THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện một số Điều của Nghị định số 198/CP của Chính phủ về hợp đồng lao động
____________________________________
Thi hành Nghị định số 198/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Bộ Luật lao động động về hợp đồng lao động; sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, một số Bộ, ngành có liên quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động.
I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI KHÔNG ÁP DỤNG HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Các trường hợp không áp dụng hợp đồng lao động đã quy định tại khoản 2 Điều 1 của Nghị định số 198/CP, nay hướng dẫn thêm như sau:
1. Người được bổ nhiệm giữ chức vụ giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng trong doanh nghiệp Nhà nước bao gồm: Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó tổng giám đốc, Phó giám đốc, kế toán trưởng của Tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước độc lập hoặc doanh nghiệp nhà nước khác; Giám đốc, Phó giám đốc, kế toán trưởng các đơn vị thành viên của Tổng công ty nhà nước theo quy định của Luật doanh nghiệp nhà nước ngày 20/4/1995;
2. Người được bổ nhiệm giữ chức vụ giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng trong các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc cơ quan Đảng, đoàn thể quản lý;
3. Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng quản lý của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
II. HÌNH THỨC, NỘI DUNG, LOẠI HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
1. Hình thức, nội dung hợp đồng lao động đã quy định tại Điều 2 Nghị định số 198/CP, nay hướng dẫn thêm như sau:
Hợp đồng lao động ký kết bằng văn bản phải theo bản hợp đồng lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát hành theo quy định tại Quyết định số 207/LĐTBXH-QĐ ngày 02/4/1993 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phát hành, quản lý và sử dụng bản hợp đồng lao động.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm cung cấp kịp thời bản hợp đồng lao động cho các đơn vị đóng trên địa bàn; kiểm tra và xử lý việc ấn hành bản hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc sử dụng bản hợp đồng lao động trái với quy định của Quyết định số 207/LĐTBXH-QĐ nói trên.
2. Loại hợp đồng lao động quy định tại Điều 3 Nghị định số 198/CP, nay hướng dẫn thêm như sau:
a) Công việc có tính chất thường xuyên, ổn định từ 1 năm trở lên được hiểu là công việc đó được thực hiện hết ngày này qua ngày khác liên tục từ 1 năm trở lên.
b) Những hợp đồng lao động đã ký kết có thời hạn 3 tháng đến dưới 1 năm để làm công việc có tính chất thường xuyên, ổn định từ 1 năm trở lên, thì chậm nhất 3 tháng kể từ ngày ban hành Thông tư này người sử dụng lao động phải chuyển sang ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn (nếu công việc không ấn định được thời gian kết thúc) hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 năm đến 3 năm (nếu công việc ấn định được thời gian kết thúc).
III. GIAO KẾT, THAY ĐỔI, TẠM HOÃN, CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
1. Giao kết hợp đồng lao động đã quy định tại Điều 4 Nghị định 198/CP, nay hướng dẫn thêm như sau:
Hợp đồng lao động được giao kết giữa người sử dụng lao động với người lao động.
a) Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân thì người có thẩm quyền ký hợp đồng lao động là đại diện pháp nhân theo pháp luật. Đại diện của pháp nhân theo pháp luật bao gồm:
- Đối với doanh nghiệp nhà nước là Tổng giám đốc Tổng công ty nhà nước; Giám đốc doanh nghiệp nhà nước độc lập, doanh nghiệp nhà nước khác theo quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật doanh nghiệp Nhà nước; Giám đốc doanh nghiệp hạch toán độc lập trực thuộc Tổng công ty nhà nước.
Các doanh nghiệp thành viên hạch toán phụ thuộc trực thuộc Tổng công ty nhà nước việc ký kết hợp đồng lao động theo sự phân cấp quy định trong Điều lệ của Tổng công ty hoặc uỷ quyền của Tổng công ty.
- Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là Tổng giám đốc (giám đốc) doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ doanh nghiệp có quy định khác.
- Đối với doanh nghiệp, tổ chức thuộc thành phần kinh tế khác, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ thuộc cơ quan Đảng, đoàn thể quản lý là Tổng Giám đốc (Giám đốc) doanh nghiệp hoặc người đứng đầu tổ chức.
- Đối với cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội là thủ trưởng cơ quan, tổ chức hoặc theo sự phân cấp quản lý nhân sự.
Trường hợp người có thẩm quyền nêu trên không trực tiếp ký kết hợp đồng lao động thì có thể uỷ quyền cho người khác bằng văn bản, trừ trường hợp phân cấp quản lý.
b) Người sử dụng lao động là cá nhân thì người ký hợp đồng lao động là người trực tiếp sử dụng lao động và không được uỷ quyền.
2. Hợp đồng lao động ký với người nghỉ hưu, người lao động làm việc cho đơn vị, cá nhân sử dụng dưới 10 lao động hoặc làm công việc có thời hạn dưới 03 tháng thì ngoài tiền lương, người lao động còn được người sử dụng lao động thanh toán các quyền lợi khác bằng 30% của tiền lương (tiền công) ghi trong hợp đồng lao động, bao gồm:
- Bảo hiểm xã hội = 15%
- Bảo hiểm y tế = 2% - Nghỉ hàng năm = 4%
- Riêng tiền tàu xe đi lại khi nghỉ phép đối với người lao động do hai bên thoả thuận, được ghi trong hợp đồng lao động hay thoả ước lao động tập thể, nhưng không quá 9% tiền lương (tiền công) ghi trong hợp đồng lao động.
