BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 1259QĐ/KHKT-PCVT
|
Hà Nội, ngày 04 tháng 6 năm 1996
|
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành quy định việc kiểm tra chất lượng các loại phương tiện cơ giới đường bộ được sản xuất lắp ráp theo thiết kế và mang nhãn hiệu hàng hoá của Nước ngoài
_______________________
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ mục 4 Điều 26 Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông được công bố theo lệnh của Chủ tịch nước số 38L/CTN, ngày 10-12-1994; - Căn cứ Nghị định số 22/CP, ngày 22-03-1994 của Chính phủ, quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ mục 2 Điều 5 Nghị định số 36/CP, ngày 29-5-1995 của Chính phủ về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị và Điều 15 của Điều lệ trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị ban hành kèm theo Nghị định 36/CP ngày 29-5-1995 của Chính phủ;
Căn cứ mục 3, Điều 3 và mục 4, Điều 4 Nghị định số 86/CP ngày 8-12-1995 của Chính phủ quy định, phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá;
Xét đề nghị của Ông Vụ trưởng Vụ Khoa học kỹ thuật và Ông Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Vận tải.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định việc kiểm tra chất lượng các loại phương tiện cơ giới đường bộ được sản xuất, lắp ráp theo thiết kế và mang nhãn hiệu hàng hoá của nước ngoài".
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quyết định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3: Các Ông Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học kỹ thuật, Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Vận tải, Cục trưởng cục đường bộ Việt Nam, Cục trưởng cục Đăng kiểm Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, thi hành Quyết định này.
QUY ĐỊNH
Việc kiểm tra chất lượng các loại phương tiện cơ giới đường bộ được sản xuất, lắp ráp theo thiết kế và mang nhãn hiệu hàng hoá của Nước ngoài
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1259QĐ/KHKT-PCVT,ngày 04 tháng 6 năm 1996)
1. QUY ĐỊNH CHUNG
1.1. Thuật ngữ dùng trong quy định này được hiểu như sau:
1.1.1. Phương tiện cơ giới đường bộ gồm có:
- Các loại ô tô chở người;
- Các loại ô tô chở hàng hoá;
- Các loại ô tô chuyên dùng (ôtô cần cẩu, ôtô cứu thương, ôtô chở nhựa đường nóng lỏng, ôtô chở bê tông tươi...);
- Sơ mi rơ moóc (nửa rơ moóc) và rơ moóc;
- Các loại mô tô 2 bánh, 3 bánh, các loại xe lam, xích lô máy.
- Các loại xe, máy thi công có nhu cầu lưu hành trên đường giao thông công cộng.
1.1.2. Sản xuất và lắp ráp các loại phương tiện cơ giới đường bộ trong quy định này là các nhiệm vụ sản xuất và lắp ráp theo các quy định của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Nhà nước (như các loại hình lắp ráp SKD, CKD1, CKD2 và IKD).
1.1.3. Cơ sở sản xuất là: Các cơ sở sản xuất trong nước bao gồm cả các liên doanh sản xuất và lắp ráp các phương tiện cơ giới đường bộ có vốn đầu tư của nước ngoài.
1.2. Đối tượng, phạm vi áp dụng của quy định
1.2.1. Tất cả các cơ sở sản xuất tiến hành sản xuất và lắp ráp các loại phương tiện cơ giới đường bộ theo thiết kế và mang nhãn hiệu hàng hoá của nước ngoài, đều phải chịu sự kiểm tra chất lượng sản phẩm theo các điều khoản của Quy định này.
1.2.2. Các loại phương tiện cơ giới đường bộ được sản xuất hoặc lắp ráp ở trong nước không theo thiết kế và không mang nhãn hiệu hàng hoá của nước ngoài không thuộc phạm vi áp dụng của quy định này.
1.2.3. Quy định này không áp dụng đối với phương tiện cơ giới đường bộ dùng vào mục đích quân sự của Bộ Quốc phòng và mục đích đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội của ngành công an.
2. QUY ĐỊNH VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ SẢN XUẤT, LẮP RÁP PHƯƠNG TIỆN CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ
2.1. Các cơ sở sản xuất khi có nhu cầu sản xuất hoặc lắp ráp để cung ứng ra thị trường trong hoặc ngoài nước các loại phương tiện cơ giới đường bộ theo thiết kế và mang nhãn hiệu hàng hoá của nước ngoài phải tiến hành đăng ký sản xuất hoặc lắp ráp các loại phương tiện cơ giới đường bộ tại Cục Đăng kiểm Việt Nam.
