Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành quy định chế độ trợ cấp đối với học sinh dân tộc thiểu số ở các thôn, xã, miền núi, vùng cao trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

____________________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010;

Theo đề nghị của Liên Sở Tài chính - Sở Giáo dục và Đào tạo - Ban Dân tộc,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chế độ trợ cấp đối với học sinh dân tộc thiểu số ở các thôn, xã, miền núi, vùng cao trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành, được áp dụng kể từ năm học 2008 - 2009 và thay thế Quyết định số 84/2005/QĐ-UBND ngày 15/12/2005 và Quyết định số 35/2007/QĐ-UBND ngày 10/7/2007 của UBND tỉnh về việc sửa đổi khoản 3, khoản 4 Điều 4 và khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 5, Chương III và Điều 8, Chương IV của Quy định chế độ trợ cấp đối với học sinh dân tộc thiểu số ở các xã miền núi, vùng cao kèm theo Quyết định số 84/2005/QĐ-UBND ngày 15/12/2005 của UBND tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban Dân tộc, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

Huỳnh Tấn Thành

QUY ĐỊNH

VỀ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ĐỐI VỚI HỌC SINH DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở CÁC THÔN, XÃ, MIỀN NÚI, VÙNG CAO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

(Ban hành kèm theo Quyết định số 93/2008/QĐ-UBND ngày 31/10/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)

_____________________________________

Chương I.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng

1. Các đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp theo Quy định này là học sinh mẫu giáo, học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở là con em người dân tộc thiểu số vùng cao (K’Ho, Raglay, Rai, Châuro) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

2. Những đối tượng hưởng chế độ trợ cấp theo Quy định này thì không được hưởng chế độ trợ cấp tại Quyết định số 01/2008/QĐ-UBND ngày 02/01/2008 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định chính sách hỗ trợ thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và Quyết định số 02/2008/QĐ-UBND ngày 02/01/2008 của UBND tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ học tập cho học sinh tiểu học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

3. Những đối tượng hưởng chế độ trợ cấp theo Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc Chương trình 135 giai đoạn II và Quyết định số 24/2008/QĐ-TTg ngày 05/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2010 thì không được hưởng chế độ trợ cấp tại Quy định này.

Điều 2. Địa bàn thực hiện

1. Các xã: Phan Dũng - huyện Tuy Phong; Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Điền, Phan Tiến - huyện Bắc Bình; Đông Giang, La Dạ, Đông Tiến - huyện Hàm Thuận Bắc; Mỹ Thạnh, Hàm Cần - huyện Hàm Thuận Nam; La Ngâu - huyện Tánh Linh.

2. Các thôn dân tộc thiểu số xen ghép thuộc các xã miền núi, vùng cao: thôn Vĩnh Sơn - xã Vĩnh Hảo; thôn 3 xã Phong Phú - huyện Tuy Phong; thôn Kukê, xã Thuận Minh; thôn Dân Hiệp, xã Thuận Hòa; thôn xen ghép xã Đa Mi - huyện Hàm Thuận Bắc; thôn Bà Giêng, xã Tân Đức; thôn Láng Gòn, xã Tân Xuân; thôn Tân Quang, xã Sông Phan; thôn Suối Máu, xã Tân Hà; thôn xen ghép xã Tân Phúc - huyện Hàm Tân; thôn 7, xã Đức Tín; thôn 9, xã Mê Pu; thôn 4, xã Trà Tân - huyện Đức Linh; thôn 4, xã Đức Bình; thôn Tà Pứa, xã Đức Phú; thôn 2, xã Suối Kiết; thôn 1, xã Măng Tố; thôn Đồng Me, thôn Bàu Chim, xã Đức Thuận; thôn Trà Cụ, thôn Tân Thành, thị trấn Lạc Tánh; thôn 1, thôn 2 xã Gia Huynh - huyện Tánh Linh.

Chương II.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Mức hỗ trợ và hình thức hỗ trợ

1. Hỗ trợ tiền ăn, dụng cụ sinh hoạt, học tập và trang phục:

a) Mức hỗ trợ:

- Học sinh mẫu giáo: hỗ trợ 70.000đồng/học sinh/tháng (hưởng theo thời gian học nhưng tối đa không quá 9 tháng/năm học);

- Học sinh tiểu học và trung học cơ sở: hỗ trợ 140.000đồng/học sinh/tháng (hưởng theo thời gian học nhưng tối đa không quá 9 tháng/năm học).