Trong khi thực hiện hợp đồng lao động, người sử dụng lao động đã giải quyết được khoản nào khi thanh toán tiền lương với người lao động được trừ khoản đó.
3. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải bồi thường phí đào tạo nghề (nếu có) theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 198/CP, nay hướng dẫn như sau:
Người lao động được đào tạo nghề tại đơn vị hoặc được cử đi đào tạo ở trong nước hay ngoài nước do người sử dụng lao động chịu phí đào tạo hoặc người sử dụng lao động được cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ phí đào tạo nghề, mà đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải bồi thường phí đào tạo trong các trường hợp sau:
- Người được đào tạo nghề tự ý bỏ không học hết khoá;
- Người lao động không làm việc cho người sử dụng lao động khi hết hạn khoá đào tạo nghề;
- Người lao động có tiếp tục làm việc nhưng không đủ thời hạn đã cam kết trong hợp đồng lao động hoặc hợp đồng học nghề, trừ trường hợp bất khả kháng...
Phí đào tạo nghề gồm các khoản chi phí cho giảng dạy, tài liệu học tập, trường lớp, máy móc thiết bị, vật liệu thực hành, ăn ở, đi lại, tiêu vặt, tiền lương, học bổng v.v...
Mức bồi thường phí đào tạo do doanh nghiệp tính, được hai bên thoả thuận và ghi rõ trong bản hợp đồng lao động hoặc trong hợp đồng học nghề.
4. Những trường hợp người lao động được trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động đã quy định tại khoản 1 Điều 10 của Nghị định số 198/CP, nay hướng dẫn cụ thể thêm một số trường hợp người lao động được trợ cấp thôi việc như sau:
a) Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 85 của Bộ luật lao động;
b) Người lao động bị ngược đãi quy định tại điểm c khoản 1 Điều 37 của Bộ luật lao động. Ngược đãi được hiểu là khi người lao động bị đối xử tàn nhẫn, bị xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự;
c) Bản thân hoặc gia đình của người lao động thực sự khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng, quy định tại điểm d khoản 1 Điều 37 của Bộ luật lao động. Thực sự khó khăn là các trường hợp sau:
- Bản thân hoặc gia đình chuyển chỗ ở đến thường trú tại tỉnh, thành phố khác mà đi lại làm việc gặp nhiều khó khăn;
- Bản thân và gia đình được phép ra nước ngoài định cư;
- Người lao động phải chăm sóc vợ hay chồng, bố, mẹ đẻ; bố mẹ vợ (chồng) hoặc con bị ốn đau kéo dài trên 3 tháng.
d) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động quy định tại điểm a khoản 1 Điều 38 của Bộ luật lao động. Thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động, cụ thể là các trường hợp sau:
- Đối với loại hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 đến 3 năm, nếu hết ngày này qua ngày khác liên tục trên 2 tháng người lao động không hoàn thành khối lượng và chất lượng công việc do lỗi bản thân, thì được coi là thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
- Đối với loại hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm thì thời gian liên tục không hoàn thành công việc là 20 ngày;
- Đối với loại hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng thì thời gian liên tục không hoàn thành công việc là 10 ngày.
Khối lượng và chất lượng công việc nói trên được xác định trên cơ sở định mức lao động đã ghi trong thoả ước tập thể ngành hoặc thoả ước tập thể doanh nghiệp.
đ) Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức chấm dứt hoạt động quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 38 của Bộ luật lao động, là các trường hợp sau: doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được cấp có thẩm quyền quyết định giải thể, Toà án tuyên bố phá sản, giấy phép hoạt động đã hết thời hạn, chủ doanh nghiệp rút giấy phép kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền đồng ý hoặc đơn vị vi phạm pháp luật bị cơ quan có thẩm quyền rút giấy phép hoạt động.
5. Người lao động là công nhân viên chức trong doanh nghiệp nhà nước chưa chuyển sang ký hợp đồng lao động, khi thôi việc không do lỗi của người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm thoả thuận với họ về khoản trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc tại đơn vị ít nhất là nửa tháng lương cộng với phụ cấp lương, nếu có. Đồng thời, người sử dụng lao động hướng dẫn họ làm thủ tục để hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội theo Điều lệ bảo hiểm xã hội hiện hành.
6. Công nhân viên chức trong doanh nghiệp Nhà nước chuyển sang giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 12 Nghị định 198/CP, hướng dẫn cụ thể như sau:
Công nhân, viên chức thuộc lực lượng thường xuyên (biên chế cũ) đang làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước chưa chuyển sang ký hợp đồng lao động hoặc đã chuyển sang ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 năm trở lên hay dưới 1 năm, thì người sử dụng lao động phải chuyển họ sang ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trong vòng 3 tháng kể từ ngày ban hành Thông tư này.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
3. Thông tư này được phổ biến đến người lao động, các đơn vị sử dụng lao động.
Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc đề nghị phản ảnh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu giải quyết.