2.2. Hồ sơ đăng ký xin sản xuất, lắp ráp phương tiện cơ giới đường bộ gồm có:
- Kiểu dáng của sản phẩm;
- Bản vẽ tổng thể của sản phẩm;
- Các tiêu chuẩn thiết kế và chế tạo áp dụng trong quá trình lắp ráp và sản xuất;
- Bản giới thiệu các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật (bao gồm cả chi tiêu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường) của sản phẩm;
- Danh sách các nước đã và đang sản xuất, sử dụng sản phẩm cùng loại;
- Bản sao đăng ký chất lượng và nhãn hiệu hàng hoá của cơ quan có thẩm quyền Nhà nước (của nước ngoài) nơi sản phẩm đã được cấp chứng chỉ chất lượng và Đăng ký chất lượng hàng hoá;
- Loại hình lắp ráp và số lượng sản phẩm xin được lắp ráp dự kiến cho các chu kỳ sản xuất;
- Văn bản thoả thuận hoặc hợp đồng tiến hành sản xuất hoặc lắp ráp sản phẩm giữa nhà sản xuất nước ngoài với cơ sở xin được sản xuất hoặc lắp ráp sản phẩm ở trong nước, trong đó có ghi rõ trách nhiệm và cam kết của mỗi bên về việc chuyển giao, tiếp thu công nghệ cũng như trong việc thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo được chất lượng hàng hoá của sản phẩm sản xuất, lắp ráp trong nước tương đương với chất lượng sản phẩm nguyên mẫu của nhà sản xuất nước ngoài.
- Quy trình công nghệ sản xuất và lắp ráp; tiêu chuẩn và quy trình kiểm tra (bao gồm cả việc giới thiệu các thiết bị kiểm tra được sử dụng trong quá trình kiểm tra) của từng công đoạn và cho toàn bộ sản phẩm khi được hoàn thành nhằm đảm bảo chất lượng, đặc tính kỹ thuật của sản phẩm tương đương với sản phẩm nguyên mẫu của nhà sản xuất nước ngoài.
- Bản đăng ký thuyết minh về phương pháp đánh số máy, số khung từ sản phẩm đầu tiên cho đến các sản phẩm tiếp theo của loại sản phẩm đăng ký sản xuất, lắp ráp.
2.3. Quy định về việc cho phép sản xuất hoặc lắp ráp phương tiện cơ giới đường bộ.
Căn cứ vào hồ sơ xin đăng ký và đối chiếu với các quy định hiện hành của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền liên quan đến phương tiện cơ giới đường bộ, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ trình Bộ Giao thông vận tải quyết định việc cho phép sản xuất hoặc lắp ráp sản phẩm xin đăng ký.
Việc thông báo cấp phép được tiến hành không quá 15 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký theo đúng quy định.
2.4. Cơ sở sản xuất phải nộp lệ phí đăng ký theo quy định của Bộ Tài chính.
3. QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TRA VÀ CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM
3.1. Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng trình Bộ Giao thông vận tải ban hành quy trình, quy phạm liên quan đến việc kiểm tra và chứng nhận chất lượng sản phẩm. Thống nhất quản lý hệ thống các biểu mẫu, các loại giấy chứng nhận chất lượng, các loại phiếu kiểm tra chất lượng sản phẩm đồng thời hướng dẫn việc cấp và sử dụng các loại chứng chỉ này cho từng sản phẩm thuộc kiểu loại đã đăng ký.
3.2. Hồ sơ đề nghị kiểm tra, cấp giấy chứng nhận sản phẩm.
Khi hoàn thành sản phẩm đầu tiên của loại sản phẩm đã đăng ký, cơ sở sản xuất lập hồ sơ đề nghị kiểm tra để được chứng nhận chất lượng sản phẩm gửi về Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Hồ sơ bao gồm:
- Báo cáo về giải pháp công nghệ đã được thực hiện phục vụ cho việc hoàn thành và đảm bảo chất lượng sản phẩm;
- Kết quả kiểm tra chất lượng sản phẩm theo quy định của từng công đoạn của loại hình sản xuất, lắp ráp đã đăng ký và kết quả kiểm tra chất lượng sản phẩm cuối cùng của cơ sở sản xuất so với sản phẩm nguyên mẫu đã được sản xuất ở nước ngoài.
- Văn bản của nhà sản xuất nước ngoài công nhận chất lượng sản phẩm tương đương với sản phẩm nguyên mẫu.
3.3. Hội đồng kiểm tra chất lượng sản phẩm
3.3.1. Thành phần Hội đồng kiểm tra chất lượng sản phẩm của Bộ Giao thông vận tải bao gồm các thành viên chính sau đây:
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng.
Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam - Uỷ viên Hội đồng.
Đại diện Vụ KHKT Bộ GTVT - Uỷ viên Hội đồng.
Khi cần thiết Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam báo cáo cho Bộ Giao thông vận tải ra quyết định bổ sung các thành viên khác của Hội đồng.
3.3.2. Hội đồng kiểm tra chất lượng sản phẩm làm việc theo nguyên tắc dân chủ, bàn bạc để đi đến thống nhất. Trong trường hợp có ý kiến khác nhau thì Chủ tịch Hội đồng có ý kiến quyết định.
