mại khoảng 32,3% và nông - lâm - ngư nghiệp giảm còn khoảng 48%. Đến năm 2020 đạt tỷ lệ tương ứng là 27,2% - 48,1% - 24,7%.

- Phát triển giáo dục mầm non, duy trì và nâng cao thành quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học phổ thông trước năm 2015. Mở rộng, phát triển mạng lưới các trường chuyên nghiệp và dạy nghề. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 24,4% năm 2005 lên 30% năm 2010 và 50 - 55% năm 2020, trong đó đảm bảo khoảng 50% số lượng đào tạo có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật.

- Tăng tuổi thọ trung bình lên 74 - 75 tuổi năm 2010 và 78 - 80 tuổi năm 2020. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 15% năm 2010 và dưới 5% năm 2020. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho bệnh viện đa khoa tỉnh, các bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện khu vực, bệnh viện huyện đạt tiêu chuẩn; 85% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế vào năm 2010 và đạt 100% vào năm 2020. Phấn đấu đến năm 2010 đạt 24,5 giường bệnh/ 01 vạn dân và năm 2020 là 27,4 giường bệnh/ 01 vạn dân. 100% số xã có bác sĩ, bình quân 6 -7 bác sĩ/ 01 vạn dân năm 2010 và 8 bác sĩ/ 01 vạn dân năm 2020.

- Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, xây dựng hạ tầng, thiết chế văn hoá cơ sở theo quy hoạch. Phấn đấu đến năm 2020 có 100% số xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hoá - thông tin cơ sở; 100% số làng, thôn, bản có nhà văn hoá. Tiếp tục trùng tu, tôn tạo các di tích được xếp hạng lên 50% năm 2010 và trên 75% năm 2020. Đảm bảo 100% số hộ được xem truyền hình và nghe đài tiếng nói Việt Nam.

- Phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng. Xây dựng khu liên hợp thể dục thể thao tỉnh gồm sân vận động, nhà thi đấu, bể bơi, khu thể thao ngoài trời và các công trình phụ trợ khác. Mỗi huyện, thị xã, thành phố có trung tâm thể dục thể thao gồm sân vận động, nhà luyện tập thi đấu, bể bơi và các công trình thể thao ngoài trời khác, cấp xã, phường, thị trấn: 80% cơ sở xây dựng xong các điểm luyện tập thể dục thể thao.

- Phát triển tiềm lực khoa học công nghệ, ưu tiên cho công nghệ thông tin, cơ khí, vật liệu mới, nghiên cứu biển và công nghệ sinh học. Tập trung đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật tiến bộ trong ngành nông - lâm - ngư và công nghiệp chế biến nông, thuỷ hải sản, lâm sản và công nghiệp khai thác. Từng bước hạn chế và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, đặc biệt ở các khu công nghiệp và đô thị. Khai thác hợp lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học rừng, biển và các vùng đồi cát tự nhiên, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường những khu vực bị suy thoái.

3.6. Kết hợp phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh quốc phòng:

Phát triển kinh tế - xã hội phải gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên từng địa bàn, đặc biệt là vùng biển và hải đảo. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng nhân dân bảo đảm địa bàn ổn định chính trị, an toàn xã hội. Xây dựng các lực lượng vũ trang, lực lượng dự bị động viên vững mạnh, khu vực phòng thủ vững chắc.

4. Tổ chức không gian đô thị của tỉnh:

Hình thành và phát triển không gian đô thị: vùng đô thị trung tâm (đô thị du lịch) với trung tâm là thành phố Phan Thiết; cụm đô thị phía Bắc gồm Phan Rí Cửa, Liên Hương, Chợ Lầu; vùng đô thị La Gi, Sơn Mỹ, Tân Đức gắn với khu công nghiệp - dịch vụ Sơn Mỹ và khu công nghiệp Tân Đức và cụm đô thị sông La Ngà (Đức Tài, Võ Xu và Lạc Tánh).

Tập trung xây dựng và phát triển khu kinh tế đảo Phú Quý trở thành trung tâm dịch vụ nghề cá, khai thác và chế biến hải sản, giao thông biển, du lịch gắn với tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước. Nghiên cứu khả năng tổ chức dịch vụ, phục vụ khai thác dầu khí trên khu vực vùng biển của huyện.

5. Giải pháp thực hiện quy hoạch:

- Tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch. Huy động vốn đầu tư phát triển thời kỳ 2006 - 2020 là 517.410 tỷ đồng, trong đó thời kỳ 2006 - 2010 là 41.410 tỷ đồng, giai đoạn 2011 - 2015 là 132.600 tỷ đồng và thời kỳ 2016 - 2020 là 343.400 tỷ đồng.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, các chuyên gia trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nhân lành nghề và các nhà doanh nghiệp giỏi.

- Mở rộng nghiên cứu ứng dụng, triển khai và đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực phù hợp với yêu cầu của tỉnh.

- Tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành và nghiên cứu xây dựng ban hành một số cơ chế chính sách mới phù hợp để thực hiện quy hoạch.

- Hiện đại hoá nền hành chính; quản lý, điều hành và thực thi công vụ phù hợp với quá trình chuyển đổi. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả điều hành của bộ máy chính quyền các cấp, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.

Điều 2. Giao UBND tỉnh nghiên cứu ý kiến đóng góp của các vị đại biểu HĐND tỉnh và hoàn chỉnh báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, lập thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này theo đúng quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện, nếu UBND tỉnh có đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nói trên, HĐND tỉnh ủy quyền cho Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến làm cơ sở để UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung và báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

Điều 3. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và các vị đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Bình Thuận khóa VIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 06 tháng 12 năm 2007 và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Thuận

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Huỳnh Văn Tí