Căn cứ mức hỗ trợ nêu trên, Chủ tịch UBND các huyện quy định cụ thể mức hỗ trợ đối với từng nội dung như tiền ăn, dụng cụ sinh hoạt, học tập và trang phục.

b) Hình thức hỗ trợ:

- Cấp hỗ trợ cho học sinh mẫu giáo bằng tiền mặt hay bằng hiện vật do hội phụ huynh học sinh và ban giám hiệu nhà trường quyết định;

- Cấp hỗ trợ cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở bằng tiền mặt hay bằng hiện vật do hội phụ huynh học sinh và ban giám hiệu nhà trường quyết định theo điều kiện cụ thể và nguyện vọng của học sinh.

2. Hỗ trợ sách giáo khoa:

a) Mức hỗ trợ cho học sinh tiểu học và học sinh trung học cơ sở: cấp cho mượn 01 học sinh/01 bộ/năm học, cuối năm học sinh trả lại cho nhà trường;

b) Hình thức thực hiện: giao cho nhà trường mua sách cấp cho học sinh và quản lý, theo dõi, thu lại sách giáo khoa đã cho học sinh mượn. Hàng năm, ngân sách cấp bổ sung kinh phí tối đa 30% (đối với sách cho học sinh tiểu học) và tối đa 20% (đối với sách cho học sinh trung học cơ sở) để bù lại cho số sách bị hư hỏng hoặc mất mát không thu hồi lại được và cho cả trường hợp năm học sau số học sinh nhiều hơn năm học trước (nếu có). Trường hợp số sách cấp bổ sung vượt quá tỷ lệ quy định, các huyện phải có văn bản giải trình cụ thể.

Điều 4. Lập dự toán, cấp phát và thanh toán, quyết toán

1. Lập dự toán: các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở tổ chức xét duyệt và lập danh sách các học sinh thụ hưởng chính sách đang học tại trường, gửi UBND xã có học sinh theo học để đối chiếu sau đó tổng hợp gửi UBND huyện. Hàng năm, các huyện tổng hợp đối tượng thụ hưởng và kinh phí thực hiện chính sách này cùng với thời gian lập dự toán ngân sách của địa phương gửi Sở Tài chính, Ban Dân tộc, Sở Giáo dục và Đào tạo để xem xét, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí trong dự toán ngân sách tỉnh hàng năm.

2. Phương thức cấp: ngân sách tỉnh cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện để thực hiện chính sách. UBND các huyện giao kinh phí cho các trường để trực tiếp chi trả cho các đối tượng thụ hưởng chính sách.

3. Phương thức thanh toán, quyết toán:

a) Các đơn vị được phân công cấp hỗ trợ trực tiếp cho học sinh lập danh sách cấp phát cho học sinh thuộc đối tượng thụ hưởng theo sổ điểm danh học sinh đi học; trong đó, phải ghi rõ dân tộc, địa bàn thụ hưởng và số tiền hoặc số hiện vật (nếu cấp bằng hiện vật) học sinh được nhận;

b) Danh sách do giáo viên chủ nhiệm lập có xác nhận của giáo viên chủ nhiệm, của hiệu trưởng nhà trường và có chữ ký của học sinh, nếu học sinh không ký được thì phải lăn rõ dấu vân tay ngón tay trỏ của bàn tay phải (không được đánh dấu x). Riêng đối với học sinh hệ mẫu giáo thì phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật thay cho chữ ký của học sinh đó;

c) Các đơn vị được giao kinh phí hỗ trợ cho học sinh chịu trách nhiệm thanh toán và quyết toán kinh phí hỗ trợ cho học sinh đảm bảo đúng đối tượng, đúng địa bàn, đúng chế độ quy định.

Chương III.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 5.

1. Ủy ban nhân dân các huyện chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, triển khai, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách quy định tại Quy định này trong phạm vi địa bàn quản lý nhằm duy trì học sinh đi học đến lớp đều đặn các ngày trong tháng, hạn chế tối đa trường hợp học sinh nhận trợ cấp nhưng không đến lớp và định kỳ cuối mỗi học kỳ của năm học báo cáo tình hình thực hiện và quyết toán kinh phí hỗ trợ gửi Ban Dân tộc, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo.

2. Ban Dân tộc chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính hướng dẫn các huyện tổ chức thực hiện Quy định này; tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất về tình hình triển khai thực hiện, quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ của các địa phương và tổng hợp báo cáo, đánh giá tình hình thực hiện chính sách này cho Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Sở Tài chính chịu trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối kinh phí hàng năm và cấp phát kịp thời cho các địa phương để chi trả.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh các vướng mắc, UBND các huyện báo cáo UBND tỉnh (thông qua Ban Dân tộc, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo) xem xét, giải quyết./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Huỳnh Tấn Thành