3.3.3. Hội đồng kiểm tra chất lượng sản phẩm có trách nhiệm sau đây:
- Kiểm tra, đánh giá các trang thiết bị cơ sở vật chất kỹ thuật và các giải pháp công nghệ đã được cơ sở sản xuất thực hiện nhằm hoàn thành và đảm bảo chất lượng của sản phẩm.
- Kiểm tra, đối chiếu quy cách, tiêu chuẩn chất lượng theo loại hình sản xuất, lắp ráp đã đăng ký với các sản phẩm đã được hoàn thành. - Kiểm tra việc thực hiện các quy trình công nghệ và quy trình kiểm tra chất lượng của các cơ sở sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng cho sản phẩm đã đăng ký.
- Kiểm tra, đối chiếu các chứng từ kiểm tra chất lượng sản phẩm của cơ sở sản xuất và các chứng nhận, các thoả thuận công nhận chất lượng của nhà sản xuất nước ngoài đối với sản phẩm của cơ sở sản xuất trong nước.
- Lập biên bản kiểm tra chất lượng sản phẩm.
3.3.4. Cơ sở sản xuất có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ điều kiện thuận lợi để Hội đồng nghiệm thu chất lượng làm việc có kết quả.
3.3.5. Hội đồng kiểm tra chất lượng sản phẩm chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng kiểm tra của mình.
3.4. Cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm
3.4.1. Cục Đăng kiểm Việt Nam căn cứ vào kết luận của Hội đồng kiểm tra chất lượng để cấp chứng nhận chất lượng cho sản phẩm đầu tiên thuộc kiểu loại đã đăng ký.
Giấy chứng nhận này được cấp riêng cho từng kiểu loại sản phẩm đã đăng ký để làm thủ tục đăng ký chất lượng hàng hoá với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Nhà nước, đồng thời được sao lại để cấp cho từng sản phẩm cùng loại như quy định ở mục 3.4.5. dưới đây.
3.4.2. Sau khi được cấp chứng nhận chất lượng cho sản phẩm đầu tiên, cơ sở sản xuất được phép tiến hành sản xuất các sản phẩm cùng loại tiếp theo như đã đăng ký. Trừ trường hợp Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra phát hiện thấy cơ sở sản xuất không đảm bảo chất lượng sản phẩm đã đăng ký thì cơ sở phải đình chỉ sản xuất để tiến hành kiểm tra lại chất lượng sản phẩm.
3.4.3. Cơ sở sản xuất phải nộp lệ phí chứng nhận chất lượng sản phẩm theo quy định của Bộ Tài chính.
3.4.4. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận chất lượng cho sản phẩm đầu tiên, cơ sở sản xuất được phép tự nghiệm thu và lập phiếu kiểm tra chất lượng cho các sản phẩm tiếp theo và phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình.
Phiếu kiểm tra chất lượng cho từng sản phẩm của cơ sở sản xuất phải làm theo mẫu quy định và đăng ký tại Cục Đăng kiểm Việt Nam. Trong đó phải ghi rõ số máy, số khung của từng sản phẩm phù hợp với bản đăng ký và thuyết minh về cách đánh số máy, số khung, được nêu tại mục 2.2.
Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của cơ sở sản xuất được dùng để làm các thủ tục đăng ký phương tiện, kiểm định an toàn, cấp phép lưu hành hoặc để làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm khi cần thiết.
3.4.5. Cơ sở sản xuất có trách nhiệm giao cho khách hàng hoặc chủ phương tiện 2 bộ hồ sơ để làm các thủ tục sau:
- 1 bộ hồ sơ để làm thủ tục đăng ký phương tiện;
- 1 bộ hồ sơ để dùng vào việc kiểm định an toàn và cấp phép lưu hành;
Mỗi bộ hồ sơ nói trên gồm có:
- Bản sao Giấy chứng nhận chất lượng cho sản phẩm đầu tiên cùng loại do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp;
- Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của cơ sở sản xuất (như đã nêu tại mục 3.4.4.);
- Bản giới thiệu các chỉ tiêu kinh tế và kỹ thuật của phương tiện;
- Các tài liệu kỹ thuật có liên quan phục vụ cho việc khai thác, sửa chữa và kiểm định an toàn kỹ thuật.
4. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
4.1. Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm phối hợp với Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Khoa học kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện quy định này.
4.2. Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm lưu trữ các hồ sơ có liên quan đến việc đăng ký, cấp chứng nhận chất lượng cho các loại phương tiện cơ giới đường bộ được sản xuất và lắp ráp thuộc phạm vi áp dụng của quy định này. Hàng quý Cục Đăng kiểm Việt Nam tổng hợp tình hình báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Giao thông vận tải (qua Vụ Khoa học kỹ thuật).
4.3. Những sản phẩm trước đây đã được Hội đồng kiểm nghiệm kỹ thuật liên Bộ Giao thông vận tải - Nội vụ cho phép sản xuất hàng loạt không trái với quy định này vẫn có giá trị hiện hành.
4.4. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Những